Con Đường Dân Chủ (P1)

Sau hơn 40 năm sống tại các nước dân chủ trên thế giới, chúng ta (những người Việt tỵ nạn) vẫn chưa có thảo luận về quá khứ dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) một cách trung thực, nghiêm chỉnh về những sai lầm, khiếm khuyết của Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Từ đó nhìn lại cuộc đấu tranh của người Việt tự do (không theo chủ nghĩa cộng sản) từ thời Pháp thuộc để hiểu rõ kẻ thù cộng sản hơn cũng như đồng minh Mỹ, Pháp.
Giả sử thế hệ cha anh chúng ta thiếu hiểu biết về xây dựng chế độ dân chủ thì ngày nay chúng ta đang sống trên các nước dân chủ thì chúng ta đã học được gì để lại cho thế hệ sau?
Nếu bảo rằng thời 1920s chúng ta thiếu tư tưởng chỉ đạo trong đấu tranh khi đối diện với chủ nghĩa cộng sản thì ngày nay chúng ta có cần “chủ nghĩa” hay hệ thống tư tưởng hay không?
Nếu “Có” thì nó là gì? Như thế nào? “Duy” hay không “Duy” trong kho tàng: Duy Thức, Duy Văn, Duy Dân?
Nếu “không” thì cái gì thay thế? Chúng đang là chứng nhân trước chủ nghĩa tư bản sau khi Liên Xô sụp đổ và tái xuất hiện 2022 với cuộc chiến tại Ukraine; và sự bành trướng của Trung Cộng trên thế giới trên cả hai mặt kinh tế và chính trị (quân sự).
Riêng tại Mỹ
Đồng thời với sự khủng hoảng dân chủ tại Mỹ sau nhiệm kỳ Trump 2016-2020 cho thấy chiều sâu của cơ chế dân chủ từ Tối Cao Pháp Viện, Quốc Hội, Tòa Bạch Ốc, Cơ quan FBI, NSA, bộ ngoại giao… cho đến các tiểu bang, quận, hạt cũng như giới truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình) và mạng xã hội. Dân chủ là “dân” phải tham dự, tham gia các sinh hoạt xã hội, chính trị để làm “chủ” tình hình chứ không thể giao khoán cho các đại diện dân cử qua các cuộc bầu cử. Vì là con người, các đại diện dân (ngay cả ông tòa) cũng có thể biến chất bất cứ lúc nào.
Sự thất bại của các cơ chế độc lập (foundation, institution, viện nghiên cứu, đại học) cũng như vai trò của tôn giáo tuy rằng Hiến Pháp (?) có quy định phân định giữa tôn giáo và chính quyền. Bài học tôn giáo ở VN 1963 để lại kinh nghiệm gì? Làm sao tránh “tôn giáo” trong VN tương lai?
Tuyên ngôn độc lập Mỹ đã nổi tiếng vì những quy định đời sống con người: “hạnh phúc, bình đẳng” … nhưng có thực như vậy không? Tại sao có sự khác biệt giữa tiền nhân và con người hôm nay? Nếu tiền nhân sai thì sai chỗ nào? Nếu con người hôm nay sai thì sai từ đâu? Khi nào?
Sự phát triển kinh tế vượt bực của kinh tế thị trường cho thấy những gì?
Kinh tế toàn cầu có đem lại ấm no cho nhân loại hay chiến tranh nhiều hơn?
Trật tự thế giới mới có ngăn chận được các nước nhược tiểu, độc tài rơi vào tình trạng “quốc gia thất bại”?
Khoa học kỹ thuật với điện thoại cá nhân, mạng toàn cầu (internet) có ngăn chận được khí hậu thay đổi, ô nhiễm môi sinh, đại dịch, nạn đói.
Chúng ta đang “sống thực” với những gì trước mắt hay sống với thế giới ảo của khoa học kỹ thuật đem lại với lời hứa hẹn của các nhà xảo thuật chính trị cùng với lời kêu gọi của các nhóm tôn giáo cực đoan đòi thành lập “thánh quốc”?
Khi thế giới là một thì mọi dân tộc, quốc gia với những sinh hoạt liên quan đến nhau, cho dù là chính trị, kinh tế hay xã hội…. Các nhà lãnh đạo cũng như người dân không thể chỉ nhìn vào một lãnh vực (cá biệt) để giải quyết mà bỏ qua lãnh vực khác có liên quan (tổng thể). Thực hiện dân chủ trong một làng, xã đã khó rồi huống hồ gì cả thế giới khi trình độ hiểu biết không đồng đều trong khi người dân dễ bị lôi cuốn vào những ham muốn khác trong đời sống. Mà dân chủ như chúng ta thấy phải phát triển đều vì không thể bỏ rơi các quốc gia “thất bại”, độc tài, chiến tranh. Đó là trở ngại của nền dân chủ hiện nay.
Đối với Cộng Đồng Việt Nam
Sau hơn 40 năm sống trên đất Mỹ, được hưởng các cơ hội kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng thì người Mỹ gốc Việt đã phát triển phải gọi rất khá so với các nhóm di dân khác. Sự thành công kinh tế đã không đem lại thành công về mặt chính trị. Khuynh hướng “đối nội” của các đảng chính trị hải ngoại vẫn lấy “quốc nội” làm chính để mong chờ một sự thay đổi tại VN và theo thời gian, nhân sự hao mòn mà vẫn chưa thấy ánh sáng. Về mặt “đối ngoại” thì tuy Cộng Đồng Việt Nam có mặt khắp nơi nhưng để gọi là ảnh hưởng với các chính quyền nơi định cư thì rất yếu vì thiếu tổ chức. Những hoạt động, vận động, liên hệ chỉ là cá nhân, nhóm riêng lẻ chưa phải là hệ thống có quy củ, chiến lược vì không có lãnh đạo.
Cũng như các tổ chức trong Cộng Đồng Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất đã đang đi vào giai đoạn cuối: hết người. Bang giao Mỹ-Việt đã tạo nên lớp người mới: hoặc là du học hay thương mại rồi ở lại Mỹ; hay qua hôn nhân, bảo lãnh. Đa số là thế hệ sau chiến tranh, ý thức chính trị rất mơ hồ nhưng ý thức kinh tế rất mạnh. Thành phần hàng hai (làm ăn tại Mỹ lẫn VN) rất nhiều. Thành phần phá đám, tay sai cho cộng sản cũng có, tuy còn dè dặt nhưng nếu Cộng Đồng Việt Nam không chuẩn bị đối phó sẽ là mối nguy hiểm sau này (sự kiện này xảy ra song song với Cộng Đồng người Hàn và Trung Hoa hải ngoại).
Vậy chúng ta học được gì từ sinh hoạt dân chủ tại Mỹ?
Chỉ một thiểu số người Mỹ gốc Việt tham dự trực tiếp vào sinh hoạt chính trị địa phương (cấp quận, hạt, tiểu bang) và càng ít hơn cấp liên bang (Quốc Hội) và đó là nỗ lực cá nhân. Chưa thấy có sự vận động, tổ chức quy mô từ Cộng Đồng Việt Nam.
Bắt nguồn từ sinh hoạt truyền thông của Cộng Đồng Việt Nam, các báo chợ không đặt nặng vấn đề thông tin nhất là chính trị mà chỉ chú trọng vào quảng cáo. Sự thất bại của các tổ chức chính trị VN hải ngoại khiến dân càng xa lánh. Cộng sản Việt Nam mở cửa cho người Việt tỵ nạn về làng ăn chơi khiến ý thức dân chủ càng suy yếu.
Thử thách xảy ra khi Trump thắng cử 2016 và thất cử 2020. Một số người Việt mơ chuyện “Thoát Trung” đã ủng hộ Trump mạnh mẽ cho dù chẳng hiểu Ất Giáp gì giữa bầu cử 2016 và 2020; cũng như những gì xảy ra trên đất Mỹ dưới triều đại Trump: sự đe dọa các cơ cấu dân chủ cũng như các quy luật bất thành văn, kích động các nhóm quá khích, kỳ thị đe dọa các sinh hoạt mọi mặt trong đời sống người dân Mỹ.
Hầu như người Việt tỵ nạn quên đi bản chất của cộng sản VN là nói láo, đe dọa và lừa dối từ khi thành lập bởi cộng sản quốc tế cho đến nay. Họ quên hết khi Trump nói láo, đe dọa và lừa dối cử tri Mỹ vì người Việt tỵ nạn chỉ nhớ “Trump đe dọa Trung Cộng về thương mại” (không phải gây chiến hay bênh vực cộng sản Việt Nam).
Vì sao?
Vì chúng ta chưa hề có hội thảo dân chủ về sinh hoạt chính trị Mỹ.
Tại sao bạn ủng hộ đảng Cộng Hòa (hay Dân Chủ)? Vì lý do ABC? Hay chống vì lý do XYZ?
Tại sao bạn ủng hộ ứng cử viên X Cộng Hòa (hay Y Dân Chủ)? vì Lý do ABC? Hay chống vì lý do XYZ?
Nếu ứng viên không thuộc đảng của bạn mà có chương trình thực hiện ích lợi cho địa hạt, tiểu bang của bạn thì bạn sẽ chọn (hay chống)?
Bạn có ủng hộ tiền và thời gian hoạt động cho đảng, ứng cử viên địa phương hay không?
Bạn biết khi tham dự thì có quyền đòi hỏi, nhưng nếu chỉ là một cá nhân (hay vài người) thì nguyện vọng của bạn có được đáp ứng hay không; hay ưu tiên cho số đông?
Cộng Đồng Việt Nam có đài phát thanh, truyền hình, báo chí (không phải báo biếu, báo chợ) nhưng giới truyền thông có tạo cơ hội cho người đọc tham dự hay chỉ là “nói sao, nghe vậy”? Nếu có bàn là theo ý của người chủ biên còn dân thì có muốn lên tiếng cũng không có cơ hội.
Vì vậy khi mạng xã hội mở ra, người Mỹ gốc Việt tha hồ múa gậy vườn hoang vì chẳng có ai kiểm soát thực- hư.
Không thấy làm lạ khi nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng chỉ vì mùa bầu cử gây chia rẽ gia đình: lớp già theo Cộng Hòa, lớp trẻ theo Dân Chủ. Không có trao đổi ý kiến, đối thoại, chỉ vì già theo tiếng Việt, trẻ theo tiếng Mỹ. Kiến thức khác nhau thì làm sao nói chuyện?
Một lầm lẫn quan trọng cho người Mỹ gốc Việt là kiến thức, lý luận và bằng cấp. Kiến thức rộng mà không có lý luận để truy tìm sự thật thì vẫn sai lầm. Có lý luận mà còn đam mê, ham muốn sẽ không thấy lối thoát trong cơn hỗn loạn. Bằng cấp chuyên môn giúp có địa vị xã hội nhưng không phải là thấy và có thể giải quyết những vấn đề trong đời sống muôn mặt.
Cuối cùng là chúng ta thiếu những người có kiên nhẫn để nghiên cứu, tìm hiểu có đầu đuôi; để bù vào chỗ trống của Cộng Đồng Việt Nam; để vạch ra lối thoát vì chúng ta cần có lãnh đạo và đường lối (lý thuyết); và đó không phải những gì kho tàng kiến thức của xã hội Mỹ có thể đem lại vì Mỹ đã chọn con đường tư bản (kinh tế thị trường). Nền giáo dục của Mỹ đã đưa đất nước Mỹ đến ngày hôm nay. Thay đổi giáo dục không phải dễ và có kết quả tức thì. Hiến pháp Mỹ thì như chúng ta thấy ngày nay (2022) đang đi vào khủng hoảng vì Tối Cao Pháp Viện đã bị ảnh hưởng tôn giáo từ bên trong mỗi cá nhân Thẩm Phán.
Người Việt tỵ nạn, nếu ai đã sống qua giai đoạn 1963, biết rằng xung đột tôn giáo sẽ có hậu quả như thế nào? Cuộc chiến Trung đông (Iraq ,Syria, Iran, A Phú Hãn, Taliban, Sudan, Yemen, Saudi) đã cho thấy thế giới Hồi Giáo ra sao.
Rồi tới nạn xâm phạm tình dục trẻ em của giáo hội tại Mỹ thì chúng ta nghĩ sao? Con cháu chúng ta sẽ sinh trưởng trong hoàn cảnh như vậy, hôn nhân ngoại tộc là điều không tránh được. Đối diện hay trốn tránh? Nếu ô nhiễm môi sinh khiến loài người phải mặc y phục như phi hành gia thì có còn phân biệt chủng tộc nữa không?
Dân chủ là tham dự và chọn lựa với tinh thần trách nhiệm. Hay là bỏ mặc cho chính quyền độc tài lo liệu? Chúng ta chỉ sống như con thú, ăn, ngủ và làm tình?
Khi con người sống lý tưởng (phục vụ xã hội, dân tộc, tha nhân) thì đó là cương thường để duy trì đạo đức, kỷ luật bản thân và trật tự. Khi con người (đàn ông) sống không có lý tưởng thì đời sống là gì? Tứ khoái?
Khi con người sống như con vật thì có gì để giáo dục gia đình, con cái? Và kết quả là chúng ta có xã hội Mỹ hiện tại. Ý tưởng du nhập mọi chủng tộc, di dân, sắc tộc… để sống chung có vẻ dân chủ, bình đẳng nhưng nếu không có giáo dục để thay đổi suy nghĩ bên trong thì có ích lợi gì?
Mặt khác nếu bên ngoài đời sống với sự cạnh tranh kinh tế (kinh tế thị trường) khiến nhóm A di dân (sắc tộc) đi trước bị nhóm B đến sau vượt qua mặt thì sự kỳ thị tất phát sinh dẫn đến xung đột.
Vậy bất ổn xã hội là do giáo dục, hay kinh tế, hay chính trị?
Không có nhà chuyên môn, chuyên gia nào trả lời được vì đó là vấn đề tổng thể không thể đứng một góc cạnh cá biệt để giải quyết.
Cho dù có giáo dục từ nhỏ, khi đứa trẻ bước vào đời phải chật vật kiếm sống hay thất bại trong đời sống sẽ tìm cách khác thường để đạt được ý muốn cho dù phải phạm pháp hay chống đối xã hội. Hoặc nếu phải vất vả trong đời sống kinh tế (làm nhiều giờ, hai hay ba việc làm) thì sẽ không còn thời gian để tham dự các sinh hoạt xã hội khác. Mà dân chủ là mọi người phải tham dự. Kẻ đứng ngoài sẽ bị thiệt hại. Và từ thua thiệt kinh tế dẫn đến thua thiệt về dân chủ (chính trị, xã hội).
Có khi đứa trẻ thành công về kinh tế nhưng tránh né sinh hoạt chính trị (vì lo ăn chơi, hưởng thụ) và khi thấy thua thiệt về mặt chính trị sẽ tìm cách khuynh đảo (vận động khuynh đảo chính quyền).
Có người cho rằng sinh hoạt dân chủ cho phép con người (đứa trẻ) chọn lối sống, cho dù bỏ học, sống lang thang hay chống đối xã hội, chính quyền… vậy thì dân chủ theo ý bạn sẽ như thế nào?
Con Đường Dân Chủ (P2)
Trần Công Lân
Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s