Một trong những yếu điểm của con người là ham quyền lực và chức vị. Thường chức vị đi song song với quyền lực. Đó là lý do tại sao ông Kevin McCarthy sẵn sàng nhượng bộ với những hứa hẹn cho những người chống ông trong việc bầu chọn người lãnh đạo của Hạ Viện.
Những nhượng bộ để lôi kéo người trong đảng ủng hộ ông Kevin sẽ tạo ra hậu quả như thế nào thì vẫn còn sớm để biết kết quả ra sao. Tuy nhiên, với sự chống đối của người cùng đảng đã làm vị thế của ông Kevin không được mạnh. Và với luật mới trong sự nhượng bộ này, chỉ cần một dân biểu tại Hạ Viện lên tiếng trút phế vị lãnh đạo của Hạ Viện thì toàn viện phải cứu xét để chọn người mới.
Sự nhượng bộ của ông Kevin cho thấy mục đích chỉ để giữ quyền lực và chức vụ chứ không quan tâm đến hệ thống điều hành chính quyền như thế nào cho hữu hiệu. Kết quả đầu tiên của Hạ Viện sau khi có người lãnh đạo là bộ luật cắt giảm ngân sách của sở thuế bởi không muốn sở thuế thực hiện chuyện kiểm soát thuế ở những người có đồng lương cao.
Những ai đã từng làm trong ngành thuế của tiểu bang hay liên bang, đặc biệt liên quan đến nhiệm vụ thanh tra thuế, đều thấy rằng nhân viên sở thuế không có đủ người để kiểm soát giấy tờ thuế ở những công ty lớn cũng như những người giàu, dựa vào kẻ hở của luật pháp để trốn thuế. Bất cứ chi phí nào trả cho nhân viên thanh tra thuế đều đem lại số tiền thu vào nhiều hơn chi phí bỏ ra. Nếu quan niệm đầu tư thì đồng lương của nhân viên thanh tra tốn 1 đô thì số tiền mà nhân viên thanh tra đó sẽ thu vào trung bình là 5 đô. Vậy thì không có lý do gì để cắt giảm chi phí của sở thuế.
Tất cả những sở thuế từ liên bang đến tiểu bang trong việc thanh tra thuế đều nghĩ đến việc thanh tra thuế ở những công ty, những cá nhân có nguồn lợi tức cao. Không ai chọn những người có lợi tức thấp bởi cá nhân có lợi tức thấp, nếu có ăn gian thuế thì số tiền không đáng bao nhiêu so với công sức mà nhân viên thanh tra bỏ vào để thực hiện chuyện xét hồ sơ thuế.
Mà để thực hiện chuyện thanh tra thuế ở những cá nhân, những công ty có lợi tức cao thì không phải một vài ngày mà vài tháng hoặc vài năm để thực hiện chuyện kiểm soát giấy tờ thuế cho ba hoặc bốn năm. Chính vì thế mà sở thuế luôn luôn thiếu người để thực hiện chuyện tranh tra với số phần trăm cao hơn số phần trăm hiện tại mà họ đang thực hiện.
Luật thuế được thành lập để tạo số tiền hầu giúp chính quyền trang trải những chương trình hữu ích cho người dân cũng như bảo vệ nền an ninh của quốc gia. Luật thuế cần phải tạo ra sân chơi công bằng là ai làm ra nhiều tiền thì sẽ đóng thuế nhiều hơn bởi họ có khả năng về tiền bạc để đóng thuế. Tuy nhiên, luật thuế của Hoa Kỳ luôn luôn tạo ra lổ hổng để người giàu dựa vào đó đóng thuế ít hơn người thường dân. Đó cũng là lý do tại sao ông Warren Buffett than phiền là với luật thuế hiện giờ, phần trăm thuế mà ông phải đóng so phần trăm của nhân viên ông thì ông đóng thuế rất thấp. Điều đó giải thích tại sao ông Trump chỉ đóng thuế 750 đô la trong khi số tiền ông tạo ra trong năm cả vài triệu.
Những người có quyền lực ở Hạ Viện họ không nhìn vấn đề ở dạng có lợi cho quốc gia. Đối với họ, quyền lực dành cho họ thì họ sẽ thực hiện quyền lực đó để phục vụ giới nhà giàu bằng cách cắt giảm ngân sách của sở thuế bởi giới nhà giàu không muốn đóng thuế cao. Chưa kể Hạ Viện bỏ phiếu cho chuyện này vẫn theo hình thức đảng tranh. Đảng nắm đa số ở Hạ Viện muốn chứng tỏ với người dân là họ quyết tâm làm bằng cách thông qua luật ở Hạ Viện và khi làm chuyện này, họ không cần biết luật đó có thể thông qua được Thượng Viện hay không. Tất cả chỉ là những tính toán chính trị, tâm lý để chuẩn bị cho mùa bầu cử sắp tới cho năm 2024.
Ngoài chuyện thông qua bộ luật cắt giảm ngân sách của sở thuế, Hạ Viện đồng ý cắt giảm cơ quan kiểm soát đạo đức (ethical) của những người trong viện. Điều này được ông Santos, một dân biểu ở tiểu bang New York vừa được bầu vào Hạ Viện với quá khứ nói dối từ nghề nghiệp đến trường học, cũng như sắc tộc. Càng ngày báo chí càng đưa ra sự thật là tất cả những gì ông Santos nói đều giả dối và sự cắt giảm quyền lực của cơ quan kiểm soát đạo đức được ông Santos ủng hộ bởi sẽ không đụng đến ông trong 2 năm tới.
Con người thường bị ma quyền và ma danh làm hư hỏng nếu cá nhân đó không có tinh thần tự chủ để chính mình làm chủ con người của mình — thay vì giao ma quyền và ma danh làm chủ bản thân để họ tiếp tục thực hiện mọi thủ đoạn, mọi phương cách, hợp lý hay không hợp lý hầu bám giữ quyền lực và danh vọng.
Điều này gần 100 trước, ông Lý Đông A thấy được sự nguy hiểm của người lãnh đạo nếu không có hệ thống kiểm soát những người lãnh đạo trên nhiều mặt. Từ đó Lý Đông A đề nghị một Cơ Năng Hiến Pháp dựa trên tiêu chuẩn Nhân Bản Cương Thường để người lãnh đạo thực hiện chính trị. Mà chính trị theo cái nhìn của Lý Đông A là thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không phải chính trị đảng tranh như cơ chế của Mỹ. Chưa kể những người có quyền hành trong cơ chế chính quyền, thời gian phục vụ luôn luôn được giới hạn để tránh tình trạng ông bình vôi, bám giữ và không thay đổi. Đồng thời hiến pháp của quốc gia phải tiểu thay đổi mỗi 10 năm và đại thay đổi mỗi 30 năm cho phù hợp với sự thay đổi của đời sống người dân.
Ai thực sự quan tâm đến một Cơ Năng Hiến Pháp như thế?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)