Con người và đạo đức

Thuở còn đi học nghe nói về Đạo Đức kinh của Lão Tử thì cũng tò mò đọc thử và dĩ nhiên là không hiểu gì hết.
Cuộc sống của một xã hội nhược tiểu, chậm tiến lại thêm nạn chiến tranh thì đa số người dân coi chuyện đạo đức là “đạo đức giả” không quan trọng bằng việc kiếm sống, mưu sinh. Để mưu sinh, con người có cớ tham nhũng, hối lộ và ngay cả việc buôn bán với cộng sản là kẻ thù đang tấn công miền Nam.
Khi cộng sản chiếm miền Nam thì dân miền Nam chạy tỵ nạn vì lý do chính trị cũng như kinh tế. Được định cư tại những nước dân chủ Tây Phương, cho dù sau hơn 40 năm hình như cũng không thay đổi tâm thức của người Việt bao nhiêu.
Điển hình là chuyện về Việt Nam. Lúc đầu là thăm gia đình, tang ma, cưới hỏi, cha mẹ già bệnh hoạn, đơn côi v.v…. Sau đó là làm ăn, buôn bán vì nhà nước đổi mới, đất nước bây giờ “ngon lành” tiến bộ v.v….
Chuyện dân Việt phải đi làm đĩ, lao động, bán thân, nô lệ, đút lót để đi nước ngoài buôn lậu, làm đĩ v.v… không bao giờ được “Việt kiều” nhắc đến. Cũng như chuyện về VN để chơi gái, nhất dạ đế vương… chỉ được xuất hiện trong vòng “thân mật”.
Hình như những đau thương của cuộc chiến 20 năm, của biến cố 1975 và cuộc di tản, vượt biên tỵ nạn đẫm máu đã trôi vào dĩ vãng của “Việt kiều” sau những ngày tháng vất vả kiếm ăn nơi xứ người chẳng may thành công nên có áo gấm phải về làng?
Vì sống ở xứ dân chủ nên mạnh ai nấy lo, miễn là đóng thuế đầy đủ. Thế nhưng máu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” được phát triển cực độ cho tới khi Trump lên thì chuyện “thoát Trung” trở thành nóng bỏng.
Người Việt trong nước vì tuyệt vọng với nhà nước cù lần nên ôm đít Trump thì cũng thông cảm. Nhưng người Việt hải ngoại bỗng dưng chuyển đề tài du lịch, thể thao, karaoke… sang chính trị để ủng hộ một nhân vật chính trị chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ: Trump.
Chỉ vì Trump tuyên bố chống (nhưng chưa đánh) Trung Cộng.
Có người cho rằng đa số dân Việt hải ngoại thiếu ý (kiến) thức chính trị.
Có người cho rằng người Việt hải ngoại đã đánh mất lương tâm, sự lương thiện tối thiểu chỉ vì Đạo Đức kinh quá khó hiểu? Hay vì qua bao nhiêu năm chiến tranh đã khiến người Việt trở nên ích kỷ?
Lão Tử dạy con người sống vô vi, đơn giản.
Khổng Tử thấy khó quá bèn sửa lại theo Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín với Tứ thư, Ngũ kinh…. Nhưng nhà Hán vốn gian nên vơ hết về một mối gọi là “Trung Hoa”. Vì lấy của người làm của mình nên cũng chẳng hiểu gì hết và dân “Trung Hoa” sống trong xã hội trở thành nồi cháo heo.
Vì sống gian ác thì dễ mà sống lương thiện thì khó nên dân ngu chạy theo. Nhưng khi được sống tại quốc gia dân chủ để tự làm chủ thì dân Việt vẫn không chịu làm chủ mà lại muốn “chủ” Trump đánh Tàu cứu Việt?
Phải chăng đó là lòng yêu nước Việt (mà không yêu nước Mỹ?)? Vậy thì lòng yêu nước phát sinh từ những điều kiện nào?
Phải chăng sống phải làm giàu trước đã. Rồi khi có tiền thì sẽ thể hiện lòng yêu nước (hay thương người) bằng cách “mượn” người (Trump) đánh Tàu? Còn sự kiện suy thoái dân chủ tại Mỹ đã có người Mỹ lo?
Có người đổ lỗi cho Covid (do Tàu cộng gây ra) khiến con người đâm ra u mê, hỗn loạn, mất trí nhớ? Mà không phải chỉ riêng dân Việt, dân Mỹ cũng hỗn loạn mất cả những cảm quan thông thường (common sense).
Khi người dân mất tin tưởng nơi chính quyền dân chủ, nơi các nhà chuyên môn (bác sĩ, giáo sư đại học, luật gia…), giới truyền thông… cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo thì con người biết dựa vào đâu?
Con người kết thành xã hội thì khi xã hội không hoạt động đúng cương vị của nó thì cá nhân phải bước lui trở lại cương vị cá nhân để nhìn lại lúc ban đầu khi mọi người cam kết thành lập xã hội: hiến pháp.
Vậy thì hiến pháp sai hay con người sai?
Hiến pháp cũng do con người tạo (viết) ra? Vậy thì vấn đề ở con người.
Con người có gì sai? Chỉ có vấn đề lương thiện hay không mà thôi.
Lòng dạ lương thiện nơi con người chính là đạo đức của xã hội. Vì nếu con người sống đơn độc thì làm gì có chuyện Thiện hay Ác?
Khi bạn phát sinh lòng đam mê thì bắt đầu buông thả kỷ luật bản thân là đầu mối duy trì sự lương thiện. Khi bạn kết hợp với xã hội thì chạy theo bên ngoài (cá nhân khác, tập thể…) và khi đối tượng sai lầm thì bản thân sẽ bị lạc trong thế giới sai lầm mà bạn đã theo đuổi. Một khi đã sai lầm từ bản thân thì làm sao bạn có thể tìm ra lối thoát, cho dù có người chỉ lối ra, nhưng làm sao bạn có thể biết được đó là con đường giải thoát.
Từ những sai lầm ban đầu dẫn đến những sai lầm sâu xa hơn (cho dù là sống trong chế độ dân chủ hay độc tài, kinh tế thị trường hay chỉ huy). Con người càng vùng vẫy thì lại càng chìm đắm trong vũng lầy mà chính mình đã tạo ra. Tất cả chỉ vì thiếu sự lương thiện. Có thể lúc còn trẻ bạn đã coi thường nó, cho rằng sự lương thiện không cần thiết cho cuộc sống. Cho đến khi bạn rơi vào hỗn loạn, mê đắm, khủng hoảng… mà không biết vì sao, vì đâu và làm thế nào để thoát ra… chỉ vì bạn đã bỏ quên sự lương thiện.
Có người hỏi lương thiện là gì? Nếu bạn không biết thì phải đi tìm.
Chỉ khi nào chính bạn đi tìm sự lương thiện thì bạn sẽ gặp. Còn nếu chỉ hỏi, để biết, thì chẳng bao giờ bạn thấy hay hiểu nó là gì.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s