Nền Giáo Dục Đích Thực (P5)

(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).

Người dịch: Trần Công Lân

81.Bằng cách khuyến khích đứa bé tra vấn sách vở, bất cứ là loại sách gì, dò xét tìm tòi sự hiệu lực của những  giá trị xã hội hiện hữu, các cổ tục, hình thức của chính quyền, tôn giáo, tín ngưỡng vv…, thì bấy  giờ nhà giáo dục và cha mẹ mới có thể hy vọng đánh thức  và bảo trì tính phê phán thận trọng và trí sáng suốt sắc bén.

82.Bọn trẻ nếu ít nhất chúng cường tráng, thì đầy hy vọng và bất bình; chúng phải như vậy, nếu không thì chúng đã già nua và suy vong, tàn tạ. Và những người già là những kẻ đã từng có lần bất bình nhưng họ đã thành công trong việc làm tắt ngúm ngọn lửa bất bình ấy và tìm ra sự an toàn, bảo đảm trong nhiều phương thế khác nhau. Họ thường xuyên khao khát cho chính mình  và cho gia đình họ; họ khao khát mãnh liệt một cách cố định trong các ý tưởng, trong các tương giao, trong những sở hữu; vì vậy nên họ cảm thấy bất bình trong chốc lát, rồi họ trở nên mê mải trong những trách nhiệm, nghề nghiệp hay trong bất cứ việc gì khác của họ, để trốn thoát khỏi cảm giác quấy rầy của tinh thần bất bình ấy.

83.Khi chúng ta còn trẻ là lúc chúng ta không chỉ bất bình với chính mình mà thôi, nhưng cũng bất bình cho những sự việc xung quanh chúng ta nữa. Chúng ta cần học hỏi để suy tưởng không thiên kiến, cũng như không lệ thuộc bên ngoài và sự sợ hãi. Độc lập không phải chỉ là khoảng màu trên tấm bản đồ mà chúng ta gọi là đất nước của chúng ta, nhưng là đối với bản thân chúng ta như những cá thể; và mặc dù bên ngoài chúng ta có lệ thuộc vào cái khác, điều lệ thuộc chung này không trở nên tàn bạo hay áp bức nếu bên trong chúng ta tự do với lòng ham muốn mãnh liệt, sức mạnh, địa vị và quyền uy.

84.Chúng ta cần phải hiểu biết sự bất bình mà hầu hết chúng ta đã sợ hãi. Tinh thần bất bình ấy có thể mang đến những gì có vẻ như là mất trật tự; song nếu nó đưa đến, như nó sẽ như vậy, sẽ đem đến sự tự hiểu biết và tự quên mình, lúc bấy giờ nó sẽ tạo nên một trật tự xã hội mới và nền hòa bình vĩnh cửu. Với sự tự quên mình là tiến đến niềm vui vô hạn.

85.Bất bình là ý nghĩa của tự do; nhưng để tìm tòi dò xét mà không thiên kiến, cần phải không có sự phân tán cảm xúc thường bắt lấy cái hình thức của những cuộc nhóm họp chính trị, những khẩu hiệu thật kêu, sự tìm kiếm một guru hay thầy tinh thần và các thứ cuồng lạc tôn giáo khác. Sự phân tán này làm trí óc và trái tim khô cằn, làm cho chúng không có khả năng sáng suốt và vì lẽ ấy dễ bị đóng khuôn bởi những hoàn cảnh và sợ hãi. Chính cái khát vọng tìm tòi mãnh liệt, và không phải là sự dễ dàng bắt chước những thái độ, điều đó sẽ gây ra một sự hiểu biết mới mẻ về những cách thế của cuộc sống.

86.Bọn trẻ là người dễ bị thuyết phục bởi tu sĩ hay chính trị gia, bởi người giàu hay kẻ nghèo, để suy tưởng trong một lề lối đặc biệt nào đó; song nền giáo dục thích đáng sẽ giúp chúng để ý đến những ảnh hưởng này như thể để chúng không lập lại những khẩu hiệu như những con vẹt hay rơi vào bất cứ cái bẫy gian tham xảo quyệt nào, dù là của riêng chúng hay của người khác. Chúng không phải theo đuổi quyền uy để làm chết ngộp tâm trí và trái tim của chúng. Theo đuổi người khác, dù là vĩ đại lớn lao, hay là tình nguyện gia nhập một ý thức hệ vừa lòng nào, sẽ không mang đến hòa bình cho thế giới.

87.Khi chúng ta rời trường trung hay đại học, nhiều người trong chúng ta ném các sách vở đi và hình như cảm thấy rằng chúng ta đã làm xong với sự học rồi; và có những kẻ được kích thích để suy tưởng thêm ở lãnh vực khác, họ lại tiếp tục đọc sách và mê mải những gì mà kẻ khác đã nói, và trở nên ham mê kiến thức. Chừng nào còn có sự tôn sùng kiến thức hay kỹ thuật như một phương tiện thành công và trọng yếu, hẳn là còn có sự cạnh tranh phi nhân, tương phản và đấu tranh cho áo cơm không dứt.

88.Bao lâu thành công còn là mục đích của chúng ta, chúng ta không thể nào tống khứ sợ hãi đi được, bởi vì ước muốn thành công không thể tranh được sinh ra sợ hãi thất bại. Đó là vì lẽ gì bọn trẻ không nên được giáo huấn tôn sùng sự thành công trong một hình thức nào đó, dù là trên sân quần vợt, trong thế  giới thương mại  hay trong chính trị. Tất cả chúng ta đều muốn đứng đầu và dục vọng này tạo ra tranh chấp không dứt trong bản thân chúng ta và với người lân cận; nó dẫn đến cạnh tranh, ghen tỵ, ác cảm và cuối cùng đưa đến chiến tranh.

89.Cũng như thế hệ lớn tuổi hơn, bọn trẻ cũng tìm kiếm thành công và bảo đảm; mặc dù thoạt tiên chúng có tinh thần bất bình, chẳng bao lâu chúng trở nên đứng đắn đoan trang và sợ nói không với xã hội. Những bức tường của lòng dục vọng bắt đầu bao bọc chúng và chúng rơi vào hàng ngũ và tưởng chừng chế ngự được quyền uy. Tinh thần bất bình của chúng, mà nó là ngọn lửa mãnh liệt của sự dò xét, tìm tòi, hiểu biết … trở nên khô khan và tàn lụi, và thay thế chỗ ấy là cái khát vọng một nghề nghiệp tốt hơn, một hôn nhân giàu có, thành công nghề nghiệp, tất cả điều này là lòng dục vọng vô độ cho sự bảo đảm an toàn hơn.

90.Không hề có cái cốt yếu giữa già và trẻ, bởi vì cả hai đều nô lệ cho những dục vọng và sở thích của họ. Già dặn đâu phải là vấn đề tuổi tác, nó đến với sự hiểu biết. Cái tinh thần dò xét tìm tòi nồng nhiệt ấy có lẽ dễ dàng hơn cho bọn trẻ, bởi vì những kẻ già hơn đã bị cuộc sống hành hạ, những cuộc tranh chấp làm cho họ xác xơ, đờ đẫn và trong nhiều hình thức khác nhau thì cái chết đáng chờ đón họ. Điều này không có nghĩa là họ không có khả năng quyết định, dò xét, tra vấn nhưng đối với họ thì chỉ có khó khăn hơn mà thôi.

91.Nhiều người lớn tuổi đã không già dặn gì cả và có phần như trẻ con và đây là điều đã góp phần vào cái nguyên nhân hỗn loạn và thống khổ trên thế giới. Chính người lớn hơn có trách nhiệm cho việc phát triển cuộc khủng khoảng kinh tế và luân lý, và một trong những yếu đuối bất hạnh của chúng ta là chúng ta cần một người nào khác hành động cho chúng ta và thay đổi dòng sống của chúng ta. Chúng ta chờ đợi người khác nổi loạn và xây dựng cái mới trở lại, và chúng ta vẫn bất động cho đến khi nào chúng ta đã đoan chắc cái kết cuộc.

92.Chính vì sự an toàn và thành công mà phần đông chúng ta là kẻ đến sau; và một tâm thức chỉ tìm kiếm sự an toàn đó, lòng khao khát mãnh liệt sự thành công đó, không phải là một tâm thức thông minh, và vì lẽ ấy không có khả năng hành động toàn vẹn. Chỉ có thể hành động hợp nhất toàn vẹn nếu ta ý thức đến sự bị quy định, đóng khuôn của mình, của chủng tộc, quốc gia, chính trị và thành kiến tôn giáo; nghĩa là chỉ có được điều ấy nếu ta nhận ra những hành vận của cái ngã là sự vĩnh viễn ly cách.

93.Đời sống là một giếng nước sâu. Ta có thể đến với cái gáo nhỏ và kéo lên chỉ một ít nước, hay ta có thể đến với cái thùng lớn, kéo lên nhiều nước sẽ giúp dinh duỡng và nuôi sống. Trong khi ta còn trẻ là lúc để nghiên cứu, thực nghiệm với mọi sự. Trường học sẽ giúp tuổi trẻ khám phá ra những khuynh hướng và khả năng chứ không chỉ nhét vào đầu chúng những sự kiện và kiến thức kỹ thuật; nó sẽ là mảnh đất mà trên đó chúng có thể lớn lên mà không sợ hãi, hạnh phúc và hợp nhất toàn vẹn.

94.Giáo dục một đứa bé là giúp nó hiểu biết sự tự do và toàn diện. Để có tự do cần phải có trật tự mà chỉ cần đức hạnh cũng có thể mang lại được, và sự toàn vẹn chỉ có thể xảy ra khi có sự giản dị hết sức. Từ những vô số phức tạp, chúng ta phải trưởng thành trong giản dị, phải giản dị trong cuộc sống nội tâm của chúng ta và trong các nhu cầu bên ngoài chúng ta.

95.Giáo dục hiện nay liên quan với hiệu năng bên ngoài và nó hoàn toàn không lưu tâm đến hay cố gắng giải thích sai lầm, cái bản chất bên trong của con người, nó chỉ phát triển một phần con người hắn và mặc xác phần còn lại kéo được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sự hỗn loạn nội tâm của chúng ta, sự chống đối và sợ hãi chưa bao giờ chế ngự cơ cấu xã hội bên ngoài, tuy rằng đã được nhận thức một cách cao quí và xây dựng một cách xảo diệu. Khi mà không có giáo dục đích thực, chúng ta hủy hoại kẻ khác, và sự bảo đảm an toàn vật chất cho mỗi cá nhân đã bị phủ nhận. Để giáo dục học sinh một cách đúng đắn là giúp nó hiểu biết toàn bộ cái quá trình của chính bản thân nó, bởi vì chỉ khi ấy mới có sự hợp nhất của trí óc và tâm hồn trong mỗi hành động thông minh và chuyển hóa tâm linh.

96.Trong khi cung cấp kiến thức và huấn luyện kỹ thuật, giáo dục trước hết khuyến khích một nhân sinh quan toàn vẹn trong cuộc sống; nó sẽ giúp học sinh nhận ra và phá vỡ trong chính con người nó tất cả những thiên kiến và những cách biệt xã hội và phản đối sự ham lợi lộc, theo đuổi quyền uy và thống trị. Nó sẽ khuyến khích một thứ tự quan sát đúng đắn và hiệu nghiệm cuộc sống như một toàn thể mà không phải cho ý nghĩa từng phần, với cái “ta” và cái “của mình” nhưng để giúp tâm thức hướng lên cao và vượt qua chính nó hầu khám phá ra cái thực.

97.Tự do chỉ hiển hiện qua sự tự hiểu biết trong những việc làm hàng ngày, nghĩa là, trong tương quan với người, đồ vật, với những ý tưởng và với thiên nhiên tạo vật. Nếu nhà giáo dục giúp học sinh được toàn vẹn thì có thể không cần nhấn mạnh một cách phi lý và cuồng tín vào bất cứ hiện tượng đặc biệt nào của cuộc sống cả. Chính sự hiểu biết toàn bộ quá trình của cuộc sinh tồn mà nó mang đến sự trọn vẹn, hợp nhất. Khi có sự tự hiểu biết, khả năng tạo nên những ảo tưởng ngưng lại, và chỉ lúc bấy giờ mới có thể có thực tại hay Thượng đế hiển hiện mà thôi.

98.Con người cần phải được toàn vẹn nếu họ muốn kết thúc bất cứ cuộc khủng khoảng nào, và đặc biệt là cuộc khủng khoảng thế giới hiện nay, mà không bị đổ vỡ; do đấy các bậc làm cha mẹ và thầy giáo thực sự chú tâm đến giáo dục, thì vấn đề chính là làm thế nào phát triển cho cá nhân được toàn vẹn hợp nhất. Để làm điều này, hiển nhiên chính nhà giáo dục phải là con người toàn vẹn; thế nên nền giáo dục đích thực là điều quan trọng cao cả nhất, không chỉ dành cho bọn trẻ, nhưng cũng dành cho người lớn tuổi hơn nếu họ tình nguyện học hỏi và không lập lại những lề lối của họ. Những gì trong chính bản thân chúng ta thì quan trọng hơn là vấn đề truyền thống dạy dỗ những gì cho đứa bé, và nếu chúng ta yêu thương con em chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta cần có những nhà giáo dục đích thực.

99.Việc giáo huấn sẽ không trở thành một nghề nghiệp đặc biệt nào khi nó trở nên chuyên biệt, như nó thường xảy ra như thế, thì khi đó tình yêu tan biến, và tình yêu thì thiết yếu đối với quá trình của sự hợp nhất. Để được hợp nhất toàn vẹn cần phải tự do với sợ hãi. Sự không sợ hãi đem đến độc lập mà không lạnh lùng vô tâm, không khinh miệt kẻ khác, và đây là động lực thiết yếu nhất trong cuộc sống. Không có tình yêu chúng ta không thể nào thực thi được nhiều vấn đề tranh chấp của chúng ta; không có tình yêu sự thâu nhận kiến thức chỉ gia tăng hỗn loạn và đưa đến hủy diệt mà thôi.

100.Con người hợp nhất toàn diện sẽ đến với kỹ thuật qua hiệu nghiệm, bởi vì động lực sáng tạo nên kỹ thuật riêng rẽ của nó- và đấy là nghệ thuật vĩ đại nhất. Khi một đứa bé có sự thôi thúc để vẽ thì nó vẽ, nó bất kể đến kỹ thuật gì cả. Vả chăng kẻ nào đã hiệu nghiệm, và việc giáo huấn, vì lẽ ấy, là những thầy giáo thực sự duy nhất, và họ cũng sẽ sáng tạo ra kỹ thuật của riêng họ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s