Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì giáo dục là “dạy dỗ, rèn luyện về chữ nghĩa, đức hạnh và thể chất”.
Nhiều người có quan niệm rất đơn giản về giáo dục là được đến trường để học. Thực ra đến trường để học kiến thức qua giáo dục và đến trường học không có nghĩa là cá nhân đó có Giáo Dục. Ý nghĩa của giáo dục không đơn thuần nằm trong tự điển, không đơn thuần nằm theo sự suy ngẫm của nhiều người. Những người thực sự hiểu về giáo dục nhìn vấn đề giáo dục ở một dạng rộng lớn.
Sự quan trọng của giáo dục được Lý Đông A nhận định “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Không những thế, giáo dục theo cái nhìn của Lý Đông A là phải ở tự mình trước tiên, sau đó được tôi luyện trong gia đình, xã hội, trường học để tạo ra một con người có tinh thần Nhân Chủ, tự mình làm chủ bản thể của chính mình. Cái giáo dục đó luôn luôn tiếp tục cho đến khi cá nhân đó nằm xuống thì sự học hỏi, giáo dục mới chấm dứt.
Một triết gia khác người Ấn Độ, Krishnamurti, nhìn vấn đề giáo dục là sự học hỏi, lắng nghe giữa người học và người dạy. Không có chuyện thầy/cô biết hết và không có chuyện trò chẳng biết gì ngoài chuyện im lặng nghe lời thầy/cô dạy mà chưa chắc người thầy đã làm tròn trách nhiệm của một người thầy/cô. Đây là sự tương tác giữa hai đối tượng dạy và được dạy để cả hai cùng nhau tiếp tục triển khai tri thức của mình ở tầm mức cao hơn.
Người Việt được giáo dục theo cái giáo điều là thầy/cô lúc nào cũng đúng. Có học sinh nào dám thách thức sự hiểu biết của thầy/cô? Nếu có thì sẽ bị xếp vào loại học sinh không nghe lời thầy/cô. Dĩ nhiên cần phải xét lại sự thách thức đó đúng hay sai. Nếu đúng mà gán cho học sinh tội không nghe lời thầy/cô thì rõ ràng sai 100% hay còn gọi là thầy/cô độc tài, luôn luôn nghĩ là mình đúng.
Nền giáo dục ở Mỹ, thầy/cô giáo luôn luôn quan tâm phát hiện những nhân tài bẩm sinh hầu đưa cá nhân đó vào đúng môi trường, phát triển cái bẩm sinh từ nhỏ. Những trường hợp này này hiếm nhưng các trường luôn cố gắng để đào tạo ra những nhân tài mà đã có thiên phú có thể từ kiếp trước. Tuy nhiên, nền giáo dục của Mỹ mục đích chính vẫn là đào tạo ra chuyên gia chứ không phải là đào tạo Con Người có đầy đủ Tri Thức để đóng góp vào sinh hoạt của xã hội. Chuyện đào tạo ra chuyên gia nhưng quên đi cái bản chất con người thì sẽ tạo ra chuyên gia nguy hiểm cho xã hội mà chuyên gia đó chỉ lo cho bản thân, cho dục vọng của chính mình mà không quan tâm đến sự sống còn của người khác, của xã hội mình đang sống. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế có những người rất giỏi như cô Elizabeth Holmes, Martin Shkreli, hay Jeffery Epstein nhưng họ chỉ lợi dụng cơ chế và dùng cái giỏi của họ để làm giàu hoặc phục vụ lợi ích dục vọng của bản thân mà không quan tâm đến xã hội.
Cô Elizabeth vì tham vọng làm giàu, thành lập công ty mà thực tế hiệu quả của sản phẩm tạo ra là con số không và cô được mệnh danh là người giàu trẻ nhất. Năm 2021 tòa án đã kết án cô có tội trong việc lừa gạt người khác bỏ tiền vào công ty của cô mà sản phẩm hoàn toàn không có giá trị. Ông Martin được mệnh danh là người “khủng khiếp” gia tăng giá thuốc từ 13.50 một viên lên đến 750 đồng một viên. Ông Martin hiện đang ở tù về một tội khác, cũng là lừa gạt người có tiền để làm ăn với ông ta. Ông Jeffery làm giàu nhưng lại mắc căn bệnh loạn dâm và chỉ loạn dâm với tuổi vị thành niên, đồng thời ông lợi dụng sự nghèo khổ của những người phụ nữ này để thực hiện chuyện dâm dục của ông bằng tiền bạc ông có. Ông này đã tự tử trong tù trong thời gian bị bắt lần thứ hai cho cùng vụ án mà trước đó ông ta đã dùng tiền và luật sư để thoát tội một cách dễ dàng.
Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng hình ảnh trên chỉ là con số nhỏ. Vâng! Đó là những con số nhỏ được biết và còn những con số khác chưa được phát hiện. Chính vì nền giáo dục bỏ đi cái gốc là Con Người cho nên Mỹ có một vị tổng thống xem người khác không ra gì và sẵn sàng nói dóc không biết ngượng nhưng vẫn được người Mỹ (gồm cả Việt tại Mỹ, ngoài Mỹ, tại Việt Nam) ủng hộ điên cuồng như những người lên đồng bóng trong gần bốn năm dưới thời đại của Trump.
Câu hỏi đặt ra là có nền giáo dục nào mục đích để đào tạo con người là chính và chuyên gia là phụ? Nếu có thì rất là hiếm hoi bởi quan niệm giáo dục luôn luôn nghĩ ở cái thường tình là đào tạo ra những chuyên gia. Một sự ngạc nhiên rất lớn là tại Việt Nam, thành phố Cần Thơ nhỏ bé, có một trường tư gọi là Trung Tâm Chí Dũng, ở nơi đây họ có triết lý giáo dục rất gần gũi với Krishnamurti cũng như Lý Đông A. Khi mà giáo dục được nâng lên đến tầng cấp là Triết Lý Giáo Dục thì đó chính là nền giáo dục tổng thể chứ không phải là nền giáo dục thường tình của thế giới đang đeo đuổi.
Ở chương 2(*) của triết lý giáo dục này đưa ra nhận định:
Thứ nhất: Người dạy là người kiến tạo quá trình nhận diện, rèn luyện và chuyển hoá.
Thứ hai: Người học là người nhận diện, rèn luyện và chuyển hoá bản thân.
Thứ ba: Mối quan hệ giữa người dạy và người học được thiết lập theo mối quan hệ gia đình nhưng bình đẳng, tự do và tác động qua lại một cách tích cực.
Thứ tư: Cả người dạy và người học tham gia quá trình giáo dục để hoàn thiện bản thân và có những tác động tích cực để chuyển hoá xã hội.
Điều 3 và 4 đã vượt lên trên tất cả những quan điểm về giáo dục ở Việt Nam. Theo “truyền thống” thì cấp bậc thầy và trò rất rõ ràng nhưng đối với Trung Tâm Chí Dũng, mối quan hệ này không phải là thầy trò mà là mối quan hệ gia đình trong một sự bình đẳng, tự do và tác động qua lại. Đây cũng chính là tác động của thuyết Ỷ Tha, Tự Kỷ, và Động Tha của Lý Đông A (Ý Nghĩa Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha) mà chính mỗi người thầy/cô và học trò phải dựa (Ỷ Tha) vào nhau để tự mình (Tự Kỷ) rèn luyện tri thức của mình cho cao hơn và từ đó tác động (Động Tha) vào xã hội để tạo ra một xã hội Người hơn, hoặc tác động vào việc giảng dạy để việc giảng dạy đạt được hiệu quả cho thầy lẫn trò.
Điều 4 rất quan trọng bởi cho thấy giáo dục là hoàn thiện bản thân (người dạy lẫn người học) để có những hành động tích cực nhằm chuyển hóa xã hội. Điều này đã được điều chỉnh rõ ràng hơn trong bản hiện tại (2022) nhắc đến Trách Nhiệm và Quyền Lợi trong việc chuyển hóa xã hội.
Ở chương 3(*) nói về mục đích của giáo dục và đào tạo với nhận định:
Thứ nhất: Mục đích của quá trình giáo dục và đào tạo là rèn luyện 4 vấn đề trọng yếu: tư tưởng, đạo đức, tri thức, kỹ năng.
Thứ hai: Nhiệm vụ của giáo dục là tạo ra con người có trí tuệ: biết suy nghĩ, sống tử tế, thấu hiểu sâu sắc và hạnh phúc; đồng thời kiến tạo một xã hội học tập, thấu hiểu và hạnh phúc. Nhiệm vụ của quá trình đào tạo là giúp con người phát triển bản thân góp phần phát triển xã hội một cách bền vững.
Thứ ba: Giáo dục và đào tạo là một quá trình được rèn luyện và tự rèn luyện để mỗi con người nên hoàn thiện góp phần vào sự hoàn thiện của xã hội.
Thứ tư: Người dạy giữ vị trí quan trọng nhất trong việc xác định cái gì cần dạy và phù hợp cho sự thăng tiến của người học, do đó người dạy phải đủ trí tuệ: nắm vững và thấu hiểu sâu sắc các tri thức mà mình truyền đạt, tư tưởng mà mình hun đúc; gương mẫu trong cuộc sống là cách giáo dục đạo đức tốt nhất cho người học và không ngừng trao dồi học hỏi để hoàn thiện kỹ năng cho bản thân, từ đó mới có thể dạy dỗ và chuyển hoá người học. Người học giữ vị trí trung tâm trong quá trình thụ hưởng sự giáo dục – đào tạo của người thầy.
Trong khi các chương trình giáo dục để nhồi nhét kiến thức cơ bản hầu tạo ra một chuyên gia sau này thì Trung Tâm Chí Dũng dồn vào cái gốc của Con Người đó chính là Tư Tưởng, Đạo Đức, Tri Thức và Kỹ Năng. Tương quan giữa người dạy và người học thì người học được đặt vị trí trung tâm (quan trọng) bởi nếu cái trung tâm này sai lầm thì sẽ tạo ra hậu quả sai lầm cho xã hội và sai lầm cho xã hội sẽ tạo ra sai lầm cho thế hệ hoặc cho nhiều thế hệ. Nhưng để cái trung tâm đi đúng thì người dạy phải là tấm gương (có đủ tri thức, tiếp tục tu dưỡng, học hỏi để tự mình tiếp tục nâng cao tri thức và nghề nghiệp của mình), tác động (Động Tha) vào người học. Một tấm gương bể sẽ phản chiếu những hình ảnh tồi tệ và sẽ ảnh hưởng đến người học.
Những chương khác nói lên những điều cần phải làm trong việc xây dựng Con Người để thực hiện Tư Tưởng, Đạo Đức, Tri Thức và Kỹ Năng trong mục đích của giáo dục và đào tạo. Những điều này rất là quan trọng và những điều này giống vấn đề Tu Dưỡng Thắng Nhân mà Lý Đông A đã quan tâm trên 80 trước. Khác chăng là Trung Tâm Chí Dũng đem chuyện xây dựng Con Người vào thực tế trong giáo dục trong khi tư tưởng Nhân Chủ của Lý Đông A vẫn nằm trong phạm vi cá nhân để tự tu dưỡng và hiểu rõ được tư tưởng Nhân Chủ để đem vào thực tế hành động.
Trang mạng Ngàn Lau không làm chuyện giáo dục như Trung Tâm Chí Dũng. Tuy nhiên, trang mạng Ngàn Lau thực hiện chuyện diễn giải tư tưởng Nhân Chủ của Lý Đông A vào trong thực tế mà những quan niệm về Tu Dưỡng Thắng Nhân có cùng một tầng số với Trung Tâm Trí Dũng trong việc đào tạo Con Người.
Trên tinh thần đó, xin giới thiệu đến độc giả, những người sống tại Việt Nam, một tổ chức giáo dục mang tầm vóc rất quan trọng trong việc xây dựng Con Người trên căn bản triết học của giáo dục. Liệu quan niệm giáo dục của Trung Tâm Chí Dũng có phát triển được ở môi trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)
(*) Bài viết dựa vào tài liệu năm 2020 trên trang mạng Trung Tâm Chí Dũng. Vì bài viết chưa hoàn thành cho đến năm 2022 — thì trang mạng Trung Tâm Chí Dũng đã thay đổi chương và một vài chữ, tuy nhiên nội dung cũng có cùng một mục đích mà người viết bài này muốn nhắc đến.