Người chưa đủ sáng thành người.
Những đồi nổng khai hoang dăm tháng trước,
Qua mùa đông đã chật mồ tù.
Chiều bầm máu thảm thiết,
Bãi ao tối nghịt rừng nhân dạng trần truồng
Phải đó cảnh loài người sắp tận diệt?
Rồi sẽ chẳng còn ai khóc được cho ai.
(Hành giả âu sầu, Tô Thùy Yên)
Chào bạn,
Bạn gởi cho tôi một lá thư thật dài, bạn biết là tôi đang tổng kết các nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã về tội phạm học qua trường hợp của Việt Nam, từ khi dân tộc và đất nước này phải gánh chịu bạo quyền của ĐCSVN (Đảng cộng sản Việt Nam) từ 1930 tới nay. Thư của bạn dài, mà từ đầu tới cuối là biện minh, là bào chữa, là “chạy tội” cho ĐCSVN, vì bạn là đảng viên, lại đang là quan chức, đang nhận bổng lộc của ĐCSVN. Từ khi chúng ta quen nhau, não trạng quyền lực-quyền lợi không sao tách được nhân sinh quan, thế giới quan của bạn để chúng ta có thể cùng nhau khách quan hóa từ sự kiện tới sự cố, theo đúng yêu cầu của khoa học. Cụ thể là đưa chứng từ vào dữ kiện để sự thật làm sáng lên chân lý. Nhưng tôi sẽ trả lời bạn trong thư này bằng sự chân thành trong mạch lạc, với chân thật của luận chứng, để chúng ta hiểu nhau hơn, trên tinh thần của học thuật là tôn trọng lẫn nhau, để sự thật được song hành cùng chân lý, sẽ giúp chúng ta nhận ra lẽ phải. Quy trình sự thật-chân lý-lẽ phải được kết tụ thành một tổng thể, mà không ai có thể tách ra để vo tròn bóp méo, để đánh tráo, rồi bào chữa, sau đó là “chạy tội” cho tội phạm đã gây ra tội ác; khi mà các nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã của tội phạm học đã được thực hiện tới nơi tới chốn rồi thì chuyện “chạy tội” xem như vô ích!
Dù là một chuyên ngành mới mẻ của khoa học xã hội và nhân văn, nhưng dựa trên các nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã của tội phạm học, các lãnh đạo không thể “trốn tội” tham ô, tham nhũng. Khi chuyên ngành sinh sau đẻ muộn này ra đời thì công việc thường nhật của nó là: lột trần tội ác! lột mặt nạ tội phạm! Nên nó không sợ bất cứ bạo quyền nào ám hại nó, không lo bất cứ tà quyền nào mua chuộc nó, không để bất cứ ma quyền nào bán đứng nó. Đây chính là nền lý học luận (dùng học thuật để xây dựng lý luận) của lá thư này, giúp tôi trả lời từng câu hỏi của bạn. Tôi sẽ trả lời luôn các loại khẳng định sai trái từ bạn, mà với mê thức tuyên truyền một chiều của một chế độ độc tài-toàn trị, bạn đang mộng tưởng đó là kiến thức khách quan. Mà mộng tưởng là nguồn của mê thức, dắt con người vào mê lộ để bị lạc bẫy trong tà lộ, nơi mà thủ phạm và nạn nhân đã vào tử lộ, từ đó vô tình hay vô tâm: tội phạm đã gây ra tội ác. Tội phạm học phải vạch mặt chỉ tên loại tội phạm này, vì đây là nghiệp vụ của tội phạm học.
Quy trình sự kiện-chứng từ-xác chứng làm gốc, rễ, cội, nguồn cho tội phạm học. Khi sự kiện đã thành sự cố với các hậu quả hại người-giết người-chết người, nơi mà chứng tích đưa đường dẫn lối cho chứng từ, thì xác chứng của nghiên cứu sẽ định hình cho minh chứng để sự thật được đưa ra ánh sáng, để chân lý được quang minh chính đại từ tòa án của lương tâm tới tòa án của công pháp. Nên đây cũng là phương pháp luận của lá thứ này, tôi chỉ trả lời bạn qua ba quy trình: sự kiện-sự cố; chứng tích-chứng từ; xác chứng-minh chứng, nên tôi sẽ không trả lời các phần khác của lá thư của bạn: vu cáo mà không có phân tích sự kiện-sự cố; vu khống mà không có giải thích chứng tích-chứng từ; vu họa mà không có giải luận xác chứng-minh chứng. Đó là thói quen của bạn từ bao năm, mà cũng là phản xạ của những kẻ lãnh đạo, các quan chức của ĐCSVN. Khi nạn nhân của họ phân tích sự kiện-sự cố, thì bị họ vu cáo là “các lực lượng thù địch”; khi nạn nhân của họ giải thích chứng tích-chứng từ, thì bị họ vu khống là “phản động chống cách mạng”; khi nạn nhân của họ giải luận qua xác chứng-minh chứng thì bị họ vu họa là “bôi nhọ lãnh đạo của Đảng”. Bạn muốn bỏ các thói quen vu cáo, vu khống, vu họa cho người khác, cho bất cứ ai không đồng ý với bạn hay với ĐCSVN của bạn, thì rất dễ! Để tôi hướng dẫn bạn chút chút nhé trên chuyện này:
– Đừng viết những câu xuôi đầy tính từ của thóa mạ.
– Không viết những câu ngắn tràn ngập trạng từ của chụp mũ.
– Bỏ viết những câu dài đầy các tính từ thóa mạ xen lẫn với các trạng từ của chụp mũ.
Chuyện này không khó, khi bạn viết hãy nghĩ tới tổ tiên Việt dạy ta cẩn trọng: bút sa gà chết (mà còn làm người chết nữa), đó là câu chuyện của tội ác trong Cải cách ruộng đất (1954-1958). Chỉ cần vài chữ tố cáo không chứng từ là tòa án nhân dân quyết tội (không có) lên đầu những ai bị vu cáo là “địa chủ”; để ngay tức khắc sau đó là đám đông quần chúng (bị giật dây) vu khống cho các nạn nhân là “bóc lột” nông dân; rồi dẫn tới (cũng tức khắc) chuyện tử họa của các nạn nhân này là bị bắn giết ngay tại chỗ. Tổ tiên Việt không quên nghiêm cẩn dạy con cháu: sai một ly đi một dặm, nên ngay bây giờ, bạn cứ loại các câu xuôi đầy tính từ thóa mạ, khử các câu ngắn tràn ngập trạng từ chụp mũ, vứt các câu đầy các tính từ thóa mạ xen lẫn với các trạng từ của chụp mũ, bạn sẽ thấy là bạn đã rời cõi tục để vào cõi thanh. Ông bà mình cũng đã dạy chúng ta: đố tục giảng thanh mà. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bạn nhớ giữ thanh bạn nhé! Đó là nhân cách đối nhân xử thế làm nên tư cách cá nhân, dựng lên phong cách trí thức của của mỗi chúng ta trong học thuật, vì học thuật không bao giờ đứng về phía tục, học thuật thảnh thơi trong cõi thanh bạn à!
Tôi “rào trước đón sau” như làm chuyện “rào dậu, tát ao” trong chính mảnh vườn câu chữ của mình thật kỹ lưỡng trước khi trả lời các câu hỏi của bạn. Tôi làm chuyện này vì tôi xem bạn luôn là bạn của tôi, hoàn toàn khác với đám tuyên giáo (tà nghiệp trong xảo lộ) vu cáo mà không dám đối thoại để hiểu thế nào là sự thật; hoàn toàn khác với lũ lãnh đạo độc tài nhưng bất tài (gian kiếp trong tà lộ) vu khống mà không dám trực diện để thấu thế nào là chân lý; hoàn toàn khác với bọn bút nô, ký nô (ma nghiệp trong điếm lộ) vu họa mà không dám đối luận để thấm thế nào là lẽ phải. Các ngữ-văn-xây-ngữ-pháp: tà nghiệp trong xảo lộ; gian kiếp trong tà lộ; ma nghiệp trong điếm lộ, không hề là câu xuôi tỉnh từ thóa mạ, câu ngắn trạng từ chụp mũ, câu dài đầy các tỉnh từ bôi nhọ xen lẫn với các trạng từ của chụp mũ; mà là các phạm trù của lý luận để định luận (conceptualisation), dụng khái niệm để xây luận thuyết (théorisation), đây là tri thức luận mà tôi sẽ dùng để trả lời lá thư này của bạn.
Tôi bắt đầu trả lời các câu của bạn, từ đầu đến cuối, theo trật tự được xếp đặt trong thư của bạn:
“Anh thích tổng kết, phê phán… “vơ đũa cả nắm”.
Xin được trả lời cặn kẽ câu này, vì trong một câu của bạn có nhiều phần, không biết bạn có ý thức về chuyện này không? Nhưng tôi xin trả lời từng phần một:
Tổng kết
Tổng kết là một bộ phận phải có trong chung kết của nghiên cứu, mở cửa cho kết luận của một công trình, sau khi đã qua các công đoạn: nghiên cứu hồ sơ và tư liệu; khảo sát và điền dã thực địa; thu thập và tuyển lọc dữ kiện và chứng từ; phân tích và giải thích sự kiện và sự cố. Chưa hết, tổng kết còn là nơi dung thân của lý luận biết làm cầu nối giữa lý thuyết luận (dùng lý thuyết để phê bình và hỗ trợ lý thuyết) và phương pháp luận (dùng phương pháp để phê bình và hỗ trợ phương pháp). Chưa xong, tổng kết còn là đất dụng võ có đủ nội lực để làm cầu treo giữa phương pháp luận (dùng phương pháp để phê bình và hỗ trợ phương pháp) và khoa học luận (dùng khoa học để phê bình và hỗ trợ khoa học). Chưa dứt, ngã ba giao lưu giữa lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận được vận dụng để đánh giá và phán quyết về định chất cũng như định lượng của một công trình. Với bộ ba: lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận, tôi sử dụng từ tổng kết không như các văn bản của ĐCSVN, nên đây là sự hiểu lầm về học thuật, giữa bạn và tôi. Nguyên nhân của sự hiểu lầm này là hiện nay không có một cuốn sách giáo khoa nào làm nền cho KHXHNV-khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam hiện nay về sự liên kết làm nên tính liên minh của bộ ba: lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận.
Chưa hết… chưa xong… chưa dứt… vì chưa toàn lý, vì trong KHXHNV của Việt Nam hiện nay, các bạn đang ở thế “cá nằm trên thớt” dưới bạo quyền độc đảng, tà quyền độc trị, ma quyền độc tài, nên các bạn không tới được một nơi sắc nhọn của tổng kết là: phê bình! Tại đây, tôi thấy sự có mặt vô cùng quý giá của dân chủ qua đa nguyên (đa tài, đa trí, làm ra đa hiệu, đa năng để đa lực) dựa trên nhân quyền (nhân tri, nhân trí trợ lực cho nhân lý, nhân tính làm nên nhân bản, nhân văn, để nhân vị có chỗ đứng, nhân đạo có đường đi nước bước mà tới gặp và nhận nhân phẩm).
Vì “cá nằm trên thớt” mà cá muốn sống còn hay sống sót thì phải nhận tủi nhục mà chịu nhục dưới một chế độ của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị) làm nên cái độc hại chống tri thức. Và bạn đã chấp nhận nhắm mắt-cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước cái ác đã làm nên cái tội; ngược lại đường đi nước bước qua các quá trình giải luận của tội phạm học: vén cái ác để vạch cái tội. Khi mất nhân cách vì không dám phê bình qua phân tích và giải thích các tội ác của bạo quyền độc đảng, các tội phạm của tà quyền độc trị, các tội lỗi của ma quyền độc tài. Thật sự tôi lo cho bạn là khi ta “nhắm mắt làm ngơ” thì ta đã đồng lõa, là đồng phạm với các tập đoàn tội phạm này rồi!
Một tập đoàn tội phạm luôn biến quyền lực thành bạo quyền độc đảng, tà quyền độc trị, ma quyền độc tài để vơ vét qua hệ tham (tham quyền để tham ô, rồi tham nhũng, chỉ vì tham tiền) nên quyền lợi của chúng thật ra chỉ là tư lợi, vì chúng buôn thần bán thánh qua chiêu bài cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là khi còn đi học chúng đã biết buôn bằng bán cấp để sau đó là mua chức bán quyền. Chúng mang dã tâm buôn đất bán người (biến dân lành thành dân oan), nên trong bọn chúng đã có đứa bước qua buôn dân bán nước, đối với chúng chỉ là vài bước, có khi dễ như trở bàn tay, vì những đứa này đã chuyển qua phương Tây tiền của vơ vét được của dân tộc. Chúng đã có nhà, có thẻ xanh, thẻ cư trú tại Tây Âu và Bắc Mỹ, để chớp nhoáng cao bay xa chạy, khi bọn Tàu tặc tới xâm lược đất nước của chúng ta để biến Việt tộc thành lao nô cho chúng.
Chỉ tội nghiệp cho bạn chỉ nhận vài bổng lộc (thật ra là cỏn con) của chúng mà phải mang thân, mang tư cách cá nhân của bạn để “chạy tội” cho chúng, nhưng khi chúng bỏ chạy thì bạn sẽ làm gì? Càng tội nghiệp hơn khi thấy bạn có tài lại để bọn độc tài nhưng bất tài trong chuyện bảo vệ dân tộc, phát triển đất nước điều khiển, thao túng, giật dây, “xỏ tai, kéo mũi”. Chung quy là ngụy biện cho các thảm họa trên một dân tộc mà đa số càng ngày càng túng thiếu, mà tuyên truyền ngày ngày ra rả là “thành quả cách mạng”. Rồi chung cuộc là ngụy tạo các thảm nạn trên một đất nước thành “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tại sao bạn phải làm loa tuyên truyền cho các tội phạm này? Bạn không xấu tại sao bạn lại làm những việc xấu này? Bạn biết rất rõ là dân Việt hiện nay cứ bỏ đất nước ra đi dù ra ngoài chỉ để làm lao nô, nô tỳ, nô bộc cho các quốc gia láng giềng vì họ đã quá nhờm tởm bạo quyền, tà quyền, ma quyền ngày ngày dẫm lên lưng, đạp trên vai, nhấn lên đầu của họ bao bất công và tội ác không sao chấp nhận được. Khi bạn hiểu rất rõ là đất nước Việt hiện nay cạn kiệt tài nguyên vì bọn mafia lãnh đạo, với ô nhiễm môi trường, môi sinh bị truy diệt. Độc hóa từ thiên nhiên tới thực phẩm, với âm mưu của ngoại xâm Tầu tặc thông đồng với nội xâm tham nhũng mà thế giới có đầy đủ dữ kiện, trong khi dân tộc vẫn bị bộ máy tuyên truyền độc đảng bưng bít, che giấu- đây là một tội ác mà tội phạm học không thể nào bỏ qua được. Thật tội nghiệp cho bạn khi phải làm loa tuyên truyền không xứng tầm thông minh của bạn. Bọn bạo quyền độc đảng, tà quyền độc trị, ma quyền độc tài, bạn biết không, có vài đứa khi gặp tôi tại phương Tây, chúng vỗ bụng tục rồi cười đểu mà nói là với số tiền của dân tộc mà chúng vơ vét được, thì chúng và con cái, cháu chắt của chúng: “ăn năm đời, mười đời không hết!”.
Hãy tổng kết cho chính bạn đi! Đám đầu nậu tham nhũng này chính là những tội phạm đã gây ra những tội ác, nên tội phạm học phải có mặt để tổng kết bằng vạch mặt chỉ tên (lột mũ bạo quyền, lột mặt nạ tà quyền, lột trần ma quyền) bằng các tiêu chí của:
– Hệ liêm (liêm chính, liêm khiết, liêm sỉ).
– Hệ chính (chính tri, chính kiến, chính lý).
– Hệ đạo (đạo lý, đạo đức, đạo hạnh).
“Sống lâu mới biết lòng người có nhân” mà nhân đây là nhân tính làm nên nhân cách để được song hành cùng nhân từ, nhân nghĩa, nhân tâm, làm nên nhân vị có nhân lý, nhân bản, nhân văn, vì biết đi vào nhân đạo để tạo dựng nên nhân phẩm bạn à!
– Phê phán:
Nếu ngữ văn phê phán tới từ ngữ pháp phê bình và phán xét, thì phê phán là hạ nguồn của phê bình, và phán xét là thượng nguồn của xét xử, đây chính là nghiệp vụ học của học thuật, cụ thể là trách nhiệm của trí thức. Nếu làm học thuật mà không có phê phán, phê bình, phán xét, xét xử thì chỉ làm phân nửa, chính cái phân nửa này làm cho học thuật trong chế độ độc đảng hiện nay chột, què, lãng, ngọng ngay trong tổng kết. Hãy xem lại các công trình nghiên cứu trong chế độ độc tài toàn trị hiện nay, mà không quên các công trình của bạn: mô tả xong là kể lể, không quên cúi nịnh khi trích dẫn những văn bản, các nghị quyết của ĐCSVN. Tội nghiệp cho chính các công trình của bạn đã tự kiểm duyệt để không bị Đảng kiểm thảo, nên phê phán, phê bình, phán xét, xét xử vắng mặt! Nếu không dùng cái đúng để lột mặt nạ cái sai, nếu không dùng cái lành để lột trần cái ác, nếu không dùng cái tốt để lột vỏ cái xấu, nếu không dùng cái lý để lột trắng cái tội, thì các công trình nghiên cứu trong chế độ độc tài toàn trị hiện nay, nói theo ông bà ta là đi từ: vô thưởng vô phạt tới vô tâm, vô cảm!
Đây cũng là sự khác biệt, giữa trời và vực của hai hệ thống giáo dục đã đào tạo ra hai loại trí thức khác nhau. Nơi mà phê phán trong KHXHNV không hề là chuyện của cảm tính cá nhân, luôn có tiêu chuẩn của lý thuyết, có phạm trù của phương pháp và có khuôn mẫu của khoa học. Tôi nhớ rất rõ những lần tới giảng tại Viện nghiên cứu của bạn, rồi tới giảng các đại học mà bạn biết, tôi nhận ra là các đồng nghiệp của bạn cứ tưởng chuyện phê phán trong KHXHNV là chuyện của chủ quan, chuyện ưa thích hay ghét bỏ của cá nhân. Thưa bạn, hoàn toàn không phải vậy! Đây là dịp tôi xin trở lại các phương pháp căn bản của phê bình làm nên phê phán trong quy trình đào tạo bình thường của các quốc gia có dân chủ:
– Xã hội luận phê bình (Sociocritique), định hình môi trường sống của công trình nghiên cứu trong một vũ trụ xã hội, nơi mà khảo sát, điều tra, điền dã, nghiên cứu là một quá trình phê bình xã hội, mang tính chất xã hội hoá riêng của nó và mỗi quá trình xã hội hoá luôn nằm trong một môi trường ý thức hệ nào đó (độc đảng hay đa nguyên, độc tài hay đa tài, toàn trị hay đa trị…). Bản thân người nghiên cứu và người đọc cũng không thoát khỏi môi trường ý thức này, nên công trình nghiên cứu luôn có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với môi trường xã hội và các ý thức hệ trong xã hội đó. Chính xã hội luận phê bình có cơ sở nghiên cứu khách quan đã mang lại những tiến bộ lớn trong học thuật và ngay trong các xã hội có dân chủ đa nguyên, khi chính các công trình nghiên cứu đã lột mặt nạ của mê thức giả danh kiến thức để làm chuyện “đánh lận con đen” mà định hướng dư luận. Các chế độ độc đảng toàn trị hiện nay, như Việt Nam, thường vu oan, vu cáo, vu khống, vu họa để chống phương pháp này, vì khi xã hội luận phê bình được thực hiện tơi nơi tới chốn thì bộ máy tuyên truyền sẽ bị vô hiệu hóa, và đám tuyên giáo sẽ bị lột mặt nạ!
– Dân tộc luận phê bình (Ethnocritique), nơi mà dân tộc tính được đánh giá qua cá tính của dân tộc đó qua sinh hoạt văn hóa, qua quan hệ xã hội, qua đời sống tâm linh… Dân tộc luận phê bình có thể bắt đầu bằng nghiên cứu các văn bản từ lịch sử tới văn học, để đi sâu vào các điều tra thực địa, nơi mà phê bình tới từ phân tích và giải thích sẽ làm rõ sức thông minh và lực sáng tạo qua các cộng đồng quốc gia, qua các tập thể xã hội, qua các cá nhân có cá tính được định nghĩa như các chủ thể của sáng tạo. Nói gần nói xa, không qua nói thật là dân tộc luận phê bình còn đi xa hơn thế nữa để vào sâu từng dân tộc tính qua các giai đoạn lịch sử cụ thể. Thủa xưa Việt tộc là một dũng tộc đã thắng bọn Tàu tặc khoảng 20 lần bằng chính lòng dũng cảm của ý chí bất khuất quyết tâm giữ nước; là một minh tộc biết thắng Tàu tặc bằng chính sự thông minh của mình: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo bằng thủy chiến; Nguyễn Trãi bằng sự phối hợp giữa kháng chiến, ngoại giao và tâm lý chiến; Quang Trung bằng tri thức luận quân sự về quản lý không gian và thời gian…. Vậy mà dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay, thì chí khí của dũng tộc, sáng tạo của minh tộc, xem như bị tiêu tán hóa cùng trước thực chất đớn nhục của ĐCSVN là: hèn với giặc, ác với dân! Đẩy Việt tộc từ dũng tộc, minh tộc sang “hèn tộc”, “nhục tộc”, đây là một tội ác ngay trên dân tộc tính, tội đồ trước tiền đồ của tổ tiên, mà cũng là một tội ác trước các thế hệ mai hậu của Việt tộc.
– Địa dư luận phê bình (Géocritique) là phương pháp phân tích đặt ưu tiên cho nghiên cứu về tính đặc thù của một không gian địa lý trong phân tích và giải thích. Địa dư luận phê bình chống lại các quy phạm sơ cứng về không gian, thí dụ cụ thể là tháng bảy năm 2019 này bọn Tàu tặc đã vào lãnh hải của Việt Nam tại bãi Tư Chính, với thái độ xâm lược mà chính phủ độc đảng Việt Nam đã giấu nhẹm dân chúng trong nhiều tuần. Hơn 700 trăm tờ báo bồi bút cho ĐCSVN đã “im hơi lắng tiếng”, để rồi chính các báo đài ngoại quốc thông báo mà dân chúng biết được qua truyền thông quốc tế. Địa dư luận phê bình cho thấy rất rõ trong năm 2019 này là dân Hồng Kông, dân Đài Loan không sợ Trung Quốc, trước đó Philippines còn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về “đường lưỡi bò” của Tàu tặc trên biển Đông, tại sao chỉ có ĐCSVN là sợ Trung Quốc? Địa dư luận phê bình cho xuất hiện phương pháp giải luận chỉnh lý là ĐCSVN sống còn nhờ ĐCSTQ-Đảng cộng sản Trung Quốc, phương pháp này cho xuất hiện luôn phương pháp diễn luận toàn lý là lãnh đạo ĐCSVN từ mật ước Thành Đô, 1991, chỉ có não trạng cứu đảng, chứ không hề có não bộ để đặt ưu tiên cứu nước lên hàng đầu. Tại đây có những lãnh đạo ĐCSVN đã mở ra con đường bán nước, và đã chuẩn bị não nạn để chấp nhận chuyện mất nước.
– Định dạng luận (Formalisme) một phương pháp phân tích và giải thích dựa trên hình thức, mà hình thức ở đây chính là nội dung của nội dung. Nơi mà lời nói là nhân cách (học ăn học nói, học gói học mở). Nơi mà nhân dạng làm nên nhân vị (cái tai cái tóc là vóc con người) nơi mà tầm vóc vừa là nội công, vừa là bản lĩnh của chủ thể, chính tầm vóc nói lên trình độ tri thức và mức độ tư duy của chủ thể. Thư của bạn tới tôi, cùng lúc với tin tức về ba thảm trạng cho tri thức và cho trí thức, trực tiếp liên quan tới định dạng luận mà bạn biết rất rõ là: ba lãnh đạo cấp bộ, cấp cục, cấp ngành của bạn, mỗi người một cách, làm cả một dân tộc xấu hổ đến “độn thổ”:
– Một tên thứ trưởng Bộ Văn Hóa đương nhiệm trao bằng giáo sư cho một ca sĩ chưa bao giờ đặt chân tới đại học để làm luận án tiến sĩ nhạc học, rồi sau đó phong chức “nữ hoàng tâm linh” cho một bà hát hầu đồng.
– Một bà giám đốc cục của Bộ Văn Hóa, được quần chúng đặt tên là bà “tiến sĩ lon”, vì bà ra lệnh cấm Coca Cola dùng chữ lon trong quảng cáo (mở lon Việt Nam), vì qua cảm nhận của bà “tiến sĩ lon” này, bà thấy “quan ngại” chữ lon trong “mộng tưởng” của bà có thể bị thêm dấu, thêm mũ để hiểu sang một chữ khác mang nghĩa của một chữ tục có thể xúc phạm tới phụ nữ…
-Một bà đại biểu của hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chính Minh, lại là trưởng ban đô thị trong hội đồng này, cũng là giám đốc ban Nhân Học của đại học cũng tại thành phố này, bà được quần chúng đặt tên là bà “tiến sĩ lu” vì bà đề nghị mỗi nhà nên có một cái lu để chống lại chuyện ngập lụt trong thành phố hơn 10 triệu dân này vào các mùa mưa. Não trạng của bà “tiến sĩ lu”, làm cả nước “hoảng hồn” đến “điếng hồn” về trình độ não nạn của bà. Và trong cơn vừa bực tức quần chúng, lại vừa hờn căm mạng xã hội, bà đề nghị luôn là nên dùng “luật an ninh mạng” để trừng phạt những ai “dám giễu cợt” trên đề nghị mỗi nhà một cái lu của bà. Chưa xong, bà còn biến cái ngu thành cái ác khi bà đề nghị “tống cổ” dân nhập cư, theo bà là trái phép ra khỏi thành phố mang tên “Bác Hồ”! Đây là một hành vi kỳ thị rất bất chính và hoàn toàn ngược lại với nghiệp vụ học của người trí thức.
Định dạng luận cũng như xã hội luận phê bình, dân tộc luận phê bình, địa dư luận phê bình không hề lý thuyết và rất cụ thể. Vì đa năng nên đa hiệu để phân tích nhân diện, nhân dạng, nhân cách của các lãnh đạo bất tài vô tướng, có quyền lực qua quan hệ-tiền tệ-hậu duệ để truy diệt trí tuệ.
Bạn ơi! Trong khi quần chúng giễu cợt-cười trêu: “thứ trưởng văn hóa của nữ hoàng tâm linh”, “tiến sĩ lon”, “tiến sĩ lu”... (gian nghiệp trong điếm học), tôi không vui mà buồn cho bạn. Vì sao vậy? Vì bạn là người thông minh mà có các lãnh đạo, các cấp trên của bạn với não trạng lon lu gây bao não loạn rồi não nạn cho dân lành; bạn “chạy tội” cho bọn não sạn này không khác gì chính bạn đang thanh trừng thông minh của bạn, thì không khác gì chính bạn đang truy diệt trí tuệ của bạn!
Lê Hữu Khóa
Tác giả là Giáo sư Đại học Lille; Giám đốc Anthropol-Asie; Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á; Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc; Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris; Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á; Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.