Trên mạng xã hội của Facebook (FB), người theo dõi sẽ thấy người Việt có hai phe rõ rệt. Phe ủng hộ đảng Cộng Hòa và phe ủng hộ đảng Dân Chủ. Hai phe này luôn luôn dùng những con số từ các báo, mạng của các cơ quan truyền thông để chứng minh đảng của mình làm việc hiệu quả hoặc chứng minh là đảng kia làm việc thiếu hiệu quả. Họ quên một điều là các báo, mạng cũng không ít thì nhiều mang tinh thần đảng tranh thành ra những con số mà họ đưa ra cần phải kiểm chứng để xem có đúng hay không.
Ngoài hai khối ủng hộ Cộng Hòa và Dân Chủ, còn một khối thứ ba thuộc giới độc lập, nhìn vấn đề thoáng hơn ở chính sách và nhân cách con người. Tuy nhiên ở thành phần này vẫn dùng những con số không chính xác mà không nhìn nhận đó là không chính xác và tìm đủ mọi cách để đưa ra những link để chứng minh sự tin tưởng của mình.
Cuối năm 2019, trên trang mạng FB, người Việt chia sẻ một con số từ FB của người Mỹ thuộc đảng Dân Chủ. Sự chia sẻ này gồm có hai phần. Công ăn việc làm và nợ trong thời tại nhiệm sau khi bàn giao lại cho người tổng thống kế tiếp. Theo biểu đồ so sánh với các vị tổng thống từ thời Reagan đến Trump thì chỉ có Clinton và Obama là đưa nợ xuống chứ không làm gia tăng. Thời của Clinton thì tạo ra surplus (chi ít hơn thu vào) được nhắc đến nhiều chứ thời Obama, kinh tế đang đi xuống cần phải chi xài để làm sống lại nền kinh tế thì làm sao mà có chuyện Obama làm giảm con số nợ của quốc gia. Còn những vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa thì luôn luôn tạo ra thâm thủng ngân sách (chi nhiều hơn thu) cho nên làm cho số nợ gia tăng.
Nếu dựa vào con số từ bộ tài chính (treasury department) thì số nợ của Mỹ, từ năm 1899 đến nay thì năm nào cũng gia tăng. Trước năm 1899 thì có năm con số nợ xuống, có năm tăng lên. Tuy nhiên, cũng con số từ bộ tài chính thì họ cho rằng dưới thời của Clinton thì số tiền thu vào nhiều hơn số tiền chi ra hay còn gọi là surplus. Nếu thu vào nhiều hơn chi ra thì tại sao số nợ vẫn tiếp tục gia tăng thay vì giảm? Câu hỏi này sẽ được trả lời ở phần cuối của bài viết.
Trở lại vấn đề là bản chia sẻ đó nói rằng thời Obama số nợ không tăng mà thực sự giảm. Là một người bình thường cũng hiểu rằng chuyện này không thể xảy ra. Bởi khi Obama nhận chức tổng thống thì kinh tế đang bị khủng hoảng do Bush con giao lại. Trước đó Bush con cũng đã xài tiền rất nhiều nhưng vẫn không giựt dậy nền kinh tế. Cho nên khi Obama nhận chức thì độ xuống của kinh tế tiếp tục và Obama phải đưa ra những chương trình cứu nguy nền kinh tế đang xuống để giựt dậy nền kinh tế sống dậy. Sau 8 năm thì nền kinh tế từ khủng hoảng trở lại bình thường và tiếp tục tăng trưởng cho đến hôm nay do sự đổ tiền của chính quyền Obama vào nền kinh tế bị suy sụp.
Vậy thì thời Obama đã gia tăng số nợ (debt ceiling) để chính quyền Mỹ có thể mượn tiền tiếp tục thì làm sao có chuyện thời của Obama đưa số nợ giảm xuống? Những con số thống kê của bộ tài chính cho thấy thời Obama, trong bốn năm liên tiếp, mỗi năm tạo sự thâm thủng ngân sách trên 1 trillion và những năm còn lại dưới con số 1 trillion. Tuy nhiên, người chia sẻ tin tức này vẫn tiếp tục tin tưởng điều mình chia sẻ là thời Obama không gia tăng nợ mà làm giảm nợ. Để chứng minh sự tin tưởng của mình, người chia sẻ đưa ra những dẫn chứng ở những trang mạng của chính quyền gồm có cơ quan thống kê dân số (census), cơ quan so sánh kinh tế (bureau of economic analysis), hoặc cơ quan tình báo CIA. Những cơ quan đó hoàn toàn không dính dáng đến con số nợ (national debt) mà bộ tài chính nắm giữ và đưa ra cho công chúng xem.
Ngoài ra người chia sẻ dẫn chứng những tờ báo nổi tiếng như Forbes hoặc một trang mạng nào đó đưa ra thống kê về con số chi thu của chính quyền để dẫn chứng sự tin tưởng của mình. Khi so sánh về những con số thì cần phải hiểu rõ nguồn của con số từ đâu ra. Từ một tờ báo hay trang mạng nào đó thì họ lấy con số đó từ những phần nào, cho dù đó là con số từ bộ tài chính. Chỉ có con số từ bộ tài chính là con số chính thống. Mà ngay cả con số từ bộ tài chính vẫn phải đặt câu hỏi là tại sao, có dữ kiện nói là có thặng dư (surplus) nhưng con số nợ lại vẫn gia tăng mà người viết đặt ghi vấn ở bên trên.
Người viết bài này đã liên lạc với Bộ Tài Chính để giải thích tại sao có sự mâu thuẫn đó nhưng hoàn toàn không nhận được sự hồi âm nào của Bộ Tài Chính. Thực tế thì dù dưới thời của Clinton tạo ra thặng dư nhưng số nợ của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng dưới thời của Clinton mà theo thống kê của Bộ Tài Chính cho thấy con số nợ chưa bao giờ giảm từ năm 1899 đến nay.
Tại sao thế? Theo sự nhận định của davemanuel.com thì dưới thời của Clinton bốn năm tạo ra surplus (1998-2001) tuy nhiên số nợ của quốc gia (national debt) tiếp tục gia tăng vì lý do sau đây:
- Ngân sách của chính quyền liên bang chia ra hai phần: chi tiêu chung chung (on budget và đây chính là con số cần phải đánh giá để xem chi phí của chính quyền thâm thủng ra sao) và chi tiêu cho về hưu (off budget, quỹ này hoàn toàn không dính dáng đến chi tiêu của chính quyền vì là một quỹ độc lập để lo chuyện về hưu cho người già). Hai phần này chia ra rõ ràng bởi hai loại thuế khác nhau. Thuế dành cho tiền về hưu không nằm trong danh sách chi tiêu của chính quyền cho nên gọi là Off Budget. Theo luật thì năm nào quỹ về hưu thu về nhiều hơn chi ra thì bắt buộc phải bỏ tiền vào mua cổ phiếu (bond) của bộ tài chính.
- Thí dụ năm 2000, theo báo chí và từ chính quyền thì số surplus là 236 tỷ. Con số này gồm có số tiền thặng dư từ bên ngân sách on budget (86 tỷ) và off budget (150 tỷ). Đúng ra con số này phải được đánh giá đúng bản chất là 86 tỷ chứ không thể nào cộng vào số tiền thặng dư từ bên quỹ về hưu.
- Vì theo luật thì số tiền thặng dư bên quỹ về hưu bắt buộc phải mua cổ phiếu từ bên bộ tài chính. Mà khi bộ tài chính bán cổ phiếu ra tức là mang nợ và đó là số nợ của quốc gia. Thành ra dù rằng dưới thời của Clinton, tuy tạo ra thặng dư nhưng tiền nợ vẫn gia tăng dù rằng số tiền thặng dư đã trả một phần của nợ công nhưng nếu kể nợ vay mượn giữa cơ quan chính quyền thì số tiền nợ công vẫn tiếp tục gia tăng. Thực tế là kể từ năm 1899, số nợ của quốc gia chưa hề giảm xuống mà luôn luôn gia tăng.
- Cũng theo bài báo trên trang mạng này cho rằng số tiền nợ của quốc gia trong năm 2012 là 16 trillion thì trong đó gồm có 4.7 trillion là nợ giữa các cơ quan trong chính quyền như đã nói ở phần số 3 bên trên.
Sinh hoạt dân chủ của Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng bởi tinh thần đảng tranh. Nếu loại bỏ tinh thần đảng ra để nhìn vấn đề vào sự thật của nó, nhìn vấn đề ở thực tiễn của nó để hầu có chính sách giải quyết sự khó khăn bằng thực tế chứ không phải bằng chính sách đảng … lúc đó tiến trình dân chủ mới khá hơn. Còn với tình hình hiện giờ, nền dân chủ ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 2 năm 2020 (Việt Lịch 4899)