Tương Lai Sau Thời Đại Dịch Covid-19

Khi kẻ phạm tội (thủ phạm) che dấu tin tức để chạy tội: Trung Cộng.

Khi các nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn, xét đoán (hay cố vấn quá dở) thì sự đối phó với hiểm họa thiếu sót, chậm và cục bộ (piece meal):  Mỹ.

Khi người dân quen với tự do cá nhân trong một thời gian dài, cho dù bọn khủng bố Hồi giáo quá khích có gây tai biến cũng không làm sờn lòng những kẻ ham vui nơi công cộng.

Khi thiên tai (bão, cuồng phong, động đất, chiến tranh) không làm con người suy nghĩ lại về căn nguyên, hậu quả với số người lâm nạn.

Khi đứng trước những hiểm họa, con người đi tìm niềm tin. Năm 2002 cuộc khủng khoảng về xâm phạm tình dục trẻ em bùng nổ tại Boston (https://www.ncronline.org/blogs/ncr-today/timeline-crisis) và lan khắp nơi đánh dấu sự suy sụp của tôn giáo. Chiến dịch khủng bố của các nhóm Hồi giáo quá khích vào các nước Tây phương nhắm khuấy động chiến tranh tôn giáo khiến sự định cư các nhóm di dân trở nên khó khăn.

Khi cuộc di dân vĩ đại của các nước Phi Châu, Trung Đông tràn qua Âu Châu cũng không làm thức tỉnh các nhà chính trị, lãnh đạo tôn giáo trước những biến cố toàn cầu.

Khi nước Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, được coi là thể lực có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại (nếu quyết tâm) quay ra cắn xé trong nội bộ vì các thành phần cực đoan (tea party). Bài học thắng Liên Xô 1989 chỉ làm mờ mắt các nhà tư bản khiến họ đẩy mạnh kinh tế toàn cầu bất chấp sự thiếu chuẩn bị của thế giới. Cuộc chiến Iraq 1991 là nguyên nhân để lại hậu quả là Bin Ladin quay ra chống Mỹ đưa đến thảm họa 9/11/2001.

Sự đắc cử của Bush II cũng là hậu quả của sự kiện Bush I thua Clinton 1992 vì chiến tranh Iraq. Từ phản ứng của Bush-Cheney trước biến cố 9/11 đánh A Phú Hãn và Iraq (lần thứ hai) đã đưa đến chiến dịch hạ lãi xuất cho dân Mỹ mua nhà (American dream) dẫn đến khủng khoảng tài chính 2008. Thất bại của chính quyền Bush (Cộng Hòa) dẫn đến thắng cử của Obama (Dân Chủ) là con của người di dân Phi Châu đã khiến người da trắng bảo thủ để tâm trả thù.

Cùng với giới tư bản thất bại trong việc chống dự luật bảo hiểm sức khỏe của Obama đã chuẩn bị lấy lại chính quyền. Không may, kẻ thắng cuộc cuối cùng là Trump.

Cuộc trả thù xảy ra trên mọi mặt: môi sinh, di dân, sức khỏe, bổ nhiệm chánh án, ngân sách, thuế, bảo vệ người tiêu thụ, bảo hiểm ngân hàng… cuối cùng là bãi bỏ đội ngũ theo dõi các bệnh dịch (pandemic team) tại Nhà Trắng do Obama lập ra.

Và trận dịch Covid-19 xảy ra.

Vì tin tức bị Trung Cộng che dấu. Các nước khác không biết mối nguy hiểm của vi khuẩn Covid-19. Khi bệnh dịch lan tràn thì mỗi quốc gia phản ứng khác nhau. Sự thiếu lãnh đạo, chuẩn bị, của chính quyền đi cùng với thái độ ương ngạnh của người dân và giới kinh doanh (e ngại sẽ làm thiệt hại nguồn lợi các dịch vụ của họ) đã khiến cơn bệnh tràn lan.

Khi con số lây bệnh, chết tại các nước tăng vọt thì thế giới mới nghi ngờ con số của Trung Cộng công bố là không đúng sự thực so với con số người dân Trung Hoa đi mua hũ về đựng tro người hỏa táng tăng vọt.

Các chính phủ phản ứng bằng cách đóng của mọi sinh hoạt để ngăn chặn bệnh dịch lan tràn khiến các cơ quan y tế không đáp ứng nổi nhu cầu đòi hỏi. Đồng thời sự suy sụp kinh tế vì các hãng xưởng, dịch vụ đóng cửa, sa thải công nhân.

Vì chưa tìm ra thuốc ngừa bệnh, chuyện cách ly chỉ là tạm thời ngăn chặn sự lan tràn nên khó tiên đoán thời gian bao lâu sẽ hồi phục các sinh hoạt.

Các nước, tiểu bang, thành phố bắt đầu phong tỏa sự giao thông, biệt lập những người từ nơi xa đến. Trường học và các dịch vụ không quan trọng đóng cửa. Số thất nghiệp tăng vọt và các cơ quan từ thiện kêu gọi cứu trợ dân nghèo vì thiếu thức ăn.

Làm sao ra khỏi cơn mê và rồi chúng ta sẽ đi về đâu?

Giáo sư sử học Yuval Harari đã kêu gọi một kế hoạch toàn cầu để đối phó ( https://baotiengdan.com/2020/03/21/the-gioi-hau-dai-dich-corona/)

Có quá trễ không?

Tại sao Liên Hiệp Quốc (LHQ) không làm được vai trò này? Chỉ vì LHQ là tập họp của các quốc gia đã thành hình trên quá khứ lịch sử của từng dân tộc, địa lý vùng, cùng với văn hóa và tôn giáo khác biệt. Thừa hưởng dư âm của hai lần thế chiến, LHQ chỉ là cơ quan trung gian hòa giải các xung đột thế giới và thường là thất bại vì thiếu tiền, thực lực và quyết tâm.

Thế giới hiện nay có các cơ quan, nhà nghiên cứu về tiềm năng lâu dài của nhân loại (Mega Trend: nghiên cứu về tiềm năng chính trị, kinh tế, xã hội, môi sinh, khoa học kỹ thuật [mba13-group8.weebly.com/classification-of-megatrends.html]). Tại sao họ không thấy bệnh dịch?

Vậy kế hoạch toàn cầu sẽ xảy ra như thế nào?

  1. Sự đồng thuận: Cả thế giới có đồng ý như vậy không? Kinh tế, giao thông, kỹ thuật, truyền thông, y tế, môi sinh, văn hóa… cho thấy chúng ta (nhân loại) chỉ có một trái đất để sống. Hủy hoại một phần sẽ dẫn đến toàn phần? Tài nguyên thiên nhiên có hạn, khai thác quá mức thì cán cân thiên nhiên mất cân bằng và gây thiệt hại chung, chẳng kể giàu nghèo, yếu mạnh.
  2. Nếu có kẻ phản đối (Nga, Trung Cộng) thì quyết định ra sao? Nhất là đó lại là những nước có nhiều rắc rối nhất (về trung thực, tự do, dân chủ, thành tín). Nhưng cũng còn tùy vào sự thực hiện kế hoạch toàn cầu sẽ như thế nào?
  3. Phản của thế giới cũng sẽ tùy thuộc vào hậu quả của cơn bệnh dịch kéo dài bao lâu, có trở lại, có biến chứng hay không. Thiệt hại nhân mạng, suy sụp kinh tế, hỗn loạn xảy ra tại các thành phố, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị sẽ khiến các nhà lãnh đạo của mọi lãnh vực phải xét lại toàn bộ sinh hoạt không phải chỉ còn trong lãnh vực riêng mà phải nhìn tổng thể, toàn thể. Chỉ có như vậy thì một kế hoạch toàn cầu mới hy vọng thành hình.

Làm sao các nhà chuyên môn, đã được đào tạo và hoạt động lâu năm, có thể trở thành con người có cái nhìn tổng thể, toàn diện?

  1. Khi hai thế lực của thế giới Tư bản và Cộng sản trở thành một (lợi dụng tâm lý để khai thác con người dù dưới dạng bạo lực hay quyền lợi) thì cái gì sẽ có thể làm thay đổi các thế lực cầm quyền sử dụng các thủ đoạn đó để cai trị và không dễ dàng từ bỏ.

Một bên là thế giới Cộng sản, tin tức bị bưng bít, người dân không  thể biết (và nếu có biết) phải làm gì khi biến cố xảy ra. Tất cả chờ nhà nước quyết định. Và bộ máy nhà nước Cộng sản thì chậm và ngu vì lúc nào cũng sợ cả trên (trung ương) lẫn dưới (dân nổi loạn). Khi bệnh dịch xảy ra, địa phương ngăn chận tin tức khiến bệnh có cơ hội lan tràn khắp nơi.

Một bên là thế giới tự do, chính quyền nghĩ người dân và hệ thống y tế sẽ tự xử. Trong khi người dân quen tự do, thiếu tinh thần kỷ luật, thiếu tin tức. Sự cảnh báo của cơ quan y tế không đủ mạnh, quyết đoán để có biện pháp hữu hiệu chận cơn dịch lan tràn. Thêm vào đó các nhà kinh tế, tư bản e ngại sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế, tài chánh, thương mại nên không muốn hành động quá mức.

Cả hai quán tính đó thừa hưởng hàng chục năm của nền giáo dục thất bại trong việc đào tạo con người sống biết, sống đúng, sống thực.

Và đó là nhiệm vụ của giáo dục.

Vậy muốn có một kế hoạch toàn cầu, chúng ta phải trở về với giáo dục.

Có quá trễ để giáo dục các nhà lãnh đạo thế giới về con người, xã hội và thiên nhiên?

Có quá trễ để giáo dục các nhà kinh tế Cộng sản và Tư bản về Bình sản kinh tế?

Có quá trễ để giáo dục các nhà trường trên thế giới về giáo dưỡng và cương thường của loài người?

Có quá trễ để giáo dục các nhà tôn giáo là thời đại của tôn giáo đã qua. Hãy trở về thực trạng của con người qua Sinh Mệnh tâm lý?

Có quá trễ để giáo dục con người về Nhân Chủ, Dân Chủ, Cương Thường?

Có quá trễ để nói về một kế hoạch toàn cầu chỉ là một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và xuyên suốt mà một người VN đã nói 75 năm về trước: Lý Đông A?

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s