Tư Bản Giãy Chết?

Khi bệnh dịch COVID-19 xuất hiện gây chấn động thế giới, người ta tự hỏi sau cơn bệnh thì thế giới sẽ ra sao?

Sự thay đổi của thế giới sẽ tùy thuộc vào thái độ, suy nghĩ và phản ứng của cá nhân, dân tộc, cộng đồng và từng quốc gia.

Nhưng hiểm họa cơn dịch có thể chạy trốn từ quốc gia này sang quốc gia khác — khi quốc gia đầu tiên chế ngự cơn bệnh và trở lại sinh hoạt bình thường thì quốc gia khác bộc phát tột đỉnh và vi khuẩn có cơ hội xâm nhập trở lại lần thứ hai nơi quốc gia đã tận diệt chúng. Vòng tròn “luân hồi” đó bao giờ sẽ chấm dứt nếu sự bài trừ cơn bệnh không đồng bộ?

Kinh tế

Khi khối Liên Sô sụp đổ 1989, người ta nghĩ rằng phe tư bản thắng thế với trật tự thế giới mới và kinh tế toàn cầu. Rồi cộng sản Trung Hoa dưới thời Đặng Tiểu Bình biến thành “mèo trắng (tư bản) hay đen (cộng sản) miễn là bắt chuột (kinh tế)”. Chiến tranh Trung Đông bộc phát cho thấy khủng khoảng trong thế giới Hồi giáo đưa đến biến cố 9/11 và cuộc chiến chống lại các phần tử quá khích Hồi giáo. Dầu hỏa không còn là mối đe dọa cho nền kinh tế Tây phương nữa mà biến thành mối lo của Trung Cộng với nền kinh tế phục vụ toàn thế giới.

Khoảng cách phân biệt giữa giàu-nghèo càng tăng tại Mỹ cũng như trên thế giới. Tại Mỹ giới giàu càng giàu hơn qua các cuộc cải cách kinh tế, cắt thuế, giảm quyền lực của công đoàn, bảo hiểm sức khỏe với giá thuốc tăng vọt, giá thuê nhà cũng tăng nhưng lương công nhân lên rất chậm.

Kinh tế của các nước phát triển dựa trên các đại công ty và tiểu thương (90% tại Mỹ, chiếm 39% GDP)

Di dân

Bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi Châu và Trung Mỹ khiến người dân tỵ nạn tràn sang Âu Châu và  biên giới Mỹ-Mễ. Tại Âu Châu (EU) đang lâm vào tình trạng thiếu nhân công nên lúc đầu mở rộng vòng tay đón chào người tỵ nạn Trung Đông. Nhưng sau đó vì sợ bọn khủng bố quá khích Hồi giáo trà trộn vào để phá hoại nên cũng bị  hạn chế. Các nước nghèo và chiến tranh tại Phi Châu cũng nhân cơ hội tràn sang Ý, Hy Lạp khiến các trại tỵ nạn không đủ chỗ chứa và các nước Âu Châu phải đóng cửa biên giới.

Tại Mỹ, các nước nghèo và chiến tranh từ Trung và Nam Mỹ đã lũ lượt tràn về biên giới Mỹ-Mễ xin tỵ nạn khiến chính phủ phải tăng cường kiểm soát, xây tường ngăn chận. Tiếp theo là làn sóng xin tỵ nạn từ Phi Châu, Á Châu cũng tràn sang Mễ để tìm đường vào Mỹ.

Kỹ nghệ

Khoa học kỹ thuật giúp các công ty khai thác dầu hỏa trong các lớp cát và đá khiến Mỹ sản xuất dầu hỏa nhiều hơn để xuất cảng cạnh tranh với OPEC (hiệp hội khai thác dầu hỏa). Trong khi đó kỹ nghệ xe hơi chuyển sang sản xuất xe chạy bằng điện, hơi đốt, hóa chất (bio fuel) hay loại máy tiêu thụ ít nhiên liệu. Các công ty sản xuất năng lượng sạch như gió, mặt trời, thủy triều … khiến nhu cầu về than và dầu giảm sút trầm trọng. Kỹ thuật về máy tự động (robot) và thông minh (AI) cũng đã giảm thiểu số lượng nhân công trong các ngành sản xuất.

Tài chánh và luật pháp

Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Khi giới giàu được giảm thuế đã dùng tư bản để lập các quỹ tài chánh (hedge fund) mua lại các công ty nhỏ, củng cố sự độc đoán trong các ngành kỹ nghệ khiến những công ty lớn trở thành mối đe dọa độc tài (monopoly) cho kinh tế lẫn chính trị (anti trust). Sức mạnh của các công ty này ảnh hưởng đến quyết định của tòa án về nghiệp đoàn, hưu bổng của công nhân, bảo hiểm sức khỏe, quyền kiện tụng của công nhân đối với giới chủ, quyền chọn lựa trọng tài qua các cuộc thương lượng giữa chủ và thợ (arbitration), ngăn chận các vụ kiện tập thể của công nhân (class action lawsuit). Giới tư bản cũng vận động Quốc Hội để ngăn chận việc tăng lương tối thiểu cho nhân công, bảo hiểm y tế, hưu bổng, ngày nghỉ bệnh, cân bằng lương giữa Nam-Nữ nhân viên khiến dân nghèo càng nghèo thêm khi các đại công ty được cứu trợ tài chánh cho dù chủ tịch công ty lãnh tiền thưởng hàng chục triệu và công nhân bị sa thải, có khi bị lương nhiều tháng chưa được trả.

Giao thông

Kinh tế toàn cầu đưa đến việc các công ty sản xuất chuyển cơ sở về các nước có nhân công rẻ (Á-Phi) khiến nạn thất nghiệp gia tăng trong nước. Sự chuyên chở hàng hóa giữa các nước trở thành then chốt cho nền kinh tế toàn cầu. Các phi trường và hải cảng trở nên bận rộn và phải mở rộng. Du lịch cũng làm con người dy chuyển nhiều hơn, tiêu xài nhiều hơn. Kỹ nghệ khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn du khách, giải trí cũng tăng vọt.

Môi sinh

Tất cả các sinh hoạt trên đưa đến hậu quả là ô nhiễm môi sinh, rác, không khí, nước, tai nạn khi khai thác mỏ dầu, ống dẫn dầu, nhà máy sản xuất… khiến bệnh tật gia tăng tại các nước nghèo trong khi các nước giàu tiếp tục xả rác, đóng thùng gửi về các nước nghèo giải quyết  và cuối cùng bệnh tật xuất hiện từ các nước nghèo trả về cho các nước giàu.

Y tế

Khi các chứng bệnh SARs, MERs, Ebola, CoVID-19 bộc phát từ các nước nghèo vì thiếu vệ sinh, nước uống, thực phẩm … và cơ quan y tế địa phương không đủ sức ngăn chận thì bệnh dịch lan tràn và giàu nghèo chết như nhau, kéo theo nền kinh tế toàn cầu.

Thiệt hại kinh tế lên tới hàng ngàn tỷ (trillions) và có thể đưa tới suy thoái kinh tế toàn cầu (recession) nhưng đối với những quốc gia có dân số lão hóa như Âu Châu và Nhật, Hàn, Trung Hoa … thì khó có thể vãn hồi vì thiếu nhân công và cho dù có nhân công cũng không đủ kinh nghiệm và thời gian để xây dựng lại những thiệt hại kinh tế đã thiết lập trong nhiều năm.

Chính trị

Khi cộng sản biến thành tư bản và tư bản biến thành độc tài cộng sản thì tầng lớp cai trị bao gồm một bên là kẻ cầm quyền và các đại công ty (cho dù là dưới một nhãn hiệu hay nhiều tên hiệu khác nhau); bên kia là các tầng lớp dân chúng luôn luôn bất mãn, chống đối nhưng ô hợp. Phải chăng họ đang chờ đợi một cuộc cách mạng “toàn thế giới”: Đồng loạt và Đồng khởi???

Vì không thể thực hiện những cuộc cách mạng cục bộ sẽ bị đàn áp bởi chính quyền quyền địa phương cũng như thế lực tư bản quốc tế cho nên phải có một kế hoạch hóa toàn cầu với những điều kiện tất yếu:

– Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Cách. (*)

– Duy Nhân Cương Thường. (*)

– Cơ Năng Hiến Pháp . (*)

– Bình Sản Kinh Tế. (*)

Vì chỉ có Bình sản thì mới không còn tranh nhau về tài sản, hoa lợi… nhiều hay ít khi đã “toại kỳ sở nhu”.

Vì chỉ có Bình sản thì mới không còn tranh dành tài nguyên thiên nhiên hay khai thác bừa bãi để dành giựt thị trường thế giới.

Vì chỉ có Bình sản thì mới không còn kẻ thừa người thiếu và từ đó sự bình đẳng được thiết lập và sự kỳ thị sẽ chấm dứt.

Vì chỉ có Bình sản thì mới không còn ô nhiễm môi sinh vì không còn cảnh “cha chung không ai khóc” khi sự sản xuất quá độ sẽ tạo ra sự phế thải gây tai họa cho cả thế giới và đòi hỏi loài người “tận kỳ sở năng” để giải quyết vì ai cũng đã “toại kỳ sở nhu”.

Chỉ có lúc đó chúng ta mới biết “chính kỳ sở mệnh”: Sống để làm gì.

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)

(*) xem Chủ Nghĩa Duy Dân. Lý Đông A. (nganlau.com)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s