Ghi Chú NL: Có thể bạn không đồng ý với hành trang mà tác giả đưa ra trong bài viết này. Tuy nhiên một người có lý tưởng cho quốc gia và dân tộc thì không thể thiếu hành trang mà tác giả chia sẻ. Tâm Phục phải được hiểu là rèn tâm luôn luôn trong sáng và chân chính để theo đuổi cái lý tưởng đã có trong suy tư. Tâm không rèn luyện để tiếp tục sáng và chính thì bản thân sẽ bị hủ hóa để dùng cái lý tưởng làm chuyện sơn đông mãi võ, làm hại đến công cuộc chung của mọi người.
Khi nói đến hành trang, người du hành nghĩ đến những vật dụng cần thiết cho cuộc hành trình; với người chiến sĩ là khí giới và ba-lô mang theo để chiến đấu với kẻ thù ngoài chiến trường. Nhưng người yêu nước luôn muốn đem lại sự tốt đẹp cho quê hương, thì phải có ý thức trách nhiệm đối với bản thân; tinh thần cộng đồng đối với xã hội và lòng yêu tổ quốc đối với tiền đồ của dân tộc thì niềm tin và ý lực là hành trang tối cần cho lý tưởng tiếp nối truyền thống dân tộc, trong công cuộc đấu tranh để quang phục quê hương, đòi NHÂN QUYỀN và DÂN QUYỀN hiện nay.
Trong bài viết này, người viết xin mạo muội nói lên ý niệm mộc mạc để hầu chia sẻ cùng các bạn yêu nước trên bước đường tranh đấu đem lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Bản cho dân tộc; Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.
Khởi điểm cho mọi việc làm, TRI và HÀNH phải hợp nhất; nghĩa là phải biết mình làm gì (?) và làm cách nào (?). Hành mà không tri như làm trong đêm tối và tri mà không hành như biết mà không làm chẳng đem lại lợi ích gì cho sự hiểu biết (như khối óc và con tim đang cất trong tủ đông). Cho nên người đấu tranh trên bước đường tranh đấu mà thiếu tư tưởng dẫn đạo e rằng sớm dễ bị thui chột. Để mạnh tiến trên con đường chông gai trước mặt; hai yếu tố rất cần cho tư tưởng được sáng suốt là NIỀM TIN và Ý LỰC.
Một khi con người tin vào tiền đồ của dân tộc họ là sức sống không thể bị bóp chết, vận mệnh quốc gia họ là tự do, dân chủ và nhân bản thì mọi áp bức hoặc đi ngược lại thì sẽ tạo ra sự khát vọng trong lòng mọi người dân họ, mà khi con người có niềm tin và ý lực thì sẽ có sự đứng lên phấn đấu cho những gì họ tin là sáng lạn và chính nghĩa, dù có bị nhà cầm quyền bắt bớt và tù đày. Cụ thể là hào khí của ngày 10 tháng 6 năm 2018, nhiều người dân bị bắt bớt và đi tù; năm 2021, người dân Miến Điện sẵn sàng chết bởi bọn quân đội cầm quyền độc ác, và người dân Cuba sẵn sàng bị trấn áp khi đòi tự do cho mọi người dân sống dưới chế độ cộng sản độc tài hơn nửa thế kỷ.
NIỀM TIN của người Thiên Chúa Giáo là tin vào đấng tối cao (thượng đế), người Phật Giáo là tin có cõi niết bàn; từ đó họ hành đạo theo chân lý của mỗi tôn giáo mà họ đặt niềm tin. Còn người yêu nước khi ta nhìn thấy dòng sông thì ta nghĩ đến bắt cây cầu. Niềm tin còn là ý chí, là suy tư đưa đến hành động để đạt được kết quả mà không cần phải có đủ tiện nghi hay phương tiện trước mặt. Nói cách khác, niềm tin còn là ngọn đuốc soi đường, là ngôi sao sáng trong đêm tối. Niềm tin của người sinh viên học sinh là ngày mai khi thành đạt sẽ góp phần vào việc xây dựng cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn; cho nên những bài học hóc búa hoặc khó hiểu sẽ là những thử thách cho chính họ để rèn luyện ý chí. Cũng như những người Việt tỵ nạn cộng sản luôn tin vào tình đồng bào nên họ xây dựng thành trì khắp nơi nhằm để phục vụ cộng đồng người Việt tỵ nạn và hỗ trợ cho quê hương khỏi bọn cộng sản khát máu.
Còn niềm tin của người yêu nước trong hay ngoài nước ngày nay, trong vai trò và trách nhiệm đối với tiền đồ dân tộc thì sao?
Tuy câu hỏi đặt ra đối với các bạn có tinh thần hoặc đang hăng say trong các hoạt động đấu tranh là thừa, nhưng người yêu nước cũng luôn nhắc nhở nhau để mỗi ngày chúng ta nắm vững vai trò trọng trách của mỗi người chúng ta trong công cuộc trọng đại nói chung như sau:
– Tin vào sự thành quả của công việc chúng ta mong muốn, mà kết quả là đáp ứng được khát vọng của đại đa số đồng bào trong và ngoài nước.
– Tin vào truyền thống hào hùng của dân tộc ta; là khi dân tộc bị đen tối nhất sẽ sinh ra những thế hệ oai hùng nhất như: Trần Hưng Đạo, Phù Đổng Thiên Vương, Anh em nhà Sơn Tây (Vua Quang Trung), Trưng Trắc – Trưng Nhị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lý Đông A, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, nhà đấu tranh Nguyễn Thái Học và gần đây nhất là sinh viên Trần Văn Bá từ hải ngoại đã bỏ xa hoa về chiến đấu để ươm từng giọt máu xuống lòng đất mẹ, và nhiều người trong nước đã bị giam cầm vì muốn nói lên tiếng nói cho người dân đang bị đối xử bất công trong cuộc sống. Ngày nay mỗi lúc một đông hơn của mọi tầng lớp xã hội đã ý thức được bổn phận của mình đối với tiền đồ dân tộc, mà hai yếu tố chính là tin vào đại khối của dân tộc và tin ở chính mình có đủ bản lĩnh để dấn thân cho đại cuộc.
Niềm tin tuy vô hình vô dạng, nhưng niềm tin còn là vũ khí vô biên. Một khi có niềm tin dù mọi trở ngại nào người có niềm tin cũng có thể vượt qua; như nhà phát minh ra bóng đèn Thomas Edison, qua ngàn lần thất bại nhưng ông cho đó là ngàn cách để tìm ra kết quả cho nhân loại ngày nay thừa hưởng. Như một nhà khai phá Elon Musk với niềm tin là sẽ đem lại cho nhân loại sống tốt hơn với kỹ nghệ xe điện, trong khi đó ba hãng xe hơi kỳ cựu là rào cản cho ông ta. Vì niềm tin từ không ta có thể biến thành có, từ yếu ta biến thành mạnh, từ ít ta biến thành nhiều. Niềm tin sinh ra chí khí, ý lực để rồi biến thành dung từ đó sẽ bẻ gãy mọi gông xiềng của thể chất hay tinh chất hoặc nói rõ hơn là thể xác đến tinh thần.
Khi nói đến niềm tin, chúng ta cần phải chú ý một điều:
Niềm tin không thể tự dưng mà có, mà phải có sự phối hợp từ ngoại cảnh và tâm linh. Mà sự phối hợp đó phải từ sự chân thật hay đúng với chân lý thì niềm tin mới thật sự phát sinh và phát triển theo nhu cầu.
Một khi niềm tin phát sinh, thì niềm tin cần phải được vun xới để được sinh sôi nảy nở. Mà yếu tố chính để xúc tác niềm tin là yếu tố TÂM PHỤC. Vì niềm tin như một ngọn lửa ngấm ngầm trong khúc củi; muốn có ngọn lửa bừng, thì phải quạt hay xới củi thường trực, để tạo thêm không khí cho thỏi thanh hồng phát động mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Cho nên yếu tố tâm phục phải được thường trực và liên tục không ngừng. Nếu tâm không chính và ý không ngay thì không thể nào có một niềm tin vững chắc, mà có thể đi ngược lại rồi sẽ bị thui chột hoặc rơi rụng dọc đường; bằng chứng là từ trước đến nay có rất nhiều người yêu nước rất tha thiết; thấy khốn cùng của đồng bào là chính nỗi đau của mình, nghĩ đến một ngày nào đó người dân có hạnh phúc thì chính là niềm vui của mình; chỉ vì niềm tin không vững chắc nên đã buông xuôi và vô tình làm ngược lại với những gì mình đã từng tâm nguyện.
Muốn có niềm tin vững chắc, chúng ta phải tạo dựng hoặc biến đổi những môi trường ở chung quanh ta mỗi ngày một thích ứng hơn; như: Chú tâm vào việc trau dồi ý chí, phương thức và hành động thực tiễn, tu bổ kiến thức, lý thuyết và lý luận hợp thời hợp tâm.
Nói tóm lại là luôn luôn phải cầu tiến, học hỏi góp phần vào các việc làm hữu ích cho cộng đồng, xã hội hay tập thể mà hầu có cùng chung mục tiêu mình đeo đuổi. Tất cả đều là chất liệu để niềm tin được mỗi ngày một phát triển; như có một người anh đã từng nói “dù ta chưa có cơ hội góp phần cho dân tộc hay nhân loại, nhưng ta có thể làm cho người chung quanh ta có được niềm tin cho đại cuộc.”
Một khi niềm tin được vững chắc nghĩa là TRÍ được hướng dẫn sáng suốt để nhận thức việc phải trái thì hành động mới được ngay thẳng. Cho nên ý lực được cấu kết bởi trí và động lực, từ đó tạo cho chúng ta có được chính khí hay chí khí để chúng ta đã tin là tất nhiên sẽ thành công trên bước đường đến mục tiêu.
Ý LỰC của người đấu tranh trên bước đường tranh đấu như là nội công của người võ sĩ khi lên đài. Nếu người võ sĩ khi lên đài chỉ tin vào niềm tin của mình, cũng chưa đủ mà còn phải biết mình biết người để dùng trí mà tấn thế để hạ đối phương. Cho nên ý lực còn là tự giác, nghĩa là biết lúc tĩnh lúc động mà xoay chuyển thế thời.
Ở phần trên, chúng ta đã đồng ý niềm tin là tất cả mà bây giờ lại có thêm ý lực là sao? Đúng niềm tin là tất cả! Vì niềm tin sinh nảy cho ý lực được trưởng thành đúng lúc. Vì đặc tính của niềm tin là thụ còn ý lực là động nên ta cần phải có cả hai thì mới xoay chuyển thời thế được theo ý mình mà gọi chúng là TÂM LỰC (những người luyện võ gọi là nội công).
Hầu hết, là người yêu quê hương hay đấu tranh thì ai ai cũng có hoài bảo cho chính mình và một lý tưởng để phục vụ, thì ngày hôm nay với hoài bảo và lý tưởng đó cần phải cụ thể hóa và biến nó thành sự thật bằng hành trang trong tư tưởng chính chắn và nghiêm chỉnh.
Để kết những lời mộc mạc, người viết xin được thay vào một câu thành ngữ như sau:
“Biến ước mơ thành ý chí, biến ý chí thành hành động.”
Michael Phương Minh Nguyễn