Điều kiện căn bản để cho một đất nước lớn mạnh cạnh tranh với thế giới đó là một cơ chế nhà nước tôn trọng những quyền căn bản của Con Người mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhìn nhận trong Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền.
Những quyền căn bản đó tạo ra một xã hội có sự kiểm soát những người cầm quyền, các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân sống trong xã hội đó. Sự kiểm soát được nằm trong những bộ luật để phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng sống trong xã hội đó. Những bộ luật đó làm giảm sự bất bình đẳng giữa các thành phần trong xã hội; tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể phát triển tài năng và đem tài năng đó đóng góp cho đất nước; tạo cơ hội để phát hiện những hiện tượng xấu trong xã hội nằm đưa ra biện pháp đối phó trước khi hiện tượng đó trở thành vấn nạn của đất nước.
Những quốc gia độc tài sẽ không bao giờ có thể lớn mạnh để cạnh tranh với các quốc gia khác bởi vì các quốc gia độc tài đã bóp chết Nhân Quyền, cái cần thiết để công dân có thể xây dựng đất nước của mình. Cho nên chờ đợi các nhà lãnh đạo độc tài tôn trọng nhân quyền là một điều khôi hài.
Việt Nam là một thể chế độc tài. Nhân Quyền trên toàn cõi Việt Nam thực sự mất kể từ ngày 30-4-1975. Tất cả quyền Con Người căn bản mà chúng ta đã có từ thời nguyên thuỷ của Con Người hoàn toàn bị tiêu diệt ở Việt Nam. Cũng từ thời điểm đó, một cuộc đấu tranh mới xảy ra: Đấu Tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Cuộc đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam khởi đầu vào ngày 30-4-1975, khi mà quyền sống căn bản của một Con Người hoàn toàn bị cướp đoạt. Cuộc đấu tranh này gồm có hai thành phần: người Việt trong nước và người Việt ngoài nước. Hai thành phần này đóng hai vị trí hoàn toàn khác nhau cho cùng một mục đính Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Những người đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam ở trong nước suốt hơn 40 năm qua đã bị bắt, đi tù, bị chết trong tù, bị thủ tiêu, hoặc đang tiếp tục nằm trong trại tù trên khắp lãnh thổ. Những người này là những tấm gương để những cá nhân khác, đặc biệt thành phần trẻ trong nước, nhận thức được vấn đề quan trọng của Nhân Quyền trong việc xây dựng và phát triển đất nước nhằm tiếp tục cuộc đấu tranh này. Không hẳn tự nhiên Trần Huỳnh Duy Thức chọn thái độ tuyệt thực để đòi hỏi quyền làm Con Người cho chính mình và dân tộc mình. Thái độ tuyệt thực của anh gửi đến những người khác sống trong nước là Nhân Quyền là căn bản sống của dân tộc và cuộc đấu tranh cho Nhân Quyền có thể xảy ra ở bất cứ đâu, ngay cả ở trong tù anh Thức vẫn có thể thực hiện cuộc đấu tranh này bằng cách tuyệt thực, cái duy nhất mà anh có thể làm trong trại tù của đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất) csvn. Đây là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho dù chúng ta có một cơ chế nhà nước dân chủ, cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục để ngăn cản những vụ vi phạm nhân quyền mà ở một chính quyền dân chủ có thể xảy ra. Thành phần trong nước là thành phần chủ động để đẩy mạnh sự thay đổi của cơ chế nhà nước độc tài thành một cơ chế nhà nước dân chủ, tôn trọng quyền Con Người. Cũng giống như lý luận của người Cộng Sản, nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh. Quyền Con Người tại Việt Nam bị cướp đoạt trắng trợn cho nên không có gì phải ngạc nhiên trong hơn 41 năm qua — vẫn có những cá nhân trong nước tiếp tục đấu tranh cho Quyền Con Người cho chính mình và dân tộc mình.
Thành phần ở ngoài nước có tác động tinh thần đối với những người trong nước. Vai trò của người Việt ở ngoài nước là vận động quốc tế, tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để làm áp lực gián tiếp với nhà cầm quyền độc tài VN trong việc đối xử với những người bị bắt vì đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam. Sự vận động của người Việt ở ngoài nước đối với quốc tế — không ít thì nhiều — tạo được áp lực với những người cầm quyền tại VN trong việc ngăn cản sự thủ tiêu những cá nhân tranh đấu Nhân Quyền Cho Việt Nam — đồng thời bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thả những người tù gọi là người tù Lương Tâm, những người đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Thời điểm hôm nay, đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam đang ở cao điểm mà sự kiện môi sinh ở Vũng Áng đã tạo ra những cuộc biểu tình đòi hỏi sự minh bạch của giới cầm quyền, đòi hỏi quyền được sống trong một môi trường không bị ô nhiễm. Thay vì giải quyết vấn đề môi sinh, thực hiện minh bạch thì đãng cầm quyền ở VN tiếp tục che đậy sự thật, tiếp tục đàn áp những người biểu tình bất bạo động. Hình ảnh người dân biểu tình bị lực lượng Thanh Niên Xung Phong đánh – với sự bảo kê của giới công an — được lan truyền trên khắp thế giới. Hình ảnh công án đánh người phụ nữ mang thai chỉ bởi vì người phụ nữ này đi biểu tình đòi môi trường sống sạch được người Việt trên toàn thế giới biết đến. Trong tương lai, giới cầm quyền sẽ tiếp tục ra tay đàn áp. Và để đáp lại sự đàn áp này, sẽ có nhiều người không còn sợ hãi để tiếp tục đứng lên biểu tình giành lại quyền được sống trong môi trường sạch cho chính mình và con cháu mình sau này. Thành phần người Việt trong nước đang tích cực để làm chuyện này trong tháng 5 và sẽ tiếp tục ở thời gian tới.
Lực lượng người Việt tại hải ngoại đấu tranh cho nhân quyền phản ứng ra sao? Vẫn là hình thức đấu tranh chưa có sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau phối hợp trong việc vận động quốc tế cũng như quốc gia mình cư ngụ. Cái thế mạnh của người Việt tại hải ngoại đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam đã không được khai triển đúng khả năng trong suốt 40 năm qua.
Có bao nhiêu tổ chức đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam trên toàn thế giới và những tổ chức này có phối hợp lại với nhau để tạo một phong trào vận động đồng nhịp nhưng độc lập? Độc lập có nghĩa là những tổ chức này vẫn làm việc riêng nhưng cùng nhau tiến công cùng một lúc — thì sức mạnh trong công việc đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam đối với quốc tế mới có kết quả cao. Nếu mỗi tổ chức làm việc riêng lẽ thì số người tham dự ký bản kiến nghị sẽ ít bởi không được nhiều người biết đến và thiếu sự vận động sâu rộng từ quần chúng. Chưa kể tiền bạc và nhân sự bị phân tán trong việc thu lấy tài liệu vi phạm nhân quyền để trình với các cơ quan quốc tế.
Cho nên nhu cầu các tổ chức hoạt động Nhân Quyền Cho Việt Nam của người Việt trên toàn thế giới cần phải liên lạc, hợp tác và chia ra công việc, cũng như đưa ra những kế hoạch vận động và cùng nhau làm đồng loạt, lúc ấy một bản kiến nghị có 1 triệu chữ ký trên toàn thế giới để gửi lên cho các cơ quan quốc tế nhân quyền. Các cơ quan hoạt động Nhân Quyền Cho Việt Nam này không thể không có sự liên lạc với các tổ chức cộng đồng bởi chính những tổ chức cộng đồng sẽ giúp để cùng nhau vận động quốc tế và chính quyền địa phương mạnh mẽ qua sự vận động những người Việt tại địa phương.
Chúng ta có thể khác biệt ở cách làm việc nhưng không vì sự khác biệt đó, chúng ta không chịu liên kết để đẩy mạnh sự đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam đồng nhịp với sự bộc phát trong nước hiện giờ. Liên kết để đồng một thời điểm, tất cả mọi nơi trên thế giới, người Việt có thể ký vào một kiến nghị với 1 triệu chữ ký, giá trị của nó cao hơn 10 kiến nghị của mười tổ chức (hay cá nhân) với con số chữ ký chỉ có 100 ngàn cho mỗi kiến nghị. Liên kết để chúng ta có những hình ảnh vi phạm nhân quyền đồng nhịp gửi đến các cơ quan quốc tế nhân quyền — để cộng đồng người Việt có một tiếng nói duy nhất trong công cuộc đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam. Khi chúng ta có một tiếng nói duy nhất của một tập thể người Việt trên toàn thế giới — thì sức mạnh đó mới có thể giúp những người trong nước trên lãnh vực thức tỉnh những người đang còn ngủ tại VN, đồng thời gián tiếp làm áp lực với nhà cầm quyền VN thay đổi cơ chế để VN không bị phương Bắc thôn tính.
Câu hỏi đặt ra là liệu chuyện liên kết các tổ chức hoạt động Nhân Quyền Cho Việt Nam xảy ra được hay không? Và ai, tổ chức nào sẽ đứng ra làm việc liên kết này?
Những ai có ý kiến cho bài viết này, những ai muốn đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam, xin gửi thư qua địa chỉ nganlau121212@gmail.com để chúng ta có thể trao đổi và tìm phương cách cho các tổ chức đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam cùng làm việc chung — nhưng vẫn độc lập để đạt hiệu quả cần thiết cho những người trong nước.
Đây là thời điểm chúng ta, những người Việt sống ngoài nước quan tâm về Nhân Quyền Cho Việt Nam cần phải nhìn lại chính mình, đánh giá lại chính mình và tìm một phương cách làm việc để phát triển được sức mạnh của người Việt tại hải ngoại trong công cuộc đấu tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 5, 2016
Dallas, TX