Bất cứ xã hội nào cũng đều được hình thành từ nhiều thành phần trong xã hội. Sự đa dạng của các thành phần trong xã hội sẽ tạo ra sự sống động và sáng tạo của xã hội đó.
Hãy nhìn vào xã hội Mỹ để thấy sự đa dạng đó ra sao. Hãy loại bỏ các giống dân sống trên đất Mỹ bởi đây không phải là sự đa dạng mà người viết muốn nhắm đến. Cái đa dạng ở Mỹ là xã hội được hình thành từ nhiều thành phần gồm có các giáo sư, học giả, chuyên gia, kinh tế gia, các tổ chức chuyên nghiệp (luật sư, giáo chức, y tế, ký giả, kế toán kiểm soát, ngân hàng, thiện nguyện, tôn giáo v.v…), các cơ quan truyền thông độc lập, các công ty nghiên cứu và sáng tạo để đưa những sản phẩm mới ra thị trường. Tất cả những thành phần này, trong sinh hoạt của hiến pháp và luật pháp, đã tạo ra sự lớn mạnh của quốc gia Mỹ. Tất cả những thành phần xã hội này đã tạo ra sự cân bằng, kiểm soát để phát hiện những cái xấu hầu sửa đổi trước khi cái xấu trở thành vấn nạn to cho toàn xã hội và đất nước.
Sự lớn mạnh này không những về mặt kinh tế, tài chính mà còn lớn mạnh về trí tuệ để tạo ra những sản phẩm cung cấp cho thế giới, cũng như tạo ra những sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ mà kỷ thuật súng đạn, tàu chiến dành cho chiến tranh là một thí dụ điển hình. Nhưng để đạt được những gì mà quốc gia Hoa Kỳ đang có (cường quốc), để đạt được sự sáng tạo và sống động này, chính cái cơ chế tam quyền phân lập đã đẩy xã hội Mỹ càng ngày càng lớn mạnh và giữ vững thế cường quốc trong khoảng thời gian khá dài. Đến giờ phút này, chưa có một cường quốc nào có đầy đủ sức mạnh quân sự để hiện diện ở trên tất cả vùng biển của quốc tế gồm bốn đại dương ngoài Hoa Kỳ.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nhìn về đất nước Việt Nam để xem có bao nhiêu thành phần trong xã hội cấu tạo nên xã hội VN và tại sao sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, VN vẫn là một quốc gia yếu kém về mọi lãnh vực. Trước khi các bạn đọc tiếp những dòng chữ dưới đây, xin các bạn hãy can đảm xoá bỏ những tự hào dân tộc, những tự ái dân tộc để rồi từ đó tạo ra sự tự hào vô lý và rồi các bạn sẽ không hiểu rõ những điều mà người viết bài này, trong một tinh thần tôn trọng sự thật và mong muốn xây dựng một xã hội đầy Con Người Tính (nhân tính) của Việt Nam.
Thực tình mà nói — đất nước Việt với hơn bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta, sau hơn 41 năm thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của đãng (xin dùng dấu ngã cho đúng bản chất của nó) cộng sản việt nam, Việt Nam chỉ có hai thành phần trong xã hội. Thành phần thứ nhất là những người tự nhận là ưu tú của xã hội và bởi là thành phần ưu tú — họ là thành phần được cầm quyền, được cai trị thành phần thứ hai trong xã hội. Thành phần thứ hai trong xã hội là những người nô lệ, những người bị trị phải phục vụ thành phần thứ nhất hay còn gọi là thành phần ưu tú (giới cầm quyền) của xã hội.
Dĩ nhiên sẽ có bạn không đồng ý với nhận định trên. Bởi thực tế Việt Nam vẫn có những bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, các chuyên gia, các luật sư, các cơ quan truyền thông, các công ty lớn.
Vâng. Đúng vậy. Nhưng những thành phần này đều phải chịu sự kiểm soát của thành phần thứ nhất, tức là thành phần cầm quyền hiện giờ, tức là đãng csvn. Dù là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, luật sư, các vị này vẫn là nô lệ cho cái đãng hiện giờ. Khác chăng là thành phần này là nô lệ cho đãng, được đãng trả lương và phải phục tùng đãng để được nhận đồng lương (chính thức hay bất chính không thành vấn đề ở đây, mà là có tiền để sống bằng cách cấu kết với kẻ cầm quyền, làm nô lệ để có tiền mà sống sung sướng hơn số đông). Còn thành phần nô lệ khác là người dân, bị đãng đì từ mọi mặt, từ chuyện cướp đất, cướp nhà đến chuyện ra những bộ luật vô lý để móc túi của người dân. Những người nô lệ này hoàn toàn không có quyền để móc nối với người cầm quyền bởi chỉ là những người dân thấp cổ bé miệng, không đủ kiến thức để biết móc nối với cường quyền nhằm làm giàu cho chính bản thân mình như những người nô lệ bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, luật sư.
Có thể các luật sư, tiến sĩ, kỷ sư, bác sĩ … không nghĩ mình là người nô lệ, cũng giống như đa số dân chúng tại VN không nghĩ mình là người nô lệ. Nhưng thực tế như đã nhận xét bên trên, xã hội Việt Nam chỉ có hai thành phần tồn tại đó là thành phần thống trị (đãng csvn) và thành phần bị trị (những nô lệ đội lốp người dân, “trí thức” xã hội chủ nghĩa, các công ty quốc doanh hay hợp doanh của người Việt với giới cầm quyền). Đối với các công ty hợp doanh với người nước ngoài thì người nước ngoài là chủ, người Việt là nô lệ (trong quyển sách Ước Mơ Của Thuỷ, tác giả Lê Việt Kỳ Nhi đã viết “trước mắt nền kinh tế của chúng ta đang bị chi phối bởi những nhà đầu tư nước ngoài mà người làm công lại chính là dân chúng ta. Đó có phải chăng là một hình thức nô lệ mới?”). Có những triệu phú, tỷ phú ở VN, không cấu kết với nhà cầm quyền để làm giàu mà làm giàu do tài quản trị cơ sở thương mại của mình nhưng thử hỏi, trong những triệu phú này, ai không bôi trơn kẻ cầm quyền? Bôi trơn là hành động của người nô lệ, phải lo lót cho chủ nhân ông (giới thống trị) để mình được làm ăn yên ổn. Và sự giàu có này có thể bị cướp đoạt bất cứ lúc nào nếu thành phần thống trị này muốn cướp đoạt. Họ chỉ cần cho lực lượng công an, côn đồ dàn ra những chứng cứ nguỵ tạo để bắt bỏ tù và tịch thu tài sản mà những người này sẽ không có đủ sức mạnh quyền lực chống lại giới thống trị (khi toà án để phục vụ giới thống trị thì làm gì có chuyện công bằng, công lý đối với thành phần bị trị trước toà án).
Vâng! Đây chính là một hình thức nô lệ mới mà người nô lệ không nhận ra được mình bị nô lệ, bị bóc lột, bị trấn áp, bị đàn áp. Và nếu nhận ra được thì mặc nhiên chấp nhận số phận nô lệ đó bởi nghĩ rằng mình không có đủ sức mạnh để chống lại kẻ thống trị. Cả dân tộc bị đãng csvn lừa gạt để tham gia vào những trận chiến vô bổ để rồi quyền hành được thâu tóm và họ trở thành kẻ thống trị, đàn áp người dân.
Khi thành phần thống trị muốn làm gì thì làm và khi thành phần bị trị ngoan ngoãn để cho thành phần thống trị đàn áp, bóc lột mình thì xã hội sẽ không bao giờ tiến bộ. Bởi thành phần thống trị chẳng có một tinh thần cạnh tranh nào. Khi mà sự độc tài nằm trong tay của mình, khi mà thành phần bị trị ngoan ngoãn phục tùng mình và mình được ăn sung mặc sướng – vậy thì đâu có lý do gì để thay đổi cái cơ chế hiện giờ phát xuất từ thành phần thống trị. Cho nên ý muốn thay đổi cơ chế phải phát xuất từ thành phần nô lệ, thành phần bị trị chứ không thể nào phát xuất từ thành phần thống trị.
Đại hội đãng csvn đã xong. Trọng hay Dũng nắm quyền hành chẳng thay đổi gì đối với thành phần bị trị. Cho dù trong thời kỳ đại hội, dân cư mạng lên tiếng ủng hộ Dũng nhưng sự ủng hộ này cũng chỉ là cảm tính, chưa nhìn ra rõ vấn đề, hoặc chỉ là thủ thuật ủng hộ với niềm hy vọng Dũng sẽ thay đổi cơ chế. Giờ thì mọi người đã vỡ mộng. Dũng sẽ hạ cánh an toàn bên Mỹ (dự đoán chứ không chắc) bởi Mỹ là quốc gia có luật pháp và Dũng có tiền nhiều, sống tại quận Cam thì ai biết. Và dù có biết cộng đồng VN làm được gì ngoài chuyện đứng trước nhà Dũng biểu tình. Không khéo hàng xóm của Dũng báo cảnh sát là gây xáo trộn thì sự biểu tình cũng phải chấm dứt.
Khi mà con người không có sự tự do, khi mà con người sống dưới sự đàn áp từ mọi thứ thì những con người đó là nô lệ cho giới thống trị. Và ngày nào xã hội vẫn còn hai thành phần như thế thì xã hội đó sẽ không bao giờ phát triển. Mỹ, Nhật, Nam Hàn và các nước dân chủ trên thế giới phát triển bởi họ có một cơ chế dân chủ mà người cầm quyền bị sự kiểm soát của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự; và các tổ chức xã hội dân sự chịu sự kiểm soát của luật lệ đưa ra từ phía người cầm quyền. Ai vi phạm quyền hạn của mình sẽ bị luật pháp trừng trị cho dù là Tổng Thống của một quốc gia. Việt Nam thì giới cầm quyền nằm trên luật pháp, xem luật pháp là chỉ để áp dụng cho dân và tiếp tục đưa ra những bộ luật để làm giàu cho bản thân mà không cần biết dân ủng hộ hay không ủng hộ. Dĩ nhiên khi mà thành phần bị trị, hay gọi nôm na là thành phần nô lệ kiểu mới không chống đối thì giới cai trị sẽ tiếp tục làm mưa làm gió.
Ai cũng mong muốn VN thay đổi cơ chế để có thể vươn lên với thế giới mới của hôm nay. Nhưng sự thay đổi này bắt buộc phải khởi xướng từ thành phần nô lệ — tức là thành phần bị trị hiện giờ. Liệu tất cả những nô lệ đang nằm trong bộ máy cầm quyền, đang ở ngoài bộ máy cầm quyền có dám đứng lên chống lại giới thống trị để dân tộc Việt, đất nước Việt có thể vươn lên? Ai nói thành phần nô lệ không có sức mạnh? Vấn đề là thành phần nô lệ thiếu đoàn kết. Nếu tất cả người dân đồng lòng bãi chợ, ngưng ngay các hoạt động trong một tuần, hai tuần thì liệu cái đãng cầm quyền này có thể tiếp tục cầm quyền hay không? Chính khối nộ lệ đã giúp cho đãng cầm quyền này tồn tại. Cho nên, cần phải đồng lòng thực thi bãi chợ, đình công, không cho con đi học. Bởi học để làm gì với cái cơ chế này ngoài chuyện học để làm nô lệ tích cực cho đãng cầm quyền.
Sự thay đổi đang mở ra cho Việt Nam. Sự thay đổi này đang nằm trong tay của thành phần thứ hai trong xã hội, thành phần bị trị, thành phần đang là nô lệ kiểu mới. Hãy chuẩn bị tinh thần để hy sinh, một sự hy sinh cuối cùng bằng hành động đơn giản: Đình Công, Bãi Chợ, Ngưng Các Hoạt Động vài tuần là điểm khởi đầu.
Xin chấm dứt bài viết này bằng bản nhạc mà người viết đã nghe trong những ngày tháng đầu của 30-4-1975. “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”. Xin tạm sửa lời “vùng lên hỡi các nộ lệ ở Việt Nam. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn (cực khổ bần hàn phải hiểu ở nghĩa rộng, tức là quyền được sống, quyền Con Người chứ không hẳn chỉ là miếng ăn)”.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 3 năm 2016
Dallas, TX