Nền dân chủ của Hoa Kỳ dựa trên sinh hoạt lưỡng đảng và hiện nay đang đi vào giai đoạn phân hóa cùng cực. Chúng ta thử tìm hiểu để tránh cho VN mai sau và những ai đang cố gắng thực hiện một hiến pháp cho VN suy nghĩ thêm.
Ai cũng biết chủ trương của hai đảng (xem wikipedia) và hiến pháp Mỹ không xác định là phải hai đảng (vẫn có Green party và Liberty party và có đảng cộng sản nhưng hoạt động không mạnh và thành viên khoảng 10 ngàn).
Vậy trước hết khẳng định rằng ai nói đảng Dân Chủ là theo chủ nghĩa Marx, “socialist” là sai. Sự tăng thuế hay giảm thuế của một chính quyền vẫn không thể làm thay đổi hiến pháp và người dân vẫn có thể làm giàu hợp pháp. Phải chăng những kẻ tố cáo “socialist” chỉ muốn chế độ “người bóc lột người” mới là dân chủ, tư bản?
Hai quan niệm chính là “bảo thủ” (conservative) và “tiến bộ” (liberty, progressive) là lối chơi của chính trị Mỹ khi gạt bỏ triết học, tôn giáo ra khỏi chính trị. Khi người dân mất khả năng lý luận thì chỉ là công cụ trong trò chơi của các chính trị gia và đảng phái.
Chúng ta là người ngoài, di dân đến đất Mỹ. Cũng như tất cả các nhóm di dân khác, chúng ta tự hỏi:
Nếu bảo thủ (đảng Cộng Hòa) chủ trương giữ truyền thống tốt đẹp, nhân bản, giá trị gia đình, lối sống, văn hóa (Christian, Evangelical) thì chẳng lẽ những người theo đảng Dân Chủ không có nhân bản, giá trị gia đình? Hay cho đó là xấu phải dẹp bỏ?
Ngược lại nếu đảng Dân Chủ chủ trương tiến bộ, tìm cái mới hay hơn để theo (vì văn hóa là nếp sống có thay đổi thì “văn” mới “hóa”, có học hỏi, trao đổi thì có tiến hóa). Chẳng lẽ vì chủ trương thay đổi để tiến bộ sẽ khiến những người theo đảng Dân Chủ không có gia đình, không có văn hóa, nhân bản? Và nếu họ không tin vào lối sống, văn hóa của người Cộng Hòa thì họ là kẻ thù hay sao?
Nếu đảng Dân Chủ chủ trương tự do, tiến bộ, không nhất định bảo vệ văn hóa cũ hay đạo đức thì hóa ra họ sống vô đạo đức hay sao? Hay mất văn hóa? Trong khi họ vẫn sống, đi làm và đóng góp vào sinh hoạt xã hội. Cho dù họ sống không hôn thú, cho phép phá thai hay không tin Chúa hay những truyền thống cũ thì có trở thành kẻ thù của người Cộng Hòa và ngăn cản họ nắm giữ chính quyền. Nếu họ không ngăn cấm bạn thì tại sao bạn lại chống sự cầm quyền của họ trong các cuộc tranh cử?
Còn chủ trương công bằng xã hội (đảng Dân Chủ ) thì đảng Cộng Hòa nghĩ sao? Không có công bằng xã hội thì sẽ có đấu tranh, cách mạng như cuộc nội chiến 1861-1865 chỉ vì vấn đề nô lệ da đen. Nếu chỉ lo cho văn hoá, gia đình, đạo đức mà không có công bằng thì đó là xã hội gì? Phong kiến?
Vậy thì khi đảng Cộng Hòa muốn giảm vai trò của chính quyền, cắt ngân sách về xã hội, an sinh, giáo dục, giảm thuế… thì không thể có một chính quyền mạnh để cứu dân khi thiên tai, bão lụt, cháy rừng, động đất. Khi các đại công ty bức hiếp dân tiêu thụ, tăng giá thuốc men gấp 7000 lần thì ai che chở, ngăn chận để giúp dân đen? Chính phủ.
Không phải bất cứ người dân nào cũng có thể làm giàu cho dù họ cố gắng đến đâu đi nữa nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền. Có người thành công thì có người thất bại. Khi sự tranh đấu trong cuộc sống xã hội vùi dập cá nhân văng ra khỏi hệ thống, con người trở nên bại liệt, mất tinh thần, suy sụp… thì ai cứu giúp họ: Màng lưới an sinh xã hội.
Khi đảng Cộng Hòa chủ trương tự do kinh doanh, nhà nước đừng can thiệp vào… để các doanh thương tự do bóc lột người tiêu thụ cho đến khi có tiếng kêu than thì mới giải hòa, răn đe đôi chút rồi đâu lại vào đấy. Hãy nhìn những người di dân đến đất Mỹ, cam chịu làm lao động để vươn lên. Nhưng người di dân bất hợp pháp còn sống tệ hại hơn dưới sự bóc lột của người bản xứ vì “bất hợp pháp” nên những người này không thể vươn lên cho tới khi họ được hợp pháp. HỌ là nô lệ thời đại của những ai cổ võ giá trị “gia đình, nhân bản”.
Mỗi khi cắt thuế, giảm thuế là kẻ giàu, các đại công ty hưởng lợi nhiều hơn dân nghèo. Lối giải thích “nhỏ giọt” (trickle down) là người giàu sẽ bỏ tiền làm ăn và tạo công việc cho dân nghèo? Đó là lối bào chữa ngụy biện vì nối tiếp sự giàu bóc lột nghèo. Nếu thành công thì nhà giàu sẽ giàu hơn. Nếu thất bại thì nhà giàu được trừ thuế và nhà nghèo lại đi tìm việc. Chuyện ăn tiền thất nghiệp là nói cho vui thôi vì chịu đủ thứ hạch sách để người thất nghiệp chán nản và phải nhận làm bất cứ việc gì có thể làm. Phải chẳng đó là “nhân bản”?
Khi nhà giàu kêu gọi “law and order” chỉ là luật pháp của kẻ mạnh có tiền mướn luật sư thưa kiện, đe dọa dân đen, vận động thay đổi luật có lợi cho họ. Luật pháp và trật tự vẫn còn đó khi hiến pháp không thay đổi. Nhưng chỉ có kẻ biết luật mới tìm ra lỗ hổng để chui lòn. Luật pháp và trật tự chỉ dành cho dân đen, những kẻ hiền lành, khù khờ … tin vào sự lương thiện của người khác. Sự kiện giới nhà giàu ngày càng giàu thêm và dân nghèo thì càng nghèo cho thấy sự móc ngoặc giữa các chính trị gia và tài phiệt. Khi chính quyền điều tra những vụ gian lận của công ty thì chỉ có thiểu số bị tù (xem link cbsnews), còn thông thường là chỉ phạt vạ và công ty ghi nhận “không làm gì sai trái” (not wrong doing). Không sai trái thì tại sao phải đóng phạt? Có công ty bị phạt bạc tỷ (Exxon, BP, Purdue…) nhưng công ty đã kiếm lời hàng trăm tỷ để chịu phạt chút đỉnh với kết quả “không có gì sai trái” (not wrong doing) trong hồ sơ. Và khi hồ sơ “trong sạch” như vậy thì có tái phạm vẫn là lần đầu và nếu kết quả lại “không sai trái” thì cứ thế làm hoài.
Ai bảo Mỹ có công bằng xã hội khi con số tỷ phú, triệu phú ngày càng tăng và nắm gần hết các lợi tức kinh tế trong khi con số dân nghèo với số lương rẻ mạt vẫn sống chật vật với giá sinh hoạt. Khi công đoàn bị tòa án và chính quyền Cộng Hòa cắt giảm khả năng tranh đấu cho công nhân thì mỗi khi công nhân tranh đấu đòi tăng lương thì bị sa thải và kẻ thay thế lãnh ít lương hơn. Khi kinh tế suy yếu thì chủ hãng sa thải nhân công để giảm chi và nâng cao cổ phiếu khiến các nhà đầu tư tưởng rằng công ty làm ăn khấm khá.
Những ai biện minh cho kẻ nhà giàu có cố gắng và nhà nghèo không chịu vươn lên. Nhưng rõ ràng về tâm lý thì ai chẳng muốn làm giàu và nhà giàu thì muốn giàu thêm và khi giàu thì tìm cách trốn thuế chưa kể là vận động Quốc Hội để được trợ cấp, giảm thuế, khấu trừ thiệt hại kinh doanh…. Trong khi người nghèo làm được bao nhiêu thì nhà nước đã đánh thuế ngay trên số lương hàng tháng. Hệ thống tư bản cố tình tạo những xung đột xã hội để có đấu tranh và các nhà chính trị có dịp lên tiếng, tranh cử để gọi là bảo vệ quyền lợi cho dân nhưng thực tế là bảo vệ “công việc” (jobs) của họ. (dữ kiện từ website Moneyconnexion)
Hệ thống lưỡng đảng xem ra có vẻ dân chủ nhưng thực tế là khép chặt người dân không còn chọn lựa nào khác: nếu anh không ủng hộ Dân Chủ thì ra anh ủng hộ Cộng Hòa và ngược lại. Đảng thứ ba hay ứng cử viên độc lập rất khó mà ngoi lên khi hai đảng kiểm soát chặt chẽ từ hạ tầng cơ sở cùng với sự yểm trợ của các nhà tư bản, tài phiệt.
Thử hỏi nếu hệ thống chính trị ngay thẳng, người dân tự chủ không bị mê hoặc bởi các chính trị gia, đảng phái bịp bợm thì xã hội yên bình, không kẻ bóc lột, ức hiếp người khác thì đâu còn tranh chấp để các chính khách lộng hành.
Nhân cách, lương tâm, đạo đức, lý luận … là những gì mà Tư bản và Cộng sản che dấu, đổ tội cho nhau để đánh lạc hướng người dân. Có như vậy chính khách mới có cơ hội thao túng trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo không dám vạch mặt chỉ tên những kẻ hại dân mà chỉ kêu gọi dân đen tiếp tục chịu đựng.
Hệ thống lưỡng đảng được đưa ra như cân bằng Âm-Dương để bổ túc cho nhau, đối lập nhưng thống nhất chứ không phải bôi xấu, chụp mũ, vu khống, triệt hạ, tìm cách gian lận trong mùa bầu cử hay xúi giục bạo động. Cái xấu phát sinh từ lòng người ích kỷ chỉ chú trọng đến cái lợi, cái mình muốn mà quên đi xã hội. Khi xã hội bất công, bất ổn thì bạn có vui sướng để hưởng thụ hay không?
Khi có tranh chấp thì người ta thường lôi tôn giáo, hiến pháp ra để dẫn chứng sự hợp lý của mình. Nhưng họ quên đi tôn giáo chỉ là sản phẩm của loài người và thượng đế vẫn chỉ là vô hình. Còn hiến pháp là nền tảng của sinh hoạt dân chủ để duy trì quốc gia dưới một chính quyền mà hiến pháp quy định. Nếu bạn cho rằng tự do ngôn luận để nhục mạ, đe dọa người khác (nói thôi mà, chứ chưa làm?) và có quyền mang súng ra đường thì mục đích là gì? Phải chăng bạn đang phá nát cái hiến pháp và quốc gia mà bạn tưởng rằng bạn đang bảo vệ nó.
Nếu bạn muốn xây dựng đất nước bằng tay phải (Cộng Hòa) thì người khác làm bằng tay trái (Dân Chủ). Nếu bạn cho rằng nhà giàu mới đóng góp cho nước Mỹ thì thử hỏi những người di dân đến đất Mỹ đã từ tay trắng lập nên sự nghiệp thì có phải là từ dân đen làm nên nhà giàu (từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống).
Có ai sinh ra mà tự nhiên giàu đâu? Loài người từ ăn lông ở lỗ cho đến nền văn minh hôm nay là nhờ làm việc. Có ai làm giàu một mình đâu, họ đều phải dựa vào xã hội (người khác, người nghèo, những gì người đi trước để lại). Vậy nếu phải đóng thuế nhiều (39%) thì họ vẫn giàu cơ mà? Tại sao phải chửi rủa những kẻ kém may mắn? Cho dù họ có lười biếng thì đó là họ tự làm khổ họ. Bạn đã giàu thì cứ vui đi, tại sao lại đi soi mói chuyện của những người kém may mắn hơn bạn? Phải chăng thượng đế đã răn dạy bạn đối xử với đồng bào như thế chăng?
Thật buồn cười khi tranh cử thì tha hồ nói láo, dùng đủ mọi thủ đoạn để thắng cử nhưng khi nhậm chức thì đặt tay trên thánh kinh thề (oath). Vậy thì lời thề có giá trị khi bạn đã gian lận để thắng? Nếu bạn đã lừa gạt dân để thắng cử thì sau đó lời tuyên thệ phục vụ nhân dân thì ai sẽ tin?
Phải chăng hệ thống lưỡng đảng là trò hề dân chủ của Mỹ mà sau 45 năm sống trên đất Mỹ người Việt vẫn chưa nhìn ra?
Vậy thì tại sao chép hiến pháp Mỹ để soạn thảo một hiến pháp cho VN tương lai làm gì khi chúng ta chưa có con người lương thiện, tử tế.
Đảng Dân Chủ chưa phải là một đảng lý tưởng nhưng đảng Cộng Hòa đã tự hủy khi để một cá nhân mất dạy lên làm tổng thống và buồn thay nhóm người Việt “cuồng Trump” chạy theo với những lời cổ võ của người mất lương tri nhân loại.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)