Bạn thân
Xin mở đầu bài viết này bằng một đoạn trên FB “Hầu như tất cả các nước trên thế giới, ngoại trừ Nước Mỹ Vĩ Đại, Nó (SIC) nhớ không lầm thì chưa có nước nào dân chúng đa số da trắng mà có tổng thống da đen. Vậy, Nước Mỹ kỳ thị da đen chổ nào?”
Người nói câu nói này hoàn toàn không nắm được thực tế của cuộc sống. Cái chuyện người Mỹ bầu Obama làm tổng thống không có nghĩa là sự kỳ thị ở Mỹ đối với người da đen không có hoặc không còn nữa. Người nói câu nói này hoàn toàn không hiểu kỳ thị là gì, ra sao, qua hình thức nào.
Thực tế thì sự kỳ thị xảy ra cho bất cứ người dân nào mà không kể màu da. Sự kỳ thị có sẵn từ trong tâm trí của người mang tính kỳ thị, sự kỳ thị trong chính sách của một công ty, sự kỳ thị trong lãnh vực giá cả của thương mại. Tất cả đều là kỳ thị. Một bên là kỳ thị có luật pháp bảo chứng, một bên là kỳ thị do bản tính kỳ thị mang tính cách cá nhân.
Hãy cùng nhau quan sát sự kỳ thị trong dịp này, khi mà tất cả các thành phố lớn ở Mỹ đứng lên tham gia vào cuộc biểu tình đòi thay đổi, chấp dứt kỳ thị, chấm dứt chuyện đè cổ thường dân dưới danh nghĩa là bảo vệ tài sản, sinh mạng của người dân trong cái chết của người Mỹ đen ở thành phố Minneapolis, MN. Tạm thời không bàn đến những người hôi của (looting) bởi đây là một nhóm người khác, có lòng tham, lợi dụng lực lượng cảnh sát bận rộn để làm chuyện hôi của này. Cần phải nhấn mạnh là chuyện hôi của này gồm có cả người Việt chứ không hẳn chỉ là người Mỹ đen hoặc các dân tộc khác.
Trước hết hãy nói sự kỳ thị từ chính bản thân. Sự kỳ thị này ở trong con người của mỗi người, không kể là giống dân nào. Người Việt kỳ thị vùng miền, kỳ thị dân tộc khác bởi nghĩ đó là dân tộc mán rợ. Người Mỹ đen vì bị kỳ thị quá lâu nên cũng mang tư tưởng kỳ thị trong chính bản thân. Hể ai đó (không phải là người da đen) hóa trang là với khuôn mặt màu đen thì cho rằng cá nhân đó kỳ thị người đen, không cần biết mục đích hóa trang để làm gì, ra sao và tại sao phải hóa trang gương mặt đen. Ngay cả từ ngữ sử dụng, người Mỹ đen cho họ có toàn quyền sử dụng từ ngữ mà nếu anh Mỹ trắng sử dụng từ ngữ đó thì họ đổ cho cái tội kỳ thị. Thí dụ người Mỹ đen có thể dùng từ Nergo trong khi đó anh Mỹ trắng dùng từ này sẽ bị cho là kỳ thị. Thí dụ người Mỹ trắng gọi cảnh sát chỉ vì người Mỹ đen đang làm chuyện gì đó mà họ thấy chướng mắc và trong những cú điện thoại được thâu lại, họ sẵn sàng nói dóc là người Mỹ đen đang hâm dọa tính mạng của họ để cảnh sát đến hiện trường mà họ muốn cảnh sát phải đến. Tất cả những hành động này phát xuất từ sự kỳ thị ngay trong tâm tư của con người.
Kỳ thị ở dạng cá nhân thì lúc nào, thời nào cũng có. Tuy nhiên kỳ thị ở dạng hệ thống, được luật pháp bảo chứng thì được che đậy với dạng là trách nhiệm. Thí dụ người cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ người dân. Cái nhiệm vụ này cho họ có quyền xét hỏi bất cứ ai khi mà họ tình nghi cá nhân đó đang làm chuyện phạm pháp. Khi mà trách nhiệm cộng với sự kỳ thị trong cá nhân thì sẽ tạo ra cơ hội cho anh cảnh sát xét hỏi những thành phần mà anh ta đã có mang tính kỳ thị trong người.
Chính sách Stop and Frisk của cảnh sát tại New York chứng minh là những người da đen bị xét hỏi và bị bắt nhiều hơn đối với người da trắng.
Tại sở làm, một người quản trị (supervisor) nhân viên dưới mình, có thể lợi dụng cái quyền theo dõi việc làm của nhân viên, bắt một vài nhân viên lên trình diện mỗi ngày trong khi những nhân viên khác thì không bắt làm chuyện đó. Đây là hình thức kỳ thị, sách nhiễu nhân viên được bảo chứng bởi nhiệm vụ và trách nhiệm của supervisor. Người bị sách nhiễu hay kỳ thị sẽ không làm được gì trước sự kiện này.
Sự kỳ thị được thấy ở những vụ án mà người da trắng đi tù nhẹ hơn người da màu cho dù cùng một mức độ bản án. Theo tờ báo Sarasota Herald Tribune ở Florida thì người đen bị đi tù gấp hai lần so với người trắng cho dù cùng một tội trạng.
Trên lãnh vực bồi thường nạn nhân bị cảnh sát bắn chết cũng thấy rõ sự kỳ thị. Tại Minnesota, ông Castile, người da đen, bị cảnh sát bắn chết để thành phố phải bồi thường 3 triệu cho cái chết này. Cùng một sự kiện, bà Damond, người da trắng, bị cảnh sát bắn chết và thành phố bồi thường 20 triệu. Chẳng lẽ mạng người đen giá rẻ hơn mạng người trắng?
Sự kỳ thị xảy ra trong việc định giá cả sản phẩm bảo hiểm mà các công ty bán cho người cần mua. Nhiều công ty, nhiều tiểu bang cho phép sử dụng điểm tín dụng (credit score) để định giá tiền bảo hiểm. Ai có điểm tín dụng thấp thì sẽ trả tiền cao hơn. Những người có điểm tín dụng thấp không có nghĩa là họ trả trể mà có nhiều lý do để họ có điểm tín dụng thấp. Nếu một cá nhân, không xài thẻ tín dụng, không mang nợ thì sẽ có điểm tín dụng thấp và sẽ phải trả tiền bảo hiểm cao hơn người mang nợ, có thẻ tín dụng và trả đúng hàng tháng. Chính sách này để các công ty móc thêm tiền của người tiêu thụ sản phẩm cho dù họ viện dẫn bất cứ lý do nào cũng vẫn là sự ngụy biện trong việc dựa vào điểm tín dụng để định giá cả bảo hiểm. Người tiêu thụ không làm được gì bởi chuyện kỳ thị này đã được luật pháp bảo chứng, cho phép.
Trong sự kiện của George Floyd cho thấy người Việt, những người ủng hộ Trump, cho rằng cái chết của ông Floyd đáng đời vì trong quá khứ đã vi phạm luật pháp. Cũng những người Việt ủng hộ Trump cho rằng nước Mỹ không có sự kỳ thị người Mỹ đen bởi họ bầu ra một vị tổng thống Mỹ đen. Xem ra người Việt sống tại Mỹ nhưng lại không quan sát cái thực tế nơi mình đang sống để rồi đưa ra nhận định về kỳ thị hoàn toàn đi ngược lại thực tế. Câu nói của một cô giáo ở VN cho rằng 4 ngàn năm mà người Việt không chịu lớn áp dụng cho tất cả người Việt sống ngoài VN. Câu hỏi đặt ra là nếu hình ảnh Mr. Floyd là người Việt thì phản ứng của cộng đồng Việt ra sao? Đó là cái chết đáng đời hay là cái chết không cần thiết do việc sử dụng bạo lực của cảnh sát?
Trần Thị Lan Anh
Tháng 6 năm 2020 (Việt Lịch 4899)