Tinh Thần Trách Nhiệm

Bạn thân

Chúng ta đã đi 1/5 đoạn đường của thế kỷ của 21. Biết bao nhiêu sự kiện đang xảy ra ở thế kỷ 21 mà nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, chính chúng ta đóng góp một phần phá hoại sự thật của sự thật, phá hoại môi trường sống của thế hệ chưa ra đời ở tương lai.

Hơn bao giờ hết, các trang mạng xã hội trở thành một nồi cháo tả bí lù. Nồi cháo ấy có những món ăn ngon nhưng ngược lại có nhiều món ăn nguy hiểm mà chúng ta cần nhận diện và góp phần vào việc nâng dân trí cho mọi người.

Là con người, chúng ta sống trong xã hội phải luôn luôn tâm niệm rằng — cuộc sống của chúng ta không đơn giản là lo cho mình, cho gia đình, cho người thân của mình mà chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội mình đang sống. Từ ngữ xã hội phải hiểu ở một dạng rộng lớn. Nó không thuần túy là xã hội tại quốc gia chúng ta đang sống mà là xã hội bao quát hơn, cả thế giới, trên mạng hay ngoài mạng.

Lá thư này chỉ thuần túy nói về trách nhiệm của mỗi cá nhân trên lãnh vực chia sẻ tin tức trên các mạng xã hội. Gần cuối năm 2019, trong danh sách bạn bè của FB Ngàn Lau, có hai người chia sẻ ba tin tức hoàn toàn không có thật. Một tin nói là tài tử danh tiếng Clint Eastwood qua đời; một tin nữa là tàu ngầm bị nổ ở vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam với Tàu; và tin động đất ở Tàu ngày 2 tháng 12 năm 2019 tạo ra sóng thần chết rất nhiều người. Đây là ba tin rất lớn đối với Tây Phương, đặc biệt là giới làm báo ở Mỹ. Tuy nhiên, không một tờ báo nào, cơ quan thông tin nào nói về ba tin này. Thế mà ba tin này được chia sẻ trong giới người Việt rất nhiều mà không ai đặt câu hỏi có thật hay không có thật. Có chăng vài người hỏi người chia sẻ tin là họ không thấy các báo chí Tây Phương hoặc trên mạng nói về tin tức này ngoại trừ trên mạng xã hội của người Việt Nam.

Người chia sẻ tin tức không thật này dựa vào sự chia sẻ của ai đó. Và ai đó chia sẻ tin tức này dựa vào một nguồn trên mạng được viết bằng tiếng Anh hoặc dựa vào bài viết của ai đó mà người chia sẻ tin tưởng là người viết có khả năng lùng kiếm sự thật. Hoặc chia sẻ tin tức từ nhóm làm truyền thông ở trong nước mà khả năng làm truyền thông của người trong nước cần phải xét lại — vì thực chất là họ không làm truyền thông mà dùng truyền thông để tuyên truyền cho một mục đích nào đó.

Người chia sẻ tin tức, đặc biệt là sống ở nước ngoài, có nhiều điều kiện để kiểm chứng sự thật, nhưng lại không làm điều đó mà sẵn sàng chia sẻ tin không có thật, đặc biệt những tin nói về Tàu cộng. Rồi ngay cả người đọc cũng không làm công chuyện đặt nghi vấn và thăm dò tin đó thật hay giả. Cuối cùng thì hễ ai đọc tin đó và thấy thích thì cứ chia sẻ trên FB của chính mình, quên đi là trách nhiệm của mỗi người là phải kiểm chứng tin trước khi chia sẻ.

Đây chính là sự nguy hiểm rất lớn khi mà nhiều người chia sẻ tin tức sai trái, không thật, có thể ảnh hưởng đến uy tín của một cá nhân sống trong xã hội. Một trang mạng viết bằng tiếng Anh chưa chắc đã nói đúng sự thật mà là tạo ra một tin giả để nhiều người vào trang mạng của mình vì mục đích thương mại hơn là mục đích thông tin.

Một sự chia sẻ khác, phản tác dụng thông tin và nguy hiểm, đó là chia sẻ clip đưa lên youtube mà người Việt không biết rõ nguồn gốc là đâu, hễ thấy màu vàng tóc đen và tàn bạo thì vội cho rằng đó là từ Tàu. Phải phân biệt giữa hai sự kiện Tàu cộng tàn ác và sự kiện clip không phát xuất từ Tàu cộng. Không thể lẫn lộn giữa hai cái này thì vô tình, chúng ta đã chuyển tải một hình ảnh hoàn toàn sai trái không dính dáng đến sự tàn ác của Tàu cộng và phản tác dụng trong công việc chuyển tải tin tức. Clip trên youtube được chia sẻ nói về cơn sóng thần, tạo ra từ cuộc động tại Tàu với địa chấn là 4.7, làm chết rất nhiều người. Tin này do nhóm người trong Việt Nam tạo ra, một clip dựa vào sự tưởng tượng và mục đích là gì không ai biết rõ ngoài người muốn đưa tin giả này. Theo một trang mạng ghi lại tất cả các cuộc động đất trên thế giới từng ngày, từng giờ thì không có cuộc động đất nào xảy ra tại Tàu mà clip này nói đến trong ngày 2 tháng 12 năm 2019. Hơn nữa cuộc động đất với địa chấn là 4.7 thì sẽ không tạo ra sóng thần. Thế mà có nhiều người tin và chia sẻ clip này bởi vì ghét Tàu.

Khi mà chúng ta tiếp tục sai lầm trong chuyện chuyển tải tin tức thì đến một lúc nào đó, vàng thau lẫn lộn làm cho người đọc thuộc dạng bình dân sẽ không còn tin tưởng vào những tin tức thật, quan trọng đến đời sống của chính họ. Điều này chỉ có thể giải quyết là mỗi người trong chúng ta, đặc biệt những người sống ở nước ngoài biết tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc ngoại ngữ nào đó, phải kiểm chứng sự thật trước khi chia sẻ hoặc gửi một thông tin nào đó qua mạng xã hội của chính bản thân.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 12 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s