Ghi Chú NL: Bài viết này đăng trên FB của Nguyễn Văn Thạch. Qua bài viết, chúng ta thấy tác giả cho rằng mình cô độc. Thực tế thì trong cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ này, cha ông ta đã tiên phong đi trước. Có điều đến giờ phút này, ước mơ tự do dân chủ vẫn là ước mơ. Và chúng ta, những người như Thạch, những người tù lương tâm, những tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đang cùng nhau tiến hành và tiếp tục đấu tranh cho ước mơ của cha anh thành sự thật. Trong tin thần đó, Nguyễn Văn Thạch không cô đơn. Một ý kiến hay nếu đưa ra không đúng thời điểm thì chưa chắc được mọi người đón nhận. Dĩ nhiên chúng ta cũng nên đưa ra ý kiến và tiếp tục đưa ra ý kiến. Bởi đến một lúc nào đó, ý kiến của chúng ta sẽ được chấp nhận nếu đó là ý kiến hay và hợp với thời điểm.
Lịch sử cho thấy, những người đi tiên phong, thường bị xã hội chống lại.
Việc tôi bị an ninh mật vụ Tp Đà Nẵng sách nhiễu, đánh đập, truy bức là điều hiển nhiên như bao người đi tiên phong trên con đường lên tiếng cho sự thật, cho công lý, cho lẽ phải, cho quyền con người.
Nhưng tôi cô độc hơn họ. Sự cô độc không chỉ đến vì tôi ở mảnh đất mà phong trào tranh đấu cho lẽ phải còn quá yếu-mọi người còn say xưa với việc “Tp đáng sống”. Tỷ như họ vui vẻ chè chén với 3 tr đồng thành phố cho hơn là quan tâm việc chính trị. Lời kêu gọi giúp đỡ của tôi có thể đã mất hút trong tiếng zô zô này.
Tôi cô độc còn bỡi lẽ tôi đi tiên phong trong một số quan niệm:
Thứ nhất: tôi cho rằng dân chủ là sự nghiệp chung của mọi người. Do vậy mọi người phải có trách nhiệm đóng góp. Đạo lý lớn cho việc chung “kẻ có của, người có công”.
Tôi kêu gọi mọi người hãy dành 5% thời gian để quan tâm việc nước-đọc các bài viết và 5% thu nhập để ủng hộ những người dấn thân tranh đấu.
Quan điểm này của tôi hiện chưa được chấp nhận. Suy nghĩ chung của cộng đồng: tranh đấu cho dân chủ là việc làm hào sảng, là sự hy sinh không cần đòi hỏi. Với họ, suy nghĩ của tôi thật xấu xa.
Nhiều người còn vu khống tôi là kiếm chát 5%. Họ nói tôi là nhà dân chủ 5% với ý miệt thị như những kẻ rút ruột công trình.
Thứ hai: tôi cho rằng có thể xem chính trị mà cụ thể ở đây là tranh đấu cho nền dân chủ là một nghề. Người tranh đấu có thể hoạt động chuyên tâm và đòi hỏi cộng đồng góp gạo nuôi. Tôi cho rằng cần có sự sòng phẳng trong việc tranh đấu cho tương lai chung. Mọi người phải đóng góp thiết thực chứ không chỉ là tiếng tung hô, cổ vũ suông.
Quan điểm này của tôi bị lớp tranh đấu ghét bỏ. Họ cho rằng tôi là kẻ cơ hội, là kẻ kiếm ăn từ hoạt động dân chủ. Tôi đã làm tầm thường hóa lý tưởng của nhiều người. Tôi đã làm mất lòng tin của người dân vào sự cao đẹp của những người dấn thân.
Quan điểm của nhiều người phải là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái cao đẹp mà họ khuyến khích là ăn cơm nhà, đi làm việc nước.
Với tôi, ko thể có chất lượng nếu ko có sự chuyên nghiệp. Dân chơi nửa vời dù đẹp vì sự hào sảng nhưng không đi đến đâu.
Để chính trị hết thần thánh, cần phải xem nó là một nghề như bao nghề khác và phải ràng buộc nó trong đạo đức nghề nghiệp chung.
Thứ ba: quan điểm của tôi về tiền. Tôi cho rằng người tranh đấu dân chủ cũng là sinh vật sống chứ không phải thánh thần. Họ cũng cần cơm ăn, nước uống, nhà ở để sống. Việc họ nhận tiền để tranh đấu là việc đúng, hợp lý.
Tuy nhiên nhiều “giáo chủ dân chủ” lại không đồng ý quan điểm này. Với họ, nhận tiền để tranh đấu thì không còn chính nghĩa. Dưới mắt họ, tôi là kẻ cơ hội, kẻ kiếm chát, kẻ kiếm ăn từ bàn thờ thiêng liêng: dân chủ.
Thứ tư: tôi tiên phong trong phát ngôn sự thật. Tôi thấy sự nguy hiểm của vấn nạn ngụy trá, mị dân trong chính trị. Quan điểm tôi, điều tốt đẹp phải dựa trên sự thật. Có CHÂN mới có THIỆN-MỸ.
Khi tôi nhận tiền để tranh đấu, tôi nói ra điều đó, nói rõ to để mọi người biết.
Nhiều người, trong đó có nhiều cây đa, cây đề trong nền dân chủ phê phán tôi.
Họ đồng ý với tôi là con người phải ăn uống mới sống được, chuyện tiền bạc là phải có. Tuy nhiên đừng nói. Họ cho rằng nói ra sẽ phá hủy niềm tin của nhân dân vào lý tưởng dân chủ, nói ra sẽ có cớ để nhà cầm quyền, lực lượng dư luận viên công kích.
Quan điểm tôi “cái gì là sự thật, cái đó chịu được áp lực”.
Tôi đơn độc nhưng tôi không gục ngã.
FB Nguyễn Văn Thạnh