Tu Dưỡng Thế Nào?

Tu dưỡng là chuyện cá nhân. Bản thân anh có muốn làm, thực hiện, theo đuổi một lý tưởng, ước mơ nào hay để mặc nó ra sao thì ra?

Cha mẹ có nói, nhắn nhủ gì không hay để tự bạn quyết định? Còn trường học, thầy giáo có nói gì không?

  1. Trước hết, bạn nghĩ sao về sống và chết của bản thân? Bạn sẽ sống như thế nào? Và sẽ chết như thế nào?
  2. Nếu bạn thành hình quyết định như vậy trước (hay sau) khi lập gia đình? Rồi bạn sẽ đối xử với người phối ngẫu ra sao? Nói thật hay không nói? Và rồi bạn có cho con cái bạn biết về con người của bạn để hướng dẫn chúng hay để “trời sinh voi, trời sinh cỏ”?
  3. Đối với người thân xung quanh bạn (anh em, bạn bè) thì bạn sẽ cư xử ra sao? Tiêu chuẩn trong anh em? Với bạn bè? Tục ngữ có câu “chọn bạn mà chơi” hay bạn sẽ chơi kiểu giang hồ, bất chấp “gần mực thì đen, gần đến thì sáng”?
  4. Đối với người khác phái thì sao? Bạn nghĩ là nam nhi thì có thể làm tất cả và đàn bà thì chỉ ở trong bếp, hay bình quyền ai muốn làm gì thì làm?
  5. Trong cuộc đời bạn nghĩ sao về “tình” và “tiền”, về “thiện” và “ác”, về tôn giáo? Bạn biết gì về tôn giáo và chính trị? Về con người và xã hội?

Trả lời những vấn đề trên cho thấy bạn có tu dưỡng hay không.

Tại sao phải trả lời hay tìm kiếm tu dưỡng?

Bởi vì bạn là con người.

Sự suy nghĩ thúc đẩy bạn tìm cái tốt, cái thiện, cái hướng thượng thay vì vùi mình trong “vũng lầy của chúng ta” và chửi rủa thiên hạ.

Nếu bạn đã từng sống trong một xã hội hỗn loạn, phi nhân, tàn ác, tráo trở của chủ nghĩa vô thần, của những nhà lãnh đạo thất học, cai trị bằng bạo lực, dối trá…thì bạn muốn thay đổi như nào? Bắt đầu từ đâu?

Bạn không thể chạy trốn lương tâm của bạn vì bạn vẫn là con người.

Hãy xem người cộng sản: Họ kêu gọi vô thần, vô sản, vô gia đình, vô tổ quốc (để xây dựng quốc tế vô sản) nhưng thực tế họ đã làm ngược lại tất cả khi đã có quyền lực trong tay. Cuối cùng cộng sản hiện nguyên hình thành…tư bản, không phải vì lý thuyết Duy Vật đúng mà chỉ vì bản chất con người là như vậy. Chủ nghĩa, khẩu hiệu đấu tranh chỉ là mục đích giành quyền cai trị, bóc lột người dân (là bạn đó).

Hãy nhìn lại con người tư bản: Họ kêu gọi tự do, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng pháp luật … nhưng thực chất họ có khác gì người cộng sản? Chỉ khác đường lối tiến hành, khẩu hiệu mà thôi. Tuy có lưỡng đảng, đa đảng … nhưng họ vẫn dành đặc ân cho kẻ giàu. Thay nhau cầm quyền nhưng khi thất bại thì che dấu.

Quả lắc “khuynh tả” hay “khuynh hữu” chỉ dùng để “thôi miên” người dân đen và để chạy tội.

Sự phân biệt “Tả” hay “Hữu” chỉ là trò chụp mũ của chính trị học (political science) để phân biệt “Âm -Dương” tạo lực chuyển động trong xã hội để các nhà chính trị, kinh tế lợi dụng mà ngay cả giới báo chí (media) cũng hùa theo.

Con đường Trung đạo đã bị triệt, để người dân không có lối thoát mà phải chấp nhận “Hiến Pháp” như nó đã là (as is it). Đó là sự cưỡng từ đoạt lý của nền dân chủ Tây phương (nếu là dân chủ sao anh không cho sự chọn lựa con đường thứ ba?). Nếu người không thích Tả lẫn Hữu thì sao?

Khi được thì lợi nhuận là “của tôi” nhưng khi thất bại thì chịu đòn là “của anh”. Đối với nước nghèo thì là viện trợ, là kinh tế toàn cầu, nhưng nếu không đồng ý là tố cáo vi phạm nhân quyền.

Bạn không thể từ chối tham dự chính trị vì nó xảy ra hàng ngày, trong mọi mặt của cuộc sống. Sống trong một xã hội đã là tham dự chính trị rồi vì bạn chịu chung một Hiến Pháp, căn bản luật pháp của một xã hội, quốc gia.

Khi sống trong một xã hội, dù xấu hay tốt, dù chậm tiến hay tiên tiến, thì bạn cũng phải mở mắt ra nhìn đời. Đó là quan sát, học học hỏi và đó là giáo dục, không cần phải vào trường lớp học để có bằng cấp mới gọi là có giáo dục.

Mà giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị. Bạn phải tham dự vào chính trị vì đó là cuộc sống của bạn. Bạn lơ là, trốn tránh cho đến khi … mất nước. Bạn tỵ nạn tại quốc gia khác thì cũng phải tham dự chính trị cho dù với tư cách công dân hạng hai. Nếu không thì bạn sẽ không còn chỗ chạy nữa. Vậy thì tại sao không tranh đấu ngay từ giây phút ban đầu?

Mà tranh đấu thì phải suy nghĩ chứ không thể làm bừa. Sự suy nghĩ cao nhất là triết học. Bạn không thể phí cả cuộc đời chạy theo hư ảo: Gia đình, cơm áo, vui chơi … để đến cuối cuộc đời mới tìm đến triết học.

Tu dưỡng là triết học. Triết học là tu dưỡng. Đừng lầm lẫn với tôn giáo, là đi tu với cầu nguyện, tin vào một đấng cứu thế sẽ làm dùm cho bạn hay tu dưỡng thay cho bạn và bạn tiếp tục ăn chơi.

Tu dưỡng là ý thức cái “tôi”. Hãy tìm hiểu cái “tôi” cho đến khi nó biến mất: “vô ngã” thì bạn sẽ giải quyết được tất cả các vấn nạn của cuộc sống, kể cả chính trị.

Nhưng đó chỉ cho bản thân bạn. Bạn không thể lấy cái “tri kiến” đó để ép buộc người khác theo. Nhưng nếu mọi người cùng tu dưỡng thì cái kết quả của mỗi người sẽ trở thành cái chung mà không phải tranh cãi vì tất cả đã là “vô ngã”.

Nên nhớ rằng chúng ta sống trong thế giới Nhị nguyên (Âm-Dương) vì có đối đãi nên có nhân duyên. Mà Duyên khởi thì phải dùng ngôn ngữ diễn tả, gọi là Giả danh: “nói vậy, không phải vậy, mà chính là như vậy” (kinh Duy Ma Cật) chỉ vì mọi vật không có tự tính, bất thường mà con người vẫn chấp là thường còn (thân thể, vật chất, của cải) mà tranh đấu hơn thua.

Bạn chỉ sống trăm năm, vậy suốt trăm năm đó, bạn muốn hạnh phúc hay đau khổ?

Đó là mục đích của Tu Dưỡng.

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s