Ý Nghĩa Của Sự Hy Sinh

Người dân Miến Điện biểu tình chống lại nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện làm cho một số người Việt đặt câu hỏi về sự hy sinh của người Việt so với dân tộc Miến Điện. Có người cho rằng người Việt thờ ơ với sinh mệnh của chính mình nên sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống nô lệ thay vì hy sinh tài sản, sinh mạng sống để giành lại quyền tự chủ ở chính bản thân như chính người dân Miến Điện đang làm và đã làm trong quá khứ. Lại có người đặt câu hỏi là trong khi quý vị (người Việt sống ngoài VN) đòi hỏi sự hy sinh của người trong nước vậy quý vị đã có dám hy sinh hay không? Bài viết này mổ xẻ chủ đề hy sinh của người Việt tại hải ngoại cho chuyện đấu tranh dân chủ của người Việt trong nước.

Chữ hy sinh được nhiều người hiểu khác nhau. Đối với người Việt sống tại hải ngoại, những người vẫn quan tâm đến Việt Nam và đấu tranh để mong VN có được tự do dân chủ từ năm 1975 đến nay cho rằng họ đã hy sinh thời gian và gồm cả tiền bạc để góp phần trong cuộc tranh đấu này. Thoạt nghe thấy rất hữu lý nhưng có phải đó là hy sinh hay không? Câu trả lời là chưa có sự hy sinh đúng nghĩa.

Tại sao đó chưa phải là hy sinh đúng nghĩa? Những người Việt đó còn tấm lòng và trái tim hướng về Việt Nam cho nên họ dành thời gian vào cuối tuần hoặc sau giờ làm việc, và đôi khi bỏ tiền để tạo ra những sinh hoạt đấu tranh góp tí lửa tại hải ngoại cùng với những người trong nước. Thời gian cuối tuần, bỏ ra một số tiền mà mình có khả năng thì không phải là hy sinh đúng nghĩa của nó. Hy sinh đúng nghĩa là bỏ toàn thời gian và đôi khi cả tài sản của chính mình để hy sinh cho lý tưởng đấu tranh đó. Hy sinh còn có ý nghĩa khi về già và chết đi, bạn có dám để tài sản bạn hiện có cho những tổ chức đấu tranh người Việt (đặt giả sử có một tổ chức đấu tranh người Việt có chính sách thực tế, có những con người cán bộ liêm chính, gương mẫu, có tâm và tri thức. Điều này thực tế chưa xảy ra) để họ có vốn (tài chính) thực hiện những công tác đấu tranh? Hay bạn sẽ để lại căn nhà, số tiền hiện có cho con cái mà chính con cái bạn đôi khi không cần bởi người Việt sinh và trưởng thành ở Mỹ luôn luôn có cuộc sống tốt đẹp hơn bố mẹ rất nhiều lần, không cần tài sản của bố mẹ nếu bố mẹ qua đời. Nếu bạn chưa dấn thân đến mức chấp nhận hy sinh như vậy thì làm ơn nên thận trọng khi kêu gọi người khác đứng lên chấp nhận hy sinh tài sản, và đôi khi cả tính mạng của họ.

Hy sinh còn phải hiểu ở một cấp độ cao hơn dành cho những đảng phái Việt tại hải ngoại. Những đảng sinh sau, đẻ muộn tại hải ngoại sau 1975; và các chính đảng đã thành lập trước 1975, ra hải ngoại, vẫn chưa chịu hy sinh để vượt lên tinh thần đảng tính – nhằm hợp thành một lực lượng mới, một liên minh mới. 46 năm đã qua, các chính đảng (mới hay cũ) từ từ teo dần nhưng vẫn chưa thấy có sự kết hợp để thành một liên minh. Sự không kết hợp này cũng dễ hiểu bởi nếu kết hợp thì phải dựa trên cương thường nào? Chính vì không có cái cương thường để rồi đi đến tình trạng ai cũng đòi lãnh đạo trong một tổ chức liên minh mới đó. Hình như các chính đảng chỉ kết hợp để thực hiện những công tác có cùng chung một mục đích và chỉ là sự kết hợp ngắn hạn.

Hy sinh đúng nghĩa và người ta sẵn sàng hy sinh đòi hỏi có những nhận thức đúng đắn. Khi không có nhận thức đúng đắn thì khó có sự hy sinh của chính mình và đừng đòi hỏi sự hy sinh của người khác. Thí dụ người mẹ, cô Mindy Trần ở Boston, đã dùng thân của mình để cản chiếc xe đang lăn xuống đường mà hai đứa con cô đang ở trong xe. Khi hoàn cảnh xảy ra và cô Mindy Trần đã làm chuyện hy sinh mà không cần suy nghĩ hoặc chờ đợi ai kêu gọi mình hy sinh.

Những nhận thức đúng đắn đòi hỏi người Việt, các đảng phái Việt ở hải ngoại hy sinh đúng nghĩa cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hoàn toàn không có. Từ đó các đảng phái Việt chưa hợp thành một lực lượng mới. Chưa kể để hình thành một lực lượng mới với các đảng khác mà vẫn giữ tính độc lập, không bị hòa nhập (thôn tính) vào tập hợp mới phải dựa vào cương thường và cái cương thường đó ra sao vẫn chưa có tổ chức chính trị nào nghĩ ra. Một lý do khác khiến mọi người xa lánh các đảng chính trị Việt bởi vì họ không phục vụ quyền lợi của người Việt tại địa phương mà họ chỉ quan tâm đến chuyện chính trị ở Việt Nam. Khi mà đảng phái Việt không hòa nhập vào người Việt tại địa phương để cùng tranh đấu cho quyền lợi của chính người Việt thì đảng phái Việt đã mất địa bàn hậu phương của chính mình. Mà hậu phương (trước mặt và ngay trong đời thường) không có thì đừng tính chuyện xa vời đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ ở tương lai (cách xa cả một bờ Thái Bình Dương).

Khi mà tình trạng kỳ thị chống người dân Á Châu đang xảy ra ở khắp nơi trên nước Mỹ, các đảng phái chính trị, các tổ chức gọi là đại diện cộng đồng Việt Nam đã làm gì để đối phó với vấn đề này? Phải chăng sự im lặng của các tổ chức chính trị, của các cộng đồng Việt, từ việc chống kỳ thị Á Châu đến việc người Việt dùng cờ vàng để tấn công vào căn nhà Quốc Hội Hoa Kỳ cho thấy sự yếu kém, không đi vào quần chúng của đại diện cộng đồng người Việt và các đảng phái chính trị? Làm chính trị mà không dựa vào dân thì giống như đi buôn mà không cần vốn. Trong lúc đợi những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp giải thích lý do tại sao đi làm chính trị mà không cần dân thì có lẽ người dân bình thường cũng trả lời được câu hỏi đi buôn kiểu gì mà không cần vốn. Chưa kể đảng phái chính trị đứng sau lưng phát cờ vàng một cách vô tội vạ tại D.C vào ngày 6 tháng 1 để lá cờ vàng tung bay trên căn nhà Quốc Hội, ngày mà người ta gọi là phản dân chủ. Đây là hình thức ném đá giấu tay. Thành công thì lên tiếng còn thất bại thì im lặng.

Đã có người trẻ ở Nam Cali cho rằng cộng đồng Việt chỉ lợi dụng lòng tốt của tuổi trẻ nhằm mục đích lấy credit của những việc mà người trẻ làm. Nếu vẫn tiếp tục như thế, cái gọi là cộng đồng người Việt sẽ chết hoặc bị bàn tay nối dài của cộng sản thao túng ở tương lai — khi người trẻ Việt lớn lên ở Mỹ đã không được đối xử trong sự tử tế, tôn trọng mà chỉ được đối xử như hàng con cháu “ngơ ngáo không biết” gì thì sự hợp tác với những người gọi là đại diện (chính trị và cộng đồng) xem khó mà xảy ra để tạo sức mạnh của người Việt.

Bài viết này mục đích nói lên cái hy sinh đúng nghĩa hay còn gọi là hy sinh ở cấp độ cao. Hy sinh cũng giống như sự tu hành để ngộ, hoặc tu dưỡng bản thân để sống cho Người một tí, có nhiều cấp độ khác nhau. Phải biết mình ở cấp độ nào để có thể chuyển đạt (tác động) cái hy sinh đó đến người khác. Sự hy sinh của chính bản thân chỉ ở cấp độ tiểu học mà cứ gào thét đòi hỏi người khác hy sinh ở cấp đại học thì không nên. Cũng đừng lầm lẫn việc đấu tranh vì tấm lòng, vì trái tim Việt nên bỏ thời gian, tiền bạc vào chuyện đấu tranh (cuối tuần) để gọi đó là hy sinh. Nói thế thì đã làm mất cái ý nghĩa của hy sinh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 3 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s