Sinh Hoạt Hướng Đạo Hoa Kỳ

Bài viết này được thực hiện theo lời một người bạn facebook tại Việt Nam yêu cầu viết cho đề tài này. Ngoài ra trên FB cũng có những bạn khác muốn tìm hiểu về Sinh Hoạt Hướng Đạo ra sao để có thể áp dụng cho Việt Nam trong tương lai khi đất nước thực sự dân chủ. Chỉ có một cơ chế dân chủ thì mới có thể thực thi được mục tiêu của Hướng Đạo Thế Giới nói chung, và Hướng Đạo Hoa Kỳ nói riêng.

Người viết bài này có con nhỏ gia nhập hướng đạo Hoa Kỳ và người viết bài này cũng trực tiếp sinh hoạt trong hoạt động hướng đạo Hoa Kỳ gần một năm, cho nên sẽ cố gắng trình bày theo sự hiểu biết của mình. Bài viết này sẽ nói nhiều về hướng đạo Hoa Kỳ. Hướng đạo Việt Nam ngày xưa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cũng có hình thức sinh hoạt giống hướng đạo Hoa Kỳ cho nên nếu có sự khác biệt giữa sinh hoạt hướng đạo VN ngày xưa người viết sẽ nói ra sự khác biệt đó.

Cũng cần nhấn mạnh ở đây là Hướng Đạo Hoa Kỳ gồm có hai nhóm: một nhóm cho Nam (boy scouts of America) và một nhóm cho Nữ (girl scouts of America). Cả hai nhóm này hoàn toàn độc lập không liên hệ với nhau. Nghe nói là đã có một nhóm khác tách rời nhóm hướng đạo Nam để thành lập một tổ chức độc lập chủ trương không chấp nhận những người đồng tình luyến ái nắm giữ nhiệm vụ hướng dẫn sinh hoạt hướng đạo.

Bài viết này chỉ nhắm vào hướng đạo Hoa Kỳ nam, nhóm khởi đầu chứ không phải là nhóm mới vừa tách ra trong mấy năm nay. Cấu trúc và cách sinh hoạt giữa hướng đạo nam và nữ hơi giống nhau cho cùng một mục đích là tạo ra một môi trường để trẻ biết cách sinh hoạt tập thể và đào tạo ra những con người tốt cho xã hội sau này.

Cấu Trúc

Cấu trúc hướng đạo nam của Hoa Kỳ từ trên xuống dưới như sau:

National (quốc gia)

Regional (khu miền)

Area (khu vực)

Council (hội đồng)

District (địa phương)

Unit (nhóm)

Nhiều nhóm (Unit) họp thành một địa phương (District). Nhiều địa phương sẽ thành một hội đồng (Council). Nhiều hội đồng sẽ thành một khu vực (Area). Nhiều khu vực sẽ thành khu miền (Regional). Nhiều khu miền sẽ thành dạng quốc gia, cơ quan chính của hướng đạo Hoa Kỳ.

Thí dụ: Pack 715 ở Carrollton, TX trực thuộc vào North Star District. North Start District trực thuộc vào Council 10. Council 10 trực thuộc khu vực 2 (Area), khu vực 2 trực thuộc Southern Regional, và Southern Regional trực thuộc trung ương (national).

Tuy rằng hình thức cấu trúc như trên có sự liên hệ, nhưng thực tế mỗi nhóm ở bên dưới là những tổ chức độc lập, có giấy của sở thuế cấp cho và có nhà băng riêng biệt để quản lý tài chính. Trong sự độc lập của từng nhóm nhưng vẫn phải theo đúng quy định của Hướng Đạo Hoa Kỳ về phương cách sinh hoạt và luật lệ trong sinh hoạt của từng tiểu bang.

Mục Đích

Mục đích chính của Hướng Đạo Hoa Kỳ là dạy dỗ các em trở thành người tốt, có khả năng lãnh đạo và có những quyết định đạo đức, nhân bản trong cuộc sống của các em tương lai. Nói chung đây là một tổ chức xây dựng một Con Người Nhân Bản, Hướng Thiện, biết Trách Nhiệm để phục vụ xã hội sau này.

Những Con Số Tham Gia Hướng Đạo Hoa Kỳ

Theo bản thống kê của Hướng Đạo Hoa Kỳ vào năm 2010 thì tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ có 1.1 triệu người tình nguyện (người lớn) tham gia sinh hoạt để giúp các em trong Hướng Đạo Hoa Kỳ.

2.7 triệu nam sinh tham gia Hướng Đạo Hoa Kỳ. Trong số này có 1.6 triệu em từ tuổi 7 đến 10 nằm trong ấu sinh (Cub Scout)

Theo một người Việt đã từng sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết là có khoảng 6 ngàn người Việt tại Hoa Kỳ sinh hoạt trong Hướng Đạo Việt Nam và 7.5 ngàn người Việt tại Úc, Gia Nã Đại, Mỹ, Pháp, Đức tham gia vào Hướng Đạo Việt Nam. Hướng Đạo Việt Nam có trực thuộc vào Hướng Đạo Hoa Kỳ hay không thì dù đã có gửi điện thư và lời nhắn trên Facebook ba lần những vẫn chưa có câu trả lời. Thành ra bài viết này sẽ không nói nhiều về Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cũng cần ghi nhận là người viết bài này liên lạc để hỏi về sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam — thì cá nhân người trả lời, có lẽ đã không còn sinh hoạt trực tiếp với Hướng Đạo Việt Nam — cho nên những câu hỏi đã không được trả lời. Ngay cả thái độ không hồi âm qua Facebook hoặc điện thư thì chuyện này xảy ra rất nhiều từ những người gọi là có “địa vị” trong cộng đồng (sẽ nói về đề tài này ở một dịp khác, một đề tài cần phải viết trong cách ứng xử trước thời đại tinh học hôm nay của người Việt Nam).

Thành viên lãnh đạo và trách nhiệm

Tất cả thành viên lãnh đạo đều là thành viên thiện nguyện, không trả lương. Ngoài một số thành viên làm việc ở hội đồng (council) hoặc bên trên thì được trả lương, tất cả những thành viên lãnh đạo còn lại làm thiện nguyện không lương ở các cấp bậc trong cơ cấu của Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Cấp lãnh đạo làm việc với các em là những người trực thuộc ở nhóm (Pack hay Troop. Pack dành cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Troop dành cho các em từ lớp 6 trở lên). Đây chính là thành phần dạy dỗ các em theo đúng chương trình của Hướng Đạo Hoa Kỳ ở trung ương đưa ra. Mỗi nhóm có một người được đề cử là trưởng nhóm. Thường đây là sự tình nguyện chứ không qua sự bầu bán nào. Người trưởng nhóm sẽ có một người phụ tá trưởng nhóm. Trách nhiệm của hai người này là liên lạc với địa phương và hội đồng để tổ chức những buổi huấn luyện cho các thành viên thiện nguyện nắm giữ những chức vụ lãnh đạo trong nhóm. Cả hai người này hoặc tất cả những ai giữ chức lãnh đạo (leader) thì phải qua những chương trình huấn luyện của tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ về cách điều hành và dạy dỗ các em hướng đạo.

Ngoài ra nhóm còn có những lãnh đạo của đơn vị bên dưới được gọi là Den. Nhóm hướng đạo ấu nhi gồm có các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ở lớp 1 gọi là Tiger (cọp) Den, lớp 2 gọi là Wolf (sói) Den, lớp 3 gọi là Bear (gấu) Den, lớp 4 và 5 gọi là Webelo (tự điển Anh – Việt không có từ ngữ này. Theo định nghĩa của tiếng Anh thì là chúng ta trung thành) I và II. Nếu số em trong Den quá nhiều, trên 12 em, thì sẽ chia ra làm hai Den để mỗi khi họp mặt, người lãnh đạo có đủ thời gian dạy các em qua sách vở mà tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ đã soạn sẵn cho các em trai trong từng cấp bực trong hướng đạo.

Với các trẻ từ lớp 6 trở lên thì nằm trong thiếu sinh hướng đạo. Ở khối này, chỉ có người lãnh đạo nhóm (là người lớn, tình nguyện viên) và những đoàn (partrol) dưới đó thì do các em (thiếu niên hướng đạo) tự bầu người lãnh đạo để điều khiển các sinh hoạt của thiếu niên hướng đạo. Dĩ nhiên sự điều hành sinh hoạt trong đoàn được người trưởng nhóm chỉ dẫn cũng như đóng góp ý kiến — hầu tạo điều kiện cho các em học cách tự kỷ luật, phát huy khả năng lãnh đạo. Em trưởng nhóm cũng được qua một lớp huấn luyện để biết cách điều hành sinh hoạt của đoàn mình.

Như đã nói từ đầu, tất cả những người lãnh đạo ở cấp bực nhóm này là thiện nguyện, chính vì thế mà cách thức làm việc của mỗi người khác nhau tuỳ theo kinh nghiệm trên nhiều lãnh vực. Có người nhiệt tình, có người không nhiệt tình chỉ làm cho đủ, không đốc thúc người khác và không tạo ra sự liên hệ thường xuyên để đốc thúc các vị lãnh đạo ở Den khuyến khích bố mẹ dẫn con em đến vào những buổi họp mỗi tuần, hoặc mỗi hai tuần, để hoàn thành chương trình đòi hỏi của hướng đạo trước khi các em vào cấp bực khác trong hướng đạo. Chính vì lý do không có lãnh đạo mạnh cho nên có những nhóm phải giải thể để hoà nhập vào một nhóm khác. Thông thường một nhóm sẽ chọn ba hoặc bốn trường học trong phạm vi 5 cây số để kêu gọi học sinh ở các trường tham gia vào Hướng Đạo Hoa Kỳ và cũng từ những trường này, bố mẹ trở thành lãnh đạo của Den con mình. Khi mà nhóm quá yếu phải phối hợp với nhóm khác thì phạm vi trường học sẽ được nới rộng ra ở phạm vi lớn hơn, nhiều trường hơn, chu vi rộng hơn.

Các nhóm sinh hoạt hướng đạo từ lớp 6 trở lên thì tương đối vững mạnh hơn bởi mọi sinh hoạt đều cho các em tự điều hành với sự giúp sức của các hướng đạo trưởng (người đã từng tham gia chương trình hướng đạo hoặc là người tình nguyện giúp tổ chức hướng đạo). Ở lứa tuổi này các em có sự hiểu biết nhiều hơn là ở ấu nhi hướng đạo.

Một điều quan trọng cần phải nói là — với những chuyện sách nhiễu tình dục trẻ em trong quá khứ của nhiều tổ chức trong xã hội, từ đó tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ đưa ra luật là mỗi em hướng đạo phải có hai người lớn hiện diện (hoặc đi chung) ngoài trừ trường hợp em hướng đạo đó là con của bố mẹ. Thí dụ: bố của cháu A có thể đi chung một mình với bố. Nhưng cháu A không thể đi chung một mình với bất cứ vị lãnh đạo nào trong nhóm gồm cả những người lớn không đóng vai là lãnh đạo. Luật này để bảo vệ người lãnh đạo cũng như bảo vệ hướng đạo sinh và uy tín của tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Sinh Hoạt và Cấm Trại

Như đã nói từ lúc đầu, học sinh từ lớp 1 đã có thể tham gia vào Hướng Đạo Hoa Kỳ. Bất cứ cá nhân nào học từ lớp 1 đến lớp 12 có thể tham gia vào Hướng Đạo Hoa Kỳ ở bất cứ lứa tuổi nào trong cấp bậc của lứa tuổi đó. Thí dụ một em bé học lớp 3 có thể tham gia vào Hướng Đạo Hoa Kỳ ở Bear Den mà không cần phải trải qua chương trình huấn luyện của Hướng Đạo Hoa Kỳ ở lớp 1 hoặc 2. Nếu tham gia từ nhỏ thì sự hiểu biết sinh hoạt của các em sẽ nhiều hơn, mặc dù đa số vẫn là lập lại những gì đã học từ trước và cộng thêm vài kỷ thuật sống khác dành cho mỗi cấp bậc trong sinh hoạt hướng đạo Hoa Kỳ.

Thông thường các em sẽ họp vào mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần, mỗi lần một tiếng ở cấp bậc Den (hay Partrol). Bố mẹ phải dẫn các em đến địa điểm họp và phải ngồi đó chờ các em cho đến khi xong buổi họp. Tại những buổi họp này, người lãnh đạo sẽ dựa vào sách và kinh nghiệm bản thân để dạy các em về nhiều vấn đề cho từng lứa tuổi. Nói chung là dạy các em thành một người tốt, biết giúp đỡ người khác, biết tự lo cho chính mình. Tự lo cho chính mình là dạy các em sinh hoạt tự nấu ăn để khi các em trở thành Thiếu Niên Hướng Đạo có thể tự nấu ăn với nhau ở những buổi cấm trại ngoài trời. Các vị lãnh đạo cố gắng dạy các em theo đúng chương trình của sách hướng đạo đưa ra cho mỗi cấp lớp. Nếu bố mẹ vắng mặt trong buổi họp đó thì bố mẹ phải có trách nhiệm dạy con mình trong tuần lễ đó. Câu hỏi được đặt ra là nếu em đó thiếu vắng một vài buổi họp và bố mẹ không dạy những yêu cầu cho tuần lễ đó — thì em đó có được lên cấp lớp kế hay không? Câu trả lời là vẫn được lên cấp cho lớp kế của chương trình hướng đạo. Bởi Hướng Đạo Hoa Kỳ chủ trương là Cố Gắng Trong Khả Năng Của Bạn (try your best). Mà khi đã cố gắng mà vẫn không hoàn thành thì vẫn không sao, vẫn tiếp tục sinh hoạt ở lớp kế đến của hướng đạo.

Cứ mỗi tháng các em trong Den sẽ họp trong nhóm (gồm nhiều Den hay Patrol, gọi là Pack hay Troop) một lần. Kỳ họp này là lúc trao những phần khen thưởng cho các em trong từng chương trình học mà các em đã đạt được. Thí dụ trong chương trình học có dạy đi câu cá và em nào đã đi câu cá với bố mẹ, hoặc với cả Den trong lúc cấm trại, thì trong buổi họp của nhóm này, các em sẽ được gọi tên lên trên nhận lãnh phần thưởng. Đây là cách khuyến khích các em cố gắng tham gia những chương trình trong Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Với Ấu Nhi Hướng Đạo (lớp 1 đến 5), mỗi năm sẽ có hai buổi cấm trại và cấm trại này dành cho cả toàn gia đình của hướng đạo viên. Có nghĩa là bố mẹ, anh chị em có thể tham gia trong buổi cấm trại này. Địa điểm cấm trại là do những người lãnh đạo chọn. Thông thường là những địa điểm của tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ làm chủ những khu đất trên. Và nếu chọn những khu cấm trại thuộc sở hữu chủ quyền của Hướng Đạo Hoa Kỳ thì không cần phải đóng lệ phí cấm trại bởi lệ phí của mỗi hướng đạo viên khi tham gia bao gồm cả lệ phí trại thuộc sở hữu chủ quyền của tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ. Ở lứa tuổi này thì đến trại vào chiều thứ sáu vào ở đến sáng chủ nhật sẽ rời trại. Tất cả những chương trình trong sách mà hướng đạo đòi hỏi sẽ thực hiện trong buổi trại này. Từ việc học hỏi giữ gìn môi trường, cây cối, vệ sinh, phòng hờ rắn độc, cây độc, bắn cung, câu cá, chơi thể thao, cách đốt lửa, cách nấu ăn, cách xem hướng khi ở trong rừng, cách sử dụng dao hoặc những dụng cụ khi cấm trại như cách dựng liều … sẽ tạo cho buổi trại thêm nhiều sinh hoạt phấn khởi, vừa học, vừa chơi vui, vừa đào tạo các em thích hợp với môi trường trại và giữ gìn trại.

Đối với Thiếu Niên Hướng Đạo (lớp 6 đến 12), mỗi tháng sẽ đi cấm trại một lần vào cuối tuần (chiều thứ Sáu tới sáng Chủ Nhật) và mỗi năm sẽ đi cấm trại một tuần lễ với nhóm của mình hay cấm trại do sự tổ chức của Hướng Đạo Hoa Kỳ để tất cả các nhóm khắp nơi gặp nhau trao đổi, thi đua trong sinh hoạt hướng đạo.

Lệ Phí

Tuy rằng đây là một tổ chức thiện nguyện, phần đông tham gia vào sinh hoạt Hướng Đạo Hoa Kỳ là thiện nguyện nhưng những người thiện nguyện vẫn đóng tiền để có những sinh hoạt thiện nguyện xảy ra cho các em. Tiền phí dành cho mỗi em hướng đạo (gồm cả tình nguyện viên làm lãnh đạo) có khác nhau tuỳ theo nhóm, gồm có tiền phí sinh hoạt của nhóm và tiền phí cho tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ ở Council. Thông thường lệ phí này khoảng 50 đô la một năm. Và mỗi năm các em hướng đạo sinh phải tham gia vào việc gây quỹ cho nhóm của mình bằng cách bán bắp rang. Chỉ tiêu bán bắp rang cũng tuỳ theo sinh hoạt của nhóm ra sao, với những sinh hoạt tốn kém bao nhiêu cho mỗi em trong năm và dựa vào đó để đặt ra chỉ tiêu bán bắp rang cho mỗi em. Em nào không tham gia vào việc gây quỹ hoặc tham gia nhưng không đạt được chỉ tiêu thì phải đóng thêm tiền trong quỹ để có đủ tiền sinh hoạt.

Thí dụ cho năm 2015, nhóm Pack 715 đưa ra chỉ tiêu mỗi em hướng đạo bán 200 đô bắp rang (trong số 200 này thì nhóm (pack 715) sẽ được phần tiền cho nhóm là 54 đồng, phần còn lại là của Council cộng với giá mua bắp rang), nếu em nào đó bán trên 400 đô thì sẽ không đóng lệ phí sinh hoạt cho năm 2016. Em nào không bán được bắp rang thì phải đóng lệ phí bắp rang là 60 đô và lệ phí sinh hoạt là 50 đô (50 đô lệ phí này thì phải đưa lại cho Council là 36 đô, nhóm giữ lại 14 đô). Lệ phí này là số tiền để lo những sinh hoạt trong năm gồm có mua gỗ để các em làm xe để đua, mua tàu bằng giấy để các em làm tàu đua tàu, mua hoả tiễn để các em làm và bắn lên trời, mua các phần thưởng dành cho các em trong năm, và một buổi ăn tối dành cho các em trong năm vào tháng 2 hoặc tháng 4. Đối với các những người lãnh đạo tham gia vẫn phải đóng lệ phí cho Council nhưng tiền này sẽ do nhóm chi ra mà cá nhân của người lãnh đạo không cần phải chi ra.

Ngoài những lệ phí này, khi đi cấm trại thì bố mẹ của các em phải đóng tiền ăn. Chi phí ăn uống thì tuỳ là ăn món gì. Thông thường chi phí này gồm có bốn buổi ăn, hai buổi ăn sáng, một buổi ăn trưa và một buổi ăn tối. Chi phí cho mỗi người khoảng 15 đến 20. Nếu nhóm gây quỹ có tiền nhiều thì chi phí này sẽ được nhóm trang trải cho bất cứ ai đi dự buổi cấm trại đó.

Đối với các em Thiếu Niên Hướng Đạo thì chi phí cho cấm trại vào mùa hè cao hơn, tuỳ theo tổ chức ở chỗ nào, do ai đứng ra tổ chức. Số tiền chi phí cho một tuần lễ trại có thể khoảng 1000 đô hoặc hơn.

Hướng Đạo Hoa Kỳ có một số tiền để giúp đỡ các em nghèo nhưng không có đủ khả năng tài chính để tham gia. Chi phí gọi là phí sinh hoạt hằng năm sẽ được miễn, đồng thời khi đi cấm trại sẽ được Hướng Đạo Hoa Kỳ đài thọ phân nữa chi phí. Nói chung những ai tham gia Hướng Đạo Hoa Kỳ đều có khả năng tài chính. Chỉ có một số ít là không có khả năng tài chính, nhận sự giúp đỡ của tổ chức Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên bài viết này mục đích cung cấp những điều căn bản trong sinh hoạt Hướng Đạo Hoa Kỳ và có thể còn thiếu nhiều dữ kiện khác thiếu sót. Ai đó có hiểu biết nhiều hơn, xin đóng góp thêm ý kiến để những người tại Việt Nam hiểu rõ sinh hoạt hướng đạo ra sao.

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 12 năm 2015

Dallas, TX

www.nganlau.com

 

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s