Giải Luận: Dân Tộc (P4)

CHỦ-THỂ-LÀM-CHỦ
Phải hành động đúng vì nhân vị, để được tha nhân có cư xử đúng mà tôn trọng chúng ta. Các quốc gia láng giềng lại cùng nôi tam giáo đồng nguyên với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapour, họ đào tạo những chủ-thể-làm-chủ từ khoa học tới kinh tế, từ ngoại giao tới thương mại, nên họ không hề bị khinh, coi rẻ như các lãnh đạo của ĐCSVN đã biến Việt tộc thành tôi đòi cho thiên hạ, tự điếm nhục hóa dân tộc mình chỉ vì tham quyền trong vô học, nên vô hậu trong vô tri.
ĐI TỚI VÌ NHÂN VỊ
Các chủ thể lãnh đạo tương lai vì Việt tộc, biết quản lý đất nước, biết bảo vệ giống nòi trong tiến bộ đa nguyên, trong văn minh dân chủ, trong văn hiến nhân quyền, phải chuyển hóa não bộ ngay bây giờ, phải chuyển biến não trạng ngay tức khắc tất cả vì Việt tộc. Cụ thể là bỏ não trạng cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối trong kiếp bị trị, mà phải mở sáng mắt, rồi đứng thẳng lên, mà đi tới để nhận một não bộ mới, não bộ của một minh tộc, não trạng của một dũng tộc! Sống không cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối, cho tới khi lìa đời, nhìn quan tài, nhận mộ phần mà biết thẳng đầu-thẳng lưng-thẳng tay- thẳng gối, luôn đi tới vì nhân vị, để bảo vệ nhân phẩm!
THAY ĐỔI NÃO BỘ ĐỂ TÌM ĐƯỢC DÂN TỘC
Ta sẽ không thay đổi được dân tộc, giống nòi, đất nước, nếu ta không tự thay đổi chính não bộ của ta bằng nhân lộ văn minh vì nhân phẩm, luôn tìm cách đi về hướng chân trời hay, đẹp, tốt, lành, có sự thật làm nền cho lẽ phải. Loại bỏ ý thức hệ, rũ bỏ tuyên truyền, và chỉ đi theo ánh sáng văn minh của nhân loại vì nhân quyền. Ta sẽ không thay đổi được tha nhân, đồng loại, thế giới, nếu ta không tự chuyển biến chính não bộ của ta bằng nhân lộ văn minh vì nhân tri vì tiến bộ nhân sinh, vì phát triển nhân trí. Nhận hành trình cao, sâu, xa, rộng của kiến thức để luôn tỉnh thức học người mà vì ta, với ý nguyện của công bằng cùng ý lực của tự do, để loại bỏ bất bình đẳng, khử bỏ bất công. Ta sẽ không thay đổi được gia đình, cộng đồng, tập thể, nếu ta không tự chuyển biến chính não bộ của ta bằng cách trừ hoạn bịnh chế độ độc tôn kiểu “con quan thì được làm quan” để bứng ra khỏi não trạng tồi tệ trong tăm tối của loại phản xạ quan hệ-tiền tệ-hậu duệ-đồ đệ; đã tận diệt bao trí tuệ của dân tộc.

CHUYÊN CHÍNH VÔ HỌC
Từ ý đồ độc quyền làm nên con tính độc lợi chế tác ra quá trình tư lợi, tiểu luận đề nghị giải luận quá trình này vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả tới từ một quá trình chưa bao giờ được phân giải tới nơi tới chốn, đó là vốn vô học của một tập đoàn lãnh đạo từ ngày thành lập ĐCSVN 1930, tới ngày cướp được chính quyền 1945, qua giai đoạn 1954 sử dụng chuyên chính vô sản với bản chất của chuyên chính vô học, bất chấp thảm họa nội chiến của hàng triệu triệu sinh linh trong huynh đệ tương tàn, cho tới ngày cướp trọn được chính quyền trên cả nước 1975. Chiến thắng tới từ vốn vô học của loài cố đấm ăn xôi, thuộc loại vua thua thằng liều, được sự hỗ trợ của hai cường quốc chuyên chính vô sản là Liên Sô và Trung Cộng, có cùng bản chất chuyên chính vô học-vô hậu của loại trộm, cắp, cướp, giật bằng con tính bất nhân mạnh được yếu thua, với con toán thất đức sự thật chỉ mặt qua nòng súng, kiểu Mao Trạch Đông.

VÔ HỌC HÓA CẢ MỘT DÂN TỘC
Vô học hóa cả một dân tộc dựa trên vốn vô học của lãnh đạo từ tuyên truyền ngu dân tới tới giáo dục ngu dân; vô học hóa từ định chế làm nên luật pháp tới cơ chế trong sự vận hành của một xã hội. Nơi mà quần chúng liêm chính, dân chúng liêm khiết, nhân sĩ liêm minh hoàn toàn không có chỗ đứng ghế ngồi, nơi mà hiền tài là nguyên khí của quốc gia đã bị đào tận gốc bới tận rễ, để nhường chỗ cho hằng số vô học-vô hậu: quan hệ-tiền tệ-hậu duệ-đồ đệ, hằng số này có chủ thầu là vô minh, có đầu nậu là vô tri, có đầu cơ là vô trí để truy, hủy, diệt, triệt trí tuệ.

TUYÊN TRUYỀN NGU DÂN
Khi tuyên truyền ngu dân từ tận dụng tới lạm dụng một hệ thống giáo dục quốc gia để lập nên một quá trình giáo lý, giáo luận, giáo khoa của đánh lận con đen, để tạo ra một quy trình giáo khoa, giáo trình, giáo án thay trắng đổi đen, tuyên truyền ngu dân bằng tuyên giáo độc ngôn, khi nó muốn thay thế giáo lý của đạo đức thì tuyên truyền trị, ngu dân trị, vô học trị phải “dở trò”: cả vú lấp miệng em, cụ thể là nó chống lại các tri thức phản biện bằng lý trí, trong khi đó chúng ta biết là các học sinh từ tiểu học tới trung học tại các quốc gia có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền được học kỹ lưỡng và rõ ràng về tri thức phản biện, cần thiết để công dân phải biết tự bảo vệ công bằng và công lý trước bạo quyền và bạo lực.
ĐA TRÍ HƠN ĐỘC TRÍ
Muốn tuyên truyền ngu dân thì phải cố đấm ăn xôi, cụ thể là nó chống lại tri thức phê bình bằng trí tuệ, trong khi đó chúng ta biết là các học sinh từ tiểu học tới trung học tại các quốc gia có phát triển giáo dục, có tiến bộ khoa học được học rành mạch và minh bạch về tri thức phê bình, cần thiết để công dân phải biết tự bảo đảm công luật và công pháp trước lạm quyền và lộng quyền. Não trạng của tuyên truyền trị là vụng chèo khéo chống, cụ thể là nó chống lại tri thức đa nguyên bằng tuệ giác, cụ thể là đa tài hơn độc tài, đa trí hơn độc trí, đa lực hơn độc lực, đa năng hơn độc năng, đa hiệu hơn độc hiệu. Đa là dụng cái này để bổ sung, bổ túc cho cái kia, vì đa lực làm nên tổng lực, vì đa trí chắc chắn là khôn hơn độc tôn! Nên đa đảng năng động trong thông minh, chủ động trong thông thái hơn độc đảng.
VÔ GIÁC
Hãy bắt đầu từ định vị tới định nghĩa về vô giác từ vô tri giác tới vô cảm giác luôn mang theo khuyết tật vô tự giác của nó. Một kẻ vô giác thì không những vô minh từ lý trí tới trí tuệ, mà còn vô tri từ cảm xúc tới cảm động; vô giác là thượng nguồn của vô tình, vô tâm với tha nhân, với đồng loại. Nơi mà sự thông cảm để chia sẻ nỗi khổ niềm đau với đồng bào, đồng loại hoàn toàn vắng mặt từ tư duy tới hành vi. Vô giác biệt dạng trong tâm khảm, vì nó đã biệt tăm trong tâm trí. Khi vô giác xuất hiện trong sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội, đời sống xã hội, tổ chức xã hội thì nhân nghĩa, nhân đạo, nhân tâm, nhân từ không hề có chỗ đứng ghế ngồi gì trong não trạng của kẻ vô giác. Câu chuyện vô tự giác có cha sinh mẹ đẻ là vô tri giác và vô cảm giác, là câu chuyện sinh cùng năm đẻ cùng tháng với hệ lụy vô học-vô hậu, mà vô học không phải là chuyện đi học để lấy bằng cấp, mà là chuyện được giáo dục tử tế và được giáo dưỡng đàng hoàng bằng giáo lý. Cụ thể là kẻ thoát được vô học thì chọn khôn không chọn ngu (Kẻ ngu cởi truồng, người khôn mất mặt); cụ thể là kẻ thoát được vô học thì chọn thanh không chọn hèn (Thân em như giếng giữa đàng/ Người thanh rửa mặt, kẻ hèn rửa chân). Như vậy câu chuyện vô học-vô hậu không hề là chuyện học vị hay học hàm, mà là chuyện học lực qua giáo dục của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, vì biết dựa trên giáo lý khôn-để-thanh, vì chỉ có ngu mới hèn, mới thô, mới tục mà thôi.
VÔ CẢM
Hãy nhận rõ vô cảm, cảm xúc biệt tăm, cảm động biệt tích trước bi cảnh của tha nhân, trước thảm cảnh của đồng loại, với thái độ thờ ơ trước các bất công, với hành vi hững hờ trước các hậu quả do bạo quyền, tà quyền, ma quyền gây ra ngay trong đạo lý tổ tiên, ngay trong luân lý dân tộc, ngay trong giáo lý của đạo đức. Nếu vô cảm tới từ vô minh, nó sẽ truy diệt nhân tri, nhân trí; nếu vô cảm tới từ vô tri, nó sẽ thủ tiêu nhân tính, nhân lý; nếu vô cảm tới từ vô giác nó sẽ thanh trừng nhân bản, nhân văn, mà không quên thanh toán luôn nhân nghĩa, nhân đạo, nhân tâm, nhân từ. Vô cảm đang tràn lan trong xã hội hiện nay, với sự thờ ơ trước bạo quyền độc đảng công an trị, sự hững hờ trước tà quyền tham nhũng trị, sự dửng dưng trước ma quyền tham tiền trị. Nơi mà sự ích kỷ luôn đi tìm tư lợi trong ma lộ ai chết mặc ai; nơi mà tư lợi đã thành khuyết tật chỉ biết vụ lợi của điếm tật bây chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Tại đây, đã tạo ra một tâm nạn tập thể gây ra bao họa nạn cho toàn một xã hội; nơi mà dân tộc của xã hội đó đang tự «ghẻ lạnh hóa» từ nhân vị, nhân đạo tới nhân nghĩa, nhân tâm của chính mình.

NGƯỜI YẾU VÍA
Loại người yếu vía không phải là loại người xấu, họ chỉ là loại người mau sợ dễ lo, họ không những run sợ trước bạo quyền, tà quyền, ma quyền, mà họ còn lo sợ cho kẻ đang đấu tranh chống bất công. Nhưng khi họ giải thích tại sao họ sợ, thì ta thấy họ không mấy liêm chính, đối với bạo quyền, tà quyền, ma quyền thì họ chọn cách sống cho qua ngày bằng cách tự an ủi: «Tránh voi chẳng xấu mặt nào», và họ càng thiếu liêm sỉ khi nhìn các chủ thể đấu tranh chống với bạo quyền, tà quyền, ma quyền bằng một cách nhìn phiến diện: Vua thua thằng liều. Họ nhìn sai lạc kẻ dấn thân rồi họ tự giải thích là: «chơi liều vì muốn chơi nổi». Đây là cách nói ngày càng phổ biến trong một xã hội Việt hiện nay, từ vô cảm tới vô trách nhiệm với đồng bào, với đất nước, với tổ tiên, họ thiếu liêm sỉ mà họ không biết, nhìn và buông lời bất lương: «chơi liều vì muốn chơi nổi» khi họ nhắc tới các chủ thể đấu tranh vì dân chủ, đa nguyên, nhân quyền, các tù nhân lương tâm, những đứa con tin yêu của Việt tộc đang trong vòng lao lý.
ĐỒNG MỆNH
Chữ đồng (đồng bào, đồng hương, đồng hội, đồng thuyền, đồng tộc, đồng cam) sinh đôi cùng chữ đồng kia (đồng tộc, đồng kiếp, đồng nguồn, đồng cội, đồng hành), kết quả làm nên kết luận của đồng sinh làm nên từ trong thử thách và thăng trầm của đồng thăng, đồng thụt. Nơi có hiệu quả cùng hậu quả của đồng sinh, đồng tử. Nơi có hệ quả cùng hệ lụy của đồng hơi, đồng sức. Một chữ đồng sinh ra hai chữ đồng, giờ hai lại sinh ra ba chữ đồng: đồng thăng, đồng thụt, đồng sinh, đồng tử, đồng hơi, đồng sức chế tác ra thêm một đồng (sự) nghiệp, vì đồng hệ vì cùng đồng (sinh) mệnh!
TÔI ĐỨNG VỀ PHÍA NƯỚC MẮT!
Tôi đứng về phía nước mắt! Đây là chất liệu làm nên nhân cách. Trong nước mắt các nạn nhân của bạo quyền, tà quyền, ma quyền, tôi thấy có nước mắt của cả nhân loại, tôi thấy có nước mắt của cả nhân sinh với ngày cười đêm khóc, tôi thấy có nước mắt của cả nhân gian thường xuyên dở khóc, dở cười trước bao bất công đang trùm phủ lên nhân kiếp của Việt tộc. Trong nước mắt các nạn nhân là dân lành, dân đen, dân oan đã có nước mắt của tôi, khi tôi nhìn một thương phế binh lê lết bán vé số dưới nắng trưa, các bà mẹ đầu tắt mặt tối luôn hoảng hốt ngay trong não trạng ăn bữa sáng lo bữa tối cho cả gia đình….

Giải Luận: Dân Tộc (P5)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s