CHỦ THỂ HÓA CÔNG DÂN (P1)

Chủ thể có những định luận khác nhau trong khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cuối cùng là các định luận này sẽ cùng nhau hội tụ chung một chân trời. Nơi mà cá thể khi trở thành chủ thể, thì cá nhân lẻ loi sẽ là công dân sinh hoạt trong nhân tri sáng tạo ra chính nhân kiếp cho mình, vì mình.

Không gian tri thức của chủ thể

Có ít nhất ba quan niệm về chủ thể đã biết chung lưng đấu cật trong thế kỷ qua để làm nên văn minh dân chủ và văn hiến nhân quyền:

*Triết học quan niệm chủ thể chính là các tác nhân biết tìm để hiểu sự thật trong quá trình làm người của mình. Từ đó, xem rồi xét phạm trù tự do mà mình muốn có, để thấy rồi thấu nhân lộ của chủ thể luôn đi xa hơn cá thể, luôn đi rộng hơn cá nhân, luôn đi cao hơn công dân, để tự quyết không gian nhân kiếp của chính chủ thể.

*Sử học quan niệm chủ thể bắt đầu bằng sự dấn thân chống bất bình đẳng, rồi chống bất công vì những giá trị của công bằng và bác ái bằng những nhân lộ khác nhau. Từ cải tổ tới cải cách, từ cải cách tới cách mạng, chủ thể đi tìm công ích để chống tư lợi, đi tìm công luận để gạt đi vụ lợi. Nên chủ thể xây gốc, đắp rễ, dựng cội, tạo nguồn từ nhân tính vô vụ lợi, khác hẳn với tính vị kỷ của cá nhân, khác xa với tính ích kỷ của cá thể.

* Xã hội học quan niệm chủ thể bằng đạo lý của trách nhiệm trước xã hội, của bổn phận trước cộng đồng, bằng chính nhận thức về lợi ích tập thể. Tại đây, chủ thể luôn đứng về phía sáng tạo: công bằng rồi thì phải công bằng hơn, bác ái rồi thì phải bác ái hơn, nên đã tự do rồi thì phải tự do cao hơn, sâu hơn, rộng hơn, xa hơn. Sáng tạo ngay trong sinh hoạt xã hội bằng sáng kiến làm tốt sinh hoạt xã hội, sáng tác ngay trong quan hệ xã hội bằng sáng lập ra các quan hệ xã hội mới, biết làm đẹp hơn cho đời sống xã hội đang có.

Chính hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng tác, sáng lập) này không ngừng ở các hình thái nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương… Mà hệ sáng là động lực thường xuyên và động cơ thường nhật để chủ thể tạo ra hệ hành (hành vi, hành động, hành tác) dựa trên hệ tự (tự do, tự chủ, tự lập). Lại được trợ lực bởi hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), vì được trợ duyên bởi hệ liêm (liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ).

Tất cả các hệ này làm nên: nội công đạo lý, bản lĩnh đạo đức, tầm vóc luân lý của chủ thể. Đây chính là nguồn cơn mất ăn mất ngủ của bạo quyền độc đảng toàn trị, tà quyền tham nhũng trị, quỷ quyền ngu dân trị, ma quyền công an trị, âm quyền tuyên truyền trị… Đó chính là các hoạn nạn mà Việt tộc đang phải gánh chịu dưới sự cai trị của ĐCSVN, tới từ một sự cai trị vừa diệt sự phát triển của đất nước, vừa triệt sự tiến bộ của dân tộc, vừa giết văn minh vì giống nòi, cùng lúc thanh trừng luôn tiền đồ tổ tiên Việt đã làm nên nhân phẩm Việt.

Không gian giáo lý của chủ thể

Không ai sinh ra đã là chủ thể, mà chủ thể được ra đời với ít nhất trong năm môi trường giáo dục chủ yếu biết đào tạo những công dân tốt biết đấu tranh để bảo vệ một xã hội tốt, được bảo quản bởi một định chế tốt, được bảo trì bởi một cơ chế tốt, được bảo hành từ một chế độ tốt. Tất cả dựa trên năm môi trường giáo dục sau đây:

*Giáo dục học đường, nơi mà hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) giúp công dân sử dụng phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải để tạo dựng nhân sinh quan cho chính mình, một nhân sinh quan biết sống cùng, sống chung với đồng bào, đồng loại.

*Giáo dục đạo lý, từ gia đình tới học đường, từ nghề nghiệp tới xã hội, công dân xác nhận chức năng vì công ích của mình trong tập thể, cộng đồng. Cùng lúc xác chứng được vai trò tích cực của mình qua trách nhiệm với đất nước, qua bổn phận với dân tộc, nghĩa vụ với giống nòi.

*Giáo dục khoa học, là quá trình tự chủ biết khách quan hóa các kiến thức để có phân tích trúng, giải thích đúng. Nơi mà chủ thể tiếp nhận kiến thức của khoa học, kỹ thuật như tiếp đón các vốn liếng cùng các kỹ năng để tạo tiền đề cho phát triển vì đất nước, tiến bộ vì dân tộc, văn minh vì giống nòi.

*Giáo dục dân chủ, đây là nhân lộ thiết yếu để nhận ra đa nguyên là cốt lõi của hệ đa (đa tài, đa dung, đa tri, đa trí, đa hiệu, đa năng) với định đề biết dựa trên sự thông minh của tập thể, của cộng đồng. Sự thông minh này luôn đa diện, đa chiều, và vượt trội sự thông minh của cá thể trong ích kỷ, của cá nhân trong vị kỷ.

*Giáo dục nhân quyền, nơi mà công bằng giữa các thành viên trong xã hội được xác nhận bởi hiến pháp, mà công lý là gốc, rễ, cội, nguồn cho mọi công luật. Phương trình công bằng-công lý-công luật trực tiếp chống lại mọi bất công của độc đảng-độc quyền-độc tài lấy đặc quyền để đặc tham, đặc lợi để vụ lợi, đặc ân để chóng chày sẽ bội ân với dân tộc, với giống nòi, với đất nước.

Tổng lực của năm hệ giáo dục này: giáo dục học đường- giáo dục đạo lý – giáo dục khoa học – giáo dục dân chủ – giáo dục nhân quyền, thành công hay thất bại là tùy thuộc vào hệ lực (nội lực, thực lực, sung lực, hung lực, mãnh lực) của xã hội dân sự luôn biết làm cao lập pháp, làm hay hành pháp, làm tốt tư pháp. Đây là nhân lộ tương lai của Việt tộc để xây dựng lại từ giáo dục tới văn hóa, từ lao động tới kinh tế, từ sinh hoạt xã hội tới đời sống văn minh… Với tất cả giá trị tâm linh biết nương dựa vào tiền đồ của tổ tiên Việt.

Hãy tìm lối thoát, lối ra cho tổng lực của năm hệ giáo dục này, cụ thể là sẽ không có dân chủ trong nhân quyền cho nhân kiếp Việt tộc nếu không có các hành động tới từ chủ thể. Sẽ không có nhân quyền cho nhân tri Việt tộc nếu không có các hành tác tới từ chủ thể. Sẽ không có đa nguyên cũng như sẽ không có xã hội dân sự ngày ngày đấu tranh vì các giá trị của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) nếu không có các hành vi thường trực tới từ chủ thể. Vì chỉ có chủ thể mới biết bảo vệ các giá trị đạo đức dân tộc, đạo lý đồng bào, luân lý giống nòi, làm nên tổng lực của các giá trị tâm linh của Việt tộc.

Không gian công lý của chủ thể

Hãy phân tích thật cụ thể chức năng của chủ thể của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Hãy giải thích thật rành mạch vai trò của chủ thể của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Để trả lời thật minh bạch câu hỏi chủ thể hóa công dân là gì? Câu trả lời sẽ là động cơ làm nên hành động của chủ thể trước thảm trạng của xã hội Việt hiện nay, chính là thảm họa của dân tộc Việt hiện nay, chính là thảm nạn của giống nòi Việt trong những năm tháng tới. Bây giờ và ngay trên đất nước Việt, chủ thể Việt phải xây dựng được một tổng lực mới tới từ:

  • Hệ công (công bằng, công lý, công luật)
  • Hệ đa (đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu)
  • Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri)
  • Hệ liêm (liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ)
  • Hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức)
  • Hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự lập)
  • Hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng chế, sáng lập)
  • Hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).

Tận dụng tổng lực này mà chế tác ra hệ đối (đối lý, đối luận, đối thoại, đối lực, đối trọng, đối kháng) vừa để thấy bản lai diện mục, vừa để vạch mặt chỉ tên các hệ sau đây:

*Hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tôn, độc tài, độc trị) độc đảng giết nhân quyền để diệt dân chủ; độc quyền để lạm quyền rồi cuồng quyền; độc tôn để triệt mọi tôn ti trật tự ngay trong cơ đồ của tổ tiên Việt; độc tài nhưng bất tài trước quá trình phát triển đất nước; độc trị nhưng không biết quản trị vì tiến bộ dân tộc, vì văn minh cho gióng nòi.

*Hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền), nơi mà độc đảng là có độc quyền vơ vét tiền bạc của dân tộc, nạo vét tài nguyên của đất nước; nơi mà độc đảng là độc quyền để mua bằng bán chức, rồi mua chức bán quyền, và sẽ không ngần ngại sa vào quỷ lộ buôn dân bán nước.

*Hệ gian (gian dối, gian trá, gian manh) của một hệ thống bạo quyền độc đảng toàn trị mà tất cả từ khẩu lệnh tuyền truyền tới chính sách đều dựa vào sự ăn gian nói dối của ĐCSVN, với phản xạ sở khanh thường xuyên là nói lời rồi lại nuốt lời như chơi.

*Hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành) làm nên bạo sách xem dân là các lực lương thù địch, làm nên bạo quyền bằng công an trị, với bạo tâm sẵn sàng giết dân, từ Cải cách ruộng đất tới việc đẩy cả dân tộc vào cuộc bạo chiến bằng nội chiến huynh đệ tương tàn trong thế kỷ qua.

*Hệ đặc (đặc quyền, đặc lợi, đặc ân); nơi đây đặc quyền đã thành phản xạ cho lạm quyền, đã thành phản ứng cho cực quyền, để tham quyền sinh đôi với cuồng quyền. Nơi đây đặc lợi đã thành phản xạ vụ lợi bè đảng để phục vụ cho tư lợi cá nhân, nơi mà sự ích kỷ với lòng tham không đáy, bất chấp những hậu quả cho đất nước, hậu nạn cho giống nòi; chỉ để nuôi đặc ân là ăn trên ngồi trốc trên đầu, trên cổ cả một dân tộc.

*Hệ vô (vô minh, vô tri, vô giác, vô cảm) tất cả tới từ vô học từ giáo lý tới kiến thức của các lãnh đạo ĐCSVN, vô năng từ lý luận tới lập luận trong cách chính sách, vô hiệu từ giải luận tới diễn luận trong cách quốc sách đang làm nên hậu nạn, một điều đáng sợ nhất cho Viêt tộc là: vô hậu hóa giống nòi Việt!

Chủ Thể Hóa Công Dân (P2) 

Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s