Vị tha giữa tội ác và nhân lý
Thầy Levinas đề nghị một loạt những chỉ báo sau đây để nhận ra bản lai diện mạo của cái ác đã làm nên tội ác:
• Trước hết, nên tách nguồn cơn của cái ác và thủ phạm gây tội ác, nơi mà cái ác đã có mặt vì đã có trước ngay trong tâm-trí-lực của thủ phạm.
• Câu chuyện đã có mặt vì đã có trước trong tâm-trí-lực của thủ phạm nên cái ác có thể kể được sau khi nó đã làm nên tội ác, và cái ác sẽ không xuất hiện khi không có ngôn ngữ và hành động tới để thể hiện nó.
• Không thể trông chờ từ thượng đế tới tôn giáo để giải thích cái ác, cũng như không trông mong đạo đức học giải luận cái ác, vì cái ác được khám phá trong sự bất ngờ, trong sự đột biến với cường độ không tưởng tượng được, với mật độ không lường được, với tốc độ không đoán được của nó.
Thầy Ricoeur thì đề nghị phải thấy để thấu bản lai diện mạo của cái ác đã làm nên tội ác:
• Mặc dầu chúng ta không giải thích được trọn vẹn, không phân tích được đầy đủ về sự xuất hiện của cái ác đã làm nên tội ác, nhưng chúng ta hiểu được hậu quả và hậu nạn do nó gây ra.
• Khi chúng ta hiểu được hậu quả và hậu nạn của tội ác, thì chúng ta phải đặt tên cho nó, để thực hiện được chuyện đúng người-đúng tội, và chuyện nó có tên giúp ta tố cáo nó trước đạo lý và pháp lý.
• Khi chúng ta hiểu rồi đặt tên cho cái ác đã gây lên tội ác, thì chúng chúng ta phải cho cái ác một không gian riêng của nó để chúng ta luôn nhận diện, dạng, dáng của nó ngay trong không gian của lịch sử của nó.
Khi kết hợp hai khu vực giải luận về cái ác của hai thầy Levinas và Ricoeur, chúng ta sẽ có những định hướng để hiểu thêm về cái ác đã gây ra tội ác, mà nội công cùng bản lĩnh của vị tha phải có những chính kiến sau:
• Sự có mặt của cái ác trong không gian của nhân lý để luôn nhận ra nó đang đối diện như một phản diện chống cái nhân làm nên cái tốt, cái thiện làm ra cái lành, sẽ giúp chúng ta củng cố rồi bồi dưỡng chính đạo lý và đạo đức của chúng ta và các thế hệ mai hậu.
• Vạch mặt chỉ tên cái ác đã gây ra tội ác chính là lập ra lý lịch của tội ác để vô hiệu hóa cái ác, để bảo vệ cái nhân, cái tốt, cái thiện, cái lành, cùng là để bảo trị vị tha trước cái ác luôn muốn truy diệt nó.
• Sứ mệnh làm nên bổn phận và trách nhiệm của vị tha không phải để dung tha cái ác, tha thứ tội ác, khoan hồng thủ phạm gây ra tội ác. Mà cũng không phải phân tích để thông cảm với cái ác, giải thích để xí xóa tội ác, để «phóng sinh» tội phạm. Mà là nhận diện rồi đối diện với cái ác, trực diện với tội ác để đấu tranh chống tội phạm, để ngăn các cá nhân đang chuẩn bị đi trên quỷ lộ của tội ác.
Đối với Việt tộc, trước các tội ác của ĐCSVN từ gần một thế kỷ nay, thì các thế hệ mai hậu phải đi xa, sâu, cao, rộng để định vị cho vị tha. Cụ thể, là sẽ không có phát triển đất nước, sẽ không có tiến bộ xã hội, sẽ không có văn minh dân tộc nếu không có một khu vực của khoa học xã hội và nhân văn thông hiểu tường tận về sự vận hành của cái ác, về các hành động của tội ác, nếu không thấy được để nhận ra:
• Cái thâm, cái độc, cái hiểm làm nên cái ác của bạo quyền độc đảng công an trị.
• Cái tồi, cái tục, cái dở làm nên cái xấu của tà quyền độc đảng tham nhũng trị.
• Cái bất nhân làm nên thất đức của tuyên truyền trị làm nên ngu dân trị, của độc quyền trị làm nên thanh trừng trị.
Vị tha: cường độ, mật độ, trình độ
Câu hỏi của đạo đức học về vị tha phải có nền của tri thức học, có móng của hiện tượng học, và có tường cùng mái của luật học: nếu tòa án hình sự bình thường thì chỉ xử tội ác của một cá nhân thôi, thì tòa án này có đủ cường độ tri thức, mật độ ý thức làm nên trình độ nhận thức của nó để xử tội ác diệt chủng hằng triệu người hay không? Từ tội ác diệt chủng của Đức quốc xã chống người Do Thái trong đệ nhị thế chiến tới tội ác diệt chủng của Khmers đỏ của Pon Pot, thì phải lập loại tòa án nào cho thích hợp tự pháp lý tới đạo lý? Tại đây, phạm trù lý luận của vị tha phải đủ nội lực để xem rồi xét, và xét rồi xử các tội ác của các chính quyền với các chính sách giết người hàng loạt, giết cả thế hệ, giết hẳn một sắc tộc…
Các câu trả lời phải có cấu trúc lý luận từ gốc tới ngọn:
• Tội ác tới từ bạo động, vừa có hậu quả, vừa có nạn nhân, lại mang các hậu nạn từ hiện tại tới tương lai. Mà hậu quả trước mắt thì dự đoán được, hậu nạn dài lâu trong tương lai thì không tiên đoán được rành mạch, câu chuyện đời cha ăn mặn, đời con khát nước là câu chuyện dại không dự đoán được qua nhiều thế hệ.
• Bạo động thì có tác nhân và nạn nhân, nhưng bạo động lại leo thang trong quá trình oán trả oán, mắt đổi mắt, răng đổi răng, với thời gian thì bạo động nhập vào quá trình ăn miếng trả miếng, và từ tác nhân tới nạn nhân không ai kiểm soát được quá trình leo thang của bạo động.
• Xem tội ác để xử tội nhân, thì trước hết phải thấy tội phạm rồi thấu tội đồ, tại đây phải đặt thủ phạm của tội ác vào khung của pháp luật. Nơi mà thủ phạm được phân xử qua đạo lý của công bằng, và thủ phạm được trần tình qua lời nói của mình, và lời nói này được thâu nhận như dữ kiện, như chứng từ của thủ phạm.
Tại đây, nội dung của vị tha đã nhập nội vào một quá trình tới từ sự công bằng của công lý đã làm ra công luật:
• Khi thủ phạm của tội ác được phân trần thì thủ phạm này không những đưa ra các dữ kiện, các chứng từ, mà còn đưa ra các quan điểm chủ quan tạo nên luận điểm riêng của thủ phạm. Chính những luận điểm riêng này của thủ phạm sẽ tạo ra một cơ hội cho các nguyên tắc đạo lý của vị tha được hành tác bằng đối luận qua đối thoại.
• Thấy thủ phạm của tội ác và nghe được luận điểm của thủ phạm, để từ đây vị tha vận dụng những đối lực để đối trọng với tội ác, đối kháng để đối diện với thủ phạm bằng lý luận vừa của pháp lý, vừa của đạo lý. Vị tha không đứng chung chiến tuyến với thủ phạm của tội ác, theo kiểu dàn xếp «huề cả làng», mà vị tha đứng đối diện để nhận diện cho bằng được tội ác, tội đồ, tội phạm, tội nhân.
• Khi pháp lý và đạo lý cho phép thủ phạm của tội ác được phân trần rồi trần tình, để các nguyên tác của vị tha được áp dụng trong đối thoại và đối luận, nơi mà mọi bên đều được có tiếng nói. Tại đây, một sức mạnh mới rất tích cực được hình thành từ liên minh giữa công lý và vị tha, sẽ làm quần chúng thức giấc, xã hội tỉnh giấc trước các hậu quả và hậu nạn của các tội ác đang đe dọa xã hội.
Từ đây, xã hội học sẽ nhận ra vai trò tích cực của đạo đức học và luật học trong quá trình xây dựng con người có đạo lý, hiểu đạo đức, thấu luân lý. Khi xã hội học phân tích tổ chức xã hội để giải thích cơ cấu xã hội, thông hiểu sinh hoạt xã hội để thấu đáo quan hệ xã hội, tất cả làm nên đời sống xã hội; thì xã hội học phải nhận ra chỗ đứng của vị tha và công lý từ an ninh xã hội tới an sinh xã hội. Liên minh giữa công lý và vị tha không mơ hồ, không trừu tượng mà là một liên minh làm nền móng cho mọi vận hành xã hội trước các cá nhân, các tập thể, các cộng đồng, các chính quyền có quyền lợi khác biệt nhau, có khi mâu thuẫn nhau, xung đột nhau.
Vị tha cùng công lý tạo thức tỉnh
Vị tha tạo thức tỉnh bằng công lý để công pháp đánh thức xã hội trước các tội ác, như một khám phá mới về một khu vực tối tăm trong tiêu cực của chính nhân tính mà vị tha sẽ đứng về phía nhân lý của nhân đạo để nhận diện nhân vị bằng nhân bản. Vị tha không mù quáng với danh nghĩa của nhân từ, vị tha không đui chột với danh hiệu của nhân tâm, mà vị tha song hành cùng công lý để bảo vệ nhân phẩm, bằng nội lực tạo tỉnh thức để quần chúng nhận ra phạm trù phòng thân cho mỗi cá nhân, mà cũng là công dân được pháp lý và đạo lý bảo vệ.
Hãy cụ thể hóa vai trò của công lý trong quá trình xây dựng vị tha, nơi mà cả hai công lý và vị tha biết đánh thức xã hội. Khi các thủ phạm diệt chủng của Đức quốc xã đã lẫn trốn rồi già nua bên các quốc gia tại Nam Mỹ, khi Pon Pot và đồng bọn Khmers đỏ của hắn đã già nua trong bệnh tật, nhưng công lý và vị tha phải tiếp tục công việc xem để xét, rồi xét để xử, để lịch sử của tương lai không bị lập lại bởi các tội ác, tội đồ, tội phạm loại này.
Trên đây, chủ thể vị tha phải nhận ra sự khác biệt của hai phân tích khác biệt nhau:
• Một bên hiểu được thì thông cảm được, mà thông cảm được thì thương được, và thương được thì tha thứ được; tại đây tình thương đã rời công lý để nhập nội vào từ bi, với «xí xóa» (chín bỏ làm mười).
• Một bên thì phân biệt để phân minh giữa ân và oán, mà oán gây ra tội ác thì phải xem để xử, và nếu xử trong sáng suốt để công minh vì công lý, thì tại đây công lý phải đi sâu vào quy trình đúng người-đúng tội.
Tại đây, đạo đức học cùng triết học luân lý cho xuất hiện hai phạm trù: chủ thể và tha nhân, với hai câu hỏi sắc nhọn cho chủ thể vị tha là chủ thể và tha nhân có cùng một giá trị trước sự sống, trước sinh mệnh hay không ? Hay tha nhân chỉ là gốc, rễ, cội, nguồn trong lương tri của chủ thể? Trên hành trình đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi này, mà câu trả lời sẽ có trong phương cách của chúng ta định nghĩa thế nào là chủ thể? Và sẽ định vị chủ thể vị tha ra sao? Đây là hành trình của chủ thể:
• Chủ thể có tự do hành động, nhưng chủ thể hành động với trách nhiệm trước tha nhân, có bổn phận với đồng loại, có sự mệnh phải bảo vệ sự sống.
• Chủ thể có tự do hành động và hành động bằng hành trang của đạo lý biết bảo vệ cái tốt, của đạo đức biết bảo trì cái lành, của luân lý biết bảo trị cái thiện.
• Chủ thể có tự do hành động và hành động bằng tự trọng của chủ thể song hành cùng sự tôn trọng lẫn nhau giữa chủ thể và tha nhân, chính tại đây sự ân cần biết giúp đỡ, biết bảo vệ tha nhân là nền móng để chủ thể xây dựng chính nhân phẩm của mình.
Tại đây, chủ thể vị tha phải nhận ra công lý xã hội làm nên công bằng, tự do và bác ái:
• Như vậy, một chủ thể vị tha đấu tranh cho quốc thái dân an, không thể nào nhắm mắt và cúi đầu trước bạo quyền độc đảng toàn trị đang hành hung các chủ thể dân chủ đã dấn thân vì đa nguyên và nhân quyền.
• Như vậy, một chủ thể vị tha đấu tranh chống bất công xã hội, không thể nào khom lưng và quỳ gối trước tà quyền độc đảng công an trị đang bạo hành các tù nhân lương tâm đã dấn thân vì tự do và công bằng.
• Như vậy, một chủ thể vị tha dấn thân vì đạo giáo để độ thế cứu đời không thể nào quay mặt làm ngơ trước ma quyền độc đảng tham nhũng trị đã tạo ra bao nỗi khổ của dân đen, niềm đau của dân oan.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).