Tại sao phải khởi đầu công việc tu dưỡng bản thân bằng cái ăn? Bởi vì nhu cầu trước tiên của con người là ăn. Không ăn thì thân thể sẽ bị hao mòn và cuối cùng thì chết. Cho nên cái ăn rất là quan trọng cho cơ thể.
Theo sách của Phật Giáo do các nhà sư viết cho rằng nên nhai thật nhỏ thành nước rồi mới nuốt vào. Theo các nhà dưỡng sinh thì cũng nói điều này. Và khoa học cũng chứng minh khi ăn, nhai thật nhiễn và nuốt thì tốt cho bao tử, đỡ làm việc mệt nhọc và đỡ bị mập.
Bao tử của chúng ta cần một thời gian để gửi tín hiệu đến bộ não là đã đầy. Cho nên khi nhai nhiễn và nuốt, thời gian ăn sẽ lâu, và đủ để tín hiệu gửi ra là ta đã no, lúc đó thì ta sẽ ăn ít hơn. Còn ăn dồn dập, ăn thật lẹ, lúc tín hiệu gửi ra thì chúng ta đã ăn quá nhiều, tạo ra sự tức bụng (mệt sau khi ăn).
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì số đông chúng ta ăn rất lẹ bởi thời gian không cho phép. Chưa kể ăn một tiếng thì thức ăn đã nguội lạnh. Thông thường chúng ta ăn cơm tối, nếu không nói chuyện thì khoảng 10 đến 15 phút. Đó là thực tế và thực tế này rất hợp lý. Chưa có sự nghiên cứu để chứng minh là số đông ăn bình thường so với người nhai như đề nghị của các vị sư, hoặc các nghiên cứu để đưa ra kết quả về sức khỏe ra sao giữa hai khối người này. Chính vì thế bài viết này sẽ không nói về nhai.
Nếu đã gọi là ăn thì nên dành thời gian ăn chậm rãi (nhai từ từ chứ không phải ngốn thật nhiều) để thưởng thức món ăn, cho dù là món ăn rất là tầm thường, dân dã. Cần phải tập ăn uống thật đơn giản phòng trường hợp có những lúc chúng ta lên voi, xuống chó (lúc giàu, nghèo) thì mình vẫn có thể sống với những thực phẩm đơn giản kiếm được ngoài thiên nhiên.
Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Nói thế không có nghĩa là chúng ta từ chối những món ăn ngon, hoặc không sáng chế món ăn ngon. Cái ăn của con người càng ngày càng được cải tiến ngon hơn, rẻ hơn. Nhưng ngược lại cái ăn của người Việt hôm nay cần phải đánh giá lại vài món ăn mà nên loại bỏ bởi chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21 chứ không phải thế kỷ thứ 19, 20.
Tại sao phải ăn tiết canh Vịt, Chó, Heo? Tiết canh làm bằng máu sống của những con vật này. Mà máu sống của thú vật để ngoài trời dễ bị có những vi khuẩn làm cho chúng ta bệnh hoặc ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta về sau. Chưa kể ăn máu sống xem có vẻ man rợ, giống thời nguyên thủy loài người.
Còn về thịt thì tại sao phải ăn thịt chó, thịt mèo, những con vật sống trong nhà của chúng ta? Ngày xưa còn viện lý do thiếu thức ăn cho nên phải giết thú vật trong nhà để ăn. Còn ngày nay, thức ăn đầy đủ thì tại sao vẫn có người ăn thịt chó, thịt mèo để rồi tạo ra cảnh trộm chó, trộm mèo.
Người Việt tại các quốc gia Phương Tây mỗi lần họp mặt thì thức ăn rất là nhiều. Ăn xong còn phải lấy đem về nhà bởi chủ nhà làm đồ ăn quá nhiều hoặc mọi người đem đồ ăn đến quá nhiều. Người xưa thường nói “giận quá mất khôn” hoặc “ăn nhiều quá mất ngon”. Vậy thì tại sao chúng ta không thực hiện lời nói của người xưa là mỗi khi có tiệc tùng, làm thức ăn vừa đủ, cho dù thiếu nhưng mọi người sẽ cảm thấy ngon bởi không phải ăn quá nhiều?
Khi nói về ăn thì không thể nào quên được chuyện nấu nướng. Chúng ta không thể nào chỉ ăn những món người khác làm mà chúng ta không tự chính mình làm những món ăn cho bản thân hoặc gia đình mình. Đây là tính độc lập và cũng là công việc hằng ngày của cuộc sống. Nếu không biết nấu và thiên tai xảy ra, ai sẽ làm chuyện nấu ăn mà chỉ có mình duy nhất sống trong một khoảng thời gian nào đó không có ai ở chung quanh? Đã là con người thì phải biết nấu ăn. Có thể chúng ta nấu ăn không ngon lắm nhưng ít nhất những căn bản về nấu ăn cần phải biết để phòng những trường hợp tự mình lo chuyện ăn uống cho chính mình.
Ăn và ngủ là hai nhu cầu cho cơ thể. Tránh ăn quá khuya bởi theo thống kê, những người ăn khuya thường hay bị mập, thức khuya hoặc bị những căn bệnh khác vì hệ quả của ăn khuya. Cố gắng ăn cơm tối trước 7 giờ tối.
Vấn đề ngủ rất là cần thiết cho cơ thể ngoài cái ăn. Cơ thể của chúng ta thường có những giờ giấc nhất định và do chính chúng ta quyết định cho những giờ giấc đó. Nếu chúng ta thức khuya thường xuyên, để đi ngủ lúc 10 giờ tối — thì phải là một sự khó khăn bởi cơ thể chúng ta đã quen với giờ giấc đó. Cái quan trọng không phải là đi ngủ vào lúc mấy giờ mà chúng ta có bao nhiêu tiếng để ngủ. Thông thường, một người trưởng thành trên 18 tuổi thì nhu cầu ngủ cho ban đêm là 8 tiếng. Tùy theo công việc của mỗi cá nhân, giờ giấc ngủ sắp xếp làm sao cho cơ thể có đủ ít nhất 8 tiếng ngủ để phục hồi lại sức lực, trí tuệ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nếu điều kiện làm việc cho phép, nửa tiếng ngủ trưa rất là tốt cho cơ thể ngoài 8 tiếng ngủ vào ban đêm.
Có những cá nhân ngủ rất là khó. Cần phải tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết chứ không thể nào dựa vào thuốc ngủ bởi đó không phải là cách giải quyết lâu dài, chưa kể thuốc ngủ làm hại đến sức khỏe của chính bản thân. Cái quan trọng là khi vào ngủ, cần phải loại bỏ tất cả những vấn đề trong ngày, những bực mình trong ngày thì lúc đó đầu óc của chúng ta mới có thể nghỉ ngơi bằng một giấc ngủ ngon lành.
Nói chung ăn và ngủ là hai chuyện tương đối dễ làm với điều kiện là chúng ta phải có quyết tâm, ý chí để thực hiện ngủ đúng giờ giấc và ngủ đủ 8 tiếng; đồng thời ăn thật đơn giản, đúng giờ giấc để cơ thể chúng ta có một sự làm việc điều hòa. Từ đó tạo cho sức khỏe chúng ta tốt hơn, trí tuệ của chúng ta sẽ sáng hơn khi mà sức khỏe được điều hòa. Khi cơ thể chúng ta chấp nhận làm việc đúng giờ giấc thì giấc ngủ trở nên rất là dễ dàng.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 11 năm 2020 (Việt Lịch 4899)