Tháng 8 năm 2015, hãng thuốc Turing mua quyền sản xuất của thuốc Daraprim, một loại thuốc mà những người bị bệnh Sida cần, một loại thuốc đã được bào chế cả 62 năm chứ không phải là thuốc mới.
Tháng 9 năm 2015, CEO của hãng thuốc Turing, ông Martin Shkreli, một người trẻ khoảng 32 tuổi, đã lên giá thuốc này từ 13.50 một viên lên với giá là 750.00 một viên. Nếu tính theo phần trăm gia tăng là trên 5000%. Giá tiền để tạo ra thuốc này là 1 đô la những đối với anh CEO trẻ này, giá bán 13.50 vẫn không lời cho nên cần phải lên giá. Thế là báo chí đem chuyện này ra để đặt vấn đề cho hãng thuốc, cũng như cho Quốc Hội của Hoa Kỳ.
Ngày 4 tháng 2 năm 2016, Quốc Hội Hoa Kỳ kêu anh chàng CEO này vào Quốc Hội để điều trần về chuyện này. Nhưng dù Quốc Hội có hỏi bao nhiêu câu hỏi, anh chàng này dùng quyền im lặng, không trả lời những câu hỏi của Quốc Hội. Trong buổi điều trần này, anh chàng này cứ mỉm cười, nụ cười rất là đểu giả, xem thường giới làm luật của Quốc Hội Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự kiện của nụ cười này và Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ làm gì với cá nhân anh CEO này, hay công ty thuốc này?
Câu trả lời là không. Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ chẳng làm được gì anh CEO này trong việc tăng giá cả. Tại Anh, viên thuốc này bán giá là 66 cents một viên trong khi tại Mỹ bán giá là 13 đô la 50 cents và bây giờ là 750 đô la tại Mỹ.
Phải chăng đây là hãng thuốc duy nhất tại Hoa Kỳ tăng giá như thế này?
Theo tờ New York Times số ra ngày 4 tháng 10 năm 2015 thì hãng thuốc Vaveant đã lên giá thuốc sau khi mua lại quyền sản xuất các loại thuốc sau đây:
Glumetza giá 519.92 cho một tháng thì giá tăng lên 4643.00 cho một tháng thuốc.
Mephyton giá 9.37 một viên và bị tăng giá là 58.76 một viên.
Edecrin giá 470 được tăng là 4600 (giá một tháng thuốc hay một viên không nói trong bài báo này) trong khoảng thời gian một năm trời từ tháng năm 2014 đến tháng năm 2015.
Cứ mỗi lần hãng thuốc nào đó mua lại quyền chế biến thuốc từ một hãng thuốc khác thì để thu lại số tiền bỏ ra, họ lại lên giá tiền thuốc và người tiêu thụ không làm được gì. Ngay cả Quốc Hội Hoa Kỳ cũng không làm được gì bởi hãng thuốc đã mua chuộc (qua vận động hành lang và cho tiền vào quỹ vận động tranh cử của các dân biểu trong Quốc Hội). Tiếng nói của người dân lại quá nhỏ chỉ bởi người bệnh mới lên tiếng trong khi người không bệnh thì im lặng bởi vì chưa ảnh hưởng đến mình nên không lên tiếng.
Đó là lý do tại sao các hãng thuốc tại Hoa Kỳ tự tung, tự tác lên giá mà Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn chưa đủ phiếu để đưa ra những bộ luật ngăn cản chuyện này. Sự vận động hành lang của các hãng thuốc rất mạnh, cho nên cùng một loại thuốc, người Hoa Kỳ trả giá cao hơn so với các nước khác tại Châu Âu và Gia Nã Đại. Báo chí nói nhiều về sự khác biệt này nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ thì tản lờ, xem như chẳng có gì đáng quan tâm bởi đây là thị trường Cung-Cầu, để giá cả gia tăng theo sự Cung-Cầu của nó.
Bộ luật bảo hiểm y tế mới của ông Obama chỉ giải quyết vấn đề bảo hiểm y tế cho mọi người với những điều kiện để các hãng bảo hiểm không thể dùng tiền nhiều vào cho các chi phí lương bổng hoặc phần thưởng cho CEO và lên giá vô cớ. Nhưng luật bảo hiểm này sẽ không giải quyết được giá cả bảo hiểm bởi giá cả bảo hiểm dựa vào số tiền họ chi phí cho bệnh viện và thuốc men. Mà chi phí cho bệnh viện và thuốc men lại không có sự kiểm soát của chính quyền Mỹ bởi vì những công ty y tế của Hoa Kỳ đã biết vận động hành lang nhằm ngăn cấm những chuyện tham dự vào giá cả của bệnh viện, của hãng thuốc cho dù những giá cả này cao gấp mấy lần giá cả của khối Âu Châu và Gia Nã Đại.
Bộ luật bảo hiểm y tế của ông Obama sẽ không giải quyết được tình trạng phá sản của cơ quan medicare vì các công ty thuốc và nhà thương mặc sức lên giá không có sự kiểm soát ở bất cứ cơ quan nào của chính quyền Mỹ. Các ứng cử viên tổng thống tuy có nói về chuyện này nhưng vấn đề này muốn giải quyết bằng luật thì phải từ Quốc Hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ đã không đủ mạnh để chống lại khối vận động hành lang của các công ty y tế tại Mỹ. Còn người dân thì lại quá thụ động, số đông vẫn chưa đứng lên đòi hỏi chính quyền Liên Bang giải quyết chuyện giá cả này và để mặc kệ các nhà đầu tư tiếp tục mua hãng thuốc và tiếp tục tăng giá thuốc vô lý hầu lấy lại tiền đã bỏ ra.
Có lẽ chuyện này đến một lúc nào đó Quốc Hội Hoa Kỳ phải thức tỉnh để nhìn ra vấn đề là cần chấm dứt tình trạng các công ty thuộc diện y tế cho quốc gia phá huỹ toàn bộ ngân sách của Hoa Kỳ khi mà số tiền bỏ vào cho chương trình y tế của người già càng ngày càng gia tăng. Chỉ khi nào có một nhóm vận động quần chúng đứng lên đòi Quốc Hội Hoa Kỳ cải tổ giá cả của hãng thuốc và nhà thương thì lúc đó chi phí y tế của Hoa Kỳ sẽ xuống, đồng giá với các nước ở Châu Âu và anh bạn láng giềng Gia Nã Đại. Còn hiện giờ, thái độ cười chọc tức đại biểu Quốc Hội của anh CEO sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai mà đại biểu Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ không làm được gì — bởi họ đã bị giới vận động hành lang y tế và hãng thuốc mua chuộc rồi.
Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 4 năm 2016
Dallas, TX