Bạn thân
Nhận được điện thoại của bạn thắc mắc về một bài viết Duy Dân. Rồi bạn cho rằng chủ thuyết đó không có giá trị bởi ông Thái Đạo cho rằng “Duy Dân là một cưỡng danh và giả danh dùng để gọi một học thuyết tập đại thành các tư tưởng của dân tộc ….”.
Có thật là vậy hay bạn hoa mắt đọc nhầm? Mà không, những chữ đó in rõ mồn một trong bài viết của ông Thái Đạo và là câu chữ mở đầu của bài viết Đại Cương Về Chủ Nghĩa Duy Dân. Tại sao ông Thái Đạo viết mấy chữ vô nghĩa như thế? Nếu ông Lý Đông A (LĐA) còn sống, liệu LĐA có thể chấp nhận sự cưỡng danh và giả danh hay không?
Không. Bạn không hoa mắt mà thực sự bài ông Thái Đạo có nói điều đó qua hình chụp trên mạng dưới đây.
Trước hết hãy tìm hiểu định nghĩa của cưỡng danh và giả danh mang ý nghĩa gì.
Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cùng nhóm biên soạn và Lê Ngọc Trụ hiệu đính (Sài Gòn: nhà sách Khai Trí) thì Cưỡng tức là bắt ép hoặc là chiếm; Danh tức là tên hoặc là tăm tiếng. Còn Giả Danh tức là mượn tên, mượn tiếng người khác.
Theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2005) thì Cưỡng là không tự nhiên; Danh là tên gọi của người hay của vật.
Theo Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt (Đà Nẵng: Trung Tâm Từ Điển Học, 2003) thì Cưỡng Danh tức là bắt ép phải làm điều không muốn làm. Giả Danh là giả tự xưng là người nào đó để đánh lừa làm việc gì.
Ý nghĩa của ba quyển tự điển đều giống nhau. Cưỡng Danh có nghĩa là ăn cắp cái tên, cái tiếng của người khác mà không có sự đồng ý của người đó. Và Giả Danh cũng là một hình thức ăn cắp, giả mạo danh của người khác để thực hiện mưu đồ nào đó.
Nếu qua định nghĩa bên trên thì thuyết Duy Dân của LĐA thực sự là cưỡng danh hay giả danh? Câu trả lời đã có sẵn trong tài liệu Mở Quyển, chương 2, trang 4 của LĐA được ghi như sau:
“Chủ Nghĩa Duy Dân
Ta đã thấy tất cả các chủ nghĩa, các nền chính trị đều sai lạc, không đủ để kiến thiết con người. Vì những thất bại đó mà con người mất thăng bằng, do đó manh nha ra chiến tranh. Chiến tranh sắp tới sẽ là cuộc chiến tranh tàn sát con người, hủy diệt mọi nền văn minh của thế giới một cách khốc liệt nhất từ xưa tới nay. Cùng với những kiến trúc các chủ nghĩa thiên lệch ấy, tất cả các tư tưởng cũ sẽ cáo chung. Thế giới đang đòi hỏi những tư tưởng mới, một phương hướng mới và những phương án kiến thiết con người mới mẻ hơn. Lần này nhân loại không còn thể rụt rè, sẽ tàn phá triệt để, để cho sự kiến thiết cũng sẽ triệt để. Do những nhu cầu đó mà DUY DÂN phát sinh”.
Cũng trong Mở Quyển, chương 2, trang 6, LĐA nhận định ý nghĩa của Duy Dân như sau:
“Ý NGHĨA DUY DÂN
Hai chữ DUY DÂN cũng là biểu hiện tính chất của triết học mới. Đầu tiên chữ đó xuất hiện trong sách Mạnh Tử với quan niệm “Dân vi quí”. Nhưng đó chỉ là quan niệm tương đồng với quan niệm của Tuân Tử. Chữ DUY DÂN của chúng ta manh nha từ cụ Phan Bội Châu. Cụ đã nói: “Dân chẳng Duy Tâm, chẳng Duy Vật, Dân chỉ Duy Dân” (dân chỉ vì dân). Mà xét ra, tất cả nền móng kiến thiết con người là cũng chỉ để kiến thiết cho người dân”.
LĐA không Cưỡng Danh, không Giả Danh từ ngữ Duy Dân mà LĐA nói rõ sự ra đời của chủ thuyết Duy Dân chỉ bởi vì những thuyết trước đó không đủ để kiến thiết con người. Dĩ nhiên LĐA nói rõ chữ Duy Dân được phát xuất từ cụ Phan Bội Châu.
Rõ ràng nhận định của ông Thái Đạo trong phần mở đầu Đại Cương Về Chủ Nghĩa Duy Dân hoàn toàn sai lệch nếu không muốn nói là ông Thái Đạo nhét chữ vào mồm LĐA một cách gượng gạo mà không biết mắc cở bởi người chết sẽ không kiện được người sống. Điều ngạc nhiên hơn là đến giờ phút này, sau 46 năm kể từ khi ông Thái Đạo viết bài đó, ông vẫn tiếp tục giữ nguyên bản viết của 46 năm về trước mà không chịu xem lại, sửa đổi cho đúng với sự hiểu biết về Duy Dân bởi theo thời gian, với những kinh nghiệm bản thân sẽ cho thấy là sự hiểu biết về Duy Dân lúc còn trẻ sẽ khác nhiều về lúc già. Điều đó cũng giống như hồi đi học tiểu học, sự hiểu biết về một vấn đề nào đó ở bậc tiểu học sẽ thay đổi sau khi học ở tầng cấp lớn hơn bởi tri thức của chúng ta mở ra rộng hơn, sâu hơn để thay đổi cái nhìn cũ không còn hợp thời. Sự hiểu biết tư tưởng Duy Dân cũng thế, luôn luôn được thay đổi cho phù hợp với thực tế mà bản chất chính (cái gốc của vấn đề) vẫn không thay đổi đó là phục vụ đời sống của người dân, của Con Người. Sự diễn dịch có thể không sâu vì kinh nghiệm cuộc sống không có nhiều nhưng sự diễn dịch sai thì cần phải sửa đổi bởi “bút sa gà chết”. Mà thái độ không sửa đổi cho thấy sự tu dưỡng của cá nhân cần phải đặt vấn đề.
Trở về chuyện Cưỡng Danh, Giả Danh thì ông Thái Đạo không những nhét chữ vào mồm LĐA mà còn làm chuyện Cưỡng Danh, Giả Danh bằng bài viết Tu Dưỡng Thắng Nhân của ông Thái Đạo, đăng trên thangnghia.org vào năm 2016 và đóng mộc là bài viết của LĐA nằm trong phần Tuyển Tập LĐA. Nhưng đến năm 2018 thì bài viết đó được đổi tên là Thái Đạo và để trong phần Diễn Đàn Thắng Nghĩa. Tại sao có sự bất cẩn như thế? Một bài viết của chính mình, mình không nhận ra để rồi Cưỡng Danh, Giả Danh cho rằng đó là tài liệu của LĐA nhưng rồi sau đó điều chỉnh lại nói là bài viết của chính mình thì thực hư của câu chuyện ra sao? Khi mà người khác bắt được chuyện “xài bạc giả” (cưỡng danh, giả danh) thì ai sẽ tin những gì mà chính ông Thái Đạo nói, viết ở quá khứ lẫn tương lai? Và bao nhiêu lần “xài bạc giả” khác mà người ta vẫn chưa phát hiện? Một câu hỏi khác, quan trọng hơn, là những tài liệu đóng nhãn hiệu LĐA có thực sự là của LĐA khi mà người đọc bắt quả tang sự Cưỡng Danh, Giả Danh trong bài Tu Dưỡng Thắng Nhân? Nếu bảo rằng cách hành văn của LĐA có khác thì tại sao, bài Tu Dưỡng Thắng Nhân, ngay từ lúc đầu, không nhận ra được cách hành văn của LĐA? Thực tế để nhận ra cách hành văn của một người khó chứ không phải dễ chính vì thế mà chuyện “xài bạc giả” mới xảy ra được.
Sẽ có người phân vân là có nên tìm hiểu tài liệu của LĐA hay không khi mà chính người gọi là Duy Dân cho rằng đó là sự Cưỡng Danh, Giả Danh. Hy vọng lá thư này sẽ đốc thúc những ai muốn tìm hiểu tư tưởng Duy Dân tiếp tục tìm hiểu bởi bất cứ tổ chức nào cũng đều có “một con sâu làm rầu nồi canh” — thành ra đừng vì câu nói trong bài viết của ông Thái Đạo để làm bạn chùng bước trong việc tìm hiểu Duy Dân. Để hiểu Duy Dân điều trước tiên bạn phải có sự tu dưỡng ở chính bạn chứ đừng chờ đợi hoặc nghe lời ai đó. Sự tu dưỡng của bạn để bạn tự làm chủ (nhân chủ) lấy chính mình (con người), tri thức mình để hiểu rõ cái gốc của Duy Dân là gì và nhận diện ra được đâu là Duy Dân thật, đâu là Duy Dân giả khi bạn hiểu được cái gốc của Duy Dân.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 6 năm 2020 (Việt Lịch 4899)