Đài National Public Radio có một chương trình tranh luận rất là lý thú. Người làm chương trình thông thường mời những nhà chuyên môn mà có hai ý kiến khác biệt nhau để thính giả nghe từ hai góc nhìn khác nhau. Sau khi nghe phản biện từ hai phía thì thính giả có thể đánh giá phản biện nào có tính thuyết phục và phản biện nào có tính ngụy biện hoặc không đủ dữ kiện để thính giả tin tưởng vào người phản biện. Dĩ nhiên trong cuộc tranh luận này đều có người điều khiển chương trình để không biến cuộc tranh luận thành một cuộc đấu đá thắng thua mà là cuộc tranh luận để người nghe thấy được cái nhìn tổng thể thay vì cái nhìn phiến diện.
Người Việt dù đã ở Mỹ 45 năm qua, nhưng vẫn chưa học hỏi được cái nguyên tắc tranh luận như thế này. Thế cái nguyên tắc tranh luận ra sao?
Thứ nhất cần phải có người điều khiển chương trình để tránh chuyện hai bên “đánh” nhau hoặc tránh sự kiện người tranh luận đi lạc đề tài.
Thứ hai phải biết đề tài tranh luận là gì và khả năng của người tranh luận ra sao. Dĩ nhiên bạn không muốn tranh luận một đề tài mà cá nhân tranh luận hoàn toàn không biết gì về đề tài tranh luận ngoại trừ cái cảm tính là cá nhân đó nghĩ rằng họ biết. Điều này xảy ra đối với người Việt trên mạng xã hội. Khi chủ nhà của Facebook (FB) đưa lên một bài viết nào đó thì có thể gặp ai đó, thách thức để tranh luận về đề tài đã đưa lên. Sự thách thức này cho thấy người thách thức không hiểu rõ nguyên tắc của tranh luận mà chỉ muốn thách thức nhằm mục đích chứng minh cái ý kiến chủ nhà sai và mình thì đúng.
Thứ ba là phải có người bên ngoài lắng nghe cuộc tranh luận bởi mục đích của cuộc tranh luận là làm sáng tỏ một vấn đề nào đó khi mà cái vấn đề đó có hai cái nhìn khác nhau. Sẽ có người cho rằng trên mạng xã hội FB người đọc chính là những người ngoài cuộc lắng nghe. Nhưng khổ nỗi, người đọc vẫn có quyền tham dự vào cuộc tranh luận và cuộc tranh luận trở thành cuộc giành “thắng thua” giữa hai phe chứ không phải là tranh luận để làm người tham dự thấy được cái nhìn tổng thể.
Nếu bạn là chủ nhà FB của mình và bạn đăng lên một bài viết nào đó thuộc dạng công cộng ai cũng có thể xem được. Và nếu chẳng may ai đó đòi tranh luận với bạn thì cách tốt nhất là bạn nên im lặng bởi bạn không biết người thách thức đó khả năng ra sao, con người ra sao, chuyên môn về cái gì, có nhân cách và nhân phẩm hay không. Mà những điều không biết đó, bạn đừng nên dính vào cuộc tranh luận vô bổ chỉ làm mất thời gian của bạn mà thôi. Hoặc có những người mà bạn biết chắc khả năng của họ chỉ có chừng đó, dựa vào cảm tính và luôn luôn cho mình là đúng. Những người như thế khi mà họ thách thức bạn tức là mục đích để thắng thua chứ không phải là để học hỏi lẫn nhau.
Ngay cả những người đóng góp ý kiến trong bài viết của bạn, có những ý kiến bạn đáp lại nhưng có những ý kiến bạn im lặng — đặc biệt là những ý kiến mang cảm tính nhiều hơn là sự thật, hoặc những ý kiến đi ngoài cái chủ đề mà bạn nói đến trong bài. Càng tránh tranh luận càng tốt, nhất là tranh luận trên mạng xã hội, khi mà đa số đều nghĩ rằng mình hiểu nhiều, biết nhiều và ít chịu lắng nghe tiếng nói khác biệt. Ngay cả những bài viết sai sự thật, có những lúc bạn không cần phải lên tiếng bởi sẽ chẳng giúp được ai. Những người tin hoặc không tin cái sai sự thật đó luôn luôn xảy ra. Người chủ nhà khi đã đưa cái sai sự thật lên thì chính họ đã không chịu kiểm chứng và họ muốn tin cái sai trái đó. Cho nên cách tốt nhất là im lặng bởi bạn sẽ không có đủ thời gian để làm nhiệm vụ “cảnh sát” trong các mạng xã hội.
Con người có thể trưởng thành trong mạng xã hội nhưng đồng thời có thể bị mạng xã hội tuyên truyền, cướp đi tinh thần tự chủ, ý chí tự chủ của chính mỗi người tham dự mạng xã hội. Hơn bao giờ hết, mỗi con người trong xã hội hôm nay cần phải biết tự mình tu tâm, dưỡng tánh; bớt vào mạng xã hội và biết phân biệt được thật giả, đâu là ngụy biện, đâu là lập luận có dẫn chứng bằng thực tế của đời sống. Bạn có dám thử thách với chính mình, một ngày trong cuối tuần, không vào mạng hay không? Hãy thử đi để thấy bạn có tự chủ được ý chí của bạn hay chính cái Tham-Sân-Si làm cho bạn không thể nào chấm dứt vào mạng cho dù chỉ là một ngày.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 9 năm 2020 (Việt lịch 4899)