Chúng ta đang đối diện một nền khoa học điện toán của thế kỷ thứ 21. Nền công nghệ điện toán đã đưa chúng ta đến gần nhau hơn cho dù trên mặt địa lý chúng ta ở xa nhau. Sự liên hệ qua email, facebook tạo sự gần gũi và tạo cách ứng xử giữa người Việt với người Việt xem ra — có vấn đề cần phải nói trong bài viết này.
Có bao giờ bạn gửi email để hỏi một điều gì đó mà người nhận hoàn toàn im lặng không đáp lại email của bạn? Điều này xảy ra rất nhiều. Và cũng có nhiều lý do bạn không nhận được sự hồi âm của những điện thư gửi ra. Có thể bạn dùng những từ ngữ không lịch sự lắm và từ đó người nhận không cần thiết phải trả lời lá thư của bạn. Có thể lá thư của bạn chạy vào thùng thư xếp vào loại không cần đọc (junk mail). Hoặc vả ai đó mà bạn gửi email đã lâu lắm rồi không hề vào email đó và có lẽ chẳng ai gửi thư qua địa chỉ đó nên người thành lập địa chỉ đó cũng chẳng thèm vào xem có thư gửi hay không. Cũng có thể người nhận vì có quá nhiều bạn, chẳng hề để ý đến email của bạn hoặc không muốn trả lời những email mà người đó cho rằng không quen biết, giống như bạn đến nhà gõ cửa mà chủ nhà không mở cửa chào đón bạn. Chuyện không trả lời email này không những áp dụng cho những tổ chức cộng đồng VN, những vị bác sĩ, luật sư, hay những vị có địa vị trong xã hội xảy ra khá nhiều, kể cả người Mỹ chứ không hẳn chỉ là người VN có lối hành xử như thế này.
Facebook đã trở thành một nơi mà mọi người có thể trao đổi bất cứ đề tài nào mà không giới hạn thời gian, không gian. Và bạn cũng có thể gửi những tin nhắn cá nhân cho những người bạn trên facebook của mình mà những người khác không thể nào đọc được. Số phận của những tin nhắn này cũng có cùng một đáp số như chuyện gửi email, cho dù những tin nhắn của bạn rất là lịch sự nhưng sự lịch sự đó được đáp trả lại là không một hồi âm từ người mà bạn gửi tin nhắn. Và những người không trả lời tin nhắn của bạn xếp vào hạng đã từng có địa vị trong xã hội chẳng hạn như là một nhà báo, một giáo sư, một luật sư, kỹ sư hay tiến sĩ. Những người này đáng lý ra hiểu được cái lịch sự tối thiểu trong giao tế. Thế nhưng thực tế chứng minh, người có học hay người không có học của thời điểm hôm nay đều có lối hành xử khá giống nhau trên lãnh vực lịch sự tối thiểu này. Phải chăng cái xã hội VN hiện giờ tạo ra lối ứng xử trên?
Kỷ nghệ vi tính hôm nay đã làm cho con người gần gũi hơn nhưng đồng thời làm cho con người xa lánh nói chuyện trực tiếp. Thay vì bắt điện thoại để gọi hỏi thăm, đa số (Việt cũng như Tây) đều gửi những tin nhắn qua điện thoại. Chưa kể những lúc gặp nhau thay vì nói chuyện, trao đổi thì mạnh ai cứ cúi vào cái điện thoại thông minh của mình để làm cái gì đó trên mạng. Bạn có khi nào thấy một hình ảnh gia đình ba người đi ăn ở nhà hàng, sau khi gọi món ăn xong, vợ – chồng và đứa con, mỗi người cứ cắm đầu vào cái điện thoại của mình mà không hề có một sự trao đổi như những thời kỳ không có điện thoại thông minh. Bạn có bao giờ chứng kiến hai người bạn, một trai, một gái cùng làm việc chung rủ nhau đi ăn trưa; nhưng khi đến nhà hàng thì sau khi gọi thức ăn xong, cả hai cứ cắm đầu vào điện thoại của mình để đọc gì đó trên mạng mà không nói chuyện với người đối diện đang ngồi trước mặt mình. Bạn có bao giờ chạy xe đến ngã tư đường với đèn đỏ và bạn ngừng xe lại để chờ đèn xanh bật lên. Nhưng khi đèn xanh bật lên, người ở phía trước bạn vẫn ngồi đó không dy chuyển xe bởi vì người phía trước bạn đang cắm đầu vào cái điện thoại dy động để làm gì đó trên mạng mà quên đi rằng đèn xanh đã bật lên. Bạn có bao giờ chứng kiến một người vừa lái xe, vừa gửi text qua điện thoại dy động hoặc vừa đọc cái gì đó qua điện thoại dy động?
Khoa học kỷ thuật đã giúp chúng ta nhiều điều rất là hữu ích nhưng chúng ta lại không biết sử dụng những phương tiện khoa học đó đúng chỗ. Chúng ta lạm dụng những thông dụng của điện thoại dy động và chúng ta có những lối ứng xử không lịch thiệp lắm trước khoa học kỷ thuật của hôm nay.
Hãy dạy con cái chúng ta khi chúng ở vào tuổi tiểu học (hoặc trung học) bằng những hành động ở chính mình là đừng nói chuyện trên điện thoại khi lái xe (và nếu cần phải nói chuyện thì dừng xe lại bên lề đường để nói chuyện); đừng dùng điện thoại để đọc email hay cái gì đó trên mạng khi lái xe hoặc khi ngừng chờ đèn xanh ở những ngã tư đường; và dạy con cái chúng ta khi ai đó gửi điện thư, hay lời nhắn, cái lịch sự tối thiểu là mình phải trả lời cho dù người đó mình không quen biết. Hãy ứng xử là một Con Người biết tôn trọng người khác và đừng lạm dụng điện thoại thông minh để cắt đứt những liên lạc giữa Con Người với Con Người mà ngày xưa đã từng có trong những buổi họp mặt, đi ăn.
Vũ Hoàng Nguyên
Dallas, TX
Tháng 12 năm 2015