Chủ Thể Vị Tha (P1)

Định luận vị tha
Vị tha có rễ là khoan dung vun đắp cho khoan hồng, vị tha có cội là dung thứ biết vững bền với dung tha, vị tha có gốc là rộng lượng biết quyết đoán trong độ lượng, vị tha có nguồn của từ bi biết tưới mát tình thương. Tình thương giữa người với người này không những biết vì cứu sự sống, chất sống, nguồn sống mà còn biết cưu mang mọi rễ, gốc, cội, nguồn của chữ nhân. Vì vị tha biết ôm nhân phẩm, bồng nhân bản, cõng nhân vị trên nhân lộ của nhân đạo. Đừng bắt buộc, đừng cưỡng ép vị tha phải rời chữ nhân, vì đó là nhân của nhân tri biết bảo bọc nhân từ, và nhân của nhân trí biết đùm bọc nhân tâm.
Hành luận của chủ thể vị tha
Chủ thể vị tha biết xem sự kiện bằng khoan dung, biết xét sự cố bằng dung thứ, để thấy biến cố bằng rộng lượng, để thấu hậu quả bằng tình thương. Vị tha luôn phải cõng, bồng, ôm, nâng tình thương trước các thử thách của nhân gian, nhân thế, nhân loại:
• Thử thách thứ nhất của vị tha: xem để xét, thấy để thấu, vẫn chưa đủ phải xem-xét-thấy-thấu để hiểu, mà hiểu được, hiểu tới nơi tới chốn rồi thì vị tha sẽ có những hành động cụ thể nào?
• Thử thách thứ nhì của vị tha: hiểu được thì có thông cảm được hay không? Nếu thông cảm được thì vị tha được định vị ra sao giữa nạn nhân và thủ phạm?
• Thử thách thứ ba của vị tha: hiểu được và thông cảm được thì có thương được hay không? Thương với tình thương trọn vẹn từ cứu vớt tới cưu mang, chớ không chỉ nói thương trước tòa án.
• Thử thách thứ tư của vị tha: thương được thì có tha được hay không? Mà tha sẽ là xóa lỗi, gạt tội cùng lúc tạo điều kiện cho thủ phạm của tội ác làm lại cuộc đời theo chiều của hướng thiện.
• Thử thách thứ năm của vị tha: tha lỗi khác tha tội ra sao? Vì tha lỗi là nhận ra thiệt hại nhưng không nạn nhân, còn tha tội là xóa bỏ đi các tội của một thủ phạm đã gây ra tội ác không những với một người mà nhiều người, của nhiều gia đình, qua nhiều thế hệ.
• Thử thách thứ sáu của vị tha: lỗi dễ tha, nhưng tội thì khó tha, phải mang ra xử, như vậy toà án của pháp lý khác toà án của đạo lý ra sao? Khi đạo lý vận dụng nhân tâm, thì pháp lý vận hành bằng nhân trí, thì mâu thuẫn rồi xung đột, thì vị tha sẽ được định vị ra sao giữa đạo lý và pháp lý?
• Thử thách thứ bảy của vị tha: nếu pháp lý đại diện cho pháp luật khác chiều, nghịch hướng với đạo lý đại diện vừa cho đạo đức vừa cho luân lý, thì nạn nhân sẽ ra sao, và thủ phạm phải chịu những bản án gì?
• Thử thách thứ tám của vị tha: khi pháp lý cùng đạo lý xử đúng người đúng tội rồi, thì vị tha giúp đỡ và cáng đáng nạn nhân bằng phương pháp gì? Vì phương pháp của nhân tâm không cùng chiều với phương pháp của nhân lý.
• Thử thách thứ chín của vị tha: khi từ văn hóa tới xã hội, từ giáo dục tới tôn giáo thuận chiều rồi cổ vũ cho quá trình ân đền oán trả, với mắt đổi mắt, răng đổi răng, nơi mà bạo động được tự do hành động thì vị tha có chức năng gì, có vai trò gì?
• Thử thách thứ mười của vị tha: khi vị tha biết tha lỗi lẫn tha tội thì động cơ của vị tha là gì? Vì nếu tha lỗi lẫn tha tội để được bồi thường, để được yên tâm, để nhận bồi thường, để được xã hội cưu mang… thì đây có phải là thực sự là vị tha?
Hãy tổng kết lại mười thử thách này để tới một tổng luận, ngay trên lý lịch làm nên bản lai diện mục từ định vị tới định nghĩa vị tha là gì? Để tìm cho bằng được: nội lực, sung lực, hùng lực, mãnh lực của vị tha có phải là biết tha tội trước những thủ phạm không thể nào tha tội được? Nếu vị tha đã quyết đoán rồi quyết định rằng vị tha có thực lực tha tội trước những thủ phạm không thể nào tha tội được? Thì chính vị tha có bị lạc hướng, lầm đường hay không?
Vị tha giữa tội ác và tình thương
Từ tôn giáo tới triết học hai phạm trù tội ác và tình thương thường xuyên được phân tích rồi phân giải, giải thích rồi giải luận song song nhau. Từ cổ triết của Platon và Aristote tới triết học của thế kỷ ánh sáng với Kant, thì phương pháp lý luận lấy tội ác để thấy cho thấu tình thương và ngược lại lấy tình thương để xem, xét, xử tội ác đã trở thành phương pháp luận hỗ tương. Lấy cái này soi cái kia, và ngược lại dùng cái kia để làm rõ cái này, cả hai bổ sung cho nhau, bổ túc cho nhau trong học thuật, trong nghiên cứu. Nhưng với thế kỷ XX, thì cái ác đã tăng từ cường độ tới mật độ, làm nên một trình độ không tưởng tượng được, biến các khung tư tưởng cũ không còn đủ lý luận để phân tích, để giải thích cái ác.
Đó là cái ác các cuộc tàn sát trong hai thế chiến, và nó lại đưa đường mở lối cho các cuộc diệt chủng, Đức quốc xã diệt chủng sắc tộc Do Thái với một chương trình thủ tiêu nhiều triệu người để hủy diệt không phải cá nhân, tập thể, cộng đồng mà cả một sắc tộc. Câu chuyện diệt một chủng tộc khác đã là chuyện không tưởng tượng nổi trong hệ thống triết học, trong trí thức học, trong đạo đức học. Mà ngay trong thế kỷ XX, trường hợp của Khmers đỏ dưới sự chỉ huy của Pon Pot đã vào quy trình tự hủy diệt một bộ phận lớn của dân tộc mà hậu quả được xem như là quá trình tự diệt dân.
Tại đây, thì phương pháp lý luận lấy tội ác để thấy cho thấu tình thương và ngược lại lấy tình thương để xem, xét, xử tội ác thủa nào là phương pháp luận hỗ tương giờ đây bị đặt vào môt khung phân tích rồi phân giải, giải thích rồi giải luận hoàn toàn mới. Mới trong lãnh thổ mới của cái ác là có một bộ phận của nhân loại sẵn sàng truy cùng diệt tận các bộ phận khác trong cùng một nhân kiếp. Mới trong ranh giới giữa cái thiện và cái ác, nơi mà cái ác không còn ranh giới khi nó nhân danh một ý thức hệ để thanh trừng rồi tiêu diệt không những động loại mà cả đồng bào của nó.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản với quyền lực tới từ bạo động cách mạng nơi mà chuyên chính vô sản chính là chuyên chính của tự do chém giết của kẻ cướp được chính quyền. Từ Lenin tới Stalin tại Liên Sô, cho tới Mao tại Tàu, thì số nạn nhân bị các kẻ nắm quyền lực này tàn sát lại nhân lên gấp nhiều lần so với tổng số nạn nhân qua hai cuộc thế chiến. Và nhân kiếp của Việt tộc không nằm ngoài quỹ đạo các cuộc tàn sát này từ khi ĐCSVN cướp được chính quyền năm 1945, vì luôn được hà hơi tiếp sức bởi Liên Sô và Tàu. Qua các chính sách thanh trừng, với các phản xạ tiêu diệt của Lenin, Stalin và Mao những thành phần bị xem là «những lực lượng thù địch». Với hàng trăm ngàn nạn nhân trong Cải Cách Ruộng Đất 1956-1958, với cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn cũng do chính ĐCSVN chủ mưu với nhiều triệu nạn nhân trên mọi miền đất nước 1954-1975.
Rồi khi đất nước dứt chiến tranh thì tới ngay chính sách trại cải tạo, trại học tập, nơi mà thể chất cùng tinh thần của các nạn nhân bị vùi dập tới tận cùng qua trừng phạt, khủng bố, tra trấn, truy sát… Vẫn chưa dứt, cái ác truy lý lịch để tạo kỳ thị, cái ác loại cái tốt để độc quyền bằng độc đảng để đẩy ra biển khơi bao triệu đồng bào, phải tìm đất sống trên từ Bắc Mỹ tới Tây Âu, nơi có đất sống để được sống và sống được, cũng là nơi dung thân của bao trí thức, bao trí tuệ, bao nguyên khí của quốc gia, nơi mà cái ác đã thực hiện được cái thâm, cái hiểm, cái độc là tống đi mọi cái nhân. Để chỉ riêng cái ác độc tài nhưng bất tài trước quá trình phát triển đất nước, nơi mà cái ác độc trị nhưng không biết quản trị tiến bộ xã hội, nơi mà cái ác độc tôn nhưng không hề biết gì về tôn ti trật tự của văn hiến Việt do tổ tiên Việt để lại cho dân tộc Việt, cho giống nòi Việt.
Học thuật không thể nghiên cứu trọn vẹn về cái ác nếu không điều tra sâu rộng về cái thâm, cái hiểm, cái độc, nếu không khảo sát cao xa về cái thiện, cái nhân là chỗ dựa của cái tốt, cái hay, cái đẹp, cái lành. Và khi cái ác cướp được chính quyền thì những cái xấu, cái tồi, cái tục, cái dở sẽ lên ngôi để tiếp tục tác động để tác hại lên nhiều thế hệ, lên nhiều dân tộc. Khoa học xã hội và nhân văn phải điền dã sâu xa vào hành động của các lãnh đạo lấy cái ác để bạo trị, từ công an trị tới thanh trừng trị. Chúng nó bất chấp vị tha, bất cần tình thương, và sẵn sàng làm những chuyện không tưởng tượng nổi là truy cùng diệt tận từ đồng loại tới đồng bào của chúng nó.
Vị tha giữa tội ác và nhân tính
Những nỗi khổ niềm đau của nhân loại do cái ác gây ra, trong thế kỷ XX, đã đưa cái ác vào một vùng học thuật mới, nơi mà:
• Cái ác khi được hiểu là «không tưởng tượng nổi» bởi nhân tính, thì chính nhân lý của nhân tính đã «không đo lường nổi» sự vận hành của cái ác.
• Cái ác khi được hiểu là «không tưởng tượng nổi» vì «không đo lường nổi» thì chính nhân tri của nhân tính đã «không chỉnh lý nổi» những hành động của cái ác.
• Cái ác khi được hiểu là «không tưởng tượng nổi», «không đo lường nổi» rồi «không chỉnh lý nổi» thì chính nhân trí của nhân tính đã «không hợp lý nổi» những hành tác của cái ác.
Ba nhận định trên giúp ta nhận ra là cái ác không nằm trong khung chỉnh lý của đạo lý, không có trong khuôn hợp lý của đạo đức, cái ác tìm hiệu quả ngay trong hậu quả mà nó gây ra cho đạo lý, đạo đức, luân lý. Mà đạo lý là lý trí của vị tha, đạo đức là trí tuệ của vị tha, và luân lý là tuệ giác của vị tha, nên chính cái ác chóng chầy sẽ là thủ phạm truy, hủy, giết, diệt vị tha. Chỉ vì liên minh của lý trí-trí tuệ-tuệ giác của vị tha chính là kẻ thù «không đội trời chung» với tội ác. Cụ thể là sự phân cực qua đối kháng giữa:
• Tội ác bất chấp nhân tính để thực hiện những hành động «không tưởng tượng nổi», «không đo lường nổi», «không chỉnh lý nổi», «không hợp lý nổi» từ đạo lý tới luân lý.
• Vi tha thì hành tác trong cái hợp lý vì «tưởng tượng nổi», trong cái chỉnh lý vì «đo lường nổi», thuận lý vì «chỉnh lý nổi», thuần lý vì «hợp lý nổi» với từ đạo lý, đạo đức và luân lý.
Tại đây, học thuật không được ngây thơ, nghiên cứu không được ngây dại, khảo sát không được thơ dại để nghe các kẻ gây ra tội ác phân tích rồi phân trần, giải thích rồi giải trần các chính sách chính trị của tội ác. Vì những chính sách này chỉ là công cụ và kỹ thuật để thực hiện tội ác và sẽ không cho đạo lý, đạo đức và luân lý một chỗ đứng, ghế ngồi nào trong ý đồ làm nên ý định, ý muốn của tội ác.
Đây chính là tiền đề của lý luận về vị tha, đây chính là thượng nguồn của lập luận vì vị tha, nếu một ngày nào đó có một tòa án quốc tế đại diện cho lương tâm của nhân loại để xem, xét, xử các tội ác của ĐCSVN. Từ khi ĐCSVN thành lập 1930 tới khi nó cướp được chính quyền 1945, nó đã tiêu diệt các phong trào, các đảng phái không đồng ý với nó, không theo nó. Rồi chính ĐCSVN đã tạo ra nhiều cuộc thảm sát từ Cải Cách Ruộng Đất 1956-1958 tới cuộc thảm sát tại cố đô Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968… Cùng nhiều cuộc thảm sát khác dọc chiều dài nội chiến 1954-1975.
Nếu cái ác đã thực hiện những chuyện «không tưởng tượng nổi», «không đo lường nổi», «không chỉnh lý nổi», «không hợp lý nổi», thì bản thân nó cũng sẽ không có duy lý, hợp lý, thuận lý, thuần lý để giải thích rõ ràng và minh bạch chính hành động ác của nó. Từ đây, thì hệ nhân (nhân lý, nhân tính, nhân bản, nhân vị, nhân tri, nhân trí, nhân đạo, nhân tâm, nhân từ) cũng sẽ không sao giải thích thay thế cho cái ác, nên vị tha phải cẩn thận khi biện minh và cẩn trọng khi biện luận cho cái ác đã làm nên tội ác. Chính cái ác đã thực hiện những chuyện «không tưởng tượng nổi», «không đo lường nổi», «không chỉnh lý nổi», «không hợp lý nổi», đã được đặt tên trong giáo lý Việt: «trời không dung, đất không tha».
Chủ Thể Vị Tha (P2)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s