Về Chuyện Nói Xấu

Bạn thân

Người Việt chúng ta, dù là cộng sản hay không cộng sản, quan niệm về cái gọi là nói xấu đều giống nhau khi mà cái xấu đó nhắm đến “thần tượng” của chính họ.

Mà “thần tượng” là gì? Nó có thể là một con người giả dối, được ai đó bôm lên là vì dân vì nước mà ông Hồ Chí Minh hoặc đảng cộng sản Việt Nam là thí dụ điển hình. Còn đối với người không cộng sản thì “thần tượng” là người được thế giới biết đến, là tù nhân lương tâm, là những người sinh hoạt cộng đồng được nhiều người biết đến, là những vị đại diện cho tôn giáo v.v….

Nói xấu là gì? Tức là nói những cái không có thật của một sự kiện nào đó ảnh hưởng đến nhân phẩm của một con người. Đó chính là nói xấu, bêu xấu người khác qua những tin đồn, tin giả mà người nói muốn chia sẻ với người khác.

Khi mà người ta nói lên sự thật về phẩm chất xấu của một cá nhân mà phẩm chất đó thực sự xảy ra qua chính kinh nghiệm bản thân thì đó không phải là nói xấu. Tiếc rằng, người Việt (cộng sản hay không cộng sản) chỉ thích nghe cái mình muốn nghe và ai đó nói lên sự thật về phẩm chất của một cá nhân nào đó mà cá nhân đó là “thần tượng” thì họ cho rằng nói xấu người khác.

Đã là con người thì chẳng ai hoàn hảo. Một con người tốt vẫn có cái xấu ở chính trong họ. Một tù nhân lương tâm, một người hy sinh thời gian để giúp cộng đồng, một người lãnh đạo tôn giáo cũng chỉ là Con Người. Họ có thể có cái xấu của chính họ mà chính họ không biết hoặc họ cố tình giấu cái xấu đó. Cần phải phân biệt giữa những hành động hy sinh với phẩm chất cá nhân. Hành động hy sinh dĩ nhiên cũng là một phần của phẩm chất cá nhân nhưng không phải toàn phần của phẩm chất cá nhân. Chúng ta ủng hộ hành động hy sinh vì lương tâm, vì cộng đồng của họ nhưng đồng thời chúng ta cũng lên án cái phẩm chất cá nhân không đúng của họ bởi chỉ vì họ là những người của công chúng, với hy vọng họ sửa đổi để thành một người tốt hơn.

Thực tế thì đa số chúng ta chỉ nhìn Con Người ở bề ngoài, ở địa vị xã hội, ở tiếng tâm của cá nhân đó để rồi chúng ta xem họ là “thần tượng”; từ đó, cá nhân nào nói lên cái sự thật về nhân phẩm của “thần tượng” thì chúng ta vội vàng lên án người đưa lên sự thật đó. Có lẽ vì hiểu tâm lý của số đông, cho nên các “thần tượng” thực hiện cái xấu rất tự nhiên bởi nghĩ là số đông sẽ ủng hộ mình do cái vị thế của chính mình, hoặc do chính tài sản kết xù của mình để mình sẵn sàng mướn luật sư thưa kiện người đưa ra sự thật đó.

Hình ảnh Lance Armstrong, một người đã thắng 7 giải đua xe đạp ở Pháp từ năm 1999 đến 2005. Trong khoảng thời gian đó, có người đã tố cáo anh ta dùng chất kích thích trong việc tranh giải. Tuy nhiên, vì có tiền, anh mướn luật sư để dập tắt những sự thật được nói ra và anh đã thành công về chuyện này. Rất nhiều người vì ngưỡng mộ anh ta, cho nên họ không tin những sự thật về chuyện dùng chất kích thích của anh Armstrong. Mãi cho đến tháng 10 năm 2012, cơ quan điều tra về sử dụng chất kích thích kết tội Armstrong và 7 giải anh đã đạt bị lấy lại.

Hình ảnh của những vị lãnh đạo tôn giáo khi họ làm gì đó vi phạm đến phẩm chất của một nhà tu thì nếu nạn nhân nói ra, chẳng một ai tin bởi vị trí của nhà lãnh đạo tôn giáo là người có đức độ rất cao, không thể nào làm chuyện đó. Những chuyện sách nhiễu tình dục của những cha, nhà sư là thí dụ điển hình. Giáo dân sẽ không bao giờ tin những sự thật đó nếu không có sự điều tra từ chính quyền. Đó cũng là lý do tại sao, những con người không có nhân phẩm đó tiếp tục làm những cái sai trái bởi họ không bị trừng phạt và bởi họ đã biết làm cho giáo dân tin mình một cách vô điều kiện.

Ngay cả trong sinh hoạt của một tổ chức, những người gọi là “lãnh đạo” được mọi người tin tưởng bởi đã làm việc chung nhiều năm nhưng khi cá nhân nào đó đưa sự thật nhân phẩm của “lãnh đạo” thì lập tức, số đông cho rằng cá nhân đó nói xấu người “lãnh đạo”. Cần phải phân biệt chuyện làm việc chung ở một thời gian dài, nhưng công việc đó thuộc dạng “lãnh đạo” kêu mình làm gì thì mình làm đó; thì đó không phải là làm việc chung mà chỉ là “lính” của vị “lãnh đạo”. Làm việc chung là khi đụng đến những vấn đề thảo luận, trao đổi mỗi tuần trong một thời gian dài, nhận những trách nhiệm trong một cơ cấu thiện nguyện nào đó; và trong sinh hoạt sự trao đổi ý kiến, va chạm sẽ hiện rõ lên bản chất của Con Người ra sao. Đó mới chính là làm việc chung. Và chỉ khi nào làm việc chung như thế chúng ta mới biết được Con Người thật của người đối diện ra sao.

Một trường hợp khác rất dễ bị ngộ nhận là cá nhân nói lên sự thật về nhân phẩm của vị “lãnh đạo” hay bất cứ ai thuộc dạng người của công chúng — thì bị giáng tội là nói xấu chỉ vì trong quá khứ (vài năm, vài tháng hoặc vài ngày) cá nhân này nói về phẩm chất tốt đẹp của người đó nay lại nói cái phẩm chất xấu. Hình như người ta không phân biệt hai vấn đề khác nhau. Một người có phẩm chất đẹp chưa chắc là một người hoàn hảo và cũng có thể phẩm chất đẹp đó mục đích để che đậy cái phẩm chất xấu. Khi bạn khen ngợi ai đó thì vào thời điểm khen ngợi, bạn chưa biết cái phẩm chất xấu của họ. Nhưng khi bạn phát hiện ra phẩm chất xấu của họ và bạn nói lên cái sự thật đó, phải chăng bạn nói xấu người đó, bạn mâu thuẫn với chính bạn? Khi một người bỏ tiền cho từ thiện nhưng đồng thời họ sẵn sàng “cướp giựt” tiền của người nghèo thì phải chăng chuyện làm từ thiện là một phẩm chất tốt hay để che đậy hành động “cướp giựt” của chính cá nhân đó? Khi bạn ca ngợi hình ảnh tốt đẹp từ thiện đó chỉ bởi vì bạn chưa biết khía cạnh xấu và khi bạn biết khía cạnh xấu, bạn nói lên sự thật thì phải chăng bạn nói xấu?

Cuộc sống xã hội, đặc biệt là về Con Người, không đơn giản như chúng ta tưởng. Đừng vì cảm tính, vì tôn sùng “lãnh tụ, lãnh đạo”, vì ảnh hưởng của mạng xã hội để rồi chính chúng ta không nhìn ra được sự thật của vấn đề và cho rằng người khác nói xấu trong khi thực tế họ nói lên cái sự thật mà chính chúng ta không biết, đặc biệt khi mà những người sinh hoạt trong một tổ chức.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 1 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s