Bạn thân
Chúng ta thường nhận nhiều lá thư điện tử. Những lá thư này phân chia ra nhiều loại. Tuy nhiên có hai loại nên chia sẻ để chúng ta có sự giải thích tại sao người nhận im lặng, không trả lời.
Loại một là thư gửi những đường link về một tin tức nào đó. Ở loại này, người gửi không cần trả lời. Và nếu ai đó đọc bài, có ý kiến cá nhân cho bài viết đó mà muốn chia sẻ ý kiến đó thì sẽ gửi lại cho người gửi bài hoặc gửi lại cho toàn nhóm trong điện thư đó. Người gửi bài không mong mỏi ai đó gửi lời chia sẻ. Đây là loại điện thư một chiều. Loại này có giá trị hay không có giá trị tùy theo tri thức của người gửi và của người nhận.
Loại hai là trao đổi vấn đề trong sinh hoạt của một tổ chức hay một vài cá nhân nào đó. Đã là trao đổi thì người gửi mong người nhận (một hay nhiều người) đáp lại đề tài đã viết trong thư và người nhận, đặc biệt là cá nhân được nhắc đến trong lá thư, bắt buộc phải trả lời lá thư từ người gửi. Đó là phép lịch sự, phép tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên vấn đề không giản dị như thế bởi cuộc đời, ngay cả những điện thư, không đơn giản như chúng ta tưởng; và chúng ta cần phải tìm hiểu cái không đơn giản đó, hầu có lối ứng xử với nhau như Con Người đối với Con Người.
Loại hai là loại khá phức tạp bởi có nhiều trường hợp mà lối ứng xử của người trong cuộc đôi khi im lặng là cách tốt nhất. Hãy nhìn vài trường hợp im lặng và cùng nhau suy đoán tại sao im lặng.
Im lặng vì quá hiểu nhau
Nếu A và B, gửi ra điện thư cho mọi người trong nhóm trên 30 người, đưa ra một vấn đề cần giải quyết trong sinh hoạt của nhóm mà người viết thư than phiền là sự sinh hoạt mang tính dân chủ giả hiệu, không tôn trọng những người sinh hoạt và đề nghị phải có sự thay đổi, đặc biệt là người lãnh đạo (leadership) hầu tạo ra cách làm việc mới, hy vọng có hiệu quả hơn cách làm việc hiện tại.
Thư đó được người lãnh đạo (nhưng lại không nhận là lãnh đạo) hồi âm và cho rằng sinh hoạt của nhóm không cần lãnh đạo mà dựa vào phương thức cơ năng và bản vị, đồng thời kêu gọi người viết thư nên nói chuyện thẳng, nếu thắc mắc về cách ứng xử của người “lãnh đạo”. Đó là lá thư trả lời duy nhất cho hai người đặt vấn đề sinh hoạt dân chủ của nhóm trong danh sách hơn 30 người trong nhóm. Tại sao vậy? Tại sao hai người đặt ra vấn đề không tiếp tục gửi điện thư để đáp lại lời mời của người “lãnh đạo”?
- Có thể hai người đặt vấn đề đã hiểu nhiều về cá nhân gửi thư trả lời. Vì quá hiểu, họ thấy không cần phải tiếp tục tranh luận nên không gửi thư hồi đáp từ người “lãnh đạo”. Câu nói “nói với đầu gối” áp dụng trong trường hợp này. Bởi người “lãnh đạo” ngoan cố, không chịu sửa đổi, đã nói nhiều lần nhưng “cây” đã cong, đã già thì làm sao uốn nắn được nữa, cho nên hai người gửi thư im lặng trước lá thư hồi âm người “lãnh đạo”.
- Còn cái tập thể trên 30 người đó thì sao? Có thể trong số 30 người này cũng có cùng một suy tư như hai người gửi thư — cho nên họ chẳng thèm lên tiếng, bởi lên tiếng sẽ đạt cái gì khi mà người “lãnh đạo” chơi kiểu ngụy biện, không cho mình là “lãnh đạo” nhưng lối ứng xử, hành xử không thua gì những người lãnh đạo độc tài. Đó là cũng là lý do hơn 30 người trong danh sách, không ai đáp lại lá thư của người lãnh đạo cùng với lá thư mà hai người đầu đặt vấn đề. Họ chọn thái độ “nói chuyện với đầu gối” vẫn tốt hơn.
- Một trường hợp khác, cũng có thể 30 người kia không đồng ý với hai người đặt ra vấn đề sinh hoạt thiếu dân chủ cho nên im lặng để chờ đợi “lãnh đạo” trả lời như là ý kiến của mình trả lời.
- Hoặc trường hợp thứ ba, gồm nửa ở phái “nói chuyện với đầu gối”, một nửa ở phái của “lãnh đạo” chỉ chờ “lãnh đạo” trả lời là đủ lắm rồi, đâu cần phải lên tiếng.
Dù ở bất cứ trường hợp nào, sinh hoạt của một nhóm trên 30 người mà sự tham dự với một vấn đề đặt ra khá quan trọng nhưng chỉ có một người trả lời, số còn lại im lặng thì đó là một tổ chức đã chết, đã không còn hữu hiệu. Phải chăng cần nhìn lại danh sách trên 30 người đó, ai thực sự muốn tiếp tục sinh hoạt chung với nhau nhưng cần phải thay đổi cách làm việc, thái độ làm việc? Còn nếu ai đó vẫn chấp nhận lối làm việc hiện giờ thì phải chăng, cái danh sách địa chỉ email của nhóm cần phải điều chỉnh, chỉ để những người thực sự quan tâm, cùng một chí hướng theo tục ngữ “trâu tìm trâu, mã tìm mã” thì mới làm việc hữu hiệu thay vì có một danh sách hơn 30 người nhưng chỉ là hình thức?
Im lặng vì một lý do khác
Có trường hợp người gửi thư đặt vấn đề là A nhưng người trả lời không giải quyết vấn đề A mà dùng sự kiện B để trả lời vấn đề A đã đặt ra. Ở trường hợp này, người gửi thư không cần thiết phải trả lời cho người hồi âm thư nếu, qua kinh nghiệm trao đổi, hiểu rõ người trả lời thư, cho nên dù có hồi âm rồi cũng sẽ trở về tình trạng “nói chuyện với đầu gối”. Cách tốt nhất là im lặng. Bởi khi người ta chạy trốn vấn đề đặt ra tức là người ta sợ đối diện với sự thật. Mà ai sợ đối diện với sự thật thì họ sẽ có hai thái độ: một là ngụy biện để chứng minh cái sự thật đó rất hợp lý; hai là đổi đề tài, đưa ra đề tài B để đặt lại với người đã đưa ra vấn đề trước đó.
Xin được chia sẻ với các bạn về thái độ im lặng của vài người, của nhóm người, hay của một người cho những điện thư mà chúng ta nhận hằng ngày, hay cho những điện thư mà chính chúng ta gửi ra. Dĩ nhiên đây chỉ là cái nhìn cá nhân, qua kinh nghiệm bản thân. Có những trường hợp khác mà người viết thư này chưa gặp nên sự trình bày vẫn chưa hoàn hảo.
Sống làm Con Người đã khó. Làm những Con Người tập hợp với nhau để làm việc chung lại càng khó hơn. Hai điều kiện quan trọng cần phải có để làm việc chung với nhau là Chữ Tín (Trust) và Tôn Trọng (Respect). Khi hai tiêu chuẩn này không có thì đừng hòng sự làm việc chung lâu dài, nếu không muốn nói là sự làm việc chung đó là chỉ để lợi dụng lẫn nhau.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 10 năm 2019 (Việt Lịch 4898)