Người Việt và Thuế Tại Hoa Kỳ (phần 1)

Cuộc sống của người Việt tại Hoa Kỳ cũng giống như các giống dân khác sống trên đất nước này. Nghĩa là có hai điều mà người dân sống tại Hoa Kỳ nói chung, người Việt nói riêng, không bao giờ tránh khỏi — đó là chuyện đóng thuế và cái chết.

Thuế thì có nhiều hình thức thuế mà tất cả nước nào cũng có luật thuế. Tuy nhiên đề tài hôm nay không nói về hình thức của các loại thuế — mà là nói về người Việt trên lãnh vực đóng thuế và người làm công việc khai thuế cho người khác, đặc biệt là khai thuế cho những người Việt không rõ về luật thuế.

Dĩ nhiên bản tính tự nhiên của Con Người, dù là người Mỹ hay người Việt, ai cũng muốn đóng thuế càng ít càng tốt. Người làm nghề khai thuế cho người khác vào mùa thuế lợi tức, thông thường từ giữa tháng 1 cho đến giữa tháng 4, luôn luôn tìm đủ mọi cách để thân chủ của mình (người đóng thuế) lấy tiền về thật nhiều, hoặc giảm bớt tiền phải đóng thuế lại cho chính quyền liên bang dựa vào những bộ luật thuế được áp dụng cho tất cả mọi người, gồm cả các công ty.

Tuy rằng luật thuế lợi tức tại Hoa Kỳ áp dụng cho mọi người, nhưng những ai giàu thì có nhiều cách để đóng thuế ít hơn những người nghèo. Hãy lấy thí dụ điển hình để chứng minh điều này. Nếu ai đó có một số tiền thật lớn đầu tư vào Municipal Bond (một hình thức chính quyền tiểu bang mượn tiền để tài trợ cho những dự án lâu dài như xây dựng lại đường xá, cầu cống, hay những công trình xây dựng cần phải làm nhưng ngân sách chưa cho phép do đó phải mượn nguồn vốn từ bên ngoài) và trong năm cá nhân này được trả số tiền lời là 100 ngàn đồng. Theo luật thuế của liên bang thì số tiền này không bị thuế lợi tức của liên bang bởi tiền lời nhận từ chính quyền tiểu bang qua dạng municipal bond. Một người khác đi làm nhân công cho một công ty nào đó cũng với số tiền lương là 100 ngàn đồng trong năm — thì số tiền 100 ngàn này sẽ bị nhiều loại thuế với số phần trăm là 15% — 25% tùy theo cá nhân này có gia đình hay không có gia đình.

Ở một khía cạnh nào đó chúng ta cho rằng điều này không công bằng bởi cũng với số tiền thu vào là 100 ngàn nhưng một người sau khi trừ thuế xong chỉ lấy về khoảng 70 hoặc 80 trong khi người kia thì bỏ vào túi mình 100 ngàn không phải đóng thuế đồng nào. Nếu chỉ nhìn vào con số để đánh giá không công bằng thì không chính xác lắm, bởi vì ai cũng có thể bỏ tiền mua municipal bond để được trả tiền lời mỗi năm và không phải đóng thuế cho chính quyền liên bang. Tiếc rằng chỉ có người giàu mới có khả năng làm chuyện đầu tư này và người nghèo làm nhân công đành phải chịu đóng thuế vào đồng lương của chính mình. Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ mà bộ luật thuế của liên bang nâng đỡ người giàu — tạo ra tình trạng người giàu — số phần trăm thuế phải đóng thấp hơn với những người không giàu. Có lẽ vì ở điểm này mà nhà tỷ phú, Warren Buffett than phiền là cần thay đổi luật thuế bởi người thư ký của ông, phần trăm đóng thuế cao hơn với phần trăm đóng thuế của ông — mặc dù số thu nhập của ông rất cao so với số thu nhập của cô thư ký.

Một thí dụ khác bằng những con số thật để chứng mình luật thuế của Mỹ giúp người giàu nhiều hơn. Ông Mitt Romney, cựu ứng cử viên Tổng Thống cho năm 2012, số tiền ông làm trong năm 2011 là 13.7 triệu và số phần trăm ông phải đóng cho số tiền này là 14.1%. Một người làm nhân công với đồng lương 200 ngàn một năm thì số phần trăm thuế chắc chắn sẽ hơn 14.1% với con số phần trăm nhà triệu phú Mitt Romney đã đóng.

Trở về lại vấn đề người Việt Nam trên lãnh vực khai thuế thì có nhiều chuyện để nói. Trong những chuyện sẽ nói này — giúp chúng ta tìm hiểu về cái Con Người Việt Nam ra sao ở một đất nước gọi là tự do dân chủ. Trong đề tài này có hai thành phần sẽ được nói đến. Thành phần thứ nhất là người đóng thuế. Thành phần thứ hai là người làm nghề khai thuế giúp đỡ người đóng thuế làm thủ tục thuế và nhận tiền thù lao trên lãnh vực này.

Người đóng thuế

Tất cả các giống dân sống tại Hoa Kỳ đều tìm đủ mọi cách để đóng thuế thật ít. Đây là quyền lợi cũng như nghĩa vụ của một công dân hay thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Quyền lợi được hiểu là quyền được khấu trừ những chi phí cần thiết trong việc tạo ra đồng tiền. Còn nghĩa vụ là nghĩa vụ đóng thuế lợi tức mà tất cả mọi người sống tại Hoa Kỳ này phải thực hiện. Thường những người đi làm công cho các công ty và được trả lương theo dạng nhân viên thì không có nhiều cơ hội khấu trừ những chi phí so với những người làm việc theo dạng không phải là nhân viên hay còn gọi là nghề nghiệp độc lập do chính mình làm chủ.

Người làm nghề độc lập thì được khấu trừ tiền điện thoại di động hay điện thoại dây tại nhà nếu làm việc tại nhà, đồng thời được khấu trừ tiền xăng, bảo hiểm xe nếu chiếc xe được sử dụng cho nghề nghiệp của chính mình vào số tiền mình làm trong năm. Trong khi đó người làm việc là nhân viên cho một công ty nào đó thì tiền xăng từ nhà đến chỗ làm, hoặc tiền điện thoại di động không được khấu trừ vào đồng lương của mình. Mà cho dù có được khấu trừ thì phải qua sự khấu trừ chi tiết (itemize) mà ít ai có thể làm được.

Người đóng thuế thì số đông không biết luật — cho nên có những chi phí mà người làm nghề độc lập không biết là mình được quyền khấu trừ, hoặc ngược lại là những chi phí không nên khấu trừ thì lại khấu trừ vào tiền thu nhập của chính mình. Chi phí giao tiếp với khách hàng như ăn uống, giải trí đều được quyền khấu trừ vào số tiền thu nhập mà ít ai nắm rõ điều này. Trái lại chi phí đi du lịch cho chính bản thân, hoàn toàn không dính dáng đến công việc làm ăn của mình thì lại khấu trừ vào số tiền thu nhập để giảm bớt tiền thuế.

Câu hỏi được đặt ra là phải chăng — người đóng thuế gian lận khi khấu trừ những chi phí mà đúng ra không được khấu trừ? Để trả lời cho câu hỏi này thật chính xác cần phải có thêm dữ kiện. Người đóng thuế có thực sự hiểu luật thuế hay không? Nếu không hiểu luật thuế mà khấu trừ những chi phí sai thì không thể gọi là người gian, bởi cá nhân đó không hiểu luật. Tuy nhiên, đối với sở thuế, khi bị sở thuế kiểm tra giấy tờ thuế và khai gian thì sẽ bị phạt chứ không thể nào đổi thừa là tại tôi không biết luật.

Nếu người đóng thuế biết luật và nắm rõ là phần trăm bị sở thuế kiểm soát sổ sách rất là thấp, khoảng 2% – 5% tổng số người khai thuế bị sở thuế gõ cửa kiểm soát giấy tờ thuế. Số tiền thu vào càng cao thì phần trăm bị sở thuế gõ cửa càng cao (cũng vẫn ở con số 5% hoặc 7%). Và bởi vì cơ hội để sở thuế kiểm soát giấy tờ rất là thấp, người đóng thuế biết luật sẽ khai bừa bãi những chi phí hoàn toàn không có thật, những chi phí hoàn toàn không có giấy tờ chứng minh. Những người này có trong cộng đồng Việt Nam cũng như ở các cộng đồng khác. Phải chăng đây là những người xấu trong xã hội? Không hẳn thế. Nếu định nghĩa cái xấu là trốn thuế thì có lẽ đúng, nhưng trong xã hội — những người này có thể là những con người rất tốt, rất năng nổ trên nhiều lãnh vực giúp cộng đồng và làng xóm của mình, biết phân biệt giữa thiện — ác.

Dĩ nhiên những người gian thuế này có rất ít trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Những cộng đồng khác cũng có những người gian lận thuế như thế này chứ không phải là chỉ người Việt mà thôi. Một lý luận khác rất là hữu lý thì những người gian thuế này cho rằng đây là sự công bằng. Luật thuế tạo điều kiện cho người giàu đóng thuế thấp thì chuyện gian lận nhỏ này gọi là công bằng cho những người không được giàu có. Dĩ nhiên số người gian lận thuế này là con số rất nhỏ bởi cơ chế tại Hoa Kỳ làm cho mọi người hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của một công dân hay thường trú nhân. Mục đích của cơ chế thuế là tạo nhiều điều kiện cho nhiều người tự nguyện làm chuyện đúng và giảm con số người làm chuyện sai trái trên lãnh vực thuế. Ai làm sai sẽ bị luật pháp phạt hoặc bỏ tù mà không cần biết cá nhân đó là ai, đang giữ địa vị quan trọng nào trong xã hội. Ngay cả những người làm trong cơ quan thuế vụ, họ hiểu rõ kẽ hở của luật thuế và chính vì vậy họ là những người có những tiêu chuẩn đặt cao hơn với người bình thường. Nghĩa là nếu những người làm trong cơ quan thuế vụ không khai thuế mỗi năm, trốn thuế, hoặc gian lận thuế thì sẽ bị mất việc làm. Cơ chế chặt chẽ với sự kiểm soát của luật lệ rõ ràng đã làm cho hệ thống pháp luật về thuế của Hoa Kỳ có phần trăm hữu hiệu cao hơn các quốc gia độc tài trong đó có Việt Nam.

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 11 năm 2015

New Orleans, LA

www.nganlau.com

 

 

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s