VN đang đi tìm một tương lai dân chủ. Vấn đề không nằm ở chỗ chọn lựa một thể chế dân chủ kiểu nào. Vấn đề nằm ở chỗ: xây dựng Tinh Thần Dân Chủ.
Làm sao xây dựng được tinh thần dân chủ? Khởi sự từ đâu? Đảng cầm quyền? Các nhà nghiên cứu khoa bảng? Các phe nhóm thời cơ chủ nghĩa? Các thế lực quốc tế muốn khuynh đảo VN tương lai? Dân chọn lựa đảng hay đảng chọn lựa dân (hải ngoại) để đối thoại dân chủ?
Dân chủ: dân làm chủ. Trình độ dân trí VN như thế nào sau 70 năm dưới Xã Hội Chủ Nghĩa? Nền tảng văn hóa Việt còn gì dưới lăng kính Duy Vật chủ nghĩa: tư tưởng Hồ Chí Minh chăng? Khi những người dân bất đồng chính kiến với nhà nước bị đàn áp thì đâu là đối thoại dân chủ? Khi báo chí không có tự do truyền thông thì đâu là sự thật? Khi tòa án nhắm mắt cho công an bịt miệng nạn nhân trước tòa thì công lý dân chủ ở đâu?
Nhìn lại lịch sử VN: Khi quân Nguyên (Mông Cổ) sửa soạn xâm lăng VN. Đó là một đạo quân thiện chiến, thần tốc với kỵ binh ăn ngủ trên lưng ngựa, càn quét từ Đông sang Tây, đánh tan những đối thủ đông gấp năm, mười lần. Đạo quân này gieo kinh hoàng cho nhân loại ngay cả khi chúng chưa xuất hiện.
Vậy nhà Trần có gì để chống cự? Đánh cũng chết dân (không biết có thắng nổi không) mà không đánh thì chết là chắc rồi.
Vua quan nhà Trần hỏi ý dân (duy dân?): Hội Nghị Diên Hồng.
Không thấy sử sách nói các địa phương thực hiện như thế nào. Các làng xã đã cử ai làm đại diện? Là xã hội nông nghiệp, ai cũng bận ruộng đồng, ai đi, ai ở, ai có thẩm quyền quyết định để cả làng phải theo: Chiến hay Hòa? Chiến thì ai làm lính trận, biết gì về chiến trận, ai sẽ trở về? Hòa thì liệu quân Mông Cổ có chấp nhận hay vẫn tàn phá? Muốn Hòa mà vẫn phải Chiến thì tinh thần chiến đấu sẽ ra sao? Đã chấp nhận chiến tranh mà thua thì đất nước và nhân dân sẽ ra sao?
Chọn đại diện lên đường hội nghị thì ai trang trải phí tổn? Không thấy nói các quan chức địa phương đã giúp đỡ gì trong giai đoạn các đại biểu quần chúng khắp nơi về tham dự. Dân không giàu thì di chuyển, ăn, ở là cả một vấn đề; còn về tổ chức điều hành từ địa phương đến trung ương? Cũng không có chi tiết nào về sự can thiệp, ảnh hưởng của các giới chức cầm quyền địa phương chi phối vào sự chọn lựa, yếu tố quyết định của các đại diện địa phương trước khi lên đường về phó hội.
Vua quan nhà Trần đã nói gì để khiến mọi người đồng ý: Quyết chiến!
Quyết chiến … như thế nào?
Lấy bộ binh chống kỵ binh? Đưa những người nông dân chưa từng ra chiến trận chống lại đạo quân trăm trận, trăm thắng? Vua quan nhà Trần quả thực uống thuốc liều khi dựa vào tinh thần của toàn dân.
Những đại biểu tham dự Hội Nghị Diên Hồng đã nghĩ gì? Thảo luận những gì, như thế nào, để có quyết định chung? Rồi họ sẽ về làng để nói với những người dân như thế nào? Ai sẽ tình nguyện lên đường hay bốc thăm? Những hy sinh đó sẽ được đền đáp ra sao?
Kết quả ba lần thắng quân Nguyên không phải chỉ cho thấy khả năng của vua quan nhà Trần mà tinh thần của dân Việt, qua Hội Nghị Diên Hồng, đã thực hiện “dân chủ” để bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh ngặt nghèo (không hề có sự giúp đỡ hữu nghị của bất kỳ cường quốc nào).
Vậy thì ngày nay, VN đi tìm dân chủ ở đâu?
Trần Công Lân
VA, ngày 5 tháng 7, 2017