Bạn thân
Với thời đại của công nghệ mạng, tất cả sự mua bán đều xảy ra ở trên mạng. Chuyện lường gạt trên mạng qua hình thức mua bán (thú, vật, tình) xảy ra trên mạng rất là tinh vi và đa số những người làm chuyện lừa gạt này dùng tâm lý để đánh vào sự bất cẩn thận của nạn nhân mà họ muốn lường gạt – nhằm mục đích đạt cái kết quả cuối cùng là lấy tiền, tình, vật mà không cần phải trả tiền.
Câu chuyện hôm nay xin được kể bạn nghe về chuyện mua chó qua mạng craigslist ở tại Hoa Kỳ. Nếu bạn ở bất cứ thành phố nào đó của Hoa Kỳ, bạn có thể vào trang mạng craigslist của thành phố đó để tìm những món đồ cũ bán rẻ, tìm người giúp việc, hoặc tìm những con thú mà bạn muốn mua. Đa số những người đăng bán là những người thật. Tuy nhiên vẫn có một số giả dạng để tìm cách lừa gạt người mua.
Tháng trước, cá nhân người viết vào craigslist để mua một con chó con (puppy). Điện thư được gửi đến người đăng quảng cáo hỏi về loại chó Bichon Frise và đồng thời giá chó là bao nhiêu. Đây là một trong những loại chó lông không rụng nhiều. Ngày hôm sau nhận được thư trả lời, cho biết là vì phải dọn ra ở khu chung cư, không cho nuôi chó thành ra người chủ muốn đem cho người khác chứ không bán. Tuy nhiên, để biết con chó được giao cho đúng nhà, đúng người, chủ chó đưa ra một số câu hỏi như sau: Bạn đã từng có chó hay không? Người bác sĩ hay văn phòng chăm sóc sức khỏe chó tên là gì? Nhà bạn có những con vật khác hay không? Nhà bạn có con nít hay không? Bạn sống ở đâu?
Những câu hỏi trên nhằm mục đích tìm hiểu về người chủ chó tương lai ra sao, trước khi người chủ cũ giao chó cho người chủ mới. Sau khi trả lời những câu hỏi bên trên thì hai tiếng sau, một email gởi đến với hình ảnh của hai con chó mà người đang làm chủ muốn giao lại cho chủ mới. Họ hỏi muốn con chó nào hay muốn cả hai. Và dĩ nhiên, họ cho biết là họ không phải ở Dallas mà là ở tiểu bang Montana. Tuy nhiên, họ sẵn sàng gửi chó qua đường chuyên chở thú vật hoặc người chủ mới có thể đến Montana để bắt hai con chó trên. Nhìn hình con chó nhỏ được gửi qua, ai mà yêu chó sẽ bị dính bẫy ngay bởi chó mắc tiền mà không cần phải trả gì hết ngoại trừ lệ phí chuyên chở. Người lừa gạt thừa hiểu là người ở Dallas sẽ không bao giờ bay qua Montana để bắt chó. Và nếu người ở Dallas chịu qua bên Montana thì bảo đảm, địa chỉ mà người rao cho chó là một địa chỉ của người hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyện lừa gạt chó này.
Qua điện thư thứ hai thì cho thấy rằng, đây là một vụ lừa gạt. Bởi nếu đây là chuyện thật thì họ không cần đăng quảng cáo trên Craigslist của Dallas mà họ có thể đăng trên Craigslist của thành phố và tiểu bang họ đang sống. Tuy nhiên, để tìm hiểu rõ thực hư của câu chuyện, mình gửi điện thư cho biết là sẵn sàng trả tiền cước phí gửi con chó qua bên Dallas. Mình hỏi cước phí là bao nhiêu. Lại một điện thư cho biết là cước phí chỉ 350 đô la thôi và người chủ chó xin địa chỉ để họ dàn xếp với công ty chuyên chở thú vật ra ngoài tiểu bang. Con chó có giá trị khoảng 1 ngàn mà trả cước phí 350 đô thì cũng rẻ. Thế là mình cho địa chỉ nhà, tên họ, đồng thời thông báo với họ là phải gửi theo dạng COD (cash or check on delivery), tức là khi con chó giao tận nhà thì người nhận chó sẽ trả tiền cho chi phí chuyên chở thẳng cho công ty chuyên chở để tránh chuyện lừa gạt.
Hai tiếng sau, người chủ chó cho biết là đã gửi những dữ kiện đó cho công ty chuyên chở và họ sẽ liên lạc với mình. Một điện thư khác, người chủ chó hỏi là công ty chuyên chở đã liên lạc chưa. Mình trả lời là chưa. Và một tiếng sau đó, mình nhận một điện thư từ công ty chở chó, bảo mình phải nhấn vào đường link gửi kèm theo email để chuyện chuyên chở được thực hành. Và cùng lúc đó, công ty chuyên chở gọi điện thoại về nhà. Giọng người bên kia là giọng nói không phải là Mỹ. Sự nghi ngờ lại càng gia tăng bởi những vụ lường gạt kiểu này thường là người giọng nói ở nước ngoài, mặc dù điện thoại là điện thoại ở Mỹ. Người bên kia hỏi tên, họ và địa chỉ nhà. Họ hỏi là có ở nhà vào ban ngày khi chó được đem đến hay không và đồng thời họ bảo mình phải activate (nhấn vào) cái đường link mà họ gửi qua email.
Thì ra, cái mà họ muốn không phải là lấy tiền 350 đô chuyên chở mà họ muốn cài phần mềm vào máy vi tính để họ ăn cắp tất cả những dữ kiện trên mạng và nếu ai đó sử dụng thẻ tín dụng, thẻ nhà băng thì phần mềm đó sẽ ghi nhận tất cả để ăn cắp trọn vẹn tiền từ thẻ tín dụng hay nhà băng. Sự lừa gạt này ở dạng cao cấp. Thông thường người lừa gạt bảo gửi tiền qua trước để họ trả cho công ty chuyên chở và ai đó dại dột gửi tiền thì tiền mất và chó sẽ không hề được gửi ra. Tuy nhiên khi người nhận đòi hỏi gửi chó qua dạng COD thì người lừa gạt tăng cấp bậc lừa lên cao một tí — cài phần mềm qua đường link để người nhận ấn vào.
Sự lừa gạt luôn luôn dùng tâm lý để đánh vào nạn nhân và chính vì thế vẫn có người bị lừa gạt bởi không chuẩn bị tâm lý để thấy được trò chơi tâm lý của những kẻ gian trên thế giới này (gồm cả nhà cầm quyền csvn).
Trần Thị Lan Anh
Tháng 3 năm 2019 (Việt Lịch 4898)