Chuyện xài “bạc giả”

Bạn thân

Trong thư trao đổi, bạn đề nghị một buổi họp mặt để trao đổi và cùng nhau làm việc về chuyện triển khai một triết lý Con Người của LĐA. Đây là một đề nghị rất hay. Tuy nhiên, qua sự trao đổi giữa bạn và những người trong thư, cho thấy bạn đã hoàn toàn không hiểu rõ triết lý đó ra sao và áp dụng triết lý đó vào trong cuộc sống của chính mình.

Triết lý Con Người của LĐA đặt nặng tu dưỡng bản thân ở mỗi người. Cái tu dưỡng đó là nhân phẩm của một con người. Nhân phẩm của một con người là biết nhìn nhận lỗi của mình, không nói sai cái sự thật hay nói đúng ra đừng xài “bạc giả”. Bạn tiếp tục xài bạc giả dù trong sự trao đổi đó, có người chỉ cho bạn thấy được cái gian dối của bạn.

Lá thư này không phải gửi cho bạn mà mục đích là kể lại sự kiện, người thật việc thật để những ai quan tâm về Con Người rút kinh nghiệm mà học hỏi,  trau giồi bản thân của chính mình hầu làm nền tảng cho một nước Việt tương lai. Tuy nhiên để cho sự trao đổi dễ hiểu, từ ngữ bạn sẽ tiếp tục dùng trong suốt lá thư này.

Trong một sinh hoạt, đặc biệt là một sinh hoạt mang tính triết học về Con Người, chuyện khác biệt trong trao đổi là chuyện rất thường tình. Ngay cả chuyện khác biệt trong việc giải quyết vấn đề hay nhìn vấn đề trên phương diện triết học luôn luôn có sự khác biệt bởi tri thức của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, khi một cá nhân nào đó tạm ngưng sinh hoạt thì bạn và người “lãnh đạo” của nhóm, đã loại họ ra khỏi email của cả nhóm mà không hỏi ý kiến của cá nhân đó tiếp tục nằm hay rút ra trong email của nhóm. Điều buồn cười là email của nhóm, người nhận không biết có bao nhiêu người, ai ở trong đó. Được biết là email của nhóm có trên 30 người. Nhưng khi email được gửi ra, số người trả lời rất là ít. Đa số im lặng không trả lời. Còn người sẵn sàng trả lời email nay xin tạm ngưng sinh hoạt thì bị loại, chỉ bởi vì người đó luôn luôn có ý kiến khác với người “lãnh đạo”.

Trong email trao đổi của bạn với ba người bạn khác, một người đã đặt ra vấn đề ứng xử của người “lãnh đạo” với những người quan tâm về triết học Con Người của LĐA xem ra không được Con Người gì mấy. Lối ứng xử hễ ai đó khác ý mình, tạm ngưng sinh hoạt thì loại bỏ họ ra khỏi email của nhóm thì hình thức này cũng giống hình thức của cộng sản. Ai khác ý mình thì mình sẽ loại ra. Đây là lối ứng xử không được gọi là Người mà là lối ứng xử sợ nghe ý kiến khác biệt. Đây là một hình thức đá bất cứ ai xin tạm ngưng sinh hoạt để khỏi nghe tiếng nói khác biệt. Cần phải nhấn mạnh ở đây là Tạm Ngưng Sinh Hoạt chứ không phải là xin rút ra khỏi nhóm.

Bạn trả lời là “không ai đá ai ra hết” mà chính cá nhân tạm ngưng sinh hoạt xin rút ra khỏi email của nhóm và bạn hỏi ý kiến hai người khác trong thư để chứng minh lời nói của bạn đúng.  Bạn nói mà bạn không hề có chứng cớ. Trong lá thư tháng 10 năm 2019, “lãnh đạo” của nhóm đã kêu bạn, hãy loại bỏ hai cá nhân xin tạm ngưng sinh hoạt ra khỏi email của nhóm. Hai người này hoàn toàn không lên tiếng về chuyện loại bỏ hay không loại bỏ email của mình trong nhóm. Thực ra hai cá nhân này họ xem vấn đề nhỏ, không quan trọng. Và thái độ im lặng của họ là để xem cách ứng xử của những người trong nhóm học hỏi triết lý về Con Người của LĐA đối xử ra sao, có Người hay không.

Một trong hai cá nhân mà bạn hỏi ý kiến về chuyện rút tên ra khỏi email của nhóm xác định là không có chuyện đó.  Người ta chỉ gửi thư thông báo là tạm ngưng sinh hoạt chứ hoàn toàn không đá động đến chuyện email của nhóm. Thế nhưng theo lối ứng xử không theo triết học Con Người của LĐA, bạn và vị “lãnh đạo” đó loại bỏ hai cá nhân đó ra khỏi email của nhóm mà hoàn toàn không hỏi ý kiến của họ, không đem ra thảo luận chung cả nhóm. Có lẽ bởi khởi đầu, email của nhóm cũng là do sự quyết định của người “lãnh đạo” và bạn là người thừa hành, thực hiện mà không đặt câu hỏi đúng hay sai.

Chính bạn thực hiện chuyện loại người ra khỏi email bởi bạn là người điều hành email của nhóm. Chính bạn làm điều đó và chính bạn biết rằng hai cá nhân trên hoàn toàn chẳng hề lên tiếng về chuyện này. Thế nhưng bạn vẫn ngoan cố xài “bạc giả” để nói rằng hai cá nhân này xin ra khỏi email của nhóm. Bạn nói mà không có chứng cớ để thực hiện chuyện “nói có sách mách có chứng”. Người xài “bạc giả” đâu cần “nói có sách mách có chứng” thành ra  bạn xài “bạc giả” thoải mái, không biết ngượng. Chính bạn đã không nắm vững triết lý Con Người của LĐA ra sao cho nên chuyện xài “bạc giả” thấy rõ trong những chữ trao đổi qua điện thư đó. Bạn đồng ý là mình đối xử sai nhưng sau đó lại nói sai sự thật là cá nhân đó xin rút ra khỏi email của nhóm. Phải chăng đây là sự mâu thuẫn ở chính bạn mà bạn không dám nhìn nhận?

Sự khác biệt giữa Con Người không phải ở bằng cấp, địa vị xã hội mà là nhân cách, tư cách của con người. Bạn làm truyền thông mà bạn xài “bạc giả” với anh em trong nhóm học hỏi về triết lý Con Người của LĐA thì phải chăng bạn chỉ mượn triết lý đó cho mục đích riêng của mình mà không áp dụng triết lý đó vào cuộc sống bản thân của mình là tu dưỡng, chơi bạc thật thay vì chơi “bạc giả”?

Bạn có khi nào tự hỏi chính mình, tại sao đề nghị của bạn cho ba người để làm việc chung, triển khai triết lý Con Người của LĐA không được đón nhận mà họ muốn chính bạn phải tự làm việc trước, xem có hiệu quả hay không trước khi làm việc chung?  Bạn nắm rõ thuyết Cơ Năng và Bản Vị? Khi cái cơ năng chưa hoàn hảo, vẫn chơi “bạc giả” thì không thể nào kết hợp với một cơ năng khác để tạo ra một bản vị mới.  Nước với Lửa là hai cơ năng hoàn toàn khác nhau không thể nào kết hợp để làm một bản vị mới nào đó. Cho nên bạn chọn chơi “bạc giả” mà muốn làm việc chung với người chơi bạc thật thì cũng giống như Nước với Lửa. Tiếc rằng bạn không nhìn ra được điều này.

Một nước Việt mới ở tương lai không thể nào tiếp tục có những con người xài “bạc giả” cho dù chuyện xài “bạc giả” đó ở trong bất cứ phạm vi nào. Sự xuống cấp của Việt tộc hôm nay chỉ bởi vì có quá nhiều người xài “bạc giả” cho dù ở bên này hay bên kia. Hãy tự chính mình hứa với mình, loại bỏ cái tính xài “bạc giả”; sống thật, nói thật (nói có sách, mách có chứng) dù những lời nói thật đó đau lòng. Phải chăng Việt tộc có câu “mất lòng trước đặng lòng sau” để thấy dù sự thật nói ra làm người khác khó chịu nhưng ít nhất phải nói để mọi người cùng nhau sửa đổi thì lúc đó sự phối hợp làm việc mới có thể xảy ra.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 6 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s