Thế Nào Gọi Là Đủ?

Bạn thân
Câu hỏi bên trên không phải dễ trả lời bởi cái đủ của người này thì lại là cái thiếu của người kia. Để nhận thức thế nào gọi là đủ cần nhiều yếu tố mà tuổi tác, kinh nghiệm cuộc sống đóng vai rất lớn để biết đủ là như thế nào.

Có những biện luận để phản biện lại câu nói này để chứng minh câu nói này sai. Hãy cùng nhau mổ xẻ những biện luận đó.
1. Có người cho rằng “Biết đủ là đủ không dễ đâu. Câu nói này rất dễ nói, thường là do tâm lý bị thất bại, bất toại trong cuộc sống và dùng câu nói đó của người xưa để tự an ủi. Như người nghèo thường có tâm lý cho rằng nghèo như tôi mới trong sạch còn bọn nhà giàu thì lắm tiền bạc bẩn, rồi bám chặt vào tâm lý này như chỗ trú ẩn an toàn” (trích từ mạng xã hội).

Nhận định bên trên mang tính chủ quan, xem nặng vật chất và xem thường những người nghèo khổ. Dùng tâm lý bản thân để nhét chữ vào mồm những người nghèo khổ. Một cá nhân có thể nghèo về mặt vật chất nhưng giàu về mặt tinh thần. Chính mặt tinh thần đó, họ nhìn được vấn đề là mình đã có đủ, không cần phải tranh đua để đòi hỏi những vật chất mà cá nhân đó thấy không cần thiết.

Có những người chọn cuộc sống đơn giản để giải quyết nhu cầu nhu yếu. Những thứ khác đối với họ, có cũng được không có cũng chẳng sao. Cái đủ là ở chỗ này. Bác nông dân chọn cuộc sống đơn sơ, tự mình sản xuất lúa gạo, rau cải; ăn những món mình trồng hoặc nuôi như cá, heo, bò. Nếu có dư thì bán để có thể mua cái áo mặc, mua chiếc máy cày giúp sức lao động của mình nhẹ đi hầu có thời gian an hưởng với thiên nhiên. Khi đã đạt được những vấn đề này, đối với bác nông dân, thế là đã đủ và bác không bon chen để làm giàu, để được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Dĩ nhiên hình ảnh bác nông dân như thế này hiếm có. Nhưng hiếm có không có nghĩa là không xảy ra. Và nếu xảy ra thì không phải là bác nông dân mặc cảm với chính mình như lời nhận định bên trên.

Tâm lý con người ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Đây là tâm lý của số đông. Nhưng vẫn có thiểu số ăn ngon mặc đẹp có hay không có đối với họ chẳng quan trọng. Chuyện quan trọng là có ăn để sống và có mặc để giữ phẩm cách của mình. Ăn món ăn trị giá 5 đồng với món ăn trị giá 100 đồng cùng đạt mục đích là nuôi sống con người. Mặc chiếc áo trị giá 5 đồng và trị giá 100 đồng đều là để che thân thể mình không bị lõa lồ. Liệu cơm gắp mắm là nói lên tinh thần sống đơn giản, biết đủ để không bị vật chất quyến rủ làm chết bỏ hầu phục vụ cái dục vọng của bản thân.

Có những cá nhân sống tại Tây Phương, họ chọn làm việc 40 tiếng một tuần để dành thời gian cho gia đình, cho xã hội sau giờ làm việc; thay vì phải làm thêm và số tiền thêm đó đối với cá nhân đó không cần thiết. Đây chính là hình ảnh biết đủ, không ham tiền để làm thêm.

2. Một biện luận khác để nhận định về những người nghèo để bổ xung cho câu nói ở phần một “nhưng nếu đột nhiên cơ hội đến thì cũng lao ra “chốn lao xao” kiếm thêm thôi, thêm danh, thêm lợi, thêm hột xoàn, thêm xe xịn”.

Một lần nữa biện luận này suy bụng ta ra bụng người. Phải nhìn nhận đây là thực tế của cuộc sống bởi con người không sống vào nhu yếu mà sống vào dục vọng. Nếu sống vào nhu yếu thì sẽ cảm nhận được thế nào là đủ. Và không phải vì cái số đông sống như thế để rồi khẳng định chẳng có ai biết sống đủ là gì. Cuộc sống là hai mặt của đồng tiền. Phải nhìn vấn đề ở dạng tổng thể chứ không thể nhìn một mặt đồng tiền rồi khẳng định ai cũng như thế. Những người không xem nặng vật chất thì nếu cơ hội đến để họ giàu hơn thì thay vì mua hột xoàn, xe xịn hơn thì họ chọn đóng góp số tiền có được vào những lợi ích xã hội. Đã có những người Việt có thể gọi là triệu phú (có vài triệu cho tài sản) nhưng vẫn lái chiếc xe Toyota Corolla thay vì đi xe mắc tiền của Đức để thể hiện sự giàu có. Có thể họ là những người không khoe tài sản và chọn cuộc sống đơn giản dù họ giàu.

3. Biện luận kế đến là “biết đủ là đủ là chỉ dành cho thánh nhân thôi, không nên lạm dụng cẩu thả, còn sống là còn lo, còn thở là còn tranh đấu”

Thánh là ai? Phải chăng thánh cũng là con người? Phật cũng là con người và ông đã thông đạt cái khổ để “ngộ”. Vậy thì biết đủ là đủ ở cái Tâm chứ không phải ở cái chức vị gọi là “thánh nhân” mà người đời đặt cho những ai đó đã “ngộ”. Đem chuyện còn sống, còn thở là còn tranh đấu thì hoàn toàn không dính dáng đến chuyện “đã biết đủ”. Bạn còn sống tức là bạn vẫn phải đi làm để nuôi sống bản thân và gia đình của bạn. Nhưng trong tiến trình đi làm đó, bạn biết đủ để dành thời gian còn lại đóng góp cho xã hội thay vì tiếp tục làm giàu nhằm phục vụ dục vọng của chính mình. Đây chính là hành động và thái độ biết đủ chứ không phải nhập nhằng hai chuyện thành một và kết luận biết đủ chỉ dành cho thánh nhân, một câu nói ngụy biện che lấp cái tâm đầy tham-sân-si của chính mình.

Kết luận
Những người vẫn còn đầy tham-sân-si khi đã lớn tuổi thì sẽ không bao giờ hiểu được “biết đủ là đủ” và sẽ lấy thánh nhân ra để dẫn chứng mà lại quên rằng thánh nhân cũng là con người. Chưa kể đưa ra những biện luận để dẫn dắt con người dựa vào dục vọng để sống thay vì dựa vào nhu yếu để thấy đủ và đem sức lực còn lại đóng góp cho xã hội.

Biết đủ không có nghĩa là bạn không còn làm để nuôi bản thân. Nếu bạn về hưu thì số tiền về hưu đủ cho bạn sống, hoặc nếu thiếu thì bạn sẽ chọn liệu cơm gắp mắm chứ không phải vì dục vọng, muốn sống như ông hoàng, bà chúa mà tiền về hưu của mình không đủ để cung cấp. Đây chính là thái độ biết đủ.

Sống là sự lựa chọn. Bạn chọn sống vì dục vọng hay sống vì nhu yếu? Sống vì nhu yếu không có nghĩa là bạn từ chối những nhu cầu tiện lợi của xã hội mà bạn có khả năng chi phí cho những nhu cầu đó. Và khi bạn chọn sống vì nhu yếu thì bạn sẽ thấy thế nào gọi là đủ và dành cái bạn có dư cho những lợi ích của xã hội thay vì cho chính bản thân và gia đình của bạn.

Trần Thị Lan Anh
Tháng 10 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s