Thay đời, đổi kiếp để sống!
Chuyện thay đời, đổi kiếp là ý muốn tạo ra ý định dựng nên ý nguyện muốn thay một cuộc sống xấu thành một cuộc đời tốt; muốn đổi một kiếp tồi thành một kiếp tốt, từ đây ý nguyện sẽ thành ý lực làm nên hành động cụ thể, để chống tà quyền bán nước, chống ma quyền xâm lược. Mà không cần phải qua bạo động sắc máu, không cần phải qua bạo lực sinh ra hệ lụy; mà bằng chính các vốn thông minh mà ta đang có từ khi ta biết yêu nước thương nòi: Vốn tổ tiên biết dựng nước-giữ nước-cứu nước; vốn của nghệ thuật qua mọi thể loại nói lên sâu sắc lòng yêu nước; vốn của khoa học mang lại những khám phá làm thăng hoa nhân sinh; vốn của truyền thông nơi mà toàn cầu hóa sánh đôi cùng mạng xã hội không biên giới; vốn của giải luận thực tại làm nên lý luận đúng cho tương lai; vốn của dân chủ khi mà dân làm chủ thì nhân quyền là nền của nhân phẩm…. Tất cả các vốn này là vốn tổng hợp làm nên tổng lực cho các công dân yêu nước thương nòi, và khi vốn đã thành lực thì ý nghĩa của hành động làm nên chính nghĩa của tuyên ngôn: Yêu nước thương nòi là chính nghĩa của mọi chính nghĩa chính trị, đối với tất cả chính quyền muốn sống bền, sống vững; sống lâu với dân tộc, với đất nước. Có nghĩa là có hậu, đây là chân lý lịch sử nói lên lẽ phải của hằng số yêu nước thương nòi. Một hằng số của yêu nước thương nòi luôn làm nổi theo hai hàm số -khi ẩn, khi hiện- mà con dân yêu nước thương nòi khi yêu cầu nó hiện diện, nó sẽ có mặt ngay tức khắc:
Hàm số thứ nhất là chúng ta được quyền sống yên-sống vui-sống hoài trên đất nước yêu dấu của ta, với đồng bào yêu thương của ta, quyền được sống hàng ngày và vĩnh viễn trên quê hương vừa là nhân quyền, vừa là dân quyền; mà không có một bạo quyền lãnh đạo nào, một tà quyền tham quan nào, một ma quyền xâm lược nào buôn dân bán nước của chúng ta được. Bùi Giáng nói rất sâu xa về phương trình nhân quyền hàng ngày-dân quyền vĩnh viễn trên chính quê hương của mình: “Hỏi rằng người ở quê đâu? Thưa rằng, tôi ở rất lâu quê nhà!”.
Hàm số thứ nhì là chúng ta được quyền sống đẹp-sống hay-sống cao trên chính quê hương của chúng ta, trong đó sống mà biết miếng ngon ngay trên quê hương mình là một hạnh phúc tới từ sự thông minh, thi sĩ Tô Thùy Yên biết làm sáng lên hàm số này: “Ta uống giếng thiêng, ăn trái lạ. Lòng ta rồi sẽ mới tinh khôi”. Sự thông minh được thể hiện qua sự tinh khôi của cây trái nuôi ta hàng ngày, làm nên sự tinh anh của tất cả những ai yêu nước thương nòi. Mỗi lần ta thiếu đất nước, ta mất quê hương, ta xa đồng bào, thì ta như người chết khát đang đứng giữa cơn hạn. Nhờ ta là người yêu nước thương nòi nên sự thông minh có trong ký ức, sự tinh khôi có trong kinh nghiệm làm nên sự tinh anh trong nhận thức về hiện tại, giúp chúng ta sẽ thoát cơn hạn, thắng cơn khát. Cũng Tô Thùy Yên đã làm ngời lên cái tinh hoa của đất nước cho những ai muốn hiểu sống đẹp-sống hay-sống cao là gì? Đó là cảm nhận của một tự tình dân tộc có sức mạnh xóa đi cơn hạn, dẹp đi chuyện chết khát vì thiếu quê hương, vì xa đồng bào: “Nước giếng quê nhà ngọt lắm thay!”.
Câu chuyện thay đời, đổi kiếp không dính dáng gì tới các cuộc cách mạng sắc máu mà Việt tộc đã phải trả giá quá đắt, khi mà lực lượng lãnh đạo tự đặt tên cho mình là “cách mạng”, nhưng khi cướp được chính quyền rồi thì áp đặt hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc tôn, độc trị) để làm ra bao chuyện độc hại cho dân tộc, cho đất nước, để giờ đây đất nước đang đứng trước họa xâm lăng, để giờ đây dân tộc đang đứng trước họa diệt vong. Câu chuyện cụ thể của thay đời, đổi kiếp chỉ là một phương trình liêm chính nên rất dễ hiểu của ý muốn-ý định-ý nguyện-ý lực của nội chất yêu nước thương nòi, chỉ vì chúng ta mong muốn vỏn vẹn hai chuyện: Sống yên-sống vui-sống hoài để sống đẹp-sống hay-sống cao trên đất nước yêu dấu của chúng ta, với đồng bào yêu thương của chúng ta.
Tổng thể của một
Câu chuyện yêu nước thương nòi của chúng ta mang một tổng thể rất mạnh, rất cao vì rất đẹp, mà cũng rất lạ vì sao? Vì kẻ yêu nước thương nòi và tình cảm yêu nước thương nòi chỉ là một, một người và một đời, quấn quít bên nhau rồi quyện vào nhau như một tổng thể của một. Nó ngược lại với con tính của số học: 1+1 = 2, yêu nước thương nòi, mạnh và lạ, cao và đẹp vì nó chỉ có một cách tính tinh khôi là 1+1 = 1! Không những kẻ yêu nước thương nòi và tình cảm yêu nước thương nòi là một, mà khi kẻ yêu nước thương nòi này gặp kẻ yêu nước thương nòi kia, cả hai cũng chỉ là một, vì họ tâm giao trong đắc khí trong tình yêu đất nước thương đồng bào, họ đồng tâm làm nên cái đồng điệu của một. Chữ: Đồng đây chính là biểu tượng thông thái của một, nhờ có đồng tâm, đồng điệu nên họ làm được chuyện đồng lòng, đó chính là nhất trí! Trong một ý chí duy nhất là giữ nước cứu dân vì yêu nước thương nòi.
Tổng thể của một là hùng lực của phương trình đồng tâm-đồng điệu-đồng lòng làm nên nhất trí, một sự đoàn kết tuyệt đối của một, của nhất, của đồng: Một sức mạnh vô song. Sức mạnh này sáng như hải đăng trong Việt sử của một dũng tộc, tên gọi là Việt tộc, đã thắng hơn 20 lần các cuộc xâm lược tới từ phương bắc, một dũng tộc mà cũng là một minh tộc, có đủ thông minh để hiểu rõ gốc, rễ, cội, nguồn của một, của nhất, của đồng. Mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết thành định đề: Rễ sâu, gốc chắc! Để dặn dò vua Trần Anh Tông là không lo, không sợ quân Nguyên trở lại, nếu chúng trở lại, thì ta lại sử dụng rễ sâu, gốc chắc! Của lòng đoàn kết tuyệt đối của một, của nhất, của đồng để làm nên một sức mạnh vô song mà dẹp chúng. Vậy mà, vừa qua ngày 17 tháng 2 năm 2019 này, tà quyền độc đảng đã lén lút dời lư hương trước tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mà Việt tộc kính yêu như Đức Thánh, chỉ vì chúng lo sợ là các con dân yêu nước thương nòi sẽ ra thắp hương, cúi đầu để tưởng niệm 40 năm, ngày các chiến sĩ và đồng bào đã tử vong sau ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Tàu tặc xua hơn sáu mươi vạn quân gây ra bao chiến họa trên sáu tỉnh biên giới.
Tổng thể của một, của nhất, của đồng làm nên chủ thể dân yêu nước thương nòi, chủ thể không còn là những cá nhân đơn lẻ, cũng không còn là các công dân đơn độc, mà là chủ thể của toàn vẹn lãnh thổ, của độc lập dân tộc làm nên nhân phẩm Việt, bất khuất giữ nước-cứu nước cho bằng được. Hãy định nghĩa rõ ràng thế nào là chủ thể yêu nước thương nòi? Một chủ thể biết trách nhiệm, hiểu bổn phận công dân, và nhất là biết sử dụng các kinh nghiệm thắng giặc của tổ tiên; mà cũng biết tránh được các thất bại của cha ông trong lịch sử, để sáng tạo ra các chiến lược mới, các sách lược mới mà thắng kẻ xâm lược đang đứng trước mắt ta là ĐCSTQ-Đảng cộng sản Trung Quốc đang mượn “con đường cộng sản anh em” để thao túng, để giật dây, để gài bẫy ĐCSVN-Đảng cộng sản Việt Nam, để thực hiện hệ xâm: Xâm lấn rồi xâm chiếm, xâm lược rồi xâm lăng Việt Nam.
Câu chuyện chủ thể yêu nước thương nòi mang tầm tiên quyết trong quyết tâm cứu nước của mỗi chúng ta, vì chỉ chủ thể yêu nước thương nòi mới thật sự là chủ thể với đạo lý của trách nhiệm giữ nước, với luân lý của bổn phận cứu nước, vì bọn tà quyền phản dân hại nước không phải là chủ thể, vì bọn ma quyền buôn dân bán nước không phải là chủ thể, chúng chỉ là tiểu nhân, chúng đã mất nhân vị Việt vì chính vị kỷ của chúng! Chủ thể yêu nước thương nòi chính là chủ thể của toàn thể đất nước, vì chủ thể yêu nước thương nòi chỉ chấp nhận toàn vẹn lãnh thổ, bọn Tàu tặc phải trả lại đất dọc biên giới, từ Bản Giốc tới Ải Nam Quan, phải trả lại Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Việt tộc. Chủ thể yêu nước thương nòi sống thẳng lưng, nhìn thẳng bọn xâm lược với lương tri của chủ thể trên nguyên tắc luân lý của toàn vẹn lãnh thổ, và nếu đã là luân lý quốc gia, đạo lý quốc phòng thì không thể bàn cãi vì không thể đổi chác được.
Chính lương tri của chủ thể yêu nước thương nòi làm rễ sâu, gốc chắc cho nhân phẩm Việt, để bảo đảm bản sắc Việt, để bảo trì văn hóa Việt, nơi mà nhân phẩm Việt của toàn vẹn lãnh thổ gạt ra được các tiểu nhân ích kỷ, lùa xa được các cá nhân vô cảm, xua đi được các bè phải vô luân chỉ muốn đi lại con đường bán nước của Trần Ích Tắc, Kiều Công Tiễn, Lê Chiêu Thống.
Cơ duyên của yêu nước thương nòi
Yêu nước thương nòi thực sự là một là một cơ duyên tạo nên thâm tình của một người Việt khắng khít với quê hương và đồng bào của mình quy luật toán học Việt: Một duyên, hai nợ, ba tình, nơi mà chữ duyên là kết quả mầu nhiệm làm nên hạnh ngộ, nó không phải bị bắt buộc phải yêu nước, bị bó buộc phải thương nòi. Nơi mà người Việt yêu nước thương nòi sẽ có một hạnh phúc lớn khi đã có hạnh ngộ với đồng bào, với đất nước của mình. Cái duyên làm nên cái nợ muốn “trao thân gởi phận” nơi đất Việt, để được “ăn đời ở kiếp” nơi chốn Việt, vì “nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây”, tự bao giờ đã làm nên cái tình của “tình sâu nghĩa nặng”. Người yêu nước thương nòi có tâm hồn luôn đẹp hơn kẻ vô tâm “ai chết mặc ai”, hơn kẻ vô cảm “bây chết mặc bây”; một tâm hồn đẹp vì biết kham đất nước, dân tộc, biết chia sẻ, tức là biết bồng, cõng, gánh, đội những thăng trầm mà đất nước đang phải chịu, những trầm luân mà đồng bào phải nhận. Động từ kham không hề là khổ luỵ, không phải là nhục hình, mà chỉ là chấp nhận có bổn phận với đồng bào, có trách nhiệm với tổ quốc. Kham để chia sẻ tới nơi tới chốn nỗi khổ của quê hương, niềm đau của dân tộc.
Tâm hồn đẹp của người yêu nước thương nòi, tới từ nhân nghĩa Việt sâu trong “tình làng nghĩa nước”, tới từ nhân từ Việt rộng trong “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, tới từ nhân tâm Việt cao “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Tất cả tạo nên giá trị hay, đẹp, tốt, lành của tâm hồn Việt luôn yêu nước thương nòi, luôn có hai phẩm chất: Chung và chia, mà các cá thể của tà quyền bán nước, ma quyền buôn dân không sao có được. Biết bảo vệ các tài sản chung của tổ tiên để lại, biết bảo quản môi sinh chung, nâng niu môi trường chung vì đó là đất Mẹ. Bọn cầm quyền buôn dân, bọn lãnh đạo bán nước rồi thì chỉ có chạy theo chủ Tàu tặc xâm lược, hoặc cúi đầu trong lủi nhủi chạy qua phương Tây, với tiền của đã vơ vét của đồng bào, chúng không hề tính chuyện sống chung thì làm sao chúng biết chia. Ngược lại, tâm hồn của người yêu nước thương nòi, thì chung là để chia, mà chia là để tiếp tục chung.
Không yêu nước thương nòi: Có phải là một cái lỗi?
Không yêu nước thương nòi, chắc chắn không phải là một cái tội, nhưng có phải là một cái lỗi không? Mỗi người Việt phải tự tìm câu trả lời cho chính mình, và không ai được “dạy đời” ai, để “ép duyên” kẻ khác, để trả lời câu hỏi này. Nhưng trên đường đi nẻo về của lòng yêu nước thương nòi, ta thấy lộ ra ít nhất là hai loại người Việt. Loại thứ nhất mong cầu để đòi được thỏa mãn tư lợi của mình, loại thứ hai yêu nước thương nòi vô điều kiện và dấn thân chỉ vì một tấm lòng yêu nước thương nòi, không trông chờ được thỏa mãn các tư lợi của mình.
Không có câu trả lời dứt khoát cứng ngắt một chiều: Yêu nước thương nòi? Hay không yêu nước thương nòi? Nhưng cả hai loại người này có một chân trời chung, qua sự kết tinh tới từ nhân nghĩa Việt, nhân tâm Việt, nhân cách Việt biết chế tác ra quy luật chung-chia, và chúng ta hãy dùng sự thông cảm trong rộng lượng để tạo ra một quy luật mới chung-riêng. Nơi mà cái chung trong mọi hành động yêu nước thương nòi cũng biết bảo vệ cái riêng trong mọi chọn lựa của tự do cá nhân, khi cá nhân đó biết tôn trọng quyền sinh tồn của một dân tộc làm nên lực tự tồn trên chính quê hương của mình.
Nếu bạn yêu nước thương nòi thì bạn cứ đi trọn con đường của bạn, vì nó rất đúng, có cái chung đẹp, có cái riêng hay, và đừng buột ai phải giống, phải theo bạn, vì Việt tộc đã ngán độc tài, đã chán toàn trị lắm rồi. Nếu bạn không yêu nước thương nòi, thì bạn cứ sống trong cỏi riêng của bạn, nhưng nếu một ngày kia bạn là nô lệ của Tàu họa, bạn là nô tỳ của Tàu nạn, bạn mất nhân phẩm vì Tàu hoạn, bạn mất nhân vị vì Tàu tặc, thì bạn phải nhận mọi hậu quả với một ý thức liêm sỉ nhất, cụ thể là bạn không được đổ lỗi cho bất cứ ai, và trước mắt là bạn đừng chặn đường các đứa con của Việt tộc vì yêu nước thương nòi mà dấn thân.
Sự tôn trọng lẩn nhau bắt đầu bằng sự tôn trọng người đối diện khác mình, không giống mình; đây là sự thông minh mà Nguyễn Công Trứ đã mô thức hóa được ở cung bậc cao giữa chung và riêng: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng!”.
Lê Hữu Khóa
*******
Vài dòng về tác giả: Lê Hữu Khóa, Giáo sư Đại học* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu về Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa có thể xem và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (Trang Thầy Khóa).