Bạn thân
Đầu thế kỷ thứ 21, người tiêu thụ hàng có cái quyền phê phán cái sản phẩm mình mua. Đó là lý do tại sao trên các trang mạng, người quản trị mạng cho mọi người phê bình về món hàng mình đang mua để giúp những người khác có quyết định chính xác hơn.
Chuyện phê bình món hàng đã mua xem ra rất đơn giản nhưng thực tế thì không phải như thế. Vấn đề là người quản trị trang mạng cho sự phê bình này có sửa đổi hoặc xóa những lời phê bình xấu hay không? Nếu bạn mua món hàng từ chính người bán hàng, thì liệu lời phê bình xấu của bạn về món hàng bạn mua, người bán hàng có cho hiện lên trên trang mạng của họ hay không?
Dĩ nhiên có những trang mạng như của google, Yelp, Amazon v.v… có thể tạm gọi là khá tin tưởng để người tiêu thụ có thể cho ý kiến về món hàng mình đã mua. Thực tế thì những nhận định này, chỉ đóng một phần nhỏ trong quyết định của người mua. Có những món hàng được số đông phần trăm cho 4 hoặc 5 sao nhưng khi mua về, người mua hoàn toàn thất vọng vì nhiều lý do. Vậy phải chăng số người cho 4 hoặc 5 sao là giả tạo? Không hẳn thế bởi câu chuyện không đơn giản như chúng ta tưởng.
Người viết bài này đã từng thấy ở những văn phòng bác sĩ thú y, ghi rõ là nếu vào google, yelp cho họ 5 sao và in tờ giấy đó ra, họ sẽ bớt 5 hoặc 10 đồng cho kỳ thăm viếng văn phòng của họ. Vậy thì cái 4 hoặc 5 sao, trong trường hợp này, có thể là sai chỉ bởi vì người cho ý kiến muốn được bớt tiền nên cho 5 sao.
Tháng 10 năm 2020, người viết bài này mua một máy chụp hình ở ngoài trời để xem con gì ở sau nhà cắn phá cây trồng. Máy này gọi là Campark T20 và mua từ Amazon mà người bán hàng dựa vào trang mạng của Amazon để bán hàng của họ chứ không phải món hàng của Amazon bán thẳng cho khách hàng. Dĩ nhiên máy này làm từ bên Tàu. Và trong đêm đầu tiên, 4 cục pin hoàn toàn không còn điện và không biết máy có thực sự thâu khi con vật xuất hiện hay cứ tiếp tục thâu cả đêm nên hết điện sáng hôm sau. Thế là người viết bài này vào Amazon cho sản phẩm này 1 sao vì tốn pin quá.
Ba tuần sau, người viết bài này nhận được điện thư từ người bán (không phải từ Amazon) cho hay là những ý kiến cho sản phẩm của họ rất quan trọng và họ thông báo là đã đổi hãng sản xuất sản phẩm. Họ cũng cho biết là một ý kiến xấu có thể ảnh hưởng đến chuyện buôn bán của họ cho nên họ đề nghị sẽ trả lại số tiền là 30 đô (tổng cộng giá mua là gần 60 đô) nếu đồng ý xóa cái đánh giá 1 sao đó. Thì ra người ta có thể mua sự đánh giá 1 hoặc 2 sao bằng tâm lý duy lợi cho bản thân, để khuyến dụ những người khác xóa bỏ những đánh giá thấp về sản phẩm. Cái tâm lý duy lợi này sẽ khuyến dụ được một ít người để xóa phần 1 hoặc 2 sao đánh giá sản phẩm. Ba tuần họ lại gửi một email khác, đề nghị là tăng số tiền lên là 50 đô để xóa cái review 1 hoặc 2 sao. Người bán lại dùng tâm lý tiền để mua sự định giá trị của sản phẩm lần thứ hai.
Người viết bài này có nói chuyện với Amazon, thông báo cho họ biết điều này và sẽ không xóa cái đánh giá 1 sao đó trên sản phẩm mà họ dùng tiền mua cái đánh giá xấu đó xóa đi. Không biết Amazon sẽ làm gì khi mà những người dùng mạng của họ để bán sản phẩm và mua lại những đánh giá sản phẩm 1 hoặc 2 sao? Nếu Amazon vẫn tiếp tục để người bán trên mạng của họ mà không giải quyết khi mà người mua thông báo người bán dùng tiền để mua lại những đánh giá của 1 hoặc 2 sao thì vô tình, Amazon ủng hộ sự không trung thực này.
Thời đại mạng mang lợi ích, tuy nhiên cũng đem lại những cái mà nếu không cẩn thận, chúng ta trở thành nạn nhân hoặc đồng lõa trong một hệ thống lừa gạt những người sống trong xã hội. Bạn chọn phương pháp nào? Chấp nhận sự mua chuộc đó hay thông báo cho mọi người biết về sự mua chuộc này?
Trần Thị Lan Anh
Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)