Nếu chúng ta là độc giả yêu phong trào Thơ mới, chúng ta sẽ xúc động bằng tình thương ngay
câu đầu bài Kỳ Nữ của thi sĩ Xuân Diệu: «Khách hãy ngồi lại cùng em trong chút nữa», và cho
tới hết bài thơ chúng ta có sự thương cảm với nỗi buồn của riêng ta trước sự cô đơn đến rợn
kiếp của một Kỳ Nữ. Tình thương thật rõ nét với sự xúc động tới từ sự thương tâm, giúp chúng
ta nhận diện được cái cô độc đến rợn kiếp của tha nhân, tại đây chúng ta đã nhận ra nhân diện
của tình thương.
Nếu chúng ta là thính giả của ca khúc Việt, chúng ta sẽ có xúc cảm với một ca từ của nhạc sĩ
Phạm Duy trong bài Vũ Nữ Thân Gầy, lời Việt dựa trên giai điệu của bài La Cumpacita, một bài
tango mà ai cũng biết: «Ta ghì cho tan vỡ trái tim này». Lắp lời vào một bản nhạc không lời,
bằng sáng tạo của riêng mình để ghi đậm nét tình thương đã có mặt trong những nơi mà người
đàn ông tới chỉ vui chơi trong chốc lát. Nhưng trong đám đám ông này, có người biết nhận ra
sự cô độc đến buốt kiếp của những vũ nữ chốn này. Thấm thấu đến cái cô đơn đến buốt kiếp
của tha nhân, tại đây chúng ta đã thấy thấu nhân dạng của tình thương.
Nếu chúng ta trân quý sự nghiệp và con người của hai thi sĩ lớn của Việt tộc là Nguyễn Khuyến
và Tú Xương, nhưng khi chúng ta rơi vào các bài thơ chế riễu nhân gian của họ, khi họ là tác
giả của những bài như: Đĩ già đi tu. Với giọng điệu miệt thị tha nhân, khinh bỉ phụ nữ, chúng
ta rơi từ ngạc nghiên xuống tận đáy của sự bất nhân vì thất đức ngay trong tâm cảm của họ.
Một loại vắng tâm cảm, trống nhân tâm, rỗng nhân ái trong vô hậu, đến độ họ không hiểu nổi
tâm cảnh của các phụ nữ đã bị xã hội ruồng rẫy rồi loại bỏ trong chốn ăn sương, để sau đó phải
mượn cửa chùa để nương náu mà chờ ngày dứt kiếp.
Sự trống vắng tình thương làm họ bị bại não, không biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau với tha nhân,
cho phép chúng ta phải xuống một bậc hay nhiều bậc trước thể loại thơ văn mượn cớ chế riễu
nhân gian để khinh miệt phụ nữ đang sa cơ thất thế. Một thể loại vô nhân nên vô hậu, làm chúng
ta mất đi sự trân quý sự nghiệp và con người của hai thi sĩ này. Riêng tôi còn tự cho phép tôi
trừ khử để bài xích lạ thơ văn loại này, một thể loại bất nhân thất đức, vì nó làm cho tôi lợm
giọng rồi buồn nôn trước một loại đàn ông tự cho phép mình khinh miệt phụ nữ, thay vì giúp
đỡ hoặc cứu vớt họ.
Từ thủa bé, chẳng ai dặn cũng chẳng ai dạy, nhưng tôi tự thấy quý trọng những nạn nhân chốn
ăn sương. Với tuổi đời ngày ngày lấn tuổi người, tôi càng quý trọng những nạn nhân này hơn,
khi tôi thấy dân tộc này ngày ngày càng nhiều phụ nữ chốn ăn sương, trong nước rồi ngoài
nước, họ lạc kiếp bạc phận tại các quốc gia láng giềng, họ cô đơn lắm các bạn à! Họ cô lẻ lắm
đồng bào ơi!
Tôi đứng về phía các nạn nhân này, và càng ngày tôi càng thông cảm mọi lý lẽ, mọi duyên cớ
tại sao họ phải sa vào chốn ăn sương; vì tôi thấy dân tộc tôi, xã hội hiện nay không cứu vớt
được những đồng bào này của tôi ra khỏi cõi ăn sương. Và tôi tự cho phép tôi trừ, khử, tẩy, xóa
ra khỏi não bộ của tôi thể loại thơ văn mượn cớ chế riễu nhân gian để khinh miệt phụ nữ đang
sa cơ thất thế. Tôi coi đây là một thể loại mạt vận trong văn chương vì nó mạt kiếp ngay trong
nhân sinh quan về giới tính!
Tôi chưa biết nhân diện trọn vẹn và nhân dạng đầy đủ của tình thương thấy tâm cảm để thấu
tâm cảnh của tôi như thế nào? Sẽ ra sao ? Nhưng tôi biết chắc bẩm một điều trong não trạng
của tôi là: Tôi luôn đứng về phía nước mắt!
Lê Hữu Khóa