Bạn thân
Khi nghe một người trong nhóm học hỏi về Z cho rằng những người theo đuổi Z đã đứng bên lề đường lịch sử mà không hòa nhập vào dòng lịch sử, cho nên không thể nào tiếp tục đứng bên lề đường lịch sử nữa.
Làm sao có chuyện những người yêu nước, những người quan tâm đến vấn đề Việt Nam đứng bên lề đường lịch sử? Và nếu như thế thì phải chăng những người yêu nước, gồm cả cá nhân phát biểu câu nói đó, chỉ là yêu nước bằng miệng chứ không phải yêu nước bằng hành động nên nhận định là những người theo đuổi Z đã đứng bên lề đường lịch sử?
Khi nghe câu nói trên thì một câu nói khác của cụ Hoàng Văn Chí nói với thế hệ trẻ khi cụ còn sống “các bạn đừng sợ không có dịp đóng góp công sức cho đất nước mà chỉ sợ khi thời cơ đến, các bạn chưa sẵn sàng để làm tròn nhiệm vụ đóng góp”. Qua câu nói của cụ Hoàng Văn Chí thì nhóm Z, đã chuẩn bị gì để triển khai tư tưởng Z vào đáy tầng trong hơn 70 năm qua? Tại sao tư tưởng đó, rất là nhân bản, rất là con người, rất là thực tế vẫn nằm trên sách vở mà nhóm Z chưa triển khai vào thực tế cho đáy tầng — nay lại muốn hòa nhập vào lịch sử thì phải chăng sự hòa nhập đó là sự hòa nhập không có sự chuẩn bị, nguy hiểm cho người hòa nhập và làm thất vọng cho người muốn học hỏi Z khi mà bài bản hoàn toàn chưa chuẩn bị (ngoài những bài bản “gốc” đăng trên mạng và vài bài viết cũng để cho thành phần khoa bảng đọc chứ đáy tầng đọc không hiểu)?
Những ai đã từng trải nghiệm về cuộc sống, có suy tư nhiều về Con Người sẽ thấy rằng tư tưởng Z chỉ có thể thành công khi đáy tầng thấy được tư tưởng Z; một tư tưởng rất thực tế, đơn giản mà mỗi thường dân đều có thể thực hiện trong khả năng hiểu biết của chính mình để cùng nhau điều hành chính cuộc sống của mình. Chỉ khi nào người dân làm chủ chính mình (nhân chủ) để thực thi dân chủ thì lúc đó mới có một nền dân chủ thực sự. Người dân không biết làm chủ chính mình mà chỉ đi bỏ phiếu theo cảm tính thì nền dân chủ đó là nền dân chủ giả hiệu. Nền dân chủ mà người dân chỉ có quyền đi bỏ phiếu còn luật pháp thì do người đại diện đưa ra mà người dân không có quyền lên tiếng trong tiến trình làm luật đó (nền dân chủ ở Hoa Kỳ là thí dụ điển hình) thì đây chính là nền dân chủ đảng tranh chứ không phải nền nhân chủ dân chủ.
Tư tưởng Z phải được thể hiện từ đáy tầng lên đến thượng tầng (thành phần lãnh đạo quốc gia) thì mới có một thể chế Z theo đúng chủ thuyết Z. Còn nếu tư tưởng Z chỉ phổ biến ở thành phần lãnh đạo quốc gia mà người dân hoàn toàn không biết về Z ra sao — thì người dân vẫn là thành phần bị những người hiểu tư tưởng Z dẫn dắt thay vì chính người dân tự chủ làm chuyện dẫn dắt cuộc sống mình, còn thành phần thượng tầng làm nhiệm vụ điều hành công việc để toàn thể mọi người trong xã hội được đồng đều thăng tiến.
Những người theo đuổi Z, từ 70 năm trước hay hiện tại, không đứng bên lề đường lịch sử mà họ đang cố gắng để triển khai Z vào thực tế, vào đáy tầng dù rằng đến hôm nay việc đó vẫn chưa hình thành rõ ràng, mạch lạc, có bài bản. Sự triển khai này ra sao, có bao nhiêu người có khả năng để triển khai thì đây chính là vấn đề mà những ai theo đuổi Z cần phải nhìn lại. Khả năng của mình là gì? Quan tâm về tư tưởng hay quan tâm về hành động (activist)? Nếu quan tâm về hành động thì người triển khai tư tưởng Z sẽ làm gì để giúp người hành động? Cũng không thể bắt người hành động tham gia viết về tư tưởng bởi đó không phải là sở trường của họ. Tại sao có người theo đuổi Z cho rằng tư tưởng rất là quan trọng nhưng đến hôm nay, tư tưởng Z vẫn chưa được triển khai thành bài bản để giúp mọi người trong xã hội, từ thường dân đến những người có sự suy nghĩ chiều sâu, hiểu Z theo mỗi trình độ của họ? Tại sao có những cuốn sách nói về Z mà chỉ lập lại những gì người viết chủ thuyết Z, một hình thức nhai chữ, thay vì triển khai tư tưởng Z vào thực tế của mỗi thành phần trong xã hội, từ đáy tầng đến những người có học? Những quyển sách viết về Z sau này vẫn nặng nề, không phù hợp để đáy tầng hiểu rõ mình phải làm gì trong tiến trình sinh hoạt của xã hội — để cùng nhau tiến hóa hài hòa thay vì chỉ một thành phần trong xã hội tiến hóa.
Hãy triển khai tư tưởng Z cho từng thành phần trong xã hội, đặc biệt cho đáy tầng. Chuyện này không phải một sớm một chiều làm được ngay mà đòi hỏi thời gian, khả năng biết triển khai và triển khai những gì mình đã hiểu. Còn những gì chưa hiểu, không phải là chuyên môn của mình thì hãy để người khác, hoặc thế hệ nối tiếp làm chuyện đó chứ không thể nào ôm đồm; bắt người theo đuổi Z phải thuộc từng chữ, phải hiểu từ A đến Z về tư tưởng Z bởi đây là chuyện bất khả thi ngoại trừ cá nhân đó là thiên tài.
Đây chính là sự hòa vào dòng lịch sử của dân tộc theo khả năng của chính mình chứ không phải là đứng bên lề lịch sử. Hãy tự mình đi bằng đôi chân của chính mình chứ đừng vì sức ép bên ngoài để rồi tự mình phát cho chính mình một đôi hài thật to, to hơn chân (hay khả năng) mình để rồi cho rằng mình không đứng bên lề lịch sử thì không khéo, đôi hài đó làm mình té và làm hại cho cả tư tưởng Z về sau bởi sự sai lầm trong suy nghĩ, trong hành động — khi bài bản về tư tưởng Z chưa hề được chuẩn bị thành lớp lang, cho từng thành phần trong xã hội, mà đòi hòa vào dòng lịch sử. Giống như một người không biết bơi mà đòi nhảy xuống sông để hòa vào dòng sông.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)