Tại Sao Tôi Không Sử Dụng Điện Thoại Thông Minh?

Trong một buổi nói chuyện với một anh bạn ở trong nước, thay vì nói chuyện qua whatsapp thì tôi lại không sử dụng được whatsapp mặc dù tôi đã đưa whatsapp vào bluestacks (một phần mềm cần thiết để có thể sử dụng whatsapp qua máy vi tính). Cái khó khăn của tôi là máy vi tính của tôi không phải là điện thoại thông minh, cho nên tôi không thể đưa số điện thoại của người bạn ở VN vào whatsapp để gọi từ đó.

Trong cuộc nói chuyện điện thoại đó (không phải dùng whatsapp mà dùng skype), người bạn bên VN là rất ngạc nhiên vào thời buổi của thế kỷ 21 này, tôi vẫn không sử dụng điện thoại thông minh, trong khi đó, người Việt ở trong nước và ngoài nước đa số đều chuyển sang điện thoại thông minh.

Có lẽ tôi là thiểu số trong thiểu số khi nhìn vấn đề của việc sử dụng điện thoại thông minh. Tôi không có điện thoại thông minh không có nghĩa là tôi chống lại khoa học kỷ thuật của điện thoại thông minh, trái lại tôi thấy điện thoại thông minh rất cần thiết cho những người trong quân đội, đặc biệt là những người tướng; đồng thời điện thoại thông minh cần thiết cho những người làm thương mại bởi họ cần có những dữ kiện từng phút, từng giây để quyết định một cuộc thương mại nào đó cho chính bản thân hay cho công ty; điện thoại thông minh cũng cần thiết cho những vị lãnh đạo quốc gia bởi họ cần có những quyết định ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ môi trường nào mà máy vi tính không thể có ở bên người trong lúc di chuyển từ điểm A sang điểm B. Đó là ba trường hợp mà theo cá nhân tôi, điện thoại thông minh rất cần thiết cho những người trên.

Trở về câu hỏi bên trên của cá nhân tôi, tôi xin đưa ra những lý do sau đây mà tôi không bao giờ muốn có một điện thoại thông minh.

  1. Tôi không có nhu cầu để có điện thoại thông minh bởi ngân sách gia đình không cho phép. Và cho dù ngân sách gia đình cho phép, tôi cũng không cần điện thoại thông minh bởi bên tôi luôn luôn có máy vi tính.
  2. Điện thoại thông minh quá nhỏ, từ đó để đọc những điện thư với hàng chữ quá nhỏ là một điều không tốt cho mắt. Hơn nữa điện thoại thông minh không giúp tôi được việc gì trong chuyện viết bài chính vì thế mà mỗi lần đi ra khỏi thành phố tôi ở, máy vi tính luôn luôn đi theo bên tôi.
  3. Tôi có điện thoại dy động thuộc loại trả tiền mỗi ba tháng là 10 đô la, chỉ dùng để gọi điện thoại chứ không phải để vào mạng (data), để xem phim hay để làm gì đó trên mạng. Điện thoại dy động của tôi chỉ bật lên khi tôi ra khỏi nhà, dành trường hợp cần thiết để liên lạc về nhà. Mỗi năm tôi chỉ tốn có 40 đô cho điện thoại dy động và có năm tôi không sử dụng hết 40 đô la đó mà mỗi lần gọi là sẽ tốn 5 cents cho một phút nói chuyện. Điện thoại dy động của tôi giá dưới 60 đô la và tôi vui lòng với loại điện thoại đó. Tôi thường đùa với bạn Mỹ của tôi là đó là Smart phone của tôi bởi chẳng ai muốn ăn cắp loại điện thoại tôi có. Và tôi chỉ đổi điện thoại khi mà điện thoại bị hư chứ không phải đổi điện thoại bởi vì có cái mới tung ra thị trường.
  4. Tất cả những điện thư, tôi không có nhu cầu để xem liền hoặc phải trả lời liền. Cứ mỗi tối hay mỗi sáng, tôi dùng máy vi tính để theo dõi tin tức, hoặc trả lời điện thư. Khi tôi đi ra khỏi thành phố của tôi, tôi sử dụng làn sóng wifi ở những khách sạn tôi cư trú, hoặc ở nhà bạn bè, họ hàng nơi tôi cư trú để luôn luôn có sự liên lạc, theo dõi tin tức qua mạng bằng máy vi tính chứ không phải bằng cái màn ảnh điện thoại rất nhỏ. Chưa kể tôi không muốn chuyển sự đánh máy bằng 10 ngón trở thành thương phế binh đánh máy bằng một ngón tay trên điện thoại thông minh (phần này thì tôi cho rằng điện thoại thông minh không hẳn là thông minh mà biến mọi người thành thương phế binh, đánh máy hai ngón tay mà thôi thay vì đánh máy bằng 10 ngón tay).

Với bốn lý do trên, tôi thấy rất là vô lý để tôi mua một điện thoại thông minh mà tôi sẽ không sử dụng hết những gì mà điện thoại đó có, chưa kể giá tiền không phải là rẻ. Và để sử dụng điện thoại thông minh cho đầy đủ thì tôi phải mua cái data plan (vào mạng qua điện thoại thông minh) và sẽ tốn nhiều tiền hơn, trên một màn ảnh quá nhỏ, mà nhu cầu cần có tin tức ngay lập tức đối với tôi là không cần thiết.

Đối với những người có điện thoại thông minh,  tôi thấy có những vấn đề mà tôi cho rằng, những người sử dụng điện thoại thông minh đã không đem khoa học vào đời sống phục vụ mình thay vì chính mình làm nô lệ cho khoa học (điện thoại thông minh).

  1. Tại sao phải cấm đầu vào cái màn ảnh tí tí trong khi bạn ở nhà, với máy vi tính màn ảnh thật to và bạn có thể đánh máy bằng mười ngón tay thay vì dùng một ngón tay để trả lời thư? Tôi không có câu trả lời cho vấn đề này. Có người cho rằng sự tiện lợi. Có lẽ chính sự tiện lợi này mà khi thức dậy, điều mà người ta làm trước tiên là mở điện thoại thông minh ra, xem ngay trên giường. Chính sự sự tiện lợi này, người ta cứ cấm đầu vào cái điện thoại thông minh ở phòng khách, ở bếp trong lúc nấu ăn, ở ngay tại phòng ngủ vào buổi tối khi lên giường. Cái điều thật phi lý là ở nhà thì muốn mua cái Tivi thật to nhưng vừa mở TV vừa cấm đầu vào cái điện thoại thông minh nhỏ tí ti. Thế thì mua cái TV to để làm gì? Thế thì bật TV lên để làm gì khi mà mắt nhìn vào cái điện thoại thông minh với màn ảnh thật nhỏ bé đó? Người ta không biết sử dụng cái gọi là tiện lợi, thay vào đó, người ta là nô lệ cho cái gọi là tiện lợi. Người ta không hiểu tiện lợi là gì mà cứ nghĩ rằng tiện lợi là mình sẵn sàng làm nô lệ cho điện thoại thông minh bất cứ giờ phút nào, bất cứ địa thế nào từ trong nhà lẫn ngoài đường phố.
  2. Sự nô lệ cho điện thoại thông minh đã làm cho Con Người không nói chuyện với nhau. Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình Á Châu, khi cả gia đình vào nhà hàng, kêu đồ ăn xong thì mẹ, cha, con cái cấm đầu vào cái điện thoại thông minh, không có sự nói chuyện trong gia đình trong buổi ăn ở ngoài tiệm hay trong gia đình. Ngay cả chuyện gọi điện thoại, người ta không làm chuyện đó mà chỉ gửi Text. Điện thoại dy động của tôi có thể đọc được text do ai đó gửi nhưng tôi rất ghét khi đọc những dòng chữ này bởi chữ quá nhỏ và bởi vì tại sao người ta không gọi điện thoại để nói chuyện dù rằng chuyện gọi điện thoại bên Mỹ rất là dễ dàng, những ai có điện thoại thông minh đều trả tiền theo loại không có giới hạn phút gọi (dĩ nhiên phải trả lệ phí hàng tháng cao). Phải chăng chính những con người sử dụng điện thoại thông minh đã từ chối liên lạc qua tiếng nói, một hình thức tối cần của một Con Người đối với một Con Người khác?
  3. Tôi đã chứng kiến trong buổi họp của những người Việt gọi là đấu tranh dân chủ, họ thản nhiên nhìn cái gì đó trong điện thoại thông minh trong khi diễn giả đang nói chuyện, hoặc trong khi mọi người đang thảo luận một đề tài nào đó. Sự tự trọng với chính mình, với diễn giả, với các khách đang dự buổi họp hoàn toàn không có ở chính những Con Người lạm dụng cái điện thoại thông minh hay dùng một từ ngữ khác là nô lệ cho điện thoại thông minh. Hãy thử tưởng tượng những con người này đang họp chuyện quan trọng cho quốc gia mà thái độ của buổi họp như thế thì bạn có tin tưởng những con người “lãnh đạo” này hay không?

Trong tháng 2 năm 2016, tôi cũng đã viết một bài nói về lối ứng xử của người VN trong thời đại điện toán (https://nganlau.com/2016/02/01/loi-ung-xu-cua-con-nguoi/) và hôm nay, tôi muốn viết thêm để trả lời câu hỏi của một anh bạn ở VN là tại sao, ở một xứ Hoa Kỳ mà tôi không có điện thoại thông minh.

Dù không có điện thoại thông minh, tôi chẳng thấy mình thiếu mất thông tin và tôi cũng chẳng có nhu cầu để biết thông tin xảy ra ngay tức khắc. Nếu tôi có điện thoại thông minh ở tương lai là bởi vì nhu cầu nói chuyện với ai đó mà muốn bảo toàn an ninh cá nhân đó thì tôi phải mua cái điện thoại thông minh để cài cái phần mềm nào đó. Và khi nói chuyện xong thì tôi sẽ đưa cái Sim trở về lại cái điện thoại flip của tôi mà tôi vẫn thường yêu thích.

Trong vấn đề nô lệ ở thế kỷ 21 thì hình thức nô lệ đã được tinh vi hơn. Và chính sự tinh vi này, những người tình nguyện làm nô lệ cho kỷ thuật của điện thoại thông minh càng ngày càng phát triển. Những người nô lệ này sẽ hoàn toàn không hề cho rằng mình tình nguyện làm nô lệ cho điện thoại thông minh. Trái lại họ nghĩ rằng họ đang sử dụng kỷ thuật để tạo ra sự hiểu biết cho chính bản thân mình và sử dụng tiện nghi của kỷ thuật cho chính bản thân mình bằng cách luôn luôn cắm đầu vào cái điện thoại thông minh 24/24 mà cái nhu cần 24/24 này lại không cần thiết đối với đa số người sử dụng điện thoại thông minh.

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 8 năm 2017

Dallas, TX

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s