I . Tư tưởng gì?
A. Vậy thì căn bản tư tưởng là gì?
Là khởi đầu của một ý kiến sẽ phát sinh ra nhiều sự kiện khác sau này, giống như một tế bào (trứng và tinh trùng) đầu tiên của bào thai, sau này phát triển thành một con người.
Hay một nguyên tử Hydro trong vũ trụ từ đó sinh ra Helium, Carbon, Oxy … để rồi các hợp chất kết thành thực vật, bán thực vật (san hô) và động vật, con người sau này.
Khi một người có suy nghĩ về một sự kiện (Cách Mạng) và muốn chia sẻ với người khác thì trước tiên anh/chị phải thật lòng với chính bản thân và từ đó suy ra mọi góc cạnh của vấn đề càng sâu xa càng tốt vì đó là vấn đề của xã hội con người. Vì mỗi người là một thế giới riêng, để thuyết phục mọi người lắng nghe và tham dự những gì được trình bày thì tư tưởng của anh/chị phải gọn gàng, mạch lạc, có lý luận để được người nghe chấp nhận. Nhưng không có cá nhân nào toàn vẹn, vậy thì anh/chị có sẵn sàng cởi mở để chấp nhận những đóng góp đến từ bên ngoài — vì để thay đổi xã hội phải do những con người trong xã hội tham dự chứ không thể chỉ do một vài cá nhân ưu tú, siêu việt.
B. Cách mạng là gì?
[Ở đây chúng ta không nói tư tưởng chung chung kiểu triết học, xã hội học hay chính trị học mà đi thẳng vào tư tưởng CM với mục đích thay đổi VN].
1.Bạn hiểu CM như thế nào?
Khi tình thế (xã hội, chính trị, kinh tế…) suy sụp mà các cải cách của chính quyền hay các nhà lãnh đạo, tổ chức hay thế lực cầm quyền không giải quyết được các bế tắc có thể dẫn đến khủng hoảng đe dọa sự tồn vong của dân tộc hay đất nước.
Khi mà mọi phương pháp thay đổi tiệm tiến (evolution) không giải quyết được các nhu cầu cần thiết cho dân tộc (đe dọa xâm lăng, diệt vong…).
Tuy rằng nhu cầu cách mạng xảy ra đột biến (nhanh) nhưng tiến trình chuẩn bị cuộc CM không đơn giản. Đa số các cuộc CM xảy ra trong lịch sử chỉ là những cuộc đảo chánh, cướp chính quyền, vì thời cơ mà xảy ra chứ không phải là một sự chuẩn bị các vấn đề then chốt của cuộc CM (gốc – ngọn).
Chủ trương nắm chính quyền chỉ là tham vọng của một số đảng phái với lý thuyết tạp nhạp để dụ dỗ dân chúng đa số nghèo, thiếu hiểu biết… tham dự và sau khi cầm quyền thì đảng “CM” trở thành thế lực mới tiếp tục đàn áp dân, bóc lột dân và người dân lại phải chờ đợi một cuộc CM khác.
Do đó để thực hiện căn bản tư tưởng, chúng ta phải nhìn lại quá khứ, lịch sử của loài người, của một dân tộc, của một quốc gia, tôn giáo, văn hóa, tập tục….
Tìm hiểu như vậy sẽ dẫn đến sự hình thành tâm lý của cá nhân, tập thể (dân tộc tính). Suy nghĩ thế nào để lý luận, thuyết phục người dân nghe và tin theo. Mọi sự khởi đi từ bản thân người đi làm CM.
2. Đâu là căn bản tư tưởng của một cuộc cách mạng?
Vì CM là một biến cố đa dạng, kéo dài và phức tạp. Nếu tâm trí con người không được chuẩn bị để trải qua những thử thách sẽ có khuynh hướng bỏ cuộc hay chọn phương thức ngắn gọn (cấp tiến, bạo động). Căn bản tư tưởng sẽ quyết định kết quả của cuộc CM sau này. Thành công mà dựa trên cái Ác thì rồi cũng sẽ phải làm lại. Tư tưởng CM phải được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng để mọi người có thể cùng tham dự thì cuộc CM mới gọi là thành công. Tạo ý thức chính trị và tinh thần trách nhiệm nơi người dân là thành quả của CM chứ không phải chế độ, hiến pháp, mục tiêu kinh tế… của xã hội.
Vậy căn bản tư tưởng phải liên quan đến con người, xã hội và thiên nhiên. Con người và xã hội là yếu tố thời gian (sống theo thế hệ) và yếu tố không gian (địa lý, vùng đất sinh sống).
3.Bạn muốn CM kiểu nào?
[CM kỹ nghệ dẫn tới kinh tế thị trường và chế độ tư bản hay CM vô sản dẫn đến chế độ cộng sản].
Nếu bạn cho rằng sự giàu có, sung túc sẽ đem lại hạnh phúc với đời sống vật chất dư giả thì cuộc CM của bạn sẽ dẫn đến chủ nghĩa tư bản (kinh tế thị trường).
Nếu bạn tin rằng con người sống trong xã hội thì công bằng, bình đẳng là cần thiết để có một xã hội ổn định và như vậy sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người thì đó là hướng đi của xã hội chủ nghĩa.
CM đi đến thay đổi chính quyền nhưng rồi chính quyền mới sẽ làm gì để gọi là CM?
Tổ chức CM (hay đảng CM) phải có chương trình (hay sách lược) để thực hiện sự thay đổi. Vậy thì thay đổi một vài hay toàn bộ các lãnh vực?
Muốn thay đổi kinh tế thì cần có tài chính. Muốn có tài chính thì cần sự đầu tư từ bên ngoài. Nếu bị chi phối bởi thế lực bên ngoài thì chính quyền có còn phục vụ dân hay phục vụ tư bản nước ngoài?
Muốn có dân chủ thì phải nâng cao dân trí. Dân trí đòi hỏi giáo dục. Giáo dục đòi hỏi kinh tế. Kinh tế đòi hỏi xã hội ổn định. Muốn có ổn định phải có công ăn việc làm….
Khi các tổ chức chính trị tranh quyền sẽ đưa đến tham nhũng, bè phái. Muốn có công bằng xã hội thì phải có hệ thống tòa án, thông tin trung thực… làm sao có thể thực hiện khi các nhu cầu căn bản: ăn, ở, giao thông… chưa thực hiện?
Do đó nếu dựa vào các chuyên gia thì sẽ tranh cãi không bao giờ hết. Bởi vậy những người đi thực hiện cuộc CM cần có hệ thống tư tưởng để xuyên suốt các vấn đề từ lý luận (lý thuyết) đến thực tế hành động. Những người có khả năng đó mới gọi là lãnh đạo CM chứ không phải các nhà chuyên gia, khoa bảng.
Đó là lý do những người tham dự cuộc đấu tranh cho dân chủ tại VN cần có một hệ thống tư tưởng để có cái nhìn toàn diện và triệt để về mọi khía cạnh, lãnh vực, mức độ của cuộc CM. Tư tưởng đó phải dựa trên nền tảng lý luận để có thể giải quyết các vấn đề gặp phải trên căn bản: con người-xã hội-thiên nhiên qua những quy luật của khoa học, lịch sử và triết học.
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2021 (Việt Lịch 4900)