Triết Lý Việt

Những người Việt được dịp ra các nước Tây Phương và học hỏi về môn triết thì cho rằng người Việt không có triết gia.
Người Việt có thể không có triết gia nhưng không có nghĩa là người Việt không có triết lý Việt.
Trước hết phải hiểu rõ triết lý là gì trong cái nhìn của cuộc sống chứ không phải là triết lý theo những lý luận trên sách vở của những triết gia mà nhiều người đã ca ngợi. Định nghĩa của triết lý qua tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ “cái lý sâu xa mà phải vậy của mọi sự vật, mọi lý do, mọi nguyên tắc trên đời”. Dĩ nhiên từ ngữ thì sẽ không bao giờ diễn tả được toàn bộ cái ý nghĩa của từng chữ mà mỗi hoàn cảnh từ ngữ mang ý nghĩa khác nhau. Cho nên để hiểu triết lý Việt ra sao cần phải trở về với nguồn gốc của những câu ca dao tục ngữ đã được truyền lại từ đời này qua đời khác và sống mãi với thời gian.
Triết lý phải hiểu một cách đơn giản là những lý lẽ thường tình trong cuộc sống để mọi người dựa vào đó hầu có lối ứng xử Người hơn đối với những thành phần khác trong xã hội. Và những lý lẽ thường tình đó không tìm đâu bằng cách nhìn về những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Việt.
“Bầu ơi thương bí lấy cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Phải chăng câu nói này cho thấy triết lý Việt vượt lên màu da, tiếng nói, chủng tộc, sắc tộc? Nếu nói theo thực vật thì bầu hay bí đều là loại dây leo và cần có giàn để trái được to hơn, tốt hơn. Còn nếu nói về Con Người thì phải chăng Con Người, dù thuộc bất cứ giống dân nào đều có những nhu cầu tối thiểu giống nhau: ăn, ngủ, vệ sinh, an ninh, sinh sản, tín ngưỡng, thú vui …. Cho nên chúng ta phải biết thương yêu nhau thay vì đấu đá nhau như thế giới hiện giờ. Tiếc rằng đâu có bao nhiêu người hiểu được tính triết học của câu nói trên.
“Lên non mới biết non cao. Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Đây là câu nói nói lên sự hiểu biết công lao của bậc cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái. Ai đã làm cha mẹ đều hiểu nuôi con, dạy con là cả một công trình, một cố gắng trên nhiều lãnh vực để mong muốn con mình được thành Người sau này. Hình như chỉ khi ai có gia đình rồi mới hiểu được chuyện này.
“Một con én không đem lại mùa xuân” hoặc “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đây là câu nói được hiểu là một người, dù tài giỏi đến đâu, cũng không bao giờ thực hiện được cái tài của mình nếu không có sự hợp tác của những người khác. Những người bỏ đại học để đem trí óc và khả năng của mình thành lập công ty công nghệ mà ông Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk là thí dụ điển hình. Những người này chỉ thành công khi có sự hợp tác của những người khác trong một công ty. Không có những người khác thì sự tài giỏi của họ chẳng có giá trị gì với xã hội.
“Người là vàng, của là ngãi”. Đây là câu nói cho thấy Con Người quan trọng hơn của bởi Con Người làm ra của và của không làm ra Con Người. Của đôi khi làm hại đến con người mà những loại thuốc đang được sử dụng trên thế giới và Mỹ — để tạo ra hình ảnh nhiều người chết vì chất opioid, bạch phiến và chết vì tiền (của).
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Câu này nói lên tinh thần đồng loại khi một ai đó bị nạn thì cả làng xóm, quốc gia, thế giới cảm thấy như chính mình bị nạn. Hình ảnh này được thấy khi quốc gia nào đó bị nạn thiên tai thì sự giúp đỡ của thế giới xảy ra bởi họ nghĩ chính họ cũng bị nạn.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Câu này nói lên giá trị tinh thần giúp đỡ người nghèo khó, trong lúc họ cần giúp đỡ thì giá trị của sự giúp đỡ đó to lớn hơn là sự giúp đỡ khi người khác không cần sự giúp đỡ.
“Cái nết đánh chết cái đẹp” hoặc “cái đức đánh chết cái tài (tài bất thắng đức)”. Câu nói này cho thấy tài hay cái đẹp không có giá trị bằng cái đức (nết) của Con Người. Người có tài nhưng không có đức thì sẽ sẵn sàng làm hại đến lợi ích của xã hội để thực hiện tài và mộng làm giàu của họ. Hitler là thí dụ điển hình, tuy có tài ăn nói nhưng không có đức để lôi kéo cả một dân tộc vào cuộc chiến và tàn sát dân tộc khác. Cô Elizabeth Holmes, từng làm chủ công ty Theranos, vì mộng làm giàu đã sẵn sàng lừa gạt người khác hoặc nói dối về giá trị của sản phẩm mà công ty cô làm ra.
“Tiên học lễ, hậu học văn”. Một lần nữa ca dao tục ngữ Việt luôn luôn chú trọng đến cái đức. Lễ nghĩa trong cuộc sống để biết tôn ti trật tự, biết cách ứng xử trong xã hội để không làm thiệt hại đến xã hội. Cái lễ nghĩ đó phải học trước khi dạy dỗ bất cứ vấn đề gì. Câu này cùng nghĩa với một câu nói trong phim “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy.
“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào học làm người, Người Tử Tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.
“Thà làm mỏ con gà hơn là đuôi con trâu”. Câu này có cùng nghĩa với câu nói của tướng Trần Bình Trọng, khi quân Nguyên bắt và chiu dụ ông phục tùng quân Nguyên. Thế nhưng tướng Việt tộc đã nói thẳng với tướng của quân Nguyên “ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Câu nói làm mỏ con gà tức là chịu khó đi tìm ăn, một tinh thần tự chủ; chứ không chịu làm đuôi con trâu, sống cuộc đời nô lệ. Và tướng Trần Bình Trọng đã biến câu trên vào thực tế của ông để ông nhận cái chết thay vì sống làm nô lệ. Tinh thần tự chủ của người Việt xa xưa đã hình thành từ cái thời phong kiến. Cái tinh thần đó còn hay không lại là vấn đề cần phải xét lại.
“Người khôn chưa đắn đã đo. Chưa ra tới biển đã dò sông sâu”. Đây là câu nói cho thấy cái nhìn xa của Việt tộc, không phải chờ nước đến chân mới nhảy mà luôn luôn suy trước, ngó sau trước khi có một hành động nào đó. Cái tính cẩn thận này giống như lời nói “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói để tránh sự hiểu lầm trong lời nói và hành động ứng xử.
“Sự thật mất lòng” nói lên được cái thực tế là có những sự thật nhiều người chạy trốn và khi nói ra không làm hài lòng một số người. Dĩ nhiên một câu nói khác “mất lòng trước đặng lòng sau” cho thấy lối ứng xử của người xưa luôn luôn tôn trọng sự thật bởi sự thật là tấm gương để học hỏi; hầu tạo cho chính bản thân, xã hội hướng tới sự hoàn mỹ trong sự thật thay vì sống lừa dối như xã hội hiện tại của Việt Nam hiện giờ.
“Nghèo cho sạch rách cho thơm” nói lên lối ứng xử là cho dù nghèo đói, rách rưới, chính bản thân của mỗi người phải giữ sự trong sạch, không lừa dối người khác bởi hoàn cảnh nghèo của mình. Nghèo khổ nhưng vẫn giữ được nhân cách, nhân phẩm của một con người chứ không để cái nghèo khổ biến chính mình thành một con vật.
“Uống nước nhớ nguồn” được hiểu hai nghĩa. Một nghĩa của vật chất là khi uống một ly nước nào đó, cần phải biết nước từ đâu mà ra và từ đó phải biết bảo quản nguồn nước đó bởi sự sống con người dựa vào thiên nhiên. Nếu không bảo vệ thiên nhiên thì nước, không khí hay thức ăn chẳng còn để cho chúng ta sống. Tuy nhiên cha ông ta không phải chỉ quan tâm về thiên nhiên mà cha ông dạy chúng ta qua câu nói đó là để hiểu nguồn gốc của chính mình từ đâu ra, với mục đích bảo toàn cái nguồn gốc đó càng lúc càng tiến bộ. Một dân tộc, một quốc gia mà không nắm rõ nguồn gốc của chính mình thì dân tộc đó, quốc gia đã sẽ bị đồng hóa bởi một dân tộc khác, quốc gia khác.
Vài tiêu biểu để nói lên giá trị của triết lý Việt trong đời sống được truyền từ đời này qua đời khác bằng những ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Dĩ nhiên không phải tất cả đều đúng bởi cái đúng của trăm năm trước có thể là cái sai của thời đại hôm nay. Vấn đề là chúng ta, những người Việt không cộng sản, có nhìn ra được triết lý Việt nào còn có giá trị để bảo quản, giữ gìn và sống với nó thay vì tìm kiếm một triết lý ở đâu đó mà chưa chắc đã thích hợp với dân tộc.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 11 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s