Tìm hiểu về Con Người xem ra dễ mà khó, khó mà dễ.
Dễ
Dễ ở chỗ khi chúng ta có tương tác trong công việc và qua tương tác tạo ra đối nghịch trong việc giải quyết một vấn đề nào đó thì con người thật của cá nhân được tương tác sẽ hiện rõ ra.
Thí dụ 1: Sự hiểu biết (Knowledge) của con người luôn luôn phát xuất từ chính bên trong suy nghĩ, quan sát và học hỏi từ kinh nghiệm của cuộc sống. Tuy nhiên điều này không phải ai cũng nghĩ như thế cho nên trong tương tác, khi cá nhân A lên tiếng phản bác cách giải quyết vấn đề của B thì — thay vì lắng nghe lời phản biện hữu lý hay vô lý, cá nhân B dùng bằng cấp của bản thân để cho rằng A không có đủ trình độ để phản bác lại cách giải quyết vấn đề mà B đưa ra, dù rằng chính B đã xin ý kiến của A về cách giải quyết của mình. Chỉ trong trường hợp này thì Con Người thật của B, xem bằng cấp là trình độ hiểu biết, xem thường người không có bằng cấp hiện rõ bản chất thật của chính B mà trước đó không ai biết.
Thí dụ 2: Đọc một bài viết của tác giả A kêu gọi sự tương tác làm việc để giải quyết khó khăn mà cộng đồng đang gặp phải. Đọc giả B đồng ý trước những lý luận của tác giả A đưa ra và tìm cách liên lạc để hợp tác làm việc. Mà để làm việc trong phạm vi lớn, không phải chỉ một hoặc hai người là đủ, cho nên độc giả B giới thiệu với tác giả A thêm vài người khác, cũng quan tâm những vấn đề mà tác giả A đưa ra. Tuy nhiên, tác giả A từ chối tương tác với những người khác bởi cho rằng những người khác có cách giải quyết vấn đề khác với chính mình. Con người thật của tác giả A hiện rõ trong lời nói và làm là hai sự thật khác nhau. Thực tế trong cuộc sống thì có một số người chỉ nói mà không làm hoặc nếu làm thì phải làm theo cách đề nghị của họ chứ không thể nào chọn phương cách khác dù rằng phương cách khác hữu hiệu hơn.
Thí dụ 3: có những người chỉ cần nhìn gương mặt, lời nói, cách ửng xử thì tạo cho người đối diện có cảm giác là cá nhân đó không phải là người tốt. Dĩ nhiên cảm giác thì mang nhiều cảm tính cá nhân, không khách quan. Tuy nhiên đừng khinh thường giác quan thứ sáu của bản thân bởi giác quan này có thể giúp bản thân thoát những nguy hiểm, tránh được những loại người gian ác trong xã hội trước khi có bất cứ sự tương tác nào.
Khó
Như đã trình bày, trong cái dễ thì lại có cái khó. Khó bởi Con Người phức tạp với Tính, Tâm, Thân, Mệnh. Bốn nhân tố này tác động lẫn nhau để tạo ra Con Người thật của cá nhân đó.
Có những người gian ác nhưng “thông minh”, cho nên che giấu cái gian ác của mình để mọi người lầm tưởng đó là người lương thiện.
Có những người không bao giờ thay đổi, cho dù được dạy dỗ cách nào đi nữa thì với bản tính ác, họ vẫn thực hiện cái ác cho dù được giáo dục, huấn luyện, cho nhiều cơ hội trở thành người tốt trong xã hội. Điều này được thấy trong xã hội ở những người giết người, hiếp dâm thời trẻ. Ở tù cho tội giết người, hiếp dâm nhưng vẫn thực hiện chuyện giết người, hiếp dâm sau khi ra khỏi tù.
Có những người có bản tính thiện (hay khờ dại) và luôn luôn xem mọi người đều tốt. Chính ở cái thiện này mà người khác lợi dụng để lừa gạt nhiều lần mà cá nhân vẫn không học hỏi được bài học đã xảy ra, cho nên vẫn tiếp tục bị lừa gạt bằng cách này hay bằng cách khác.
Ngay cả ở những người ác họ có thể thay đổi để trở thành thiện cho dù sự thay đổi rất ít xảy ra nhưng không phải là không có. Làm sao để hiểu người ác thực sự thay đổi để chính bản thân mình có thể tin tưởng điều thay đổi này? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời chính xác mà phải dựa vào hoàn cảnh thực tế để đánh giá sự thay đổi thật hay chỉ là sự thay đổi bề ngoài, giả tạo.
Nếu người ác có thể thay đổi để thành thiện thì ngược lại người thiện có thể thay đổi để thành người ác. Trong trường hợp này khó mà thấy được bởi theo thói thường của con người, những ai có chức quyền, danh vọng và sống lương thiện thì khi cá nhân đó làm những điều ác, ít ai nghĩ rằng điều đó xảy ra. Khi mà tương quan tình cảm, quan hệ bạn bè, thân hữu là sợi dây kết nối lâu năm thì dễ làm cho con người không nhận ra được sự thật của sự thật. Điều này được thấy trong xã hội, khi cá nhân A đưa ra hình ảnh gian dối của cá nhân B thì tập thể hay tổ chức sẽ cho rằng nhận định cá nhân A sai bởi vì B đã tạo nhiều uy tín trong quá khứ với cái tập thể hay tổ chức đó thì không thể nào có chuyện B làm những điều sai trái.
Kết
Câu nói của dân gian “chín người mười ý” cho thấy sự phức tạp của con người bởi trong 9 người đó, có một người có hai ý khác biệt trong việc giải quyết hay suy luận một vấn đề nào đó.
Sự phức tạp của Con Người ngoài chuyện dính dáng đến Tính-Tâm-Thân-Mệnh còn dính dáng đến Tham-Sân-Si và cái Tham-Sân-Si đóng góp một tiến trình khá lớn vào sự hình thành Tính-Tâm-Thân-Mệnh.
Phải chăng chính sự phức tạp của Con Người cho nên các nhà làm chính trị không quan tâm đến chuyện tìm hiểu về Con Người để có thể đưa ra những chính sách, đề án thích hợp hầu giúp đỡ thế hệ hiện tại cũng như tương lai — có thể tự chính mình làm chủ bản thân thay vì để Tham-Sân-Si làm chủ Con Người của chính mình?
Phải chăng chủ đề Con Người quá khô khan cho nên không ai muốn nói đến mà chỉ nói đến cái lãng mạn, cái giả tạo, cái mà người khác muốn nghe để người cầm bút có thêm người đọc thay vì nói lên cái sự thật mà mọi người không muốn nghe?
Ngày xưa ông Nguyễn Hiến Lê viết và dịch sách học làm người. Chẳng biết có bao nhiêu người đọc sách và hiểu được những gì ông Nguyễn Hiến Lê viết bởi nói cho cùng, ai cũng biết đọc nhưng đọc như thế nào, đọc ra sao; hiểu như thế nào, hiểu ra sao lại là một vấn đề khác nữa. Chưa kể người đọc có thực sự sống với những cái mình đọc và đắc tâm hay mục đích đọc để làm con mọt sách, khoe chữ, khoe “trình độ”?
Ở vào cái thời kỳ kháng Pháp năm 1930-1945, một người trẻ Việt, Lý Đông A, đã quan tâm về Con Người nên ông suy tư, đọc sách để tìm hiểu về nguyên lý sinh hoạt của Con Người và từ đó ông đưa ra tư tưởng Duy Dân với nguyên tắc sinh hoạt của Con Người. Tiếc rằng chưa ai nắm được cái gốc của tư tưởng Duy Dân là từ Tu Dưỡng Thắng Nhân cho nên đến giờ phút này, tư tưởng Duy Dân vẫn chưa đem vào cuộc sống thực tế.
Những người đang đem tư tưởng Duy Dân vào thực tế của thời đại 2000 đã thực sự có đủ Tu Dưỡng để thắng Con Người của mình hay tiếp tục để cái Tham-Sân-Si thắng bản thân mình và tiếp tục làm sơn đông mãi võ không hề chú ý đến cái gốc của vấn đề là Tu Dưỡng Thắng Nhân?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 3 năm 2023 (Việt lịch 4902)