Giải Luận: Đất Nước (P4)

QUYỀN-TIỀN DỄ TRUY HỦY MÔI TRƯỜNG
Phần tử con người đã đi những chặn đường từ cá thể tùy thuộc vào thiên nhiên tới chủ thể chế ngự, quản lý, khai thác, tiêu huỷ các môi trường và môi sinh trong thiên nhiên. Chính chủ thể này, vừa sử dụng vừa khám phá môi trường; vừa tận dụng vừa có ý thức qua quá trình khai thác rồi tiêu hủy thiên nhiên, để từ đó có nhận thức là số phận của con người hoàn toàn tùy thuộc vào số kiếp của thiên nhiên, trong đó môi trường và môi sinh phải được bảo vệ bởi chính con người đang sống trên đó. Trên chủ đề môi trường và môi sinh trước thảm trạng ô nhiễm là sự thất bại toàn bộ của ĐCSVN khi nó độc quyền lãnh đạo đất nước qua bạo quyền, qua tà quyền tham quan, qua ma quyền tham nhũng vì tham tiền. Chính ĐCSVN đã gây ra bao hậu quả, bao hệ lụy khi để tình trạng hiện nay đất nước là môi trường mà môi sinh bị hủy diệt từ vi mô tới vĩ mô. Một đất nước bị bẩn bởi công nghiệp bẩn từ luyện kim tới khai thác tài nguyên, từ thủy điện tới nhiệt điện… mà thảm nạn là ung thư hóa không những môi trường và môi sinh mà cả con người, trong đó các thế hệ tương lai phải trả những giá vô cùng đắt về bi nạn của quy luật lấy quyền-tiền để truy hủy môi trường, truy diệt môi sinh. Một quốc sách sáng suốt về môi trường, tỉnh táo về môi sinh, để từ đó chế tác ra sức thông minh trong lãnh đạo, biết cứu không những thiên nhiên và tài nguyên, mà cả con người cùng đạo lý làm người là quý môi trường, trọng môi sinh.
ĂN TÀN DIỆT TẬN, CẢ MÔI TRƯỜNG LẨN MÔI SINH
Đã có trong giáo lý của tổ tiên Việt: đối với môi trường thì phải biết uống nước nhớ nguồn, đối với môi sinh thì không được ăn tươi nuốt sống, và đối với cả hai (môi trường và môi sinh) thì phải biết bảo vệ nguồn cội như bảo vệ chính sinh mạng của mình: cây có cội, nước có nguồn. Đối với môi trường thì phải biết ăn cây nào rào cây nấy, đối với môi sinh thì không được ăn tàn diệt tận, và đối với cả hai (môi trường và môi sinh) thì phải ăn ở có hậu, nếu muốn ăn đời ở kiếp trên quê hương, trên đất nước của mình. Sự vắng mặt tuyệt đối và toàn diện của một quốc sách sáng suốt về môi trường, tỉnh táo về môi sinh để từ đó chế tác ra sức thông minh trong lãnh đạo (mà ta có thể so sánh với sự thành công hiện nay của Costa Rica) đã nói lên sự thảm bại bi đát của ĐCSVN: không có kiến thức và tri thức sâu rộng nên không có ý thức và nhận thức sâu xa về môi trường và môi sinh, không có đạo lý và đạo đức hay đẹp nên không có giáo lý và giáo dục tốt lành về môi trường và môi sinh. Không có kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức lại không có đạo lý, đạo đức, giáo lý, giáo dục, nên không có hệ thông (thông minh, thông thái, thông thạo) để có hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo) cho các quốc sách về môi trường và môi sinh.
MÔI TRƯỜNG: MỘT MÓN HÀNG
Môi trường tại Việt Nam đã trở thành một món hàng làm ra tiền, ra rất nhiều tiền, để làm giàu một cách nhanh nhất và bất chính nhất của các quan chức trong chế độ độc đảng toàn trị này. Hỏa hoạn tại nhà sản xuất bóng đèn Rạng Đông, với ô nhiễm do lượng thủy ngân lan tràn trong không khí, và khi gặp mưa thì đọng tụ lại trên đất, thấm qua lòng nước, mà mọi thực vật đang sống trong chu vi của nhà máy này đều là nạn nhân. Cách xử lý có trách nhiệm của Xã là khuyên dân nên bảo phòng ô nhiễm, đã bị bọn có chức quyền cấp Quận và thành phố Hà Nội khiển trách là: báo động sai lầm gây hoang mang. Trong khi đó thanh tra của Bộ Môi Trường đã có kết luận là ô nhiễm thủy ngân có mặt và đang gây tác hại lên môi trường. Như vậy, trước các tai nạn môi trường thì thái độ vô trách nhiệm vì vô tri hay vì vô cảm của các cấp lãnh đạo Quận và Thành phố đã là phản xạ của loài âm binh sống trong bóng tối của tà quyền tham quyền và ma quyền tham tiền, mà bất chấp số phận của người dân và môi trường ngay tại khu xẩy ra hỏa hoạn với ô nhiễm thủy ngân. Mọi cuộc đấu tranh vì môi trường để minh bạch hóa sự có mặt của ô nhiễm có thể đe dọa tới mạng sống của con người, sự sống còn của môi sinh, sự trong sạch của môi trường đều phải bắt đầu ngay trên thượng nguồn của thượng tầng kiến trúc chính trị, nơi mà thượng cấp lãnh đạo không hề quyết định và chỉ đạo với ưu tiên đôi: con người và môi trường, mà chỉ là thượng tôn độc đảng để độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn….
VÔ GIÁC VỚI MÔI TRƯỜNG, VÔ CẢM VỚI MÔI SINH
Sự cẩn trọng trước lòng tham hiện tại của con người khi nó muốn khai thác triệt để thiên nhiên, nạo vét tài nguyên, truy hủy môi trường, xóa diệt môi sinh. Hãy định nghĩa để định luận về lòng tham hiện tại, từ ăn tươi nuốt sống bằng nghiến rừng, nuốt đất với thái độ ăn cháo đá bát khi tài nguyên của thiên nhiên bị cạn kiệt, với hành vi bây chết mặc bây với những hậu quả của ô nhiễm. Tương lai của nhân loại không hề là sự nối dài tự nhiên một cách máy móc từ hiện tại tới tương lai, từ hôm nay tới ngày mai. Tương lai của nhân sinh là chân trời trong đó có kết quả của lương tri hoặc hậu quả của vô tri, với những hiệu quả của nhân bản hoặc với hệ lụy của vô minh. Vì vô giác với môi trường, vô cảm với môi sinh, khai thác bừa bãi, vô tội vạ, vơ vét tài nguyên cho tới khi của môi trường gục ngã, môi sinh đuối quỵ, thì chân trời sẽ xám tối rồi đen nghịt để đưa con người vào thẳng cõi chết! Chết trong vô tri, vô minh, vô giác, vô cảm là một cái chết xấu, tồi, tục, dở, tới từ cái tội thâm, độc, ác, hiểm với môi trường và môi sinh. Sự sống làm nên sức sống nhờ môi trường sạch với môi sinh lành kết tụ ra nhân tính với ít nhất ba kết luận: Trái đất trong tương lai (rất gần) là dễ sống hay khó sống. Cụ thể là sống được hay không sống được, mà câu trả lời là thái độ của nhân loại đối xử ra sao với môi trường sống của mình.
TỪ VÔ TRI THỨC TỚI VÔ TRÁCH NHIỆM
Nếu trong thế kỷ qua nhân lý giúp nhân loại đã lột mặt nạ bạo hành của thực dân, bạo động của đế quốc trên môi trường, thì chính quyền và lãnh đạo chính trị hiện nay phải quyết đoán trong quyết sách bảo vệ đất-nước. Tiền đồ của tổ tiên, tương lai của các thế hệ mai sau không ngừng ở con người, mà phải mở rộng, mở sâu, mở cao ra quan niệm về Việt tộc không những là dân tộc Việt mà còn là môi trường Việt luôn song hành, song đôi, song lứa, đồng hội đồng thuyền, cùng đồng bào Việt. Hãy phân tích và giải thích môi trường và môi sinh bằng những hệ thống của quan hệ: quan hệ giữa con người và thiên nhiên, quan hệ giữa các sinh vật có mặt trên trái đất, quan hệ giữa con người và sinh vật cùng nhau tác động trên môi trường. Đây vừa là môi trường tri thức của nhân sinh, mà còn phải là môi trường về nhận thức qua giáo dục. Trước thảm cảnh môi trường bị tàn phá, môi sinh bị hủy diệt từ vô tri thức tới vô trách nhiệm của chính quyền do ĐCSVN lãnh đạo, thì ngược lại tại các quốc gia có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền, họ đã đưa vào giáo dục, giáo khoa, giáo trình những hệ thống của quan hệ giữa con người và sinh thái. Bi kịch của độc đảng, qua độc tài nhưng bất tài, độc trị mà không biết quản trị môi trường là đây. Sau gần nửa thế kỷ lấy độc quyền để tự độc tôn đã biến quê hương gấm vóc thành một bãi rác độc hại, ngày ngày ung thư hóa môi trường.
VẪN SỐNG ĐƯỢC? KHÓ SỐNG ĐƯỢC? KHÔNG THỂ SỐNG ĐƯỢC?
Trên các phân tích và giải thích về các hậu quả mà môi trường phải gánh chịu với sự khai thác, tiêu xài, phá hoại của con người: ô nhiễm môi trường chỉ là một phần tử của tổng thể về biến đổi môi trường trong đó có biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng lên, từ đây nếu nóng thêm vài độ hay nóng thêm hằng chục độ thì trái đất sẽ ra sao? Từ đây, con người phải trả lời là tăng bao nhiêu độ thì vẫn sống được? Khó sống được? Và không thể sống được? Đây là câu hỏi về sự sống đang bị đe dọa bởi nhiệt độ tăng. Khủng hoảng môi trường, cũng là một ngữ pháp cần sự nghiêm túc trong lý luận, vì theo định nghĩa thì khủng hoảng là hậu quả xấu làm nên một chu trình tiêu cực, và khi các hậu quả xấu qua đi thì tình trạng ban đầu sẽ trở lại như lúc đầu. Như vậy phạm trù khủng hoảng môi trường đã sai ngay khi ta dùng nó, vì nhân loại đã vào một quy trình mới sau khi làm thiệt hại môi trường, và con người sẽ không còn có điều kiện để tái tạo lại môi trường khi nó chưa bị thiệt hại, chưa bị tàn hủy. Thay đổi kỹ thuật khai thác, cũng là một loại ngữ pháp mang nhiều nhược điểm, vì thay đổi kỹ thuật khai thác hoặc canh tác, tức là chỉ thay đổi cách vận dụng, sử dụng, tận dụng thiên nhiên, mà không hề làm thay đổi những gì đã mất trong môi trường, trong môi sinh, trong thiên nhiên. Như vậy, những sinh vật bị diệt chủng sẽ là những mất mát vĩnh viễn, không sao lấy lại được.
MÔI SINH ĐANG QUỴ GỤC
Vận dụng nhân tri để bảo vệ môi trường, dùng nhân trí để bảo quản thiên nhiên, thì nhân học môi sinh đã có một quá trình nhận thức về lịch sử khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người với bao hậu quả và hệ lụy, trong đó có hai quy trình song song của nhân sinh từ hơn hai thế kỷ qua: Khi tiền tệ không những được sử dụng như công cụ trung gian trong các dịch vụ trao đổi trong kinh tế, thương mại, mà tiền tệ con là vốn gốc để định giá các sản phẩm, và nó đã được khai thác để trở thành vốn trung tâm để mua bán các tài nguyên có trong thiên nhiên. Khi công nghiệp mang hiệu năng của sự tiến bộ tới từ khoa học kỹ thuật, thì con người đã hiểu sai về môi trường và môi sinh là sự tiến bộ này sẽ không bao giờ ngừng, như khoa học kỹ thuật sẽ không bao giờ ngưng thăng tiến, cùng các tài nguyên được xem như là vô tận, không giới hạn. Hiện nay hai sai lầm này của con người đang bắt nhân loại phải trả những giá rất đắt, từ cạn kiệt tài nguyên tới ô nhiễm môi trường, đã gián tiếp hay trực tiếp nói lên sự thông minh rất giới hạn của con người trong lịch sử là: tài nguyên trong thiên nhiên là hữu hạn, mà không hề vô hạn. Môi trường khi bị khai thác triệt để, thì môi sinh bị hủy diệt. Cả hai nhận định trên đều mang lại một hậu quả chung là chính sinh mạng của con người đang bị đe dọa bởi môi trường ô nhiễm, và môi sinh đang quỵ gục.
CÙNG MỘT GIÒNG SINH MỆNH
Khi nguồn nước lẫn không khí, khi động vật và thực vật bị truy diệt ngay trong môi sinh của chúng bởi con người; và phạm trù lý luận diệt chủng môi sinh (écocide) đã dần dần thành hiện thực, tại đây con người phải xem lại thật kỹ hai lãnh vực: chính trị kiến thức làm nên chính sách khoa học kỹ thuật phải biết tôn trọng hơn nữa môi sinh. Chính sách khoa học kỹ thuật làm nên hành động khai thác thiên nhiên để sử dụng tài nguyên phải biết bảo vệ hơn nữa môi trường. Từ đó sinh ra hai quan niệm mới trong nhân học môi sinh, và hai quan niệm mới này làm nên định đề là thiên nhiên và con người, môi sinh và nhân sinh có cùng một giòng sinh mệnh, chỉ một giòng, và không thể tách rời thành hai giòng được, với một thực tế mới: hiện tại đôi của thiên nhiên và con người, đồng hội đồng thuyền, từ sinh sống tới sinh tồn, trong một không gian chung là trái đất; tương lai đôi của môi sinh và nhân sinh, đồng cam cộng khổ, từ sống còn tới sống sót, cũng chỉ trong một không gian chung là trái đất. Hãy thận trọng hơn nữa về hai ngữ pháp: đồng hội đồng thuyền, đồng cam cộng khổ giữa các châu lục, có châu lục giàu từ tài nguyên tới khoa học, có châu lục khai thác môi trường của các quốc gia láng giềng, cùng lúc để lại các hậu quả kinh hoàng, các hệ lụy khủng khiếp cho các quốc gia láng giềng.

Giải Luận: Đất Nước (P5)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s