Vấn Đề Kết Hợp

Ghi Chú NL: Những ai quan tâm đến một Việt Nam đều mong sự đoàn kết của các đảng phái chính trị. Trong quá khứ, các tổ chức chính trị cũng đã cố gắng để kết hợp nhưng những kết hợp cũng chẳng đem lại sự hợp nhất, làm việc lâu dài. Nhu cầu kết hợp hay đoàn kết là điều ai cũng thấy nhưng đến giờ phút này vẫn chưa xảy ra ở mức độ để tạo niềm tin từ quần chúng. Có người cho rằng bởi các tổ chức chính trị thiếu tư tưởng. Nhưng ngay cả những tổ chức có tư tưởng, họ vẫn không giữ được người và không làm việc với những người khác cũng quan tâm về tư tưởng. Cho nên vấn đề tư tưởng xem ra quan trọng nhưng không quan trọng nếu không có những Con Người sống thật, sống biết, sống thiện, sống phục vụ con người và xã hội. Xin gửi các bạn một bài viết nói về sự đoàn kết để suy ngẫm.

Đoàn Kết
Từ năm 1954, đồng bào miền Bắc phải di cư vào Nam chỉ vì biết được bản chất tàn ác của cộng sản miền Bắc Việt Nam, và năm 1975, người Việt chúng ta đã phải lánh nạn cộng sản; nhiều người phải bỏ mình trên biển cả, một số người chết khi vượt biên giới, và hầu hết những ai từng chiến đấu để bảo vệ cho Việt Nam Cộng Hòa đều bị sát hại, tù đày và áp bức bởi nhà cầm quyền tàn ác và bạo lực của chế độ cộng sản.
Sau khi được nhiều quốc gia trên thế giới vì nhân đạo đã đón nhận hầu hết những ai chọn cho mình là “Tỵ Nạn Chính Trị” thì không những của nhiều quốc gia mà còn được nhiều công dân của quốc gia đó đón nhận một cách nhiệt tình; qua việc bảo trợ người Việt tỵ nạn được an sinh.
Chúng ta là những người đi ra khỏi quê hương vì KHÔNG CHẤP NHẬN cộng sản, không chỉ vậy; mà còn nặng tình với quê hương và đất nước, còn cảm nhận mình có trách nhiệm với sự sống còn của dân tộc. Cho nên từ những năm đầu tỵ nạn tại đất khách quê người đã rất rất nhiều người luôn hướng về quê cha đất tổ nhằm muốn khôi phục lại quê hương và mong đem lại cho mọi người dân trong nước được mưu cầu hạnh phúc và sống trong một xã hội mà quyền con người được tôn trọng, quyền sinh hoạt chính trị một cách dân chủ, quyền chọn tín ngưỡng cho tâm linh và quyền tự do ngôn luận.
Từ những cảm xúc nặng tình với quê hương cho đến trách nhiệm với sự sống còn của dân tộc, lần lượt những người yêu nước cùng nhận diện với nhau, rồi đến với nhau, rồi thành lập tổ chức để nhằm mục tiêu lật đổ chế độ cộng sản và mục đích là đem lại toàn dân Việt Nam có được một quê hương đáng sống; để có được mọi quyền nói trên.
Việc thành lập tổ chức để đối phó với cả một nguồn máy tàn ác cộng sản, nhiều tổ chức đã xây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ khắp mọi nơi (kể cả trong nước và khắp nơi trên thế giới), vận động quốc tế nhằm hỗ trợ cho cuộc đấu tranh có được chính nghĩa hay được đón nhận bởi cộng đồng thế giới nhằm tạo sự hậu thuẫn khi thời cơ đến. Hầu hết các tổ chức được hình thành đều có chung một mục tiêu và mục đích (như đã nói trên), nhưng hầu hết phương cách thực hiện hoàn toàn khác nhau, từ ý nghĩ cho đến tư tưởng; đó là dấu hiệu tốt, nhờ vậy mà ngày nay công cuộc đấu tranh có được đa diện, có mọi tầng lớp tham gia, cùng tích cực đấu tranh cho mọi lãnh vực trong đời sống của người dân trong nước cũng như xã hội đầy bất công hiện nay, mà kẻ thù của người dân chính là tập đoàn cai trị nói riêng và đảng cộng sản Việt Nam nói chung.
Hiện nay, đã có nhiều tổ chức, nhiều thành phần vô tình đã cho con đường đấu tranh suốt hơn 46 năm qua có được TOÀN DIỆN; phải chăng đây là một ưu điểm của những người đã từng góp phần tranh đấu và dấn thân cho công cuộc đấu tranh? Dù chưa có một tổ chức nào đủ tầm để đối đầu với cộng sản Việt Nam, vì hầu hết các tổ chức chưa tạo được NIỀM TIN của đại chúng, nên mọi nỗ lực hay tích cực vẫn chưa có hiệu quả cho công cuộc.
Hầu hết các tổ chức đều có ưu và khuyết điểm:
Ưu điểm là những người khởi xướng thật lòng yêu nước và tích cực góp phần của cá nhân mình cho mọi động tác cho cuộc đấu tranh, luôn luôn đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân, và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng nếu cần, đó là đức tính cần thiết của người đấu tranh cho đại chúng.
Nhược điểm là thời gian dành cho cuộc đấu tranh có giới hạn, nguồn tài lực eo hẹp và những khiếm khuyết cá nhân quá nhiều trên bước đường tranh đấu.
(Trong các tổ chức đấu tranh, mục tiêu chống cộng sản và mục đích đem lại điều tốt đẹp cho toàn dân; có những tổ chức “hữu thực vô danh” và “hữu danh vô thực” như sau:
“Hữu danh vô thực” là những tổ chức dùng mọi phương tiện để tạo ảnh hưởng đến quần chúng, thậm tệ là họ làm mọi cách để chứng minh là tổ chức của họ là một tổ chức duy nhất có thể lãnh trách nhiệm trong cuộc đấu tranh cho Việt Nam, nhưng thực tế họ lại không có lực lượng nhân sự (nếu có thì chỉ trong giai đoạn khi họ khởi xướng rồi lần lượt nhân sự rơi rụng), mà nhân sự là yếu tố cơ bản để xây dựng một tổ chức có khả năng góp phần chung (chứ không phải chỉ riêng tổ chức mình), đó chính là những tổ chức mang tính chất “độc quyền yêu nước”, đa số các tổ chức này chỉ nhằm lạm dụng lòng yêu nước của nhiều người để họ biểu dương thân thế và “hy vọng” có được quyền lực trong tay để đồng bào hay người dân ca ngợi. Chính những tổ chức “hữu danh vô thực” là những tổ chức đã làm cho người có lòng và yêu nước lần lượt chán ngán, người dân không còn tin vào các tổ chức đấu tranh khác; nếu quả thực trong hàng ngũ của các tổ chức đấu tranh nhận diện được sai lầm (không cố ý) thì hãy sớm chấn chỉnh, hãy chọn cho tổ chức mình là một phần trong vạn phần cho công cuộc chung, tự xây dựng tổ chức mình là một phương tiện TỐT NHẤT để các thành viên của mình cùng hướng đến mục tiêu và mục đích mà những chiến hữu mình đã một lần tuyên thệ thiêng liêng cho biểu tượng TỔ QUỐC TRÊN HẾT, VÌ DÂN VÌ NƯỚC, và DÂN TỘC TRƯỜNG TỒN, đó chính là CỨU CÁNH cho hướng đi của tổ chức, thì lúc đó tổ chức góp phần trọng đại cho công cuộc chung.
Cũng có một số tổ chức luôn là “Hữu thực vô danh” — là những tổ chức hoạt động âm thầm, không bao giờ để danh xưng của tổ chức họ lên trên quyền lợi của đại chúng, họ luôn làm những công việc rất tốt để tạo niềm tin trong lòng người, lòng dân và cho công cuộc chung có được mầm móng khả thi; hầu như những sinh hoạt của họ luôn làm những động tác cụ thể qua những cách phục vụ trong nhiều lãnh vực như: Văn hóa, an sinh xã hội, sinh hoạt cộng đồng, và làm từ thiện, v.v…; vì họ không huênh hoan, không đánh trống khua chiên, họ làm nhiều hơn nói nên tạo được sự tin tưởng ở chung quanh, được cảm tình của nhiều người có lòng cho đại cuộc.(???)).

Thật sự, trong công cuộc đấu tranh càng nhiều tổ chức càng tốt, vì từng tổ chức có từng sở trường, mà tổ chức đó dễ phát huy hay thích nghi với môi trường của thành viên của tổ chức đó để phát triển cho công cuộc chung. Tuy nhiên, từng tổ chức cũng chỉ gặt hái những hiệu quả trong phạm vi hạn hẹp hay trong một phạm vi nào đó họ rất tốt, nhưng vẫn chưa thể tác động được đại chúng như cuộc đấu tranh đòi hỏi; vì những yếu tố ắt có và đủ để đem lại cuộc đấu tranh hiệu quả là:
Thứ nhất, xây dựng lực lượng (đào tạo và phát triển cán bộ).
Thứ hai, vận động quốc tế hậu thuẫn cho vai trò chính nghĩa của cuộc đấu tranh.
Và sau cùng là tạo được sự hưởng ứng của đại khối quần chúng, tức là đại chúng cảm thấy tin tưởng để được hướng dẫn đứng lên quật khởi những kèm kẹp từ ý tưởng đến mưu cầu an sinh, v.v… và yếu tố đủ để làm nên kết quả như mong muốn đó chính là thời cơ; thời cơ chính là yếu tố dứt điểm, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nên muốn có được thời cơ thì phải hội được các yếu tố ắt có, như đã nói phần trên. Hay yếu tố ắt có là xây dựng lực lượng và vận động quốc tế là tính chất chủ quan (tức là có thể làm được), và yếu tố đủ là tính chất khách quan (còn tùy thuộc vào hai yếu tố ắt có và nắm lấy cơ hợi thuận lợi). Khi có được những yếu tố ắt có thì sẽ chủ động được thời cơ, còn không hoàn chỉnh được các yếu tố ắt có thi phải chờ thời cơ tác động, thì lúc đó công cuộc chung sẽ bị lệch hướng hay bị dẫn dắc đến những hành động tác hại đến mục tiêu và mục đích mà các tổ chức đấu tranh hướng đến; có thể còn làm hại đến những người dân hay dân tộc mà mình hướng đến để phục vụ, và dân tộc sẽ bị lầm than tiếp, như trong suốt thời gian qua.
Quá trình công cuộc đấu tranh cho dân tộc, chúng ta luôn hãnh diện về bậc cha ông chúng ta đã đánh đuổi được ngoại xâm, cho chúng ta một niềm tin mãnh liệt vào sự hào hùng của các bậc tiền bối, và cũng từ niềm tin đó đã gieo trong tâm trí chúng ta tinh thần dân tộc thật mạnh mẽ, tinh thần không khuất phục trước mọi bất công đã đè nặng trên đồng bào ruột thịt, mọi quyền con người bị tước đoạt và mọi truyền thống dân tộc bị xóa bỏ. Cho nên, những ai đã thấm nhuần tinh thần dân tộc luôn có lòng yêu quê hương, muốn đem tài trí và công sức mình góp phần cho đại cuộc để cho đất nước không còn sự bất công, bị tước đoạt, bị xóa bỏ bởi nhà cầm quyền cộng sản đang ngự trị.
Trong suốt hơn 67 năm (của miền Bắc) và 46 năm (của miền Nam), đã có nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đã tiến hành cuộc đấu tranh một cách nhiệt tình, và đồng bào tỵ nạn ở hải ngoại và trong quốc nội cũng luôn muốn có một lực lượng nào đó (?) để họ tin rằng tổ chức đó sẽ có đủ tầm vóc cho họ nương tựa nhằm vùng lên để dẹp đi cái kèm kẹp của nhà cầm quyền cộng sản. Nhưng tiếc thay, tất cả người yêu nước thì mệt mỏi trong cuộc tranh đấu, người dân mòn mỏi trông chờ một “minh quân” (không viết hoa); trên thực tế “minh quân” không thể tự sinh ra thành “minh quân”, vì “minh quân” cần phải trao dồi tài đức vẹn toàn. Trong khi đó, “nhân vô thập toàn”, thì làm sao có thể có được một “minh quân”; muốn để có một “minh quân”, thì người đó phải có tâm thức được đào tạo, được trưởng thành trong môi trường chiến đấu, và có được mọi mặt thích hợp với mọi người yêu nước hay mọi tổ chức đấu tranh.
Như phần trên đã đề cập, phải chăng nhiều tổ chức trên chính là một biểu tượng của một “minh quân” chăng? Câu trả lời là không hẳn vậy!!! Muốn là vậy thì mọi tổ chức cần được thể hiện đạo đức qua các thành viên của tổ chức đó, và các thành viên luôn phát huy được tâm trí cho công cuộc chung, thì lúc đó không chỉ có một “minh quân” mà là hàng hàng lớp lớp “minh quân” đứng ngay trong lòng người dân hay trong cộng đồng họ đang sống.
Để xứng đáng được gọi là một “minh quân”, thì ở mỗi chúng ta cần phải có lòng yêu quê hương đất tổ, lấy sự khốn khổ của người làm động lực cho ý chí, lấy sự khát vọng của đồng bào làm hành trang để tiến bước, lấy nỗi niềm khắc khoải của chính mình làm hành động mạnh mẽ cho mọi người cùng nhịp bước. Thì mai kia toàn dân sẽ đồng lòng nhập cuộc, thì lúc đó “minh quân” chính là mọi người dân đứng lên quật khởi.
Tất cả các tổ chức từ trước tới nay đang có những điểm tương đồng như:
Khích lệ tinh thần yêu nước, muốn đem lại sự tự do ấm no và mưu cầu hạnh phúc cho người dân, và sau cùng không kém phần cần thiết đó là dẹp chế độ cộng sản đang cai trị trên quê hương. Với những điểm tương đồng đó là một ưu điểm để làm hành trang cho sự đồng hành cuộc hành trình về với dân tộc.
Những điểm khác biệt của các tổ chức như sau:
Các quan điểm đấu tranh, sách lược tiến hành, chiến lược thực hiện và phương cách hành động. Vì thế, dễ tạo ra những bất đồng quan điểm, chính kiến và tạo nên những hiềm khích. Những vấn đề này thật sự không có gì xấu cả, vì thời đại tân tiến và nguyên tắc dân chủ thì việc bất đồng quan điểm là thể hiện sự tiến bộ cho cuộc đấu tranh, khác sách lược là vì tầm nhìn theo khả năng của mỗi tổ chức có thể làm, khác chiến lược là tạo nên nhiều cách để đến đích, mà đối phương không thể đối phó khi chiến lược nào đó được thực thi một cách nghiêm chỉnh và kín đáo, còn những hiềm khích là do những bất đồng hay chưa thấu hiểu những ý nghĩ của người đối tác hay đối tượng, những sự hiềm khích chỉ có tính cách nhất thời, có thể hóa giải được nếu cả hai thật sự có cùng một hướng nhìn cho đại cuộc; nếu bên nào bất chấp thì có lẽ là do không có cùng một hướng nhìn chung, mà chỉ muốn người khác nhìn theo mình; với ý tưởng như vậy thì chính tổ chức hay cá nhân đó không thật sự đấu tranh cho một mục tiêu và mục đích như đã nói ở phần trên.
Nói chung, mọi người yêu nước luôn hướng đến những gì tốt đẹp cho quốc gia, người dân, và tương lai của dân tộc được trường tồn. Từ khởi đầu với sự cảm xúc đã cho ta có những ý tưởng để dẫn đến hành động cụ thể; cho nên, ta cần phải xem xét lại cảm xúc đó xuất phát từ đâu? Phải chăng từ tổ tiên, bậc tiền bối, hay cha ông ta truyền lại; hay cảm xúc đó qua những gì mình cảm nhận được cái giá trị của truyền thống của dân tộc; hay từ những bất bình trên quê hương đã dày xéo những người thân yêu hay những đồng bào ruột thịt; hay vì một lý tưởng cho dân tộc được tồn tại và hòa đồng với cộng đồng thế giới để cùng nhau mưu cầu hạnh phúc cho từng con người còn gọi chung là NHÂN LOẠI. Dù cảm xúc nào cũng sẽ tác động lý trí và đưa đến hành động cụ thể để đáp ứng cho cảm xúc ở chính mình; chắc chắn lúc đó ta đủ nghị lực trong tâm hồn và ý chí mạnh mẽ sẽ truyền đạt đến mọi người chung quanh; cá nhân nói riêng và các tổ chức nói chung hợp quần tạo lực đối đầu với kẻ thù của dân tộc và cùng nhau hợp lực xây dựng lại một Việt Nam quang vinh.
Kết luận
Những ý nghĩ trần tình này, xin được chia sẻ ý niệm về “đoàn kết” như sau:
Câu hỏi của người Việt khắp nơi (trong và ngoài nước): Tại sao những người yêu nước và các tổ chức đấu tranh không ngồi lại với nhau?
Xin thưa, “ĐOÀN KẾT” là một việc làm tốt đẹp và CẦN THIẾT. Từ bao nhiêu năm qua, mọi nỗ lực cho việc ngồi lại với nhau là chính sách của mọi tổ chức và cũng là ý nguyện của nhiều người yêu nước và đồng bào của chúng ta; vì những sự khác biệt chưa được đả thông và thống nhất mục tiêu chính và mục đích lợi ích cho người dân trong nước, cũng như người Việt tỵ nạn cộng sản khắp năm châu.
Cho nên, chúng ta cần nhận diện và chọn lựa cách “đoàn kết” nào là có thể đem lại những hiệu quả cho công cuộc đấu tranh và thật sự tạo nềm tin và hậu thuẫn cho đồng bào cùng nhau đứng lên lật đổ chế độ tàn ác và cai trị của nhà cầm quyền cộng sản.
1. Sự tự nguyện hợp nhất của mọi tổ chức và thân hào nhân sĩ là thượng sách
2. Một tổ chức vượt lên và có hấp lực kéo các tổ chức quy về một mối là trung sách
3. Các tổ chức ngồi lại với nhau với sự áp lực quốc tế là hạ sách
4. Tất các tổ chức bị kẻ thù dồn vào thế bất động là hạ sách
Tất cả các tổ chức xem cộng sản là kẻ thù, thì tất cả những người yêu nước sẽ là người đồng hành quý báu nhất, và các tổ chức là phương tiện để chúng ta cùng hướng đến mục tiêu và mục đích mà từng cá nhân hay tổ chức đã đề ra. Nếu không vì mục tiêu và mục đích thì không cần phải hợp lực và tự đào thải theo thời gian.
Bài vết được rút ra từ nhiều tổ chức đấu tranh và lời góp ý của nhiều nhân sĩ
Michael PhuongMinh Nguyen
Viết ngày 1 tháng 9, 2021

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s