Bụi luận: bụi đời… bụi kiếp… oan hồn…
Bụi đời (bụi giữa đời, bụi trong đời, bụi ngoài đời…) chỉ những ai vô gia đình, không nhà, không nơi sống cố định, không nơi ở yên ổn, sống như bụi trôi dạt, lất phất giữa đời. Sống trên đường phố, đi lại qua các phố phường, rồi bị xếp loại một cách vô phúc nhất bởi những kẻ có gia đình, có nhà, có nơi nương tựa là loại đầu đường xó chợ; đây là loại bất công mà khoa học xã hội và nhân văn chưa đặt tên.
Luận về hiện tượng xã hội bụi đời này, thì tên gọi rất khác nhau, qua từng quốc gia, qua từng xã hội; nên có những quốc gia văn minh, có những xã hội có nhân văn, tên gọi những ai tứ cố vô thân một cách êm đềm hơn. Thí dụ như người Pháp gọi họ là: kẻ không nơi cư trú cố định (sans domicile fixe). Êm tên để nhẹ kiếp! Vì họ còn là người, họ chỉ không có nhà để ở, không còn gia đình để nương, họ không hề là: bụi! Ngữ pháp bụi luận làm tựa cho tiểu luận này, đi từng giai đoạn, từ điều tra qua điền dã, từ nghiên cứu qua khảo sát, từ phân tích qua giải thích, để xây dựng nên một quy trình cho luận về hiện trạng đau thương này của Việt tộc.
Trong đó, lý luận về một cá nhân bụi đời, không nên quy chụp vào số phận hay phần kiếp của cá nhân đó; mà đây là một hiện trạng xã hội, nơi mà nhân học nhận thức phải song hành cùng xã hội học giáo dục để nhận diện được trách nhiệm của toàn bộ xã hội đối với với tất cả cá nhân này, nhất là chính quyền quản lý xã hội đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bi nạn bụi đời.
Tại đây, lập luận về thực thể bụi đời, không những nói lên hậu quả gia đình tạo ra hậu nạn xã hội bụi đời, mà nhân học nhận thức phải song hành cùng xã hội học tri thức để nhận ra những bất bình đẳng luôn song đôi với bất công trong một xã hội, từ đó cướp đi tất cả điều kiện sống bình thường cùng cơ may được sống yên, được sống lành trong một mái ấm. Vì có mái ấm thì sẽ không có bụi đời!
Từ đây, giải luận về bi nạn bụi đời, phải tìm từ gốc tới ngọn, tại sao là dân chúng mà một sớm một chiều lại trở thành dân oan, từ những người có mái ấm dung thân, giờ lại lâm vào cảnh tứ cố vô thân, rồi màn trời chiếu đất, rồi đầu đường xó chợ. Vậy nên nhân học nhận thức phải sẽ chung đôi cùng xã hội học chính trị để nhận ra đường đi nước bước của bạo quyền lãnh đạo độc tài, có chung chia với tà quyền tham quan sống nhờ tham nhũng từ trung ương tới địa phương, rồi chia chác với đám ma quyền tham tiền qua buôn đất, không những biến dân chúng thành dân oan, mà còn biến họ thành tro bụi ngay trong cuộc sống, xô đẩy họ vào kiếp bụi đời!
Sau đó, diễn luận từ lỗi cơ chế tới tội lãnh đạo nơi mà những kẻ bụi đời không còn là những cá nhân riêng rẽ, mà là một thành phần xã hội ngày càng đông, sống trong nheo nhóc của cùng cực đói nghèo, mất trắng an sinh xã hội, mất trọn nhân quyền, quyền được sống bình thường của những công dân trong một xã hội pháp quyền. Kết cục là đẩy ra, vất ra, quăng ra đường phố, chợ búa, những đứa trẻ không nhà, những thiếu nhi mất nhà, xa cha mẹ, nên nhân học nhận thức phải sánh đôi cùng tội phạm học phân tích để kết luận trong tỉnh táo và sáng suốt là biến trẻ thơ, biến thiếu nhi thành bụi đời là một tội ác!
Thân phận không phải là số phận, thân phận mang không gian của hiện tại, số phận phải đèo số kiếp dài theo thời gian; nhưng thân phận hiện tại nói lên số phận tương lai; vì thân phận là chỉ báo (vì là điềm báo) cho số phận, vì cả hai vừa là nhân và vừa là quả, gắn liền với nhau trong nhân kiếp. Thân phận bụi đời không nhất thiết là thân phận mồ côi, vì có kẻ có cha mẹ có nhà nhưng thành bụi đời, có người mồ côi nhưng suốt kiếp không thành bụi đời; nhưng mồ côi cha lẫn mẹ, rồi không người bao bọc, chở che, và hoàn cảnh mồ côi không nơi nương tựa rất dễ rơi vào bi nạn bụi đời.
Thân phận bụi đời làm nên số phận bụi đời, không phải là một đường thẳng từ đầu tới cuối kiếp người, mà thân phận bụi đời là những đoạn đường rất khác nhau, tùy cá nhân, tùy hoàn cảnh, nhất là tùy thuộc vào các chính sách an sinh xã hội, trong đó chính quyền phải chịu trách nhiệm, chính phủ phải nhận trọng trách trước thực trạng xã hội này. Thân phận bụi đời có thể bắt đầu rất sớm từ lúc còn là thiếu nhi, đây là trung tâm nghiên cứu và ngã tư khảo sát của tiểu luận này, có khi kéo dài cả đời, rồi để lại rơi vào chuyện tái sản xuất hiện trạng thân bụi, mà xã hội học gia đình và giáo dục gọi tên là: tái sản xuất xuyên thế hệ.
Thân phận bụi đời cũng có thể là những đoạn đường của một cá nhân, một gia đình, phải chịu nhiều lần thảm cảnh thân bụi; đã thoát ra được họa cảnh bụi đời, nhưng họ luôn là con mồi trước mọi áp bức, bất công, bạo lực… đẩy đưa họ lại con đường cũ: bụi đời. Đây là hệ lụy của các nạn nhân ngắn cổ bé họng, trong một hệ thống hàng dọc của bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất vì tham tiền, biến dân lành thành dân oan, rồi thành dân bụi, mà không có một cơ chế công lý nào bảo vệ các nạn nhân này.
Thân phận bụi đời nói lên thảm kịch của bất công trong xã hội, tại đây các nạn nhân bụi đời bị xem như sống ngoài lề của đời sống xã hội hiện tại, bị loại ra khỏi trong sinh hoạt xã hội hằng ngày, bị bứng gốc khỏi quan hệ xã hội bình thường. Họ vô hình trong cách tính của chính quyền, họ vô dạng trong thống kê của chính phủ. Nhưng họ là kết quả tất yếu làm ra hậu quả tức thời tới từ bạo quyền lãnh đạo vô luân, tà quyền tham quan vô cảm, ma quyền tham tiền vô giác. Chính ba cấu trúc: đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội là nội công của xã hội học nạn nhân hóa, làm nên nội lực cho nhân học nhận thức về các nạn nhân trong một xã hội, trong một dân tộc, trong một đất nước.
Họa nghiệp bụi đời có thể chỉ là một thời gian ngắn, có khi lại là cả kiếp người, nơi mà xã hội học góc độ (sociologie des trajectoires) đề nghị xét nghiệm một đời người như một hành khách đi những chặng đường của cuộc sống, qua hình tượng của phương tiện lưu thông công cộng: có trạm, có đi, có ngừng, có đổi, có tới… Trong đó có đoạn đường (trajet), nhiều người lên cùng một chuyến xe cùng khởi hành một trạm xe, nhưng họ xuống các trạm khác nhau, và có khi tới trạm cuối thì không còn ai. Một ngày kia, xã hội Việt không còn trẻ em Việt bụi đời, ngày ấy là ngày xã hội Việt thật sự bước vào đoạn đường văn minh.
Trong đó có những đoạn đường di chuyển chấp nối (correspondance) nhau, qua các thời điểm khác nhau, qua các không gian không giống nhau. Khi còn là thiếu nhi thì đã là bụi đời tại Hà Nội, miền Bắc; khi thiếu niên thì cũng là bụi đời nhưng tại Huế, miền Trung; khi thanh niên thì vẫn là bụi đời nhưng sinh tồn tại thành Hồ, miền Nam.
Tổng thể của mọi sự chấp nối là hình ảnh trung thực của hoạn trạng bụi đời. Trong đó có dừng chân (pause), giữa những đoạn đường khác nơi, khác vùng, và một cá nhân có thể sống liên tục kiếp bụi đời (ngựa quen đường cũ); mà cũng có các cá nhân khác tạm thời tìm ra việc làm, có thể nhất thời có hội ngộ với một quý nhân, có hạnh ngộ với một ân nhân, và được chăm sóc được sống vài tháng, vài năm… có nơi nương thân ổn định, với một gia đình trong một mái ấm, dù là tạm bợ (nhờ duyên ta biết quê người nơi đây).
Và có trạm cuối (terminus) của một cá nhân, một gia đình, sống mà không có lối ra về kinh tế, không có lối thoát về nghề nghiệp, không còn con đường sống bình yên trong một cuộc sống bình thường, vì bị mất tất cả vốn xã hội. Mà xã hội học về vốn xã hội (sociologie des capitaux) khi phối hợp với nhân học chính trị (anthropologie politique) đề nghị nghiên cứu các nạn nhân bụi đời bị lâm vào môi trường nghiện ngập và tội phạm, vì cuộc sống hàng ngày đã đưa đẩy họ vào đường cùng, mà chính họ cũng là các con mồi, là các nạn nhân bị giật dây vào các hành động phạm pháp.
Có khi là trạm thoát, nơi đây là trạm đến (arrrivée) mang nhân tố tích cực, khi một cá nhân bụi đời, hoặc một tập thể bụi đời được hỗ trợ từ học hành tới huấn nghiệp, từ kinh tế tới xã hội, từ giáo dục tới văn hóa… để thoát kiếp bụi đời. Tại đây, khoa học giáo dục và xã hội học chính trị lập được một liên minh trong phân tích để nhận ra các thành công của các chương trình cứu trẻ bụi đời; trong đó có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính quyền và các hội đoàn từ thiện, giữa chính phủ và các chủ thể thiện nguyện; nơi mà ý nguyện của hội lành, người tốt, cùng đồng tâm, đồng cảm, đồng giao với ý lực của chính quyền, chính phủ, tất cả cùng nhau tâm nguyện phải cứu cho bằng được các trẻ bụi đời!
Loạn kiếp là không có được nghĩ ngơi trong bình thường của trong ấm ngoài êm, trong thực cảnh không nơi nương náu. Nhưng nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã… về trẻ mồ côi của Việt Nam có không gian đặc thù của nó, có thời gian đặc biệt của nó, có thời điểm mang đặc tính của nó. Nó không giống như tác phẩm văn chương hiện thực Những kẻ khốn cùng (Les Misérables) của V.Hugo, thực trạng của các trẻ bụi đời Việt hiện nay mang cường độ và mức độ bạo động tới từ bạo quyền của một chế độ công an trị.
Bạo lực lãnh đạo sinh ra bạo động trong một xã hội Việt đã mất phương hướng về giáo dục và đạo đức, với một chính quyền độc đảng chọn độc tài nhưng bất tài trong quản lý, chọn độc trị nhưng lại không biết quản trị, chọn độc tôn nhưng không tôn vinh được một đạo lý nào cho dân tộc, một luân lý nào cho đồng bào.
Loạn kiếp là không có mái ấm gia đình, mất đi mọi quy luật từ cha mẹ sinh thành tới tổ ấm có gia phong, trong đời sống bình thường có gia giáo: con cái ở đâu, ông bà ở đó. Tại Âu Châu, có sắc dân Tzigan (Gitan), là cộng đồng du mục nơi mà tập thể chọn: ăn xin, ăn mày… để sinh nhai hằng ngày, để sinh sống hằng năm, trong một thời gian dài qua nhiều thế hệ, nhưng họ không tự nhận là bụi đời. Hiện trạng trẻ bụi đời tại Việt Nam có dây dưa rễ má của một đất nước bị loạn tâm bởi chiến tranh trong thế kỷ qua, bị loạn thần qua nghèo đói, lại vô phúc song hành cùng bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham nhũng, ma quyền tham tiền, với túi tham không đáy, tạo ra vô cảm “ai chết mặc ai”, làm ra vô nhân “bây chết mặc bây”.
Loạn kiếp có ngay trong văn hóa thân tộc, nơi mà thống tộc trong quy luật “cùng máu mủ”, khinh kẻ ngoại nhà, ngoại họ: “người dưng nước lã”, rồi đặt tên ác để vinh danh bao quy luật khép kín này: khác máu tanh lòng. Chính vòng kín này đã loại đi các cơ may, các cơ duyên để kẻ lạ được chấp nhận vào nhà, vào xóm, vào làng… Tại Việt Nam, hiện nay có các nhà, các xóm, có khi có cả làng chọn: ăn xin, ăn mày… như một nghề, dính tới một nghiệp, đã có từ bao đời.
Nhưng chính các kẻ cùng nhà, cùng xóm, cùng làng này làm nghề này, họ không hề tự xem họ là: bụi đời; vì họ có nhà, có họ, có thân tộc… và họ vẫn hãnh diện về họ hàng của họ: chim có tổ, người có tông, nhưng họ không hề có tình tương trợ, cụ thể là nơi nương tựa của những nạn nhân bụi đời mà không có quan hệ thân tộc với họ.
Lương luận: tuệ giác tù nhân lương tâm Việt tộc
Tù nhân lương tâm mang hệ lương (lương tâm, lương thiện, lương tri) đi tù, vào tù vì lương tâm của mình, như vậy bạo quyền của độc đảng toàn trị, tà quyền của cơ chế độc trị, ma quyền của công an trị như đang bỏ tù cả dân tộc, cả đồng bào khi chúng đẩy các tù nhân lương tâm vào vòng lao lý. Tù nhân lương tâm là tuyến đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền vì nhân phẩm. Tù nhân lương tâm là những đứa con tin yêu của Việt tộc bằng lương tri của mình: «Sống lâu mới biết lòng người có nhân!».
Tù nhân lương tâm nhắc cho dân tộc, cho đồng bào là nhân quyền luôn có chỗ dựa trên hệ nhân nơi mà nhân phẩm là gốc của nhân tâm, nhân từ, có rễ là nhân bản, nhân văn, có cội là nhân tính, nhân lý, làm nguồn cho nhân tri, nhân trí, tất cả cùng bồi đắp cho nhân vị. Tù nhân lương tâm chấp nhận: tù đày, tra tấn, nhục hình, truy sát… để đưa cả hệ nhân này vào nhân đạo, để đi trọn con đường từ nhân ái tới tận nhân nghĩa, tù nhân lương tâm là những đứa con kiên cường của Việt tộc bằng quyết tâm của mình: «Đường mòn nhân nghĩa chẳng mòn!».
Tù nhân lương tâm mở cửa cho dân tộc thấy chân trời của nhân quyền, đẩy cửa cho đồng bào thấy rạng đông của dân chủ, bằng chọn lựa của hệ đa: nhận đa đảng để đón đa tài, quý đa trí để dâng đa năng, trọng đa dũng để tạo đa hiệu. Tù nhân lương tâm xuất hiện rồi dùng nhân tính để xóa não bộ của bạo quyền độc đảng toàn trị, dùng nhân lý để tẩy não trạng của tà quyền cơ chế độc trị, dùng nhân bản để gỡ não hoạn của ma quyền công an trị. Tù nhân lương tâm đầy chính nghĩa là những đứa con ngoan dũng của Việt tộc: «Sống có nhân mười phần không khó».
Tù nhân lương tâm bồng, ẳm, bế, cõng hệ đạo trong chính nhân kiếp của mình, để làm sáng lên đạo lý: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ của tổ tiên, để làm rõ ra đạo đức của Việt tộc: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Chính đạo lý khi song hành cùng đạo đức làm nên luân lý qua bổn phận và trách nhiệm của Việt tộc khi gọi nhau là đồng bào, cùng tổ tiên, cùng huyết thống. Trên thượng nguồn lập quốc con dân Việt đã sinh ra cùng một bào thai thuở nào của cha Lạc Long Quân, của mẹ Âu Cơ, luôn thấy để thấu: «Máu chảy ruột mềm». Tù nhân lương tâm là những đứa con đoan chính của Việt tộc qua dấn thân: «Máu chảy tới đâu ruột đau tới đó».
Tội luận: khoa học luận của tội phạm học
Khoa học luận dùng khám phá khoa học để phê bình và xem xét lại các định đề cố hữu của khoa học, như vậy khoa học luận dụng diễn luận khoa học để giải luận khoa học, dùng lý luận khoa học mới để khám nghiệm lại các lập luận cũ. Nên, định hướng khoa học luận phải dựa trên phương trình luận (lý luận, lập luận, diễn luận, giải luận) để lập nên các chỉ báo, từ đó nghiên cứu, điều tra, khảo sát, điền dã về sự thật để nhận ra chân lý.
Chính sự thật và chân lý sẽ mở ra một chân trời cho tội phạm học có đầy đủ nhận thức về lẽ phải: Cái ác được nhận ra bằng quá trình của ý thức, vì ý thức trước đó biết là có cái tốt hoàn toàn ngược lại với cái ác, và cái tốt có mặt trong cuộc sống để bảo vệ cuộc sống.
Cái độc là nền của động cơ hành động cho ra cái ác, chính sự hiện diện của lý trí báo thức cho ý thức biết là cái lành có trong cái nhân, để duy trì cuộc sống trong xây dựng, chống lại sự tàn phá của cái độc. Cái thâm là con tính của cái độc, để biến cái ác thành cái thực trong cuộc sống.
Nhưng chính tại đây, ý thức hợp lực với lý trí để chế tác ra niềm tin bảo vệ cho bằng được cuộc sống bằng cái hay mang tầm vóc của cái tốt, mang bản lĩnh của cái lành để tiếp tục bảo hành cuộc sống. Cái hiểm, là thủ đoạn của cái thâm, là gốc rễ của cái độc, là cội nguồn của thâm. Nó luồn lách qua tà quyền, nó chui rúc để bám bạo quyền, nó thích bóng tối hơn ánh sáng, vì nó sợ sự thật, nó sợ bị lột mặt nạ, nên bóng tối là nơi ẩn nấp của cái hiểm để nó thực hiện tội ác của nó.
Tội ác, không những mượn bóng tối để ẩn nấp, mà còn để che dấu tội trạng, để khỏa lấp tội phạm, dấu diếm tội nhân, mà còn để lẩn trốn ánh sáng của sự thật, chính sự thật sẽ đưa tội phạm ra trước ánh sáng: công lý! Tội trạng, sẽ được xử bằng công lý, có cái lý của công bằng, có cái luận của công luật, có cái quyết của công pháp, nơi đây pháp luật thực thi cái luật trên nền của công tâm.
Tội phạm, khi bị lên cán cân, một bên là đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) và một bên là luật pháp (công bằng, công lý, công pháp, công tâm), thì nguyên nhân, động cơ, hành động, hậu quả của tội ác, tội trạng, tội phạm sẽ vạch mặt, chỉ tên tội nhân. Tội nhân, bị vạch trần lý lịch qua bằng chứng của tội ác, qua tang chứng của tội trạng, qua minh chứng của tội phạm, nên luật pháp có đầy đủ luận chứng để luận tội và kết tội thủ phạm của tội ác; dù đó là một đảng, một chính quyền, một chính phủ, một bọn tham quan, một tập đoàn tội phạm, một nhóm sát nhân… dù chúng có sự hỗ trợ của một cường đảng như Tàu tặc, Tàu phỉ hiện nay.
Phương pháp luận dụng phương pháp để bổ sung phương pháp, dùng phương pháp để củng cố phương pháp, sử dụng phương pháp để kết nối nghiên cứu với điều tra, khai thác phương pháp để kết hợp khảo sát với điền dã, lý luận trên phương pháp để lập luận cùng phân tích, diễn luận qua phương pháp để giải luận song hành cùng giải thích. Định vị phương pháp luận của tội phạm học dựa vào nội lực đã có trong các chuyên nghành khoa học xã hội và nhân văn, nhưng tội phạm học mang tính đặc thù nghiên cứu về sự thật luôn bị giấu diếm, mang tính đặc điểm điều tra về chân lý luôn bị phủ lập, mang đặc tính khảo sát về lẽ phải luôn bị ám sát cùng nạn nhân ngay trong tội ác.
Khoa học nhân văn, từ văn học tới triết học, cho tới ngôn ngữ học có cơ sở là văn bản từ dữ kiện tới chứng từ, từ phân tích tới giải thích, văn bản làm nền cho diễn luận và giải luận. Nhưng tội phạm học phải đi xa hơn nữa trong cách thuyết phục dữ kiện để tạo tiền đề cho tang chứng, chứng từ là thượng nguồn để nhận ra tang vật, từ đó thấy rõ tội ác để nhận diện tội nhân.
Khoa học xã hội, từ xã hội học tới dân tộc học mà tên gọi mới là nhân học cho tới sử học, có nền cũng là văn bản, nhưng định vị qua điều tra thực địa, qua nghiên cứu thực tiễn, qua điển dã thực nghiệm tại chỗ, nơi mà “mắt thấy tai nghe” ngay “tại chỗ, tại nơi”, “bây giờ và ở đây” làm rễ cho thực tế, làm gốc cho sự thực. Nhưng tội phạm học phải đi sâu hơn nữa trong cách diễn đạt các tội ác không nằm trên mặt nổi của xã hội, mà trong các mạch ngầm, bóng khuất, xó gian, luồn bẩn… luôn được giấu kín và được bảo kê bởi tà quyền.
Sử học, ghi nhận sự kiện, mô tả dữ kiện, giải bày sự cố, rồi xếp vào một trật tự của không gian, một thứ tự của thời gian, trong đó các diễn biến được phân tích và giải thích bằng chứng từ, làm nên luận cứ cho sử học. Nhưng tội phạm học phải đi rộng hơn nữa trong cách phân giải các sử kiện có liên quan tới quá trình thâm, độc, ác, hiểm của tội nhân luôn ép nghẹn, các tội trạng luôn phủ lấp cho tội phạm để thủ tiêu các tội ác của nó.
Văn học, biết ghi nhận sự kiện để sáng tác ra hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết, biết mô tả dữ kiện để sáng tạo ra các cá thể với hành vi đặc thù để phong phú hóa các diễn biến. Đồng thời, biết giải bày sự cố qua không gian và thời gian được tổ chức vừa theo thực trạng, vừa theo sức tưởng tượng của tác giả, qua văn xuôi hoặc qua thi ca. Nhưng tội phạm học phải khách quan bằng sự chính xác của tang chứng, qua minh chứng của tang vật. Tại đây tội ác gây ra có tác động dây chuyền không những trên nạn nhân của nó, mà còn lan tỏa ra xã hội, thấm nhập vào giáo dục, làm hư úng đạo lý cộng đồng, luân lý tập thể, đạo đức tổ tiên.
Triết học, dựng tư tưởng để lý luận trên các khái niệm, xây dựng ra kiến thức lý thuyết để lập luận các vấn đề của nhân sinh bằng diễn luận các quá trình tri thức của nhân trí để tìm tới sự thật. Nhưng tội phạm học phải tỉnh táo để cặn kẽ, tự đó tập hợp đầy đủ tang chứng, tang vật, qua biến cố mà hậu quả được thấy-biết-hiểu không những trong môi trường của nạn nhân qua hành động của tội nhân, mà ngay trên môi sinh của một dân tộc, của một quốc gia, từ đó xét nghiệm các hậu quả này trên toàn nhân loại.
Xã hội học, nghiên cứu về đời sống xã hội, điều tra về sinh hoạt xã hội, xét nghiệm các quan hệ xã hội, để tìm hiểu các mâu thuẫn, các xung đột, qua phân loại và phân tầng trong xã hội. Xã hội học cùng lúc thấu hiểu hợp tác giữa các cộng đồng qua tính đoàn kết hay qua quá trình bị tha hóa; các sáng kiến của tập thể tự đòi hỏi tới đấu tranh; các sáng tạo của cá nhân luôn củng cố quyền lợi xã hội của mình qua các công trình có lợi ích an sinh xã hội.
Nhưng tội phạm học phải đào sâu hơn nữa quá trình liên đới giữa quyền lực-quyền lợi-tư lợi để nhận diện được cái ác có mặt không những qua quá trình bóc lột đồng loại để trục lợi, mà nó còn dựa dẫm lên bạo quyền để trộm, cắp, cướp, giật; nó còn biết đeo bám vào tà quyền để giết, loại, hủy, bỏ các cái hay, đẹp, tốt, lành của đạo đức xã hội, bằng tội ác để vơ vét, để đục khoét, để bỏ đầy túi tham tư lợi của nó.
Nhân học, nghiên cứu toàn bộ nhân sinh, khảo sát toàn diện nhân tình, điều tra toàn cõi nhân thế, nhận diện nhân loại bằng chiều sâu để hiểu chiều cao, thấu đáo chiều rộng để biết chiều dài của nhân vị. Nhưng tội phạm học phải mang tính chính xác của phương pháp để có tính chuẩn xác trong phân tích và giải thích các bóng tối của nhân sinh nơi mà tội ác đang ẩn náu.
Các góc khuất của nhân thế nơi mà tội phạm đang luồn lách, các mạch ngầm của nhân tình nơi mà tội trạng không được phơi bày, nơi có các luồng vừa bẩn, vừa độc của tà quyền đang bao che cho tội nhân. Chúng đang giết, loại, thiêu, hủy đồng loại, đang bất chấp nhân tính được định vị qua không những qua nhân bản và nhân văn, mà còn qua nhân nghĩa và nhân từ.
Luật học, lấy công bằng để bảo vệ nhân sinh, dùng công luật để duy trì nhân thế, dụng công pháp để bảo trì nhân tính, đại diện cho công tâm để xử lý các vấn đề của nhân tình, phán quyết bằng hệ công (công bằng, công luật, công pháp, công tâm để lập nên công pháp) làm nên công luận để tuyên án tội phạm. Nhưng tội phạm học phải chuẩn bị sắc sảo nhất ngay trên thượng nguồn để giúp luật học, luật pháp tra, quyết, xét, xử tội ác với sự tỉnh táo của khách quan, với sự sáng suốt của liêm minh, nơi mà sự liêm chính của chứng từ được vạch ra bởi sự liêm khiết của mọi công dân trong một dân tộc có văn hiến, trong một quốc gia có văn minh đang là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tội ác, mà luật phải luận tội tới nơi, tới chốn, một cách nghiêm minh nhất.
Định chất lý thuyết luận của tội phạm học, nơi mà nội chất của lý thuyết là biến đúc kết kiến thức thành mô hình qua công thức, khi kiến thức trở thành mô thức thì tri thức thành hình qua lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận của lý thuyết. Lý thuyết luận dụng lý thuyết mới để xét nghiệm lại lý thuyết cũ, tập hợp lý thuyết cũ và mới để lý thuyết luận có thể sử dụng lý thuyết để củng cố lý thuyết; từ đó lý thuyết luận tận dụng lý thuyết để bổ sung cho lý thuyết. Tại đây, định chất lý thuyết luận của tội phạm học mang nội hàm của các thành quả đã đạt được trong tất cả các ngành khoa học xã hội nhân văn, và từ các thành quả này tội phạm học phải đủ lực, đủ tầm, đủ vóc, đủ dạng để có các sung lực cần thiết của mình qua các quá trình xây dựng lý thuyết, vừa có cơ sở, vừa có tiềm năng:
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái thiện, vì nó diệt không những nhân phẩm có trong nhân tính, nhân bản có trong nhân tri, nhân nghĩa, nhân từ có trong nhân văn và nhân vị; mà nó còn giết, diệt, hủy, thiêu các điều kiện làm người bình thường nhất đã có trong nhân loại, nhân tình, nhân thế, nhân sinh. Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái lành, vì chính cái lành làm nền cho hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), có trong quan hệ giữa người, tạo nên sự sống chung trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội. Chính từ cái lành này, mọi người có cùng một quá trình tư duy tự làm người biết sống chung qua sự tôn trọng lẫn nhau để tiến tới chuyện làm người biết làm việc chung, biết chia sẻ với nhau trong điều kiện làm người vì cái lành.
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái tốt, vì chính cái tốt chế tác ra hệ công (công ích, công lợi, công pháp, công luật để bảo vệ công bằng), trực diện để đối kháng lại với cái ác. Và, chính cái tốt nói rõ bổn phận với cộng động, trách nhiệm với tập thể của mỗi công dân, từ đó biến đoàn kết thành tương thân, tương trợ làm nền cho bản chất của cái tốt: bác ái! Từ định chất này, cái tốt làm được bác ái, vì nó mang nội hàm của vị tha, khoan dung, rộng lượng để tới thẳng từ bi, mà nhân từ là kết quả tích cực của cái tốt biết làm nên nhân phẩm.
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái hay, không hề là chuyện của bẩm sinh, mà là chuyện của giáo dục. Nó không trên trời rơi xuống mà là chuyện rèn luyện qua phẩm chất của giáo khoa, làm nên giá trị nhân tính qua giáo trình, chế tác ra chất lượng của nhân bản qua giáo án. Vì cái hay mang cái thiện, cái lành, cái tốt vào cuộc sống xã hội, qua đường đi nẻo về của nhân sinh quan hay của mỗi cá nhân, qua thế giới quan hay của một dân tộc, qua vũ trụ quan hay của một chính quyền. Và, nếu chính quyền này chỉ là bạo quyền, hoặc tà quyền thì không thể cấy, cày, tưới, tẩm được cái hay để chống lại cái ác.
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái đẹp, tới từ ý muốn của nhân phẩm, ý định của nhân ái, ý lực của nhân lý. Nơi mà con người biết đứng dậy và đi tới để đi xa hơn trách nhiệm cá nhân và bổn phận công dân, để tới phương án mà cũng là phương trình của cái đẹp: tự do luôn song hành cùng nhân phẩm, cả hai không để cái ác lộng hành, rồi biến tự do lẫn nhân phẩm là nạn nhân của nó. Đứng dậy, đi tới để lấy, cầm, giữ, nắm hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), để bảo vệ tự do lẫn nhân phẩm, phải được xem như ngang hàng, lắm lúc còn cao hơn cả hạnh phúc của một cá thể, cao hơn cả sự bình yên của một tập thể. Cái đẹp vì nó đẹp ở trên cao (cao hơn cả trời), ngay trong tư duy của con người tự do biết yêu người, của con người tự trọng biết yêu cuộc sống.
Cái ác gây ra tội ác, luôn chống lại với chủ thể chính là cá thể có cá tính luôn biết đòi hỏi công bằng qua công lý, luôn thấu hiểu tự do để có tự chủ. Chủ thể tôn trọng bổn phận và trách nhiệm, nhưng chủ thể muốn làm công dân trong ý nghĩa toàn vẹn nhất, với giá trị phổ quát nhất: chủ thể của tự do hành động vì công lý. Cá tính của chủ thể trong sáng tạo biết song hành, biết chung lưng đấu cật với cái lành, cái tốt, cái hay, cái đẹp để sáng tạo của chủ thể phải là tác phẩm của cái thiện, hoàn toàn mâu thuẫn với cái ác.
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái nhân, vì trong cái nhân có sự thương yêu biết hiến dâng lòng bác ái, có thiện chí biết hiến tặng thiện tâm; trong khi đó cái ác không những gây nên nỗi khổ, niềm đau cho nạn nhân của nó, mà còn truy, hủy, giết, diệt nhân phẩm của nạn nhân này. Cái ác không phải chỉ là lỗi, mà chính là tội: tội ác đã giết thân xác, diệt cuộc sống, hủy nhân cách của nạn nhân, bằng bạo lực của bạo quyền, bằng bạo hành của tà quyền, nó mang bản chất của bạo động, hoàn toàn ngược lại với phẩm chất bất bạo động của hệ nhân (nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn).
Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái sinh, chính là sự sống đang bị cái ác gây thương tích, tạo thương tật, gây ra thương xót trong xã hội, quần chúng. Chính cái ác báo hiệu cái chết đang tới, nó báo động cái sinh trong sự sống đang bị đe dọa bởi bạo lực, được bảo kê bởi bạo quyền, được hà hơi tiếp sức bởi tà quyền, bất chấp công tâm và công lý. Muốn chống lại cái ác, thì sự hiểu biết về công bằng và công lý không đủ, sự thấu đáo về tự do, tự chủ không đủ, mà phải vận động tư duy qua hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) trên hệ nhân (nhân phẩm, nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn). Cả hai hệ (luận và nhân) này, phải đủ hùng lực để chế tác ra hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) biết bảo vệ cái nhân.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.