Như chúng ta đã biết Cơ Năng Bản Vị là một hệ thống độc lập theo tương quan giữa Cơ Năng (nhiệm vụ, công tác, hoạt động=Dụng) và Bản Vị (bản chất, cấu trúc, đơn vị=Thể). Bản vị độc lập hoạt động theo cơ năng của nó. Cơ Năng đánh giá bản vị. Chúng hướng tâm để bảo toàn hoạt động và tính chất. Chúng ly tâm để kết hợp thành Trung Tâm Bản Vị. Hoạt động của Cơ Năng Bản Vị trong xã hội Duy Dân nhằm kết hợp các sinh hoạt độc lập, tự chủ, tự sinh và tự tồn.
Khi những người dân (công nhân, nông dân, tư chức…) hoạt động theo ngành nghề để kết thành công đoàn (union) nhằm đối phó với giới lãnh đạo (management, owner) cho quyền lợi và điều hành công ty. Đó là tung hợp theo khu vực (ngành nghề) hiện hữu trong mọi cơ cấu chính quyền (đại nghị, thủ tướng chế, tổng thống chế, độc tài, đa đảng, lưỡng đảng…).
Và như vậy Cơ Năng Bản Vị độc lập với hiến pháp của các thể chế kể trên. Vậy thì đối với Cơ Năng Hiến Pháp của Duy Dân sẽ là tương quan như thế nào?
Như chúng ta đã biết Cơ Năng Hiến Pháp là một Hiến Pháp động (có thay đổi, bổ túc theo chu kỳ ấn định) và mở (cho phép người dân tham dự sửa đổi tu chính Hiến Pháp).
- Hiến pháp
Nhìn vào cơ chế chính quyền và Hiến Pháp của các chế độ đã có, chúng ta thấy luật pháp luôn luôn đi sau sự phát triển của xã hội về kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, y tế…. Trở ngại trước mắt là Hiến Pháp đặt ra để kết hợp toàn dân trong sinh hoạt quốc gia, có nghĩa sinh hoạt của xã hội sẽ dựa trên Hiến Pháp nhưng ngay sau khi Hiến Pháp thành lập (luật lệ Quốc Hội ban hành) thì xã hội đã đổi khác vì tiên đoán luôn luôn khác với thực tế (con người và thiên nhiên biến động). Và như vậy luật lệ không còn thích ứng với nhu cầu trước mắt cho dù là chế độ dân chủ hay độc tài.
Trong khi hệ thống Cơ Năng Bản Vị dựa trên từng đơn vị (bản vị) hoạt động nên thích ứng với mọi hoàn cảnh biến đổi (thời gian và không gian). Khi Cơ Năng Bản Vị thay đổi thì trung tâm bản vị cũng thay đổi đưa đến sự thay đổi tương quan Chủ-Thợ phải dàn xếp lại theo trật tự mới để tồn tại và phát triển. Sự kiện này xảy ra nhanh và hữu hiệu hơn sự chờ đợi chính quyền (hành pháp, lập pháp, tòa án) tham dự và chi phối.
Trong các chế độ cũ, sự tham dự của tầng lớp chính trị gia hay viên chức (hành pháp, lập pháp, tòa án) đã đưa đến sự lũng đoạn sinh hoạt xã hội (tham nhũng, thao túng quyền lực, hối lộ, phe đảng) và khiến sinh hoạt của Cơ Năng Bản Vị mất cân bằng khi các thế lực trên chi phối giới Chủ hay Thợ.
Như trong chế độ tư bản, giai cấp tư bản kết cấu với chính quyền (dù Cộng Hòa hay Dân Chủ qua các nhóm vận động hành lang = lobbyist hay ALEC = cơ quan soạn luật của tư nhân cung ứng cho Quốc Hội) để đè bẹp các công đoàn, áp chế các quyền lợi của công nhân. Trong khi chế độ độc tài (cộng sản) thì đảng dựa vào công đoàn để loại bỏ giới tư bản và độc quyền khai thác kinh tế mà công đoàn không thể thương lượng với giới chủ mà bây giờ là Đảng cầm quyền với bạo lực trong tay.
Trong cả hai chế độ kể trên thì sự thay đổi, cải tổ hiến pháp khó xảy ra vì chính quyền quá mạnh và quần chúng quá rời rạc.
Trở lại với chế độ Duy Dân, Lý Đông A (LĐA) đã đưa ra mô hình đồng bộ: Cơ Năng Bản Vị thay đổi tự nó thì Cơ Năng Hiến Pháp cũng tự thay đổi theo chu kỳ.
Câu hỏi đặt ra là chúng có đồng bộ (hay ăn khớp) với nhau hay không?
Dĩ nhiên chúng đồng bộ: tầng lớp nhân sự kết thành Cơ Năng Bản Vị trong xã hội Duy Dân cũng là tầng lớp tham dự Trung Tâm Hội Nghị (tương đương Quốc Hội) và tham dự sự thành lập Phê Phán Công Đường {tương đương Tối Cao Pháp Viện nhưng quyền hành thuộc về người dân (chứ không phải từ những quan tòa) với mục tiêu kiểm soát, điều chỉnh những người trong cơ quan Chính Trị Tổng Cơ}. Cũng như các nhân sự tham dự các viện thuộc Xu Mật Viện để giúp đỡ Quốc Trưởng điều khiển bộ máy chính quyền, tất cả đều phát xuất từ hàng ngũ Cơ Năng Bản Vị. Nếu hàng ngũ Cơ Năng Bản Vị thất bại thì cơ cấu chính quyền cũng thất bại. Và nếu nó thành công trong việc điều hòa sinh hoạt của Trung Tâm Bản Vị thì các cơ cấu chính quyền dựa trên đó cũng vậy. Nếu Cơ Năng Bản Vị là hàng dọc thì Cơ Năng Hiến Pháp là hàng ngang. Nếu cá nhân đã không thực hiện đúng vai trò của mình trên Cơ Năng và Bản vị thì sẽ không thể làm gì tốt hơn trong vai trò của Cơ Năng Hiến Pháp tại các viện, cơ quan chính quyền là nơi đòi hỏi mức độ cao hơn về kiến thức, trách nhiệm để điều hòa guồng máy xã hội. Tung hợp là sự tất thành.
Khi Cơ Năng Bản Vị là hệ thống quy định các sinh hoạt của các tế bào tự tồn tại và phát triển theo đúng nhu cầu và nhiệm vụ cần thiết để duy trì cơ thể thì Cơ Năng Hiến Pháp là quy định chung của cơ thể để kiểm soát các cơ quan, tế bào trong cơ thể không biến chứng thành ung thư (tế bào, hoạt động không ích lợi cho cơ thể). Thân thể con người cần khỏe mạnh (vô bệnh) chứ không cần trở thành siêu nhân (với sức mạnh vô địch) để làm gì?
Cũng như một quốc gia cần Cơ Năng Bản Vị và Cơ Năng Hiến Pháp để đi đến Bình Sản Kinh Tế vì tư bản hay cộng sản cũng chỉ nhằm mục đích vượt lên trên về quân sự hay kinh tế để trở nên vô địch (siêu cường) và thống trị, bóc lột các nước khác.
Trong cuộc chạy đua về kinh tế hay chính trị, các cơ chế (tư bản, cộng sản) cho phép các cá nhân tranh đua để vượt lên nắm ưu thế về chính trị, kinh tế để quản trị các nguồn lợi quốc gia, thiên nhiên và tạo nên bất công xã hội tuy rằng trên bình diện quốc gia thì chỉ số tổng sản lượng hay bậc thang kinh tế, vai trò chính trị (siêu cường) rất tốt đẹp cho quốc gia nhưng không đem lại cho con người sự công bằng xã hội, nhân phẩm và nhu cầu đời sống tối thiểu (thực phẩm, điện, nước, y tế, giáo dục…) mà chỉ đem lại ưu thế cho thiểu số nắm quyền chính trị hay kinh tế.
Giá trị bình đẳng và công bằng tuy có trong Hiến Pháp nhưng không thực sự được củng cố và duy trì trong hệ thống xã hội và chính trị cũng như kinh tế. Đó chỉ là món hàng để các nhà chính trị dùng vào việc đảng tranh (quyền) và mỵ dân.
Nhu cầu sống của con người dựa trên cơ năng và bản vị. Nếu Hiến Pháp không có Cơ Năng để thay đổi thích hợp với nhu cầu phát triển của con người và xã hội thì tương quan giữa Cơ Năng Bản Vị và Hiến Pháp sẽ không còn. Vì thế Hiến Pháp phải là Cơ Năng Hiến Pháp để điều hòa sự tham dự của con người trên mặt Bản Vị và Hiến Pháp là Cương Thường của quốc gia. Công bằng và hợp lý là điều kiện mọi người tham dự đóng góp trong xã hội và bảo vệ quốc gia.
Nếu mọi người công nhận một (Duy Nhân) Cương Thường như những điều kiện để chung sống trong một xã hội, hay nói ngược lại Cương Thường là sợi dây nối kết con người với nhau trong một tập hợp mang tên xã hội (quốc gia). Trong đó mỗi cá nhân sẽ phát triển theo sinh mệnh tâm lý thích hợp với tinh thần và vật chất đối lập thống nhất. Đó là sự hình thành của Duy Dân Cơ Năng dẫn đến Cơ Năng Hiến Pháp: công việc của mỗi cá nhân (Cơ Năng Bản Vị) trong một tập hợp xã hội trên căn bản hòa hợp, công bằng, hợp lý thì mới dẫn đến sự hình thành của một Cơ Năng Hiến Pháp.
Dựa trên trật tự của xã hội mới thì những luật lệ quy định về quyền lợi của mỗi công dân qua bản vị và cơ năng sẽ đem lại quyền lợi kinh tế mà trong đó tài sản của mỗi người dân phù hợp với bản vị và cơ năng chứ không phải dựa trên khả năng tranh chấp, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên hay trong xã hội. Bình sản kinh tế duy trì điều kiện sống cho mọi công dân không thể vì sự phát triển kinh tế mà tạo cơ hội cho cá nhân khai thác và bóc lột, chèn ép người khác trong xã hội.
Và đó là cấu trúc Duy Dân mà LĐA đã nhìn ra từ 1945.
- Tương quan giữa Cơ Năng Bản Vị và Cơ Năng Hiến Pháp.
Khi khối Xô Viết sụp đổ 1989 và Bush I đưa ra trật tự thế giới mới và kinh tế toàn cầu nhưng chỉ có giới kinh doanh đổ xô về các nước nhược tiểu để khai thác qua các hiệp ước thương mại (mà sau này chính quyền Trump hủy bỏ vì “bất lợi” cho Mỹ?) trong khi các luật lệ để kiểm soát chưa được chuẩn bị, nghiên cứu. Chiến tranh Iraq và suy thoái kinh tế 1992 vì các công ty Mỹ sa thải nhân công để dời các cơ xưởng sản xuất về Á Châu nơi có nhân công rẻ khiến dân Mỹ mất việc làm, Bush thua Clinton.
Khi xung đột giữa Clinton (Dân Chủ) và Gingrich (Quốc Hội Cộng Hòa) vì cân bằng ngân sách (thành công) và thực hiện chương trình y tế toàn quốc (thất bại) thì sự bế tắc của lưỡng đảng bắt đầu.
Đảng tranh vì quyền lợi của phe nhóm chứ không còn là quyền lợi quốc gia tuy rằng bên ngoài luôn luôn nói rằng vì đất nước. Tại sao vậy? Vì nhìn vào xã hội Mỹ, khi tầng lớp trung lưu suy giảm vì mất các việc làm tốt, số người nghèo gia tăng và thiểu số giàu ngày càng nắm giữ các ngành kỹ nghệ, thương mại quan trọng và tạo ảnh hưởng (vận động hành lang) đến các luật lệ của Quốc Hội cũng như toà án. Thí dụ điển hình là sự phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cho phép các công ty bỏ tiền ra vận động tranh cử vì có tư cách pháp nhân (Citizen United) khiến các cuộc tranh cử trở nên đắt giá vì hai đảng đã bỏ ra cả ngàn triệu (trillions) để đánh phá nhau. Cũng như sự kiện các nhà làm luật (lawmaker) khi đắc cử thì bỏ quên cử tri mà chỉ làm luật có lợi cho các công ty qua giới vận động hành lang (lobbyist).
Sự phân quyền dựa vào Hiến Pháp đã không còn tác dụng nữa khi tòa án và luật pháp cũng như các nhà làm luật “thiên vị” vì chạy theo chủ trương của đảng và tìm mọi cách phá hoại, khủng bố, đe dọa… các chương trình của phe kia (khi nắm quyền) để giành lại quyền Hành Pháp và Lập Pháp (nếu không sẽ kiện cáo lên Tối Cao Pháp Viện). Họ hy vọng đa số các vị thẩm phán có đồng quan niệm với đảng sẽ phán quyết có lợi cho đảng của họ.
Hiến pháp Mỹ trở nên lỗi thời vì xã hội và con người đã thay đổi. (the last amendment 27th was passed in 5/1995, mất trên 200 năm để thông qua tu chỉnh án thứ 27 này).
Cơ Năng Bản Vị Đối Chiếu Cơ Năng Hiến Pháp (P2)
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)