Tháng 4,1975, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sụp đổ. Người Việt tỵ nạn khắp nơi. Người VN ở lại sống trong tù đày, cải tạo, bài trừ văn hóa, lao động kinh tế mới, sắp hàng lãnh thực phẩm theo hộ khẩu, một chính sách kiểm soát dân bằng cách xiết chặt dạ dày để ngăn ngừa mọi mầm mống chống đối. Những ai tìm cách vượt biên sẽ gặp đủ các cạm bẫy của nhà nước đặt ra để thu vàng, tịch thu nhà cửa, tài sản và loại trừ các thành phần nguy hiểm cho chế độ. Bao nhiêu nạn nhân chết trên biển phải là bàn tay vấy máu của Đảng. Đó là chưa nói tới hải tặc, mưa bão giết hại.
Sau 45 năm, chúng ta vẫn nghĩ về VN, một VN mới. Nhưng để xây dựng một VN mới, chúng ta sẽ xây dựng như thế nào?
Chúng ta đã học được gì về dân chủ và lãnh đạo?
Trước hết phải loại ra nghi vấn lẩm cẩm về:
Cộng Hòa hay Dân Chủ
Chúng ta (người Việt hải ngoại tại Mỹ) tuy có tham dự bầu cử, biểu tình, tham dự sinh hoạt đảng từ địa phương (quận, hạt, tiểu bang, liên bang) nhưng chưa đủ hiểu những khúc mắc trong chính trị Mỹ. Cho dù đảng nào thì cũng là phục vụ dân Mỹ? Vậy thì sao lại bế tắc, suy thoái với Tea party, Occupied Walls street? Trở lại với VN, người VN cần tham dự, theo dõi sinh hoạt chính trị nhiều hơn, suy nghĩ có hệ thống, có lý luận chứ không dựa theo cảm xúc (vì Trump đánh Tàu hay Obama đưa ra bảo hiểm sức khỏe), hay mơ ước (Liên Hiệp Quốc, Mỹ sẽ can thiệp vào tranh chấp biển Đông).
Tư bản hay xã hội chủ nghĩa
Ở đây không nói đến loại xã hội chủ nghĩa của cộng sản vì đó là sự gian lận, bịp bợm về chữ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa (socialism) của các nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan … còn gọi là Xã Hội Dân Chủ. Họ có tính chất giống như tư bản về mọi mặt chỉ có sự khác biệt là sự hạn chế, chừng mực mà luật pháp cho phép (qua Hiến Pháp, Quốc Hội, trưng cầu dân ý).
Cũng như tư bản không chỉ là thuần túy kinh tế (cung-cầu, tự do buôn bán, kinh doanh) mà phải nhìn vào giáo dục, chính trị, văn hóa, y tế… như nước Mỹ đang gặp. Khi thời bình thì còn thì giờ tranh cãi nhưng khi thời chiến (bệnh dịch Covid-19) mới thấy giá trị của sự thực xảy ra.
Hệ thống và chỉ huy
Lãnh đạo là chỉ huy hệ thống, guồng máy nhà nước, quân đội, cơ xưởng, đơn vị…. Hệ thống có trước từ đời này qua đời khác do người sáng lập, và những người quản trị tiếp theo. Hệ thống phải được cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu thì mới tồn tại. Người kế vị có nhiệm vụ tiếp tục là cho hệ thống tốt hơn chứ không phải triệt hạ phá hủy hệ thống vì không thích những gì người đi trước đã làm (Trump vs Obama). Lãnh đạo là chỉ huy tổng quát (macro management) và để chi tiết cho cấp dưới điều hành (micro management). Hệ thống thành hình và hoạt động trên những quy luật riêng của nó do các cơ quan thẩm quyền chuyên môn quyết định.
Người lãnh đạo đến rồi đi không phải sẽ cai trị mãi.
Tiêu chuẩn và giá trị
Khi đi tìm và thảo luận về một nước VN mới thì chúng ta muốn gì? Dân chủ? Dân chủ thì không phải là cộng sản vì có cộng sản thì không còn dân chủ (lịch sử chứng minh nơi đâu có cộng sản thì sẽ tiêu diệt sinh hoạt dân chủ. Cái gọi là “dân chủ” của cộng sản thì như chúng ta đã thấy ở Trung Cộng hiện nay). Vậy ai sẽ nói phải cho cộng sản tham dự sinh hoạt chính trị mới là dân chủ? Nhưng họ không nói nếu cộng sản dùng bạo lực cách mạng (thủ tiêu, ám sát, bắt cóc, đe dọa, tống tiền, mỹ nhân kế…) thì đối phó ra sao?
Giá trị và tiêu chuẩn của dân chủ dựa theo khuôn mẫu của Tây phương nhưng phải xét lại theo giá trị và tiêu chuẩn chúng ta chọn lựa.
Tiêu chuẩn nào? Hãy thử đưa ra: Tài hay đức?
Khi nạn dịch COVID-19 xảy ra hãy quan sát hành động của Trump, Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng Nhật Abe trên cương vị lãnh đạo và thái độ của người dân trong sinh hoạt dân chủ.
Nếu ai có theo dõi những cuộc họp báo của Trump và Abe qua diễn tiến của bệnh dịch Covid-19 sẽ thấy khác nhau ra sao. Hãy để mọi người suy nghĩ và tự phán xét.
Đó là phần lãnh đạo.
Còn người dân?
Mỹ: Có tiểu bang thì Thống Đốc ra lệnh nhưng dân không nghe và không thèm đếm xỉa lệnh phong tỏa cho tới khi vô nhà thương (New York). Có những tiểu bang, Thống Đốc tuyên bố đã không nghe, không biết gì vì Tổng Thống chưa báo động (Florida, Georgia, Lousianna)? Tuy rằng tin tức cho biết thế giới và các chuyến tàu du lịch (cruise ship) đã nhiễm bịnh.
Lớp trẻ vẫn ra biển tắm coi thường lệnh cấm tụ tập trên 200, 50 hay 10 người. Có chỗ vẫn còn mở hội (party) tại nhà riêng. Có những nhà thờ mà vị lãnh đạo vẫn tụ tập tín đồ giảng đạo coi lệnh cấm của Thống Đốc như không có.
Có phải dân trí Mỹ kém hiểu biết? Hay bệnh coi thường chính quyền? Hay chủ nghĩa cá nhân quá nặng? Chuyện cá nhân luôn luôn quan trọng hơn chuyện xã hội, quốc gia?
Nếu truyền hình, điện thoại lưu động, tin tức có 24 giờ/ngày thì tại sao người dân không biết hay không muốn biết vì lo ăn chơi?
Hãy trả lời câu hỏi rất đơn giản:
– Bạn muốn giao du với người thành thật hay nói láo?
– Bạn muốn giao thiệp với người thường quy tụ, làm ăn với những kẻ có thành tích, tội phạm, án tù…(như Trump) hay những người làm ăn trong sạch, lương thiện…(như Obama)?
– Bạn muốn người chỉ huy (leader) với thói quen chửi bới, mạt sát những ai không cùng ý kiến bất kể nam, phụ, lão, ấu, tàn tật … và tâng bốc những ai khen tặng mình?
– Bạn muốn người lãnh đạo thay đổi cộng sự viên như thay áo: Khi cần thì khen, khi không cần thì chửi bới và từ chối sự quan hệ?
– Bạn nghĩ gì về người lãnh đạo tối cao, không còn ai ở trên nữa, đối điện với tai ương và nói rằng: Tôi không chịu trách nhiệm?
– Bạn nghĩ gì về một vị tướng cầm quân, xua quân ra trận mà không có tiếp tế, không có kế hoạch chận địch mà chỉ nói về ngày kết thúc trận chiến?
– Bạn đi tỵ nạn xứ người vì tự do, dân chủ. Khi có tự do dân chủ thì bạn chọn kẻ độc tài làm lãnh đạo chỉ vì kẻ đó hô hào sẽ dọn món ăn: “chống Trung Cộng”?
– Bạn đã biết VNCH sụp đổ vì lãnh đạo dở và nay sống nơi xứ Mỹ có ảnh hưởng chính trị chi phối toàn thế giới thì bạn hành động theo cảm tính. Vậy lý trí của bạn ở đâu?
Và dĩ nhiên nếu bạn mất trí thì không phải trả lời những câu hỏi trên.
Trần Công Lân
Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)