(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 6: Parents and Teachers).
Người dịch: Trần Công Lân
1.Nền giáo dục thích đáng bắt đầu với nhà giáo dục, người cần phải hiểu biết mình và tự do từ những kiểu mẫu tư tưởng đã được thiết định; bởi vì ông ta là thế nào, ông ta sẽ truyền đạt lại như thế ấy. Nếu ông ta không được giáo dục một cách thích đáng thì ông ta có thể dạy dỗ cái gì ngoài kiến thức máy móc tương tự như ông đã được nuôi nấng dạy dỗ? Vì lẽ đó, vấn đề chẳng phải đứa bé nhưng là bậc cha mẹ và thầy giáo; vấn đề là giáo huấn nhà giáo dục.
2.Nếu chúng ta là những nhà giáo dục mà không hiểu biết bản thân chúng ta, nếu chúng ta không hiểu biết mối tương giao của chúng ta với đứa bé mà chỉ nhồi nhét cái kiến thức vào nó và bắt nó trải qua những cuộc thi, thì làm thế nào chúng ta có thể gây ra một thứ giáo dục mới cho được? Học sinh có đấy để được chỉ dẫn và giúp đỡ; nhưng nếu sự hướng dẫn, bản thân người giúp đỡ đã lầm lạc và hẹp hòi, chủ nghĩa quốc gia và bị lý thuyết khống chế hành hạ, rồi tự nhiên học trò của ông sẽ là những gì ông đang là; và giáo dục trở thành một cỗi nguồn của điều lầm lạc và xung đột thêm mãi.
3.Nếu chúng ta thấy rõ sự thật này, chúng ta sẽ nhận ra điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu giáo dục bản thân chúng ta một cách đúng đắn. Quan tâm đến việc giáo dục lại (cải tạo) chúng ta còn cần thiết hơn là lo lắng đến tương lai an toàn và sự bảo đảm của đứa bé.
4.Để giáo dục nhà giáo – nghĩa là để cho ông ta hiểu biết mình – là một trong những việc làm khó khăn nhất, bởi vì phần lớn chúng ta đã bị kết tinh trong vòng hệ thống tư tưởng hay kiểu mẫu hành động; chúng ta đã hiến thân chúng ta cho một vài ý hệ, tôn giáo hay mẫu mực xử thế nhân sinh nào đó. Đấy là vì lẽ gì chúng ta dạy đứa bé suy tưởng những cái gì mà không phải làm thế nào để suy tưởng.
5.Song le, các bậc làm cha mẹ và thầy giáo phần lớn bị bận rộn với những tranh chấp và phiền muộn của riêng họ. Giàu hay nghèo, hầu hết cha mẹ đều bị cuốn hút vào những thử thách và lo lắng cá nhân của họ. Họ không quan tâm một cách đúng đắn đến xã hội hiện tại và sự suy đồi luân lý, nhưng chỉ mong muốn rằng con em của họ sẽ được sửa soạn để tiếp tục trên cuộc đời. Họ ái ngại băn khoăn về tương lai của con em họ, khao khát cho chúng được giáo dục để nắm giữ những địa vị bảo đảm hay có hôn nhân tốt đẹp.
6.Ngược lại với những gì đã được tin tưởng một cách thông thường, hầu hết các bậc cha mẹ không hề yêu thương con em mình, mặc dù họ nói yêu thương chúng. Nếu cha mẹ thực sự yêu thương con em mình ắt sẽ không nhấn mạnh việc cưỡng bách gia đình và quốc gia như là sự chống đối lại với cái toàn thể, mà nó đã tạo ra những sự chia rẽ giữa xã hội và chủng tộc, giữa con người và đem lại chiến tranh, nạn đói. Thật hết sức lạ lùng là trong khi người ta được huấn luyện một cách nghiêm ngặt để thành luật sư, bác sĩ, những người ấy có thể trở nên cha mẹ mà họ lại không trải qua bất cứ sự huấn luyện nào để giúp họ thích hợp với công việc hết sức quan trọng này cả.
7.Thường có gia đình còn hơn không, với những xu hướng chia cách của nó, đã khuyến khích cái tiến trình chung của sự biệt lập, vì lẽ đó trở nên là động lực phá hoại xã hội. Chỉ khi nào có tình yêu và sự hiểu biết thì khi ấy những bức tường cô lập mới bị phá vỡ và lúc bấy giờ gia đình không còn là nơi đóng kín, cũng không phải là nhà tù hay một nơi lánh nạn nữa; lúc bấy giờ các cha mẹ mới ở trong sự giao tiếp không chỉ với con em họ mà cũng là giao tiếp với người lân cận, láng giềng nữa.
8.Bị cuốn hút trong những vấn đề riêng của mình, cha mẹ phó mặc cho thầy giáo chịu trách nhiệm cho sự an lạc của đứa bé; và lúc bấy giờ điều quan trọng là nhà giáo dục giúp đỡ trong việc giáo dục cũng như các bậc cha mẹ.
9.Ông ta phải nói với chúng, giải thích rằng tình trạng lầm lạc của thế giới phản chiếu sự lầm lạc của cá nhân chúng. Ông ta phải vạch rõ sự tiến bộ của khoa học tự nó không thể nào gây ra sự thay đổi tận gốc rễ những giá trị hiện tồn; rằng sự huấn luyện kỹ thuật mà nay gọi là giáo dục, không đem đến tự do cho con người hay làm cho đương sự có bất cứ điều gì hạnh phúc hơn; việc quy định học sinh chấp nhận hoàn cảnh hiện tại đó không hề đưa tới thông minh. Ông phải nói với chúng rằng ông đang cố gắng làm những gì cho đám trẻ, và để khởi đầu ông ta phải đánh thức lòng tự tin ở cha mẹ, không giả thiết uy quyền của một chuyên viên với phàm nhân ngu tối, nhưng bằng cách nói với họ khí chất của đứa bé, những khó khăn và bẩm tính …
10.Nếu thầy giáo thực sự chú ý đến đứa bé như một cá thể thì cha mẹ sẽ tin cậy ông ta. Trong tiến trình này, ông thầy đang giáo huấn cha mẹ cũng như đang làm với chính bản thân ông ta và ngược lại học hỏi nơi họ. Giáo dục đúng nghĩa là công việc hỗ tương, đòi hỏi kiên tâm trì chí, cân nhắc thận trọng và tình thương. Nhưng thầy giáo gương mẫu trong một cộng đồng sáng chói có thể thực hành vấn đề làm thế nào nuôi nấng dạy dỗ các em, và những cuộc thực nghiệm theo đường lối này sẽ thi hành trên một bình diện nhỏ bởi những nhà giáo chuyên chú ân cần và các cha mẹ có hảo tâm.
11.Cha mẹ có bao giờ tự hỏi mình tại sao họ có những đứa trẻ? Có phải họ có chúng để vĩnh viễn mang tên họ, tiếp tục thừa hưởng tài sản của họ? Có phải họ chỉ muốn vì lạc thú của riêng mình để thỏa mãn những nhu cầu về cảm xúc của họ? Nếu quả như vậy thì các đứa bé chỉ là phóng chiếu của những khát vọng và sợ hãi của cha mẹ chúng mà thôi.
12.Có thể nào cha mẹ tuyên bố yêu thương con em họ khi qua sự giáo dục chúng một cách sai lầm, cổ võ lòng ghen ghét, đố kỵ, sân si, thù hận và tham vọng? Có phải tình yêu kích thích những tương phản, chống đối giữa chủng tộc, quốc gia để dẫn đến chiến tranh hủy hoại và hoàn toàn khốn khổ, nó đặt con người chống lại con người trong việc nhân danh tôn giáo và ý hệ?
13.Nhiều bậc cha me khuyến khích đứa bé trong những đường lối tranh chấp phiền muộn không chỉ bằng cách cho phép nó phục tùng thứ giáo dục sai lầm nhưng bằng cung cách hướng dẫn cuộc nhân sinh của họ; và khi đứa bé trưởng thành và thống khổ, họ cầu nguyện cho đương sự tìm ra những điều bào chữa cho phẩm hạnh của đương sự. Sự thống khổ của cha mẹ về con cái là một hình thức của lòng vị kỷ, chỉ tồn tại khi không hề có tình yêu.
14.Nếu cha mẹ yêu thương con em họ thì chúng sẽ không phải là những người theo chủ nghĩa quốc gia, chúng sẽ không đồng hóa bản thân chúng với bất kỳ xứ sở nào cả; bởi vì sự tôn sùng nhà nước mang đến chiến tranh, giết hại hay làm chúng thương tích. Nếu cha mẹ yêu thương con em họ thì họ sẽ khám phá ra mối tương giao với tài sản thế nào là đúng, bởi vì bản năng chiếm hữu đã cho tài sản một ý nghĩa khổng lồ và trả giá cho điều đó là đã làm cho thế giới hủy hoại. Nếu cha mẹ yêu thương con em họ thì chúng sẽ không thuộc bất kỳ tổ chức tôn giáo nào; bởi vì tín điều và tín ngưỡng chia cách con người thành ra những nhóm tranh chấp chiến đấu lẫn nhau, nó tạo ra tương phản, chống đối giữa người và người. Nếu cha mẹ yêu thương con em họ thì chúng sẽ vứt bỏ lòng tỵ hiềm, đố kỵ và xung đột, kèn cựa, và sửa soạn thay đổi từ nền tảng cơ cấu xã hội ngày nay.
15.Bao lâu mà chúng ta còn muốn cho con cái chúng ta đầy quyền uy, địa vị tốt đẹp và lớn lao hơn, ngày càng thành công hơn thì trong tâm hồn chúng ta không có tình yêu, bởi vì sự tôn sùng thành công khuyến khích tranh chấp và thống khổ. Yêu thương những đứa bé là hoàn toàn giao tiếp với chúng để thấy rằng chúng cần có một nền giáo dục sẽ giúp chúng nhạy cảm, thông minh và toàn vẹn.
16.Điều trước tiên mà nhà giáo dục cần tự hỏi mình là khi ông ta quyết định rằng ông ta muốn dạy học, thì ông ta có ý định chính xác dạy những gì. Có phải ông ta sẽ tiếp tục dạy những đề tài thông thường trong đường lối quen thuộc? Có phải ông ta muốn quy định đứa bé trở nên một con đinh ốc trong xã hội máy móc hay giúp nó trở thành một con người sáng tạo, toàn vẹn, một mối đe dọa cho những giá trị trá ngụy? Và nếu nhà giáo dục giúp học sinh quan sát và hiểu biết những giá trị và những ảnh hưởng quanh đương sự mà đương sự là một phần tử thì chính bản thân ông ta không ý thức đến chúng sao? Nếu ta mù lòa thì làm sao giúp những người khác băng qua bến bờ khác được?
17.Nhất định là chính bản thân thầy giáo phải bắt đầu thấy trước. Ông ta phải không ngừng tỉnh thức, sáng suốt, hết sức ý thức đến những ý tưởng và cảm xúc của mình, ý thức đến những phương thức mà trong ấy ông bị qui định, ý thức đến những hoạt động và những đáp ứng của ông ta bởi vì bên ngoài sự cẩn thận lưu ý này là đi đến thông minh, là sự chuyển hóa rốt ráo trong tương giao của ông ta với người và sự vật.
18.Việc trải qua những cuộc thi cử không làm gì cho sự thông minh. Thông minh là tri giác tự nhiên, tự phát làm cho con người mạnh dạn và tự do. Để đánh thức trí thông minh nơi đứa bé thì chính bản thân chúng ta phải bắt đầu hiểu biết thông minh là gì; bởi vì làm thế nào chúng ta có thể đòi hỏi ở đứa bé thông minh nếu bản thân chúng ta vẫn trì độn trong nhiều phương thức đến thế? Vấn đề không phải là những khó khăn của học sinh nhưng cũng là khó khăn của chúng ta nữa; những nỗi sợ hãi tích lũy, sự bất hạnh và những thất bại là do chúng ta không có tự do. Để giúp đứa bé trở nên thông minh, chúng ta phải phá vỡ trong bản thân chúng ta những chướng ngại đã từng làm cho chúng ta khó khăn và vô tâm khinh suất.