Những thực tế về cảnh sát
Sự thật 1: Hình ảnh Derek Chauvin đè chân lên cổ ông Floyd chỉ là một trong nhiều hình ảnh cảnh sát làm chuyện đó và cũng đã có người chết nhưng không tìm được công lý cho nạn nhân. Chuyện ông Floyd không chịu vào xe cảnh sát (chống lại cảnh sát) là chuyện sai trái. Nhưng không vì sai trái đó mà ông Chauvin trả lại bằng cái sai trái. Khi ba người đè lên người ông Floyd, khi ông Floyd cho rằng không thở được và một người cảnh sát mới vào hỏi Chauvin là nên lật ngửa ông Floyd hay không và cuối cùng Chauvin là người quyết định bởi là cảnh sát lâu đời. Gương mặt của Chauvin lúc đó rất bình thản trước phản ứng đám đông, trước lời than không thở được của Floyd.
Cho dù ông Floyd có thực sự sử dụng bạc giả, cho dù ông Floyd chống lại cảnh sát, nhưng khi đã kềm hãm được ông Floyd và khi ông Floyd kêu không thở được, cùng với những người chung quanh kêu cảnh sát ngưng đè trên cổ mà Chauvin vẫn im lặng không quan tâm thì cho thấy hành động sai (của Chauvin) để đáp lại hành động sai (của Floyd) để rồi một chết, một nằm tù ở thời gian dài. Nếu cả hai đều thực hiện trách nhiệm của chính mình thì cái chết của ông Floyd hay cái chết của nhiều người khác bị cảnh sát bắn chết đã không xảy ra.
Sự thật 2: Hình ảnh một cảnh sát ở phi trường Miami, Florida đấm vào mặt người phụ nữ chỉ bởi người phụ nữ nóng giận khi nói chuyện đưa mặt sát vào mặt cảnh sát thế là cảnh sát phản ứng bằng cú đấm thẳng vào mặt của người phụ nữ. Đã làm trong nghề cảnh sát thì biết rằng sẽ đối diện với nhiều thành phần trong xã hội và phải chấp nhận hạ cơn giận của bản thân bởi khi đã mặc bộ đồ cảnh sát tức là anh đại diện cho bộ máy cầm quyền và phải ứng xử văn hóa chứ không thể nào dùng sức mạnh. Chính nhờ clip quay lại này, anh cảnh sát bị đuổi việc. Bao nhiêu sự việc như thế đã từng xảy ra và không có phản ứng nào từ cảnh sát?
Sự thật 3: Sự kiện cảnh sát Michael Slager (Mỹ trắng), thổi chiếc xe của Walter Scott (Mỹ đen) vào tháng 4 năm 2015. Trong khi người cảnh sát vào xe để kiểm soát bằng lái xe của ông Walter và ông Walter mở cửa xe bỏ chạy. Người cảnh sát rượt theo và bắn chết ông Walter từ sau lưng. Hình ảnh bắn này được ghi lại bằng clip của người ngoài cuộc và vài ngày sau đó được đưa lên mạng. Điều ngạc nhiên là vị cảnh sát này khai láo trong bản báo cáo nói rằng ông Walter tấn công và vì tự vệ, ông cảnh sát Michael phải bắn chết ông Walter. Nếu không có clip quay lại của người ngoài cuộc thì ông Michael sẽ không đi tù và vụ án được xử là ông Michael bị 20 năm tù vì cố ý giết người. Tại sao ông Walter phải bỏ chạy thay vì ngồi trong xe chờ đợi người cảnh sát làm xong nhiệm vụ? Và hành động sai của ông Walter để rồi đưa đến hành động sai của anh cảnh sát bắn người không vũ khí từ sau lưng và khai gian trong bản báo cáo. Thực ra vụ án ở tiểu bang kết quả là bồi thẩm đoàn không đưa ra được quyết định là ông Michael mang tội cố sát hay không. Cái này tiếng Anh gọi là hung jury.
Tuy nhiên ông Michael bị liên bang thưa kiện về tội sử dụng sức mạnh quá đáng để đưa đến cái chết của thường dân. Thay vì ra tòa thì ông Michael đồng ý sẽ chấp nhận bản án là có tội và yêu cầu vị thẩm phán của tiểu bang tuyên án. Kết quả là vị thẩm phán tuyên án 20 năm tù, đi ra ngoài sự dự đoán của ông Michael vì nghĩ rằng nếu nhận tội thì bản án sẽ nhẹ đi (tối đa là 10 năm tù). Ông Michael chống lại bản án này và tháng 4 năm 2021, tòa án bên trên quyết định là tòa án bên dưới đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm và bản án vẫn giữ là 20 năm.
Vấn đề đặt ra là bao nhiêu người cảnh sát như ông Michael đã bắn người từ sau lưng, không có vũ khí, để rồi làm bản báo cáo giả và được sở cảnh sát đồng ý mà không cần biết sự thật ra sao? Con số này có chứ không đơn giản chỉ có mình ông Michael làm bản báo cáo láo để chạy tội giết người của chính mình.
Sự thật 4: Ngày 12 tháng 10 năm 2019, người hàng xóm gọi điện thoại cho sở cảnh sát báo là nhà của cô Atatiana Jefferson, cửa trước mở và nhờ cảnh sát đến xem như thế nào. Hai người cảnh sát đến và thay vì gõ cửa để hỏi sự kiện thì họ đi vòng quanh nhà, một cảnh sát vào sân nhà sau của cô Atatiana. Qua cửa sổ nhà ở phía sau, cảnh sát gọi đèn vào bên trong và lên tiếng kêu gọi cô chủ nhà giơ hai tay lên. Vừa nói xong câu đó thì cảnh sát bắn cô chủ nhà và cô ta chết tại chỗ. Cái chết này đưa đến sức ép từ công chúng và cảnh sát đưa ra clip hình ảnh (điều chỉnh) được thâu từ máy của cảnh sát. Trong cái clip được điều chỉnh đó, cảnh sát cố ý cho thấy trong nhà cô Atatiana có súng và cảnh sát bắn để tự vệ.
Vài nghi vấn được đặt ra trong vụ giết người này: (1) tại sao cảnh sát không vào cửa trước mà phải vào sân phía sau? (2) tại sao cảnh sát không lên tiếng báo chủ nhà biết họ là cảnh sát? (3) tại sao clip đưa ra công chúng lại được edit thay vì clip chính thức? (4) Nếu cửa sổ đóng thì làm sao người chủ nhà có thể nghe tiếng cảnh sát là giơ tay lên? (5) đóng vai là người chủ nhà, được quyền có súng trong nhà và biết phía sau sân nhà có người vào thì người chủ nhà có quyền đưa súng lên để hăm dọa người đang vào nhà mình. Nếu cảnh sát chưa biết sự kiện người trong nhà là chủ nhà hay là kẻ trộm thì tại sao hành động quá sớm để giết người chủ nhà?
Anh cảnh sát bắn chết cô Atatiana, 28 tuổi, vừa mới học ra trường về ngành dược, tên là Aaron Dean, bị đại bồi thẩm đoàn (grand jury) kết tội và sẽ ra tòa vào tháng 8 năm 2021. Trong trường hợp này phải chăng cảnh sát đã không được huấn luyện kỹ về vấn đề này để xảy ra chủ nhà bị cảnh sát bắn chết vô lý? Không biết kết quả vụ án sẽ ra sao nhưng nếu bồi thẩm đoàn cho rằng cảnh sát vô tội thì sẽ có nhiều cuộc bạo loạn xảy ra bởi sự công bằng và nhận lãnh trách nhiệm của cảnh sát trong việc bắn người đặt ra quá dễ dàng.
Sự thật 5: Ngày 6 tháng 3 năm 2021, cảnh sát tiểu bang Virginia thổi xe của cô Juanisha Brooks, một người làm việc cho bộ quốc phòng tại Washington D.C. Khi xe dừng lại thì cô Brooks liên tục hỏi anh cảnh sát lý do mà thổi xe cô lại. Người cảnh sát không trả lời mà chỉ nói cô ta ra khỏi xe để người cảnh sát sẽ chỉ cho coi. Cô Brooks nói là cô không muốn ra khỏi xe. Thế là anh cảnh sát mở xe và kéo cô Brooks ra khỏi xe và còng cô ta. Cô Brooks cho cảnh sát biết là cô có uống một ly rượu nhưng không muốn thử test, một loại test để xem người uống rượu quá độ để lái xe hay không. Thế là anh cảnh sát còng tay cô Brooks và thông báo là cô bị bắt vì lái xe bị say rượu. Vừa còng tay người cảnh sát hỏi tại sao nước mắt cô chảy ra. Cô nói vì nhiều người đã bị cảnh sát bắn cho nên tôi rất là sợ hãi.
Khi bị bắt vào nhà giam và thử nghiệm hơi thở của cô Brooks hai lần, hoàn toàn không có chất rượu nào trong hơi thở của cô. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn thưa kiện cô về tội chống lại cảnh sát, lẫn tránh cảnh sát, lái xe không có đèn bật lên, và lái xe ẩu. Tất cả những lý do trên để cảnh sát biện minh cho sự bắt bớ của mình là hợp lý. Một điều cần phải nói ở đây là tại tiểu bang Virginia, ngày 1 tháng 3 năm 2021, cấm cảnh sát thổi xe lại vì người lái xe không bật đèn. Hơn nữa vào lúc thổi xe cô Brooks, trời vẫn còn sáng, không cần thiết phải bật đèn. Công tố viên cho rằng sự bắt giữ cô Brooks hoàn toàn không có lý do và những lý do cảnh sát dựa vào đó để đưa cô ra tòa hoàn toàn bị hủy bỏ.
Ở trường hợp này người cảnh sát đã không làm tròn nhiệm vụ và không tôn trọng người dân. Khi ai đó bị cảnh sát thổi lại, họ có quyền hỏi cảnh sát tại sao và lý do nào bị thổi lại. Cảnh sát phải đưa ra lý do chứ không phải bảo người lái xe bước ra khỏi xe để cảnh sát chỉ lý do. Và khi cảnh sát không tôn trọng, không nói lý do thì người dân có quyền không nghe lệnh cảnh sát bởi sự tôn trọng phải xảy ra ở hai bên. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiếp tục bắt người với nhiều lý do được dựng lên như trong trường hợp này. Và cô Brooks này đã không chống chọi lại sự bắt bớ đó cho nên không có sự nổ súng xảy ra. Một điểm nữa cần phải ghi nhận cô Brooks là người da đen và anh cảnh sát là người da trắng. Phải chăng màu da cũng là vấn đề để cảnh sát nghi ngờ và tìm đủ mọi lý do để bắt cho hợp lý dù rằng trường hợp này, anh cảnh sát hoàn toàn sai trong việc thổi xe cô Brooks lại?
Cần một sự thảo luận ngay thẳng của vấn đề
Qua năm sự kiện trên và rất nhiều sự kiện tương tự mà người chết dưới tay cảnh sát đáng lý ra không nên tiếp tục xảy ra. Chưa kể cảnh sát vẫn chưa đặt vị trí của mình vào vị trí của người dân trước khi nổ súng. Vậy phải chẳng cần có một cuộc thảo luận để tìm hiểu rõ trách nhiệm của người dân thế nào đối với cảnh sát và trách nhiệm cảnh sát đối với người dân ra sao trong mọi tình huống? Phải chăng người dân cần phải hiểu rõ sự nguy hiểm của cảnh sát để từ đó người dân cần phải hợp tác thay vì bỏ chạy, chống đối để đưa đến kết quả không may xảy ra? Phải chăng cảnh sát cần một cơ quan độc lập điều tra mỗi khi người dân bị cảnh sát bắn chết, hoặc bị thổi lại một cách vô lý thuộc dạng phân biệt chủng tộc?
Theo thống kê thì cảnh sát giết thường dân khoảng 1000 người mỗi năm. Và cũng theo thống kê, cảnh sát chết trong lúc thi hành nhiệm vụ, tính trung bình là 176 người mỗi năm. Phải chăng sự khác biệt giữa hai con số này cần phải xem xét lại để đánh giá tại sao số người chết dưới tay của cảnh sát quá cao? Trong số 1000 người bị chết dưới tay cảnh sát mỗi năm thì bao nhiêu người trong số này thực sự tạo ra sự nguy hiểm cho cảnh sát nói riêng và cho người khác nói chung để cảnh sát phải ra tay giết người? Và trong số 1000 này thì bao nhiêu người bị giết mà không đáng bị giết và được sở cảnh sát bao che?
Dĩ nhiên đây là bài viết đưa ra sự thật và đặt một số câu hỏi để chính người Việt nhìn vấn đề trong một cái nhìn toàn diện thay vì chỉ nhìn vấn đề qua một clip ghi lại nào đó rồi đánh giá sự kiện để rồi đánh giá đó không đúng thực tế của vấn đề. Để tránh cái chết vô lý xảy ra với cảnh sát, người dân cần phải hợp tác với cảnh sát. Và nếu cảnh sát vi phạm luật thì sẽ thưa kiện cảnh sát chứ đừng nghĩ rằng mình đúng nên không hợp tác với cảnh sát để khi cái chết xảy ra thì đã quá muộn.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 5 năm 2021 (Việt lịch 4900)